Phát huy nguồn vốn tín dụng

  • 06:07 | Thứ Năm, 28/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thông qua các tổ chức chính trị-xã hội, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Ngân hàng CSXH đã đến được với nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách và người dân ở tất cả các thôn, tổ dân phố của 15/15 xã, phường của TP. Đồng Hới. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Đầu năm 2021, chị Trần Thị Bi, phường Đức Ninh được Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho vay số tiền 50 triệu đồng theo gói vay giải quyết việc làm.
 
Vui mừng vì được hỗ trợ vốn vay kịp thời để phát triển kinh tế, chị Bi chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi có xưởng sản xuất hương truyền thống quy mô tương đối lớn với 4 máy sản xuất. Cơ sở đang trên đà sản xuất tốt và ổn định đầu ra thì năm 2020, xưởng sản xuất không may bị lửa thiêu cháy. Toàn bộ máy móc, nhà xưởng, nguyên vật liệu sản xuất bị phá hỏng và thiêu rụi hoàn toàn. Thiệt hại ước tính lên đến hơn 1 tỷ đồng".
 
"May mắn được Hội Nông dân phường tạo điều kiện cho vay gói giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH, với số tiền 50 triệu đồng, tôi mạnh dạn vay thêm để xây dựng lại nhà xưởng và mua lại 2 máy sản xuất hương. Hiện tại, cơ sở sản xuất hương của gia đình tôi đang khôi phục dần. Sắp tới, sau khi sản xuất ổn định và có thêm vốn, tôi sẽ mở rộng thêm nhà xưởng để tăng số lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng”, chị Bi cho biết thêm. 
Nguồn vốn tín dụng CSXH góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, chị Trần Thị Bi đã đầu tư phát triển mô hình sản xuất hương
Cũng nhờ được tiếp cận gói vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH, chị Nguyễn Thị Thủy, phường Đức Ninh đã có cơ hội mở rộng quy mô chuồng trại để phát triển kinh tế.
 
“Trước đây, gia đình tôi không có nguồn vốn nên chỉ biết chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong vườn chỉ nuôi 1 đến 2 con lợn và ít con gà nên hiệu quả kinh tế không có. Từ khi được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn, trung bình mỗi năm đầu tư chăn nuôi 3 lứa, mỗi lứa 10 con. Nhờ biết đầu chăn nuôi theo quy mô lớn nên mỗi năm gia đình tôi thu lại lợi nhuận 200 triệu đồng”, chị Nguyễn Thị Thủy cho hay.
 
Trong những năm qua, với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhiều cá nhân, hộ gia đình đã có thêm cơ sở để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Theo thống kê của Ngân hàng CSXH tỉnh, chỉ tính riêng trong năm 2021, tổng doanh số cho vay trên địa bàn TP. Đồng Hới đạt trên 114 tỷ đồng, tăng 16,1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020 với 2.282 lượt khách hàng vay. Bình quân cho vay 50 triệu đồng/khách hàng, tăng 10,8 triệu đồng/khách hàng so với năm 2020. Một số chương trình có doanh số cho vay lớn, như: Cho vay giải quyết việc làm, cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...
 
Trong 3 tháng đầu năm 2022, có 737 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn TP. Đồng Hới được vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 525 lao động; xây dựng 159 công trình nước sạch, 159 công trình vệ sinh; hỗ trợ 24 lượt người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh cho biết: Ngân hàng CSXH tỉnh đã thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, qua đó tiếp tục góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm và an sinh xã hội trên địa bàn TP. Đồng Hới.
 
Hoạt động ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục được triển khai thực hiện tốt thông qua 15 điểm giao dịch xãvới 151 tổ tiết kiệm và vay vốn bảo đảm an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, hoạt động cho vay tín dụng đã kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
 
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, hàng năm, Ngân hàng CSXH tỉnh đã làm việc với các ban, ngành có liên quan, cung cấp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022, hộ mới thoát nghèo năm 2021 để làm căn cứ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng.
 
Thời gian tới, để hoạt động vay vốn tín dụng chính sách thực hiện hiệu quả, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị, tổ chức trong mạng lưới tập trung giải ngân phục vụ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; đồng thời nắm bắt khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ để có biện pháp tháo gỡ.
 
Đ.N

tin liên quan

Đẩy mạnh hỗ trợ khách hàng về vốn vay

(QBĐT) - Ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 11). Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành Ngân hàng đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể nhằm đẩy mạnh hỗ trợ khách hàng về vốn vay.

100% đơn vị hành chính sự nghiệp và tổ chức khác đăng kí thành công hoá đơn điện tử

(QBĐT) - Ngày 26/4, thông tin từ Chi cục Thuế khu vực Quảng Trạch-Ba Đồn cho biết, đến thời điểm hiện tại, 100% các đơn vị hành chính sự nghiệp và tổ chức khác trên địa bàn thị xã đăng kí thành công hoá đơn điện tử.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và bình ổn thị trường xăng dầu

(QBĐT) - Ngày 25/4, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Công văn số 680/UBND-KT về việc tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu, bảo đảm nguồn cung và bình ổn thị trường xăng dầu.