Nỗ lực thoát nghèo của người dân Ngư Thủy

  • 22:36 | Thứ Ba, 04/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xã bãi ngang Ngư Thủy (Lệ Thủy) đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm đều qua từng năm và hộ dân xin thoát nghèo ngày một tăng.
 
Ngư Thủy là xã bãi ngang của huyện Lệ Thủy, những hộ dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề đi biển, trồng trọt và chăn nuôi. Thế nhưng, do chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất đai khô cằn, nên phần lớn đời sống của người dân rất khó khăn.
 
Qua quá trình đánh giá rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu năm 2023, tổng số hộ nghèo toàn xã 102 hộ/1.450 hộ, chiếm 7,03% (giảm 46 hộ so với năm 2022, vượt chỉ tiêu huyện giao 1 hộ); hộ cận nghèo 129 hộ/1.450 hộ, chiếm 8,90% (giảm 46 hộ so với năm 2022, vượt 14 hộ so với chỉ tiêu huyện giao); 100% người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân được hỗ trợ mua thẻ BHYT; 100% người nghèo, người cận nghèo, người mới thoát nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu phù hợp, được vay vốn tín dụng ưu đãi theo quy định hiện hành... Đến nay, với sự hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, nhiều hộ gia đình thuộc hộ nghèo ở xã đã mở mang sản xuất, vươn lên trong cuộc sống và thoát nghèo.
 
Chúng tôi tìm đến thăm gia đình anh Trần Đức Lè và chị Nguyễn Thị Lời, ở thôn Liêm Bắc, xã Ngư Thủy. Gia đình anh chị là một trong những hộ còn khó khăn của xã. Do sức khỏe yếu nên anh Lè không thể thường xuyên đi biển, chỉ làm những việc lặt vặt giúp vợ con, cuộc sống không ổn định. Năm 2021, gia đình anh được hỗ trợ gà giống để phát triển chăn nuôi. Từ tiền lãi chăn nuôi gà, gia đình anh Lè nuôi thêm lợn, từ đó có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống.
 
Anh Trần Đức Lè cho biết: Dù hoàn cảnh gia đình có khó khăn nhưng vợ chồng tôi vẫn quyết tâm, cố gắng chắt chiu, dành dụm để con cái được học hành đến nơi đến chốn. Ngày thường, tôi đi biển, những ngày thời tiết không thuận lợi tôi ở nhà chăm sóc đàn gà và cố gắng làm nhiều công việc khác để vươn lên thoát nghèo.
Bà Trần Thị Nghị, thôn Thanh Liêm, xã Ngư Thủy sử dụng hiệu quả vốn vay và dần thoát nghèo.
Bà Trần Thị Nghị, thôn Thanh Liêm, xã Ngư Thủy sử dụng hiệu quả vốn vay để thoát nghèo.
Hay như câu chuyện xin ra khỏi hộ nghèo của bà Trần Thị Nghị và ông Nguyễn Đức ở thôn Thanh Liêm, xã Ngư Thủy là một ví dụ. Trước đây, gia đình ông bà có thu nhập thấp, thuộc diện hộ nghèo, do sức khỏe yếu nên không thể vươn khơi bám biển. Giờ đây, gia đình mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để mở ngành nghề dịch vụ, làm hương và chổi đót. Mặc dù sản xuất quy mô nhỏ lẻ nhưng cũng giúp cho gia đình ông bà có thu nhập ổn định và thoát nghèo.
 
Bà Trần Thị Nghị chia sẻ: "Khi cảm thấy cuộc sống gia đình đã ổn định hơn, tôi đã mạnh dạn xin ra khỏi hộ nghèo, để góp phần giảm bớt số hộ nghèo trong xã, để dành nguồn hỗ trợ cho hộ nghèo khác."
 
Cùng với sự nỗ lực thoát nghèo của các hộ dân, thời gian qua với sự hỗ trợ của Nhà nước và địa phương, xã Ngư Thủy đã triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Theo đó, nhiều hộ nghèo đã được hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm và hưởng nhiều chính sách an sinh xã hội khác.
 
Anh Lê Quang Thắng, công chức Văn hóa-xã hội UBND xã Ngư Thủy cho hay: Thực hiện mô hình đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo bền vững, xã hiện có 20 hộ nghèo tham gia dự án, trong đó có 16/20 hộ đã thoát nghèo. Thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ, đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân nhằm thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
 
"Với sự nỗ lực, cố gắng của người dân và chính quyền địa phương trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 7,03% theo chuẩn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 55 triệu đồng/năm, 100% số hộ có tivi và các phương tiện nghe nhìn khác, tỷ lệ lao động có việc làm đạt 93%", Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Nguyễn Hữu Hiến cho biết thêm.
 
Theo lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, thời gian qua sở cũng đã đề xuất nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo được giá trị và lợi nhuận cao trên một đơn vị diện tích, giúp nhiều hộ gia đình ổn định kinh tế. Nhờ thực hiện lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước và tuyên truyền, khuyến khích người dân tự giác nâng cao ý thức trong công tác giảm nghèo, bộ mặt các xã bãi ngang nói chung và xã Ngư Thủy nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Hiền Phương

tin liên quan

Nhu cầu tìm kiếm việc làm giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2023

 

(QBĐT) - Từ đầu năm 2023 đến nay, dựa trên nhu cầu tìm kiếm việc làm của lao động trong tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình đã liên tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm.

Phục hồi thị trường lao động để giảm nghèo bền vững

(QBĐT) - Do khó khăn chung của nền kinh tế thị trường nên việc phục hồi và duy trì việc làm cho lao động trong các DN đang là bài toán khó, cần sự chung tay hỗ trợ của các cấp, ngành trong tỉnh để lao động dôi dư không trở thành hộ nghèo.

Nguy cơ rình rập học sinh trước cổng trường

(QBĐT) - Nhiều trường học nằm trên các tuyến đường giao thông chính-nơi có lưu lượng phương tiện lưu thông dày đặc-tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là vào thời điểm tan học có đông học sinh qua lại. Đây cũng là vấn đề khiến nhiều bậc phụ huynh, dư luận quan tâm, lo lắng.