Trận đánh trước cửa ngõ Sài Gòn

  • 07:02 | Thứ Bảy, 30/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Gần nửa thế kỷ trôi qua từ ngày chiến thắng 30/4/2975, nhưng với tôi, một cựu chiến binh của Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) không bao giờ quên ký ức hào hùng của trận đánh trước cửa ngõ Sài Gòn năm xưa.
 
Sau khi cùng các đơn vị bạn giải phóng Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) chúng tôi tiếp tục cùng binh đoàn ngày đêm hành quân bằng cơ giới tiến về giải phóng Sài Gòn. Ngày 23/4/1975, các cánh quân của binh đoàn đã tiến sát đông bắc Sài Gòn và tập kết trong các cánh rừng cao su, làm công tác chuẩn bị, bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Lúc này, cấp trên giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 101 đánh chiếm quận lỵ Long Thành (tỉnh Đồng Nai), mở đường cho cánh quân phía đông tiến về giải phóng Sài Gòn.
 
Quận lỵ Long Thành nằm trên đường từ Vũng Tàu đi Biên Hòa, từ đây còn có thể đi về Sài Gòn theo Quốc lộ 25 nên ở đây còn được gọi là “cánh cửa thép” phía đông của địch. Vì thế mục đích giải phóng quận lỵ này của ta là nhằm cắt đứt tuyến đường huyết mạch giữa Biên Hòa và Vũng Tàu, mở đường cho cánh quân hướng đông tiến về giải phóng Sài Gòn.
 
Trong trận này, Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 101 chúng tôi lại được trên giao nhiệm vụ: “Là mũi thọc sâu chủ yếu cùng với 5 xe tăng T54 đánh chiếm quận lỵ Long Thành-cửa ngõ phía đông của Sài Gòn mở đường cho cả binh đoàn tiến về giải phóng Sài Gòn”.  Tôi tiếp tục được cấp trên giao nhiệm vụ làm phái viên đốc chiến của trung đoàn đi cùng Tiểu đoàn 1 của Nguyễn Ánh Dương (quê Thái Bình).
 Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 sau khi đánh chiếm Tòa hành chính quận 9 Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 sau khi đánh chiếm Tòa hành chính quận 9 Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975.

17 giờ 15 phút (giờ G) ngày 26/4/1975, sau khi pháo binh ta bắn hàng trăm quả đạn vào quận lỵ Long Thành, các đơn vị trong trung đoàn cùng với xe tăng tiến thẳng vào chi khu quận lỵ. Đi đầu là Tiểu đoàn 1 cùng với 5 xe tăng T54, cắm cờ giải phóng thẳng tiến theo con đường đất đỏ từ rừng cao su vào chi khu quận lỵ Long Thành. Trước sức áp đảo của bộ binh, xe tăng và pháo binh ta, quân địch ở quận lỵ Long Thành bị động, bỏ chạy tán loạn, một số co cụm lại hai bên đường chống cự yếu ớt.

Sáu giờ tối, mũi thọc sâu của Tiểu đoàn 1 đã vào đến trung tâm quận lỵ. Sau một thời gian co cụm, lúc này, địch bắt đầu chống trả quyết liệt, trận chiến trở nên gay go, ác liệt hơn, pháo binh địch bắn tới tấp vào hướng tiến của quân ta. Máy bay trực thăng bắn đạn rốc két và 20 ly, máy bay phản lực F5 ném bom vào đội hình của đơn vị. Nhưng với sự yểm trợ của xe tăng, các chiến sĩ ta vẫn bình tĩnh lợi dụng địa hình địa vật xông lên tiêu diệt các ổ đề kháng của địch.

Trời tối dần, lợi dụng lúc màn đêm buông xuống, tàn binh địch ở các ngõ hẻm, các thôn, xóm hai bên đường bắt đầu nống ra chống cự quyết liệt. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ánh Dương không nao núng. Anh lập tức ra lệnh cho các đại đội chia làm nhiều mũi, nhiều hướng tiếp tục lùng sục, truy quét tàn binh địch. Sau đó, tiểu đoàn hình thành hai mũi phát triển xuống hướng đi Vũng Tàu và thẳng lên hướng xa lộ Biên Hòa.        

Đêm về khuya. Tiếng súng các loại của ta vẫn nổ giòn giã. Địch cho trực thăng đến trút đạn bừa bãi xuống các thôn, xóm xung quanh quận lỵ. Pháo binh địch ở các căn cứ sát nách Sài Gòn cũng tập trung tới tấp bắn vào hướng tiến của quân ta. Mặc mưa đạn kẻ thù, các đơn vị của trung đoàn vẫn tìm địch để diệt.
 
Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ánh Dương như một con thoi lao qua chỗ này đến chỗ khác, kịp thời động viên chỉ huy đơn vị tiêu diệt địch. Lúc này, ở phía ấp Thái Lạc, địch điên cuồng chống cự. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ánh Dương vội vàng cùng với các chiến sĩ trinh sát lao về phía đó. Một chiến sĩ bị một viên đạn AR15 cắm vào đùi, anh dừng lại băng bó vết thương cho chiến sĩ đó rồi tiếp tục tiến.
 
Đến trước cổng nhà thờ, địch ở trong bắn ra như mưa. Nguyễn Ánh Dương vừa quay lại nói với chiến sĩ thông tin truyền mệnh lệnh cho các đại đội xong, thì một loạt đạn AR15 đỏ lừ từ cổng nhà thờ bắn ra bay về phía anh. Anh lảo đảo ngã xuống, chiến sĩ trinh sát Nguyễn Văn Ảnh đã nhanh chóng lia trọn 1 băng đạn AK về phía đó. Mấy tên địch đền tội tại chỗ. Tiếng súng im bặt. Lúc này, Chính trị viên tiểu đoàn Trần Mạnh Thao (quê Tuyên Hóa) cũng vừa tới nơi, anh bế thốc Nguyễn Ánh Dương dậy. Quả tim nhiệt tình sôi sục, ý chí chiến đấu của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ánh Dương đã ngừng đập. Lúc đó là 23 giờ ngày 26/4/1975.
 
Vĩnh biệt Nguyễn Ánh Dương-người đồng đội, người chỉ huy táo bạo, dũng cảm-cả đơn vị hứa sẽ trả thù cho anh. Tinh thần chiến đấu dũng cảm của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ánh Dương như tăng thêm sức mạnh thôi thúc, giục giã cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị xốc tới. Đến 17 giờ ngày 27/4/1975, đơn vị đã tiêu diệt hết tàn quân ngụy ở chi khu quận lỵ Long Thành, bắt sống 40 tù binh, thu nhiều vũ khí quân trang, quân dụng. Quận lỵ Long Thành hoàn toàn giải phóng, mở rộng “cánh cửa” cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975.  
 
Chiến tranh đã chấm dứt 47 năm rồi, nhưng đến bây giờ, tôi vẫn không bao giờ quên hình ảnh của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ánh Dương đã anh dũng hy sinh trong trận đánh trước cửa ngõ Sài Gòn năm xưa.
 
           Hồ Duy Thiện 

tin liên quan

Cùng doanh nghiệp gỡ khó

(QBĐT) - Trước những khó khăn mà doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp phải do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gói vay hỗ trợ doanh nghiệp đã được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) triển khai đến các địa phương. Nhờ gói vay ưu đãi này, nhiều doanh nghiệp đã "vực dậy" để ổn định sản xuất, kinh doanh.

Quảng Trạch: 4 học sinh rủ nhau đi tắm biển, 1 em mất tích

(QBĐT) - Trưa nay, 29/4, ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông (Quảng Trạch) cho biết, chính quyền địa phương đang huy động lực lượng khẩn trương tìm kiếm 1 học sinh lớp 8 bị mất tích sau khi tắm biển ở trên địa bàn.
 

Ấm áp tình thương "Mẹ đỡ đầu"

(QBĐT) - Với chương trình "Mẹ đỡ đầu-Kết nối yêu thương", Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Trạch đang nỗ lực kết nối, giúp đỡ cho nhiều trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Bằng niềm tin, sự đồng cảm và tình yêu thương con trẻ, họ trở thành điểm tựa vững chắc cho các em trong hành trình đi tới tương lai.