Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Đại thủy nông" Rào Nan - Hành trình nửa thế kỷ

  • 10:53 | Thứ Hai, 24/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đập thủy lợi Rào Nan được xây dựng hơn nửa thế kỷ trước bằng sức người giữa khốc liệt đạn bom chiến tranh. Công trình tiêu biểu cho sức mạnh đoàn kết của quân dân đất lửa Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ và không thể không kể đến những dấu ấn quyết đoán của cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan. Trải qua hơn nửa thế kỷ, công trình được nâng cấp, xây dựng bằng công nghệ hiện đại, tiếp tục sứ mệnh trong hành trình đổi mới của đất và người vùng Nam Ba Đồn.
 
Khát vọng nhiều đời
 
Ngược trở lại thời gian, những năm 60 của thế kỷ trước, 9 xã vùng Nam Quảng Trạch (nay là TX. Ba Đồn) với gần 7 vạn dân, có hơn 2.000ha ruộng lúa nhưng vẫn thiếu đói vài tháng trong năm. Bởi, nước mặn từ biển dâng lên theo thủy triều, mỗi năm chỉ đủ nước ngọt để canh tác lúa vụ 1.
 
Nước ngọt là khát vọng của nhiều thế hệ cư dân vùng Nam từ thuở lập làng, lập xã và càng trở nên bức thiết hơn trong khí thế toàn miền Bắc sục sôi thi đua sản xuất chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhưng làm thế nào để kéo đủ nước tưới vào ruộng trong khi Quảng Bình nói chung và cả vùng Nam bấy giờ nói riêng là “túi bom” của máy bay Mỹ. Ngày vài bận, từ cửa Gianh dọc lên thượng nguồn, máy bay Mỹ từ biển ập vào đánh phá ác liệt nhằm cắt đứt tuyến đường huyết mạch chi viện cho miền Nam.
Dự án đập thủy lợi Rào Nan mới nhìn từ trên cao. Ảnh: Bách Chiến.
Dự án đập thủy lợi Rào Nan mới nhìn từ trên cao. Ảnh: Bách Chiến.
Cuối năm 1967, Tỉnh ủy Quảng Bình họp bàn về vấn đề tự túc lương thực và ý kiến xây đập thủy lợi Rào Nan để cấp nước sản xuất cho vùng Nam Quảng Trạch, nhận được nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng không ít phản đối. Bởi để làm được con đập ngăn sông trong điều kiện trên bom, dưới đạn là điều không tưởng.
 
Cũng trong giai đoạn này, đoàn chuyên gia của các nước khối xã hội chủ nghĩa đã qua khảo sát và quyết định làm đập thủy lợi kiêm thủy điện ở khu vực Đồng Đâu, cách vị trí đập Rào Nan hiện nay khoảng 10km. Tuy nhiên, để làm được công trình này cần thời gian khảo sát, thi công dài hơi trong khi nhu cầu rất cấp bách. Người kiên trì ủng hộ kế hoạch xây đập Rào Nan lúc đó là ông Nguyễn Tư Thoan, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình.
 
Công trình của lòng dân
 
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến những dấu ấn của ông Nguyễn Tư Thoan trong quá trình xây dựng đập Rào Nan. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những nhân chứng trong giai đoạn ấy ít nhiều đã trôi vào dòng sông lịch sử. Quá trình tìm hiểu bài viết, có rất ít tài liệu nói về thời gian này và những người trực tiếp tham gia xây dựng đập Rào Nan lúc tuổi đôi mươi bây giờ cũng đã bước qua tuổi xưa nay hiếm.
 
Nhưng nói như bà Đinh Thị Diễn, nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Quảng Sơn (giai đoạn 1963-1975), đây là công trình đại biểu cho sức mạnh ý Đảng, lòng dân. Giữa bom đạn chiến tranh khốc liệt nhưng khi phát động, thanh niên từ 16 tuổi trở lên của xã vùng Nam Quảng Trạch đều tự nguyện làm dân công thủy lợi.
 
Ở cái tuổi ngoài 80, bà Diễn không còn nhớ nhiều việc nhưng khi nhắc đến giai đoạn xây dựng đập Rào Nan bà vẫn tỏ tường. Bà Diễn kể, sau khi họp bàn với cốt cán tỉnh, ông Thoan về vùng Nam, triệu tập tất cả thường vụ huyện ủy và đảng ủy các xã phổ biến phương án đắp đập. Trước đó, đích thân ông Thoan cùng lãnh đạo tỉnh, địa phương “đội mưa bom” đi khảo sát địa điểm toàn tuyến sông Rào Nan trong nhiều tháng trời. Sau đó, chọn khúc sông hẹp nhất tại thôn Linh Cận Sơn, với cách làm là lấy rọ thép bọc đá ngăn dòng Rào Nan.
 
“Những năm đó, máy bay đánh phá ác liệt nhưng cứ độ vài ngày là ông Thoan lại từ Đồng Hới ra kiểm tra tiến độ, động viên dân công, có lúc còn xắn tay chuyển đá cũng bà con”, bà Diễn nhớ lại.
 
Nhân dân vùng Nam, không kể già trẻ, hăng hái chuyển đá đắp đập, tất cả đều bằng sức người. Bà Hoàng Thị Dị, thôn Bắc Minh Lệ, xã Quảng Minh tham gia dân công đắp đập khi vừa tròn 20 tuổi nhớ lại, ngoài dân công chủ lực, kể cả học sinh, người già khi rảnh đều tham gia vận chuyển vật liệu đắp đập. Các xã vùng dưới thì dùng thuyền chở lên. Máy bay vào thì xuống hầm ẩn nấp, xong lại làm tiếp.
 
Đến cuối năm 1969, “đại thủy nông” Rào Nan thành hình hài, thành công ngăn dòng nước mặn từ biển lên trong niềm vui của hàng vạn cư dân vùng Nam. Nhưng phải đến những năm 1972, hệ thống kênh mương hoàn thành, nước tưới mới bắt đầu phủ khắp các xã vùng Nam.
 
Bà Dị nhớ lại, ngày khơi kênh, cả làng lớn bé ùa ra chạy theo dòng nước tràn vào ruộng lúa. Con trẻ vui đùa bên dòng nước mát, người lớn tuổi thì rưng rưng nước mắt, khát vọng nhiều đời đã thành hiện thực.
 
“Đại thủy nông” Rào Nan hoàn thành, cung cấp nguồn nước tưới cho hàng nghìn ha ruộng lúa để góp phần nuôi nấng, chở che, hun đúc cho các thế hệ con em vùng Nam Ba Đồn với khát vọng vươn lên nửa thế kỷ nay. Và nhiều người có ý tưởng lập bia tưởng niệm ông Nguyễn Tư Thoan ở khu vực đập Rào Nan để tưởng nhớ công lao của ông, nhưng với những người như bà Diễn, bà Dị và hàng vạn cư dân vùng Nam thì bia tưởng niệm đã có sẵn trong lòng người...
 
Tiếp tục sứ mệnh
 
Dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan được thiết kế với công nghệ hiện đại, có cao trình 8m, trữ lượng 10 triệu m3. Hệ thống thoát nước tràn tự do và các van thẳng có chức năng trữ nước trong mùa khô.

Giai đoạn đập Rào Nan hoàn thành, không biết vô tình hay không nhưng theo như nhiều người dân ở khu vực Quảng Sơn, Quảng Minh kể lại, cường độ máy bay Mỹ ném bom khu vực này nhiều hơn những năm trước đó. Năm 1973, xã Quảng Sơn bị B52 rải thảm, thế nhưng con đập vẫn hiên ngang giữa dòng Rào Nan và phát huy giá trị của mình suốt 5 thập kỷ sau đó.

Cuối tháng 12-2019, dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan được triển khai khởi công để đáp ứng các nhu cầu phát triển của thời cuộc. Đây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Quảng Bình.
Công trình bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho 22 xã ở hạ lưu sông Gianh thuộc TX. Ba Đồn và huyện Quảng Trạch. Ảnh: Bách Chiến.
Công trình bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho 22 xã ở hạ lưu sông Gianh thuộc TX. Ba Đồn và huyện Quảng Trạch. Ảnh: Bách Chiến.
“Phiên bản” mới được xây dựng với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý. Sau khi hoàn thành, công trình sẽ bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho 22 xã ở hạ lưu sông Gianh thuộc TX. Ba Đồn và huyện Quảng Trạch.
 
Ngoài ra, công trình còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái, an toàn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất tập trung, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích canh tác; đặc biệt, dự án cũng có công năng điều tiết lũ...
 
Bí thư Đảng ủy xã Quảng Sơn (TX. Ba Đồn) Mai Trung Kiên chia sẻ, trong trận mưa lớn hồi tháng 9-2021 vừa qua, nước về nhanh, tuy nhiên, cùng với cường độ như vậy vẫn chưa gây ngập cục bộ như các năm trước. Nếu lũ lớn lịch sử thì chưa biết nhưng rõ ràng đây là một tín hiệu vui.
 
Những ngày đầu tháng 12, chúng tôi về Rào Nan, những phần việc cuối cùng đang được gấp rút hoàn thành trước khi đưa vào sử dụng. Công trình mới sừng sững giữa dòng Rào Nan và hứa hẹn những đóng góp to lớn trong hành trình đổi mới của đất và người vùng Nam Ba Đồn.
Xuân Phú

tin liên quan

Làng mới bên "Cổng Trời"

(QBĐT) - Nằm đối diện với khu Di tích lịch sử Cổng Trời trên tuyến Quốc lộ 12A, khu tái định cư mới của bản Cha Lo (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) vừa hoàn thành đưa vào sử dụng. Mặc dù vẫn còn những lo toan, bỡ ngỡ ban đầu, nhưng từ bây giờ, khi mùa mưa lũ về, 34 hộ người Mày nơi đây đã không còn phải thấp thỏm lo âu vì sạt lở đe dọa như ở bản cũ, khi được sống an toàn trong những ngôi nhà mới đẹp đẽ, khang trang…

Mùa mưa ở Khe Giữa

(QBĐT) - Đường 10 nối từ xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) vào bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) đã được rải nhựa, xe có thể chạy bon bon vào đến bản. Mùa mưa này, giữa bốn bề núi rừng, con đường như vắng người qua lại hơn. Khe Giữa cách trung tâm xã Ngân Thủy hơn 10km, ấy vậy mà rất xa ngái. Đến đây, mới biết dân bản còn bộn bề khó khăn, lo toan trong cuộc mưu sinh hàng ngày. Và, để kéo Khe Giữa lại gần hơn, vẫn còn đó những trăn trở…

Làng nơi chân sóng

(QBĐT) - Không còn cảnh vắng lặng do phong tỏa, những ngày này, người dân những làng biển bãi ngang đã dần quay lại với nhịp sống vốn có. Họ cần mẫn, miệt mài cho một mùa biển mới, với những niềm hy vọng mới, cho dù dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp ở ngoài kia.