Phục hồi thị trường lao động để giảm nghèo bền vững

  • 12:23 | Thứ Sáu, 31/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo số liệu báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), tính đến cuối năm 2022 trên địa bàn tỉnh có 4.015 doanh nghiệp (DN); trong đó có 18 DN Nhà nước, 3.974 DN dân doanh, 23 DN FDI đang hoạt động có doanh thu và thu hút khoảng 45.320 lao động. Tuy nhiên, do khó khăn chung của nền kinh tế thị trường nên việc phục hồi và duy trì việc làm cho lao động trong các DN đang là bài toán khó, cần sự chung tay hỗ trợ của các cấp, ngành trong tỉnh để lao động dôi dư không trở thành hộ nghèo.
 
Qua kết quả rà soát sơ bộ, các DN trên địa bàn tỉnh chủ yếu là DN nhỏ, số DN có sử dụng số lượng lao động trên 1.000 người chỉ có khoảng 4-5 DN, số còn lại chủ yếu sử dụng từ vài chục đến vài trăm lao động. Qua nắm bắt tình hình của các DN, từ cuối 2022 đến nay, mặc dù có một số DN bị ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh do hệ lụy từ dịch Covid-19 nhưng chưa có DN nào phải cắt giảm lao động nghiêm trọng; tuy nhiên có một số DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc có cắt, giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ một số ngày trong tháng để chờ đơn hàng.
 
Nguyên nhân việc giảm giờ làm trong các DN là do ảnh hưởng biến động chung của kinh tế thế giới; DN khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới để duy trì việc làm cho người lao động.
 
Trước thực tế phải đối mặt với bài toán “duy trì và phục hồi thị trường lao động”, Sở LĐ-TB-XH đã rà soát, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, cắt giảm sản xuất, kinh doanh của các DN để có phương án kết nối cung-cầu lao động; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm...
Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì việc làm, phục hồi thị trường lao động.
Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì việc làm, phục hồi thị trường lao động.
Đồng thời, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động nắm đầy đủ, kịp thời tình hình khó khăn của các DN, số lượng người lao động bị giảm giờ làm việc, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương; nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; đề xuất tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án sử dụng lao động...
 
Ông Đậu Hải Thanh, Giám đốc Công TNHH Thương mại và sản xuất Đức Quân (TP. Đồng Hới) cho hay: Dự án đầu tư của công ty bắt đầu triển khai thực hiện từ đầu năm 2022. Hiện, công ty đang tiến hành xây dựng nhà xưởng, lắp ráp hoàn thiện dây chuyền sản xuất viên gỗ nén năng lượng với tổng mức đầu tư gần 40 tỷ đồng. Đây là dây chuyền công suất 24.000 tấn sản phẩm/năm, doanh thu bình quân ước đạt khoảng 60 tỷ đồng/năm. Sau khi nhà máy đưa vào hoạt động sản xuất ổn định tạo việc làm cho 35 lao động, với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, nhu cầu thị trường về viên gỗ nén năng lượng khá cao, đặc biệt là thị trường các nước châu Âu, nên việc đầu tư mô hình này DN kỳ vọng là có hiệu quả.
 
Tại TX. Ba Đồn, các đơn vị, DN vẫn đang nỗ lực duy trì hoạt động nhằm tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân địa phương. Hiện, thị xã đang chú trọng mở rộng các ngành nghề truyền thống như mây tre đan lục giác tại xã Quảng Văn, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 800 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng.
 
Anh Phạm Văn Thanh, chủ cơ sở sản xuất mây tre đan Thân Trọng Hiếu, ở thôn La Hà Đông, xã Quảng Văn (TX. Ba Đồn) cho hay: "Hiện nay, có khoảng 100 hộ dân gia công cho cơ sở. Là người trẻ, chúng tôi mong muốn góp phần đưa sản phẩm của cơ sở vươn xa, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân, tránh để lao động nhàn rỗi, góp phần cùng với địa phương giảm nghèo bền vững."
 
Tỉnh Quảng Bình phấn đấu năm 2023, tạo việc làm cho 18.500 người, trong đó có khoảng 3.700 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; phấn đấu duy trì việc làm, phục hồi thị trường lao động nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,8%, hộ cận nghèo 0,5% góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Theo thống kê, trên địa bàn TX. Ba Đồn hiện có hơn 5.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, thu hút hơn 11.000 lao động địa phương. Ngoài các ngành nghề truyền thống, TX. Ba Đồn cũng đã mở rộng các nghề mới, như: Mộc mỹ nghệ, chế biến thủy hải sản, sản xuất gạch không nung…; qua đó đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương. Cùng với sự nỗ lực của cả tỉnh, tính đến cuối năm 2022, hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,52%, hiện còn 5,0%; hộ cận nghèo giảm 0,62%, hiện còn 4,76%.
 
Đứng trước những khó khăn, thách thức hiện tại giải pháp cho bài toán duy trì việc làm phục hồi thị trường lao động tại các DN, trong năm 2023, các DN trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, khắc phục khó khăn nhằm tạo việc làm ổn định cho người lao động, thực hiện đầy đủ các chế độ đối với người lao động theo quy định; tổ chức thực hiện các tiêu chí an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa và tiến bộ trong DN để ổn định sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động vào làm việc.
 
Mặt khác, các cơ quan, ban, ngành liên quan cũng sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người lao động cùng chia sẻ khó khăn chung với DN để cùng nhau vượt qua, sớm phục hồi sản xuất, thị trường lao động; thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của các DN nhằm kịp thời tham mưu giải pháp hỗ trợ phù hợp với thực tế của địa phương, duy trì hoạt động của các DN sản xuất để bảo đảm không bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu, lao động, kịp thời tạo việc làm cho người lao động...
 
Hiền Phương

tin liên quan

Vận động nhân dân giao nộp, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo

(QBĐT) - Ngày 29/3, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 54/KH-BCĐ vận động nhân dân giao nộp, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo năm 2023.

Hãy chọn con đường mà bản thân yêu thích và dám nỗ lực...

(QBĐT) - Cậu thanh niên trẻ Nguyễn Đình Vũ đã nói như thế khi nghĩ về quyết định lựa chọn học nghề thay vì theo học các trường đại học, cao đẳng như bạn bè đồng trang lứa. 

Nguy cơ rình rập học sinh trước cổng trường

(QBĐT) - Nhiều trường học nằm trên các tuyến đường giao thông chính-nơi có lưu lượng phương tiện lưu thông dày đặc-tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là vào thời điểm tan học có đông học sinh qua lại. Đây cũng là vấn đề khiến nhiều bậc phụ huynh, dư luận quan tâm, lo lắng.