Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Khát vọng vùng cát

  • 07:21 | Thứ Sáu, 18/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ lâu, khi nói đến Quảng Bình người ta thường nghĩ đến một vùng đất nghèo khó bởi “gió Lào và cát trắng”. Cũng có rừng, có biển, có đồng bằng, sông suối ấy vậy mà CÁT bao đời vẫn là nỗi niềm day dứt của người dân quê tôi.
 
Rừng cho gỗ làm nhà; biển cả, sông suối cho tôm cho cá; ruộng đồng cho lúa, cho khoai; còn cát... chỉ cho nắng và gió. Là nơi eo thắt của dải hình chữ S, phía Tây sừng sững Trường Sơn, phía Đông bao la biển cả ở giữa chỉ có cánh đồng nhỏ hẹp bị chặn lại, xâm lấn bởi những cồn cát bay, cát lấp. Làm ra hạt lúa, củ khoai khốn khó, có đẩy thuyền mủng ra khơi lại gặp sóng to, gió lớn, “cá nước chim trời” bảo không nghèo sao được.
 
Nhớ lại ngày vua Lê Thánh Tông (1442-1497) tuần du về phương Nam, đến vùng đất Quảng Bình, nghỉ lại biển Di Luân nhìn từ chân đèo Ngang chỉ thấy: “Diểu diểu bình sa tiếp hải tần” (Mịt mù bãi cát nối liền biển khơi). Đến trú quân ở cửa biển Nhật Lệ lại thấy: “Sa hàn địa lão tà dương ngạn/ Sương lẫm phong phi túc thảo khư” (Cát lạnh, đất cằn, bóng chiều xế bên bên sông/Sương mù lạnh, gió đêm thổi trên đồi cỏ hoang).
 
Vùng đất ấy còn lưu lại bao sử tích đời Lý, Trần. Theo gương người xưa, vua xuống phương Nam tiếp tục công cuộc mở mang bờ cõi cho: “Nhật tịch phong cương vạn lý dư”  (Để một ngày mở rộng bờ cõi hơn vạn dặm). Bao đời, người dân vùng cát vẫn bám trụ mưu sinh, bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc. Sách Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn viết: “Từ xã Động Hải đến cửa biển Minh Linh đường đi một ngày rưỡi, động cát liên tục sắc trắng óng ánh trùng điệp mấy tầng, như hình thành quách, ngoài đều rừng rậm, cách bờ biển chừng hơn một canh không có đường đi, ở trong thì thôn xóm liên tiếp có đến hàng trăm đinh tài văn vật từ trước vẫn phồn thịnh, đều ở cát, lưng dựa vào động cát, mặt trông ra sông”.
 
Dân vùng cát ở cửa biển, bãi ngang chủ yếu sống nghề chài lưới “ăn cá vá chài”. Dân vùng trong vẫn phải dựa vào cát mà sống bằng hạt lúa, củ khoai. Cát nghèo, cát khô nhưng vẫn cưu mang, đùm bọc người dân biết chịu thương chịu khó bởi những mạch nguồn trong suốt.
 
Sách Lê Quý Đôn viết: “Mạch cát chảy ra thành suối nước ngọt, dân chúng lấy dùng, lúa má nhờ được tưới nhuần thu hoạch rất tốt. Cứ mỗi quãng ba bốn xã thì có một dòng khe nhỏ, mùa thu nước chảy mạnh, mùa xuân thì khô khan. Giữa đường cát bay suốt ngày. Nhưng dân ở bên đường thường bừa qua rồi cấy lúa thì lúa tốt ngồn ngộn lên. Cây cối mọc trong cát trắng, cao lớn rườm rà, há chẳng lạ sao”[1]. Được cát cưu mang, cát đùm bọc, dân làng mới thủy chung với cát. Họ trồng cây gây rừng chống chọi với nắng hạn, bão lũ giữ cát khỏi bay, khỏi chảy lấp cả ruộng đồng, thôn xóm. Những cánh rừng phi lao chắn gió bám sâu vào cát vững chãi che chở cho thôn xóm bình yên.
Bên bờ Nhật Lệ
                                                  Bên bờ Nhật Lệ                                        Ảnh: Hành Tiến

Cũng như mọi miền trên đất Quảng Bình, người dân vùng cát phải vừa lo làm ăn, vừa lo đánh giặc. Đánh giặc để bảo vệ phên dậu Đại Việt thời Lý-Trần. Đánh giặc để tiếp tục mở mang bờ cõi vào phương Nam thời các chúa Nguyễn. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, làng cát Cảnh Dương ở phía Bắc, xã Hưng Đạo ở phía Nam là những làng chiến đấu kiểu mẫu từng làm quân thù khiếp đảm.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mỗi làng cát là một pháo đài thép chiến đấu kiên cường trước sự đánh phá hủy diệt bởi lực lượng không quân và hải quân Mỹ. Cát thành hầm hào che xương che máu, cát thành trận địa bắn cháy tàu chiến Mỹ, vít cổ Thần Sấm, Con Ma. Hàng trăm tấn bom đạn dội xuống hòng san phẳng làng cát Ngư Thủy nhưng người dân làng cát vẫn bám trụ “một tấc không đi, một ly không dời” ngoan cường đánh địch bảo vệ xóm làng. Chiến công của C gái Ngư Thủy bắn cháy hạm đội Mỹ ngoài khơi mãi mãi là bản anh hùng ca của quê hương "Hai giỏi".
 
Suốt mấy trăm năm lập nghiệp vùng cát quê tôi dần thay đổi, cuộc sống ngày một khấm khá hơn. Nhớ những năm giữa thế kỷ trước, khi đi qua Quảng Bình, nhà báo Nguyễn Trọng Thuật viết: “Thoạt đầu nhìn thấy những cồn cát vàng óng ánh hiện ra đẹp đẽ, nhưng lâu dần chúng gây một cảm giác buồn bã, tiêu điều”. “Hai bên đường quốc lộ những xóm làng xơ xác người dân vừa làm ruộng vừa lắng nghe tiếng biển gầm thét”. Giấc mơ no ấm từ cát tưởng chừng như xa vời vợi. Thế nhưng, bây giờ đã khác nhất là khi có công cuộc đổi mới. Khát vọng ấm no, hạnh phúc đang dần trở thành hiện thực.
 
"Một cảnh tượng mà ngay cả trong mơ cũng không nghĩ đến đang hiện hữu trên vùng cát Quảng Ninh, Lệ Thủy. 60 tua bin của Trang trại điện gió B&T đang quay tròn như reo vui đón gió..."
Làng biển xưa “ăn cá vá chài” chỉ có hơn chục thuyền “buồm lồng lái xỏ” thì nay đã có hàng trăm chiếc tàu với hàng nghìn mã lực vươn khơi. Con cá, con tôm xưa chỉ lên được chợ làng, chợ huyện thì nay đã đi xa hơn, vào các nhà hàng, siêu thị. Thôn xóm mọc lên những dãy nhà xây ngói đỏ thay cho những túp lều lợp cỏ rười che tạm nắng mưa. Những con đường làng không còn “cát bỏng chân người” mà được đổ bê tông, rải nhựa rộn ràng ô tô, xe máy. Đêm đến, ánh điện sáng trưng không còn những ngọn đèn hiu hắt à ơi câu hát ru buồn. Người làng cát đã quên rồi câu cửa miệng xưa “ăn cơm bữa diếp” để thay vào đó những bữa cơm gạo trắng, cá tươi... Được thế cũng no đủ lắm rồi. Nhưng đâu chỉ dừng lại đó, cát có thể cho ta nhiều hơn thế, giàu có, hạnh phúc hơn.
 
Con đường ven biển vừa được khởi công trên vùng cát Đại Trường Sa từ cửa Nhật Lệ đến cửa Tùng mà sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An viết sẽ hứa hẹn cho vùng cát quê ta cất cánh. Những cồn cát mênh mông chỉ có nắng và gió có ai ngờ lại là nơi có thể sản xuất ra nguồn năng lượng tái tạo lớn cho tương lai. Một cảnh tượng mà ngay cả trong mơ cũng không nghĩ đến đang hiện hữu trên vùng cát Quảng Ninh, Lệ Thủy. 60 tua bin của Trang trại điện gió B&T đang quay tròn như reo vui đón gió...
 
Nhiều khách sạn, villa, resort hiện đại đã và đang mọc lên. Với lợi thế bờ biển đẹp, chan hòa nắng gió du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, hứa hẹn thu hút du khách trong và ngoài nước để đưa du lịch Quảng Bình trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn thực sự trong tương lai. Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp không khói, công nghiệp năng lượng tái tạo vùng cát còn có thể phát triển những ngành sản xuất vật chất khác mạnh mẽ hơn.
 
Phải có thêm hàng trăm thậm chí hàng nghìn tàu lớn, trang bị hiện đại để vươn khơi, vươn xa vừa nâng cao hiệu quả, sản lượng đánh bắt vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Còn nhiều diện tích hoang hóa trên vùng cát trắng nhưng với con người chịu thương, chịu khó trong thời đại khoa học kỹ thuật 4.0, chúng ta có quyền mơ đến những trang trại nông nghiệp thông minh sản xuất ra nhiều sản phẩm xanh, chất lượng cao...
 
Khát vọng về một vùng cát trù phú, giàu có sẽ thành hiện thực nếu được phát triển một cách bền vững. Phải biết bảo vệ môi trường sinh thái để giữ vững mạch nguồn của cát cho con cháu mai sau. Phải bảo vệ sinh thái nhân văn trước hết là chăm lo lợi ích cho người dân sở tại, bởi họ là chủ nhân ngàn đời của cát. Được vậy, bộ mặt vùng cát chắc chắn sẽ tươi đẹp hơn, đời sống của người dân vùng cát chắc chắn sẽ ấm no, hạnh phúc hơn.
 
Phan Viết Dũng
[1] Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục. Nxb VHTTT.2006. Tr 136

tin liên quan

Làng mới bên "Cổng Trời"

(QBĐT) - Nằm đối diện với khu Di tích lịch sử Cổng Trời trên tuyến Quốc lộ 12A, khu tái định cư mới của bản Cha Lo (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) vừa hoàn thành đưa vào sử dụng. Mặc dù vẫn còn những lo toan, bỡ ngỡ ban đầu, nhưng từ bây giờ, khi mùa mưa lũ về, 34 hộ người Mày nơi đây đã không còn phải thấp thỏm lo âu vì sạt lở đe dọa như ở bản cũ, khi được sống an toàn trong những ngôi nhà mới đẹp đẽ, khang trang…

Mùa mưa ở Khe Giữa

(QBĐT) - Đường 10 nối từ xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) vào bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) đã được rải nhựa, xe có thể chạy bon bon vào đến bản. Mùa mưa này, giữa bốn bề núi rừng, con đường như vắng người qua lại hơn. Khe Giữa cách trung tâm xã Ngân Thủy hơn 10km, ấy vậy mà rất xa ngái. Đến đây, mới biết dân bản còn bộn bề khó khăn, lo toan trong cuộc mưu sinh hàng ngày. Và, để kéo Khe Giữa lại gần hơn, vẫn còn đó những trăn trở…

Đất lành

(QBĐT) - Nhiều người gọi công việc của cán bộ, nhân viên dự án rà phá bom mìn là nghề đi săn "tử thần". Hàng ngày, họ phải khảo sát, tìm kiếm, xử lý nhiều bom mìn, vật liệu nổ (VLN) còn sót lại sau chiến tranh, đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm.