Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Phía hữu ngạn Kiến Giang…

  • 06:31 | Chủ Nhật, 03/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mỹ Thủy nằm ở phía hữu ngạn dòng Kiến Giang của huyện Lệ Thủy. Mảnh đất này được vun đắp bởi phù sa màu mỡ của dòng sông nên hạt lúa, củ khoai, vườn cây luôn nặng trĩu, xanh mướt. Về Mỹ Thủy hôm nay, rất dễ nhìn ra sự “thay da, đổi thịt” trên mỗi con đường, nếp nhà khang trang. Để có được thành quả đó, chính quyền, người dân nơi đây đã không ngừng nỗ lực trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, dẫu phía trước còn nhiều trăn trở, lo toan…
 
Nông dân làm giàu
 
Ngày gia đình anh Nguyễn Hữu Tuân (SN 1974), thôn Mỹ Trạch ra vùng đất Già Rỉu cày xới trên những trũng đất lâu nay vốn bỏ hoang để trồng sen, nhiều người dân trong thôn không khỏi giật mình, ái ngại. Bây giờ, thành quả hiện hữu sau hơn 4 năm vất vả đó của gia đình anh chính là nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm từ trồng sen và nuôi cá.
 
Nhớ lại chuyện cũ, anh Tuân chia sẻ: “Trước đây, khu vực trồng sen của gia đình tôi vốn là vùng trồng lúa ruộng sâu, tuy nhiên, việc canh tác không đưa lại hiệu quả nên người dân bỏ hoang. Nhận thấy nơi đây có tiềm năng phát triển nên gia đình tôi đã thuê lại để cải tạo trồng sen kết hợp với nuôi cá…”.
 
Để biết và hiểu về quy trình, kỹ thuật trồng sen, gia đình anh Tuân phải thuê thợ từ Thừa Thiên-Huế ra hướng dẫn với mức chi phí 1 triệu đồng/sào. Theo anh Tuân, kiến thức cơ bản thì hỏi ai cũng được, nhưng nếu gặp những người có kinh nghiệm hướng dẫn trực tiếp, bắt tay chỉ việc thì sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn.
Nhiều diện tích đất bỏ hoang đã được chuyển đổi sang trồng sen cho thu nhập cao.
Nhiều diện tích đất bỏ hoang đã được chuyển đổi sang trồng sen cho thu nhập cao.
“Ban đầu, vừa học hỏi, vừa thử nghiệm nên gia đình tôi chỉ dám trồng 1ha sen, hiệu quả thu được năm đó không nhiều. Lời lãi mỗi ngày sau khi trừ chi phí chỉ đủ để bảo đảm sinh hoạt, ăn uống cho các thành viên trong gia đình. Năm 2020, tôi mạnh dạn mở rộng diện tích sen lên 2,6ha. Nhờ kinh nghiệm tích lũy từ vụ trước cộng với học hỏi thêm kiến thức nên việc trồng sen đến nay cơ bản thuận lợi, mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng…”, anh Tuân cho biết.
 
Cùng với mô hình trồng sen, gia đình anh Tuân còn nuôi thêm cá dưới đầm sen, nuôi gà, lợn để tạo thành mô hình trang trại tổng hợp. Mỗi năm thu nhập từ trang trại của gia đình cho khoản lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng.
 
Khu vườn của gia đình bà Nguyễn Thị Vượng (SN 1974) ở thôn Mỹ Trạch được khai hoang, cải tạo từ vùng “tử địa” của địa phương này. Sau hơn 6 năm mồ hôi ướt sũng trên những vạt áo, máu tứa trên từng luống đất, gia đình bà Vượng đã xây dựng được một khu vườn khá bắt mắt.
 
Theo chia sẻ của bà Vượng, bà bám vùng “tử địa” này từ những năm 90 của thế kỷ trước, ban đầu chỉ trồng vài củ sắn, củ khoai, sào lúa, cuộc sống hàng ngày của gia đình vẫn bấp bênh. Đang loay hoay tìm hướng để phát triển kinh tế, chưa biết bắt đầu từ đâu thì bỗng được "thắp sáng" từ ý tưởng của một thành viên trong gia đình. “Trong chuyến về quê thăm gia đình, quan sát vườn nhà, đứa con trai của tôi hiến kế cho bố mẹ nên mua giống chanh tứ mùa ở miền Nam về trồng để có thu nhập”, bà Vượng cho biết.
 
Nghe con trai phân tích về lợi ích của việc trồng giống chanh mùa, vậy là 700 gốc chanh đã được mua về, chỗ nào đất trống gia đình bà Vượng đều trồng chanh. Đến nay, vườn chanh hơn 3.000m2 của gia đình bà Vượng đã cho quả quanh năm, mỗi năm thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Không những thế, gia đình bà còn đào hơn 1.500m2 ao để thả cá, nâng cao thu nhập.
 
Vẫn còn trăn trở phía trước…
 
Mỹ Thủy là vùng đất bán sơn địa của huyện Lệ Thủy, nơi đây có nhiều tiềm năng để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, trồng rừng… Tận dụng lợi thế này, địa phương đã chủ động triển khai các chương trình trọng điểm nhằm phát huy thế mạnh của vùng đất, phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho nhân dân.
 
Đến nay, địa phương đã chuyển đổi đất từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen với 2,6ha; duy trì tổng đàn gia súc hơn 4.000 con; chuyển đổi 0,6ha đất trồng rừng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu; chăm sóc, bảo vệ tốt hơn 300ha rừng trồng; mở rộng diện tích nuôi cá ao hồ, mặt nước…
 
Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thủy Nguyễn Thị Vinh cho biết: Địa phương có hơn 1.600 hộ với hơn 6.600 khẩu, người dân vẫn lấy sản xuất nông nghiệp làm cơ bản. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, cơ cấu kinh tế của Mỹ Thủy có những thay đổi, chuyển dịch, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và trồng rừng.
 
“Toàn xã hiện có 19 trang trại, 12 gia trại chăn nuôi tổng hợp; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn hơn 5%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 50 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm khoảng 50%... Đây là những con số khá ấn tượng với một địa phương quanh năm chịu ảnh hưởng của thiên tai…”, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thủy chia sẻ.
Khu vườn trồng chanh tứ quý của gia đình bà Nguyễn Thị Vượng.
Khu vườn trồng chanh tứ quý của gia đình bà Nguyễn Thị Vượng.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thủy, mấy năm gần đây, hậu quả của lũ lụt, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, khó lường. Các loại vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, thủy sản tăng giá đột biến; đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản... đã trực tiếp gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, thủy sản của địa phương.
 
“Chính quyền địa phương đã tập trung tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế, trong đó tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả,phát triển các loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao; chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng; khuyến khích chuyển đổi giống cây trồng khác có giá trị kinh tế cao; mở rộng diện tích nuôi thủy sản, đa dạng đối tượng nuôi với các loại có chất lượng, giá trị; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh để tăng năng suất, hiệu quả sản xuất…”, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thủy cho biết thêm.
 
"Năm 2022, xã Mỹ Thủy đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-2%; thu nhập bình quân đầu người đạt 53,5 triệu đồng/năm; duy trì xã đạt chuẩn nông thôn mới; giải quyết việc làm cho 120 lao động; tỷ lệ hộ dùng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình tham gia tổ chức thu gom, xử lý rác thải đạt 100%; độ che phủ rừng đạt trên 76,5%... Ngoài nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mỹ Thủy, nếu có thêm sự hỗ trợ từ các cấp, ngành, chắc chắn địa phương sẽ thuận lợi hơn trên chặng đường phát triển kinh tế …", Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thủy Đặng Văn Dương cho biết.
 
Ngọc Hải

tin liên quan

Trận đánh trước cửa ngõ Sài Gòn

(QBĐT) - Gần nửa thế kỷ trôi qua từ ngày chiến thắng 30/4/2975, nhưng với tôi, một cựu chiến binh của Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) không bao giờ quên ký ức hào hùng của trận đánh trước cửa ngõ Sài Gòn năm xưa.

Có những ngày tháng tư như thế…

(QBĐT) - Những ngày tháng tư lịch sử 47 năm về trước như một cuốn phim tài liệu đặc biệt đang lần lượt quay trong tâm trí hàng triệu người con dân Việt, nhất là những người đã trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến giai đoạn lịch sử có một không hai đó... Và ngày 30/4, tiếng reo vui "Sài Gòn giải phóng rồi!" vỡ òa khắp 3 miền đất nước!

Thần tốc trồng cây, xây nhà chờ..."bắt vạ"?

(QBĐT) - Mặc dù đã được cảnh báo nhưng nhiều hộ dân ở huyện Quảng Trạch vẫn ồ ạt xây dựng nhà cửa, tường rào, trồng cây... chờ đền bù Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.