Phát động phong trào "Đường tàu-Đường hoa"

  • 14:54 | Chủ Nhật, 02/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sáng 2/4, tại TP. Đồng Hới, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức lễ phát động phong trào “Đường tàu-Đường hoa”. Tham dự buổi lễ có đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan. 
Toàn cảnh lễ phát động phong trào
Toàn cảnh lễ phát động phong trào "Đường tàu-Đường hoa".
Tuyến đường sắt qua địa phận Quảng Bình có chiều dài 174,5km, đi qua 6 huyện, thị xã, thành phố với 42 xã, phường, thị trấn. Toàn tuyến có 19 nhà ga, 19 cung đường và các cung, trạm thông tin, đầu máy, toa xe.
 
"Đường tàu-Đường hoa" là một trong những phong trào được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phát động để hưởng ứng chương trình trồng “Một tỷ cây xanh”, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ, làm đẹp cảnh quan và phát triển bền vững môi trường sinh thái.
 
Phong trào được phát động trên phạm vi 34 tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua, trong đó Quảng Bình được chọn là địa phương làm điểm để phát động phong trào.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong cùng các tổ chức, đoàn thể ra quân trồng hoa và cây xanh tại khu vực Ga Đồng Hới
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong cùng các tổ chức, đoàn thể ra quân trồng hoa và cây xanh tại khu vực Ga Đồng Hới.
Phong trào “Đường tàu-Đường hoa” được thực hiện cơ bản theo mô hình xã hội hóa và dự kiến triển khai trong 3 năm. Theo đó, tại các khu ga, trụ sở làm việc của các đơn vị đường sắt, các cung cầu đường, trạm chắn, dải đất dọc hai bên đường sắt,… các đơn vị căn cứ vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để thực hiện việc trồng một loài hoa đặc trưng theo vùng miền với phương châm “Mỗi cung đường-Một loài hoa"; "Mỗi khu ga-Một điểm đến”.
 
Về lâu dài, từ phong trào sẽ hình thành nên con đường hoa dài nhất Việt Nam, trở thành điểm nhấn du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với các địa phương của Việt Nam.
Các tổ chức, đoàn thể trồng hoa hường tại Ga Đồng Hới
Các tổ chức, đoàn thể trồng hoa hường tại Ga Đồng Hới.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của phong trào “Đường tàu-Đường hoa”; đồng thời, khẳng định đây là một trong những hoạt động văn hóa có tính lan tỏa và tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội để cộng đồng nhận thức rõ hơn về ý nghĩa của việc trồng cây xanh.
 
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, ngành Đường sắt đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, đối với Quảng Bình là địa phương xác định lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn thì lĩnh vực dịch vụ vận tải, trong đó có ngành Đường sắt càng quan trọng hơn.
 
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn từ phong trào “Đường tàu-Đường hoa”, ngành Đường sắt nói riêng, các ban, ngành đoàn thể và người dân nói chung sẽ cùng chung tay, nỗ lực triển khai và duy trì tốt phong trào, xây dựng nên những cung đường hoa đẹp, thu hút du khách, tạo thêm điểm nhất cho phát triển du lịch Quảng Bình trong thời gian tới.
 
Ngay sau lễ phát động, các tổ chức, đoàn thể, đơn vị đã ra quân trồng các loại hoa và cây xanh tại khu vực Ga Đồng Hới.
 
Thanh Hoa

tin liên quan

'Từ trang trại đến bàn ăn' - Bài 2: Khó khăn và sức hút

(QBĐT) - "Từ trang trại đến bàn ăn" là mô hình sản xuất nông nghiệp nhiều tiềm năng để phát triển, tuy nhiên với người nông dân không phải ai cũng dám mạo hiểm đầu tư vì lo ngại còn tiềm ẩn khó khăn, thách thức. Nếu biết giải quyết những khó khăn, thách thức này thì mô hình sẽ thực sự có sức hút khó cưỡng với những ai muốn làm nông nghiệp nghiêm túc.

Phát triển tàu dịch vụ hậu cần nghề cá: Vẫn còn lắm khó khăn

(QBĐT) - Cùng với phát triển đội tàu cá công suất lớn khai thác hải sản xa bờ, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. 

'Từ trang trại đến bàn ăn'

(QBĐT) - Lâu nay, khái niệm nông nghiệp 3F (Feed-Fam-Food) hay còn gọi là "Từ trang trại đến bàn ăn" dường như còn khá mới lạ với không ít người nông dân. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn tỉnh, những mô hình theo hướng từ trang trại đến bàn ăn đã dần xuất hiện. Với những ưu việt: Sản xuất theo quy trình khép kín, tạo ra sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, sức cạnh tranh cao..., mô hình "Từ trang trại đến bàn ăn" hứa hẹn sẽ tạo sức hút và trở thành xu hướng làm nông nghiệp được nhiều người nông dân hướng đến.