Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Đất lành

  • 14:11 | Thứ Sáu, 24/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhiều người gọi công việc của cán bộ, nhân viên dự án rà phá bom mìn là nghề đi săn “tử thần”. Hàng ngày, họ phải khảo sát, tìm kiếm, xử lý nhiều bom mìn, vật liệu nổ (VLN) còn sót lại sau chiến tranh, đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm. Tuy nhiên, bằng trách nhiệm với nghề, họ không nề hà gian khó, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, trả lại sự bình yên vốn có cho những mảnh đất quê hương.
 
Đi săn “tử thần”
 
Được sự đồng ý của tổ chức Norwegian People’s Aid (tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy-NPA) tại Quảng Bình, chúng tôi đã có chuyến trải nghiệm thú vị cùng hoạt động của cán bộ, nhân viên dự án Khảo sát dấu vết bom chùm (CMRS) do tổ chức NPA đang triển khai tại Quảng Bình. Từ sáng sớm, cán bộ, nhân viên dự án đã có mặt tại trụ sở chuẩn bị tư trang, thiết bị và đúng 6 giờ 30 phút lên đường. Hôm đó, chúng tôi được dự án bố trí cùng đội khảo sát kỹ thuật (KSKT) đi xã Tây Trạch (Bố Trạch).
 
Trên đường đến hiện trường, anh Nguyễn Quốc Bảo, Quản lý hoạt động cấp tỉnh dự án CMRS chia sẻ, tổ chức NPA đảm nhận 2 dự án, gồm: Dự án CMRS và dự án Thiết lập và hỗ trợ đơn vị cơ sở dữ liệu, điều phối hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Quảng Bình (DBCU). Trong dự án CMRS có hai hoạt động: Khảo sát phi kỹ thuật và KSKT.
 
Đến nơi, sau khi chúng tôi khai báo y tế và được cán bộ dự án phổ biến các quy định bảo đảm an toàn trong quá trình khảo sát, thì mọi người ai vào việc đó. Giữa cái rét đầu đông, các nhân viên tổ chức NPA khoác trên mình bộ đồng phục ka-ki, mũ tai bèo, tay xách xẻng và chiếc máy dò kim loại cần mẫn làm việc trên những ngọn đồi, thửa ruộng…
Các nhân viên kỹ thuật dự án PTVN Quảng Bình thực hiện rà phá bom mìn tại xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy.
Các nhân viên kỹ thuật dự án PTVN Quảng Bình thực hiện rà phá bom mìn tại xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy. (Ảnh: Dự án PTVN Quảng Bình cung cấp)
Cô gái trẻ Lê Thị Yến Trang, nhân viên kỹ thuật dự án CMRS cho biết: “Tôi tham gia công việc rà bom mìn được gần 1 năm. Hàng ngày, tôi và các đồng nghiệp phải tiếp xúc với rất nhiều bom mìn, VLN còn sót lại sau chiến tranh, chỉ cần sai sót một ly hay bất cẩn trong tích tắc sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nhờ được trang bị và thực hiện nghiêm túc các kỹ năng an toàn nên chúng tôi chưa ai xảy ra sự cố gì”. 
 
Trang cho biết, mỗi lần tiếng máy rà vang lên khi gặp phải kim loại là vừa mừng vừa lo. Tuân thủ các quy trình kỹ thuật, Trang dùng xẻng đào nhẹ lớp đất, kiểm tra. Nếu phát hiện bom mìn hoặc VLN, Trang sẽ nhanh chóng báo cáo đội trưởng để giăng dây cảnh báo khu vực nguy hiểm và bàn giao cho dự án “Dò tìm và xử lý bom mìn vật nổ tại tỉnh Quảng Bình” (dự án PTVN Quảng Bình) của tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ Peace Trees Vietnam (tổ chức Cây hòa bình Việt Nam-PTVN). Các VLN được phát hiện, dự án PTVN Quảng Bình ưu tiên xử lý ngay trong ngày nhằm bảo đảm loại bỏ các mối nguy cơ lên người dân địa phương.
 
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Quản lý hoạt động hiện trường dự án PTVN Quảng Bình cho biết: “Để bảo đảm an toàn, toàn bộ nhân viên kỹ thuật của tổ chức PTVN đều được đào tạo bài bản kỹ thuật xử lý bom mìn theo Tiêu chuẩn hành động bom mìn quốc tế. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo lý thuyết, các nhân viên kỹ thuật được kiểm tra và đánh giá năng lực trên hoạt động hiện trường xuyên suốt 1 năm bởi đội ngũ chuyên gia kỹ thuật dày dặn kinh nghiệm của tổ chức…”. 
 
Trả lại “đất lành” cho người dân
 
Tranh thủ trong lúc cán bộ, nhân viên tổ chức NPA, PTVN Quảng Bình tiếp tục công việc của mình, chúng tôi đi tham quan những khu vườn của người dân. Cùng đi có anh Dương Đình Lam, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Tây Trạch. Anh Lam cho biết, trước đây, Tây Trạch là vùng đất bị chiến tranh tàn phá khốc liệt nên lượng bom mìn còn sót lại trong lòng đất khá nhiều, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, trồng trọt của người dân. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, tổ chức, như: NPA, PTVN…, các vùng đất nhiễm bom mìn đang dần được làm sạch, người dân yên tâm sinh sống, sản xuất.
 
Đến thăm nhà ông Nguyễn Ngọc Tri (thôn Võ Thuận, xã Tây Trạch), chúng tôi được ông Tri cho biết: “Trước đây, đất trong vườn nhà tôi bom, đạn sót lại sau chiến tranh khá nhiều, nguy hiểm luôn rình rập. Nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, dự án rà phá bom mìn, số bom trong vườn đã được rà phá. Giờ chúng tôi rất yên tâm sản xuất, trồng trọt”.
 Sau khi bom mìn được xử lý, vườn nhà ông Nguyễn Ngọc Tri, xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch tràn đầy sức sống bởi vườn rau xanh tốt.
Sau khi bom mìn được xử lý, vườn nhà ông Nguyễn Ngọc Tri, xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch tràn đầy sức sống bởi vườn rau xanh tốt.
Với nỗ lực chỉ đạo của chính quyền các cấp và sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, công tác khảo sát, rà phá bom mìn tại tỉnh Quảng Bình đến nay đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Hoạt động từ tháng 6-2020, đến ngày 20-11-2021, tổ chức NPA đã thiết lập 12 khu vực khẳng định nguy hiểm (CHA) với tổng diện tích hơn 20,3 triệu m2 tại 3 xã của huyện Bố Trạch gồm: Nam Trạch, Đại Trạch và Tây Trạch. Các vật liệu chưa nổ thường được phát hiện trong quá trình khảo sát là bom chùm (BLU 26, 63, 3B) và các loại vật liệu chưa nổ khác (đạn cối, đạn pháo, lựu đạn…).
 
Dự án PTVN Quảng Bình triển khai các hoạt động trên hiện trường tại Quảng Bình từ ngày 12-1-2021. Đến ngày 30-11, dự án đã xử lý 2.546 VLN, trong đó có 5 quả bom lớn, 1.362 bom chùm và 1.179 VLN khác.
 
Sau một ngày làm việc tích cực, hiệu quả, chúng tôi cùng cán bộ, nhân viên tổ chức NPA lên xe trở về TP. Đồng Hới. Chúng tôi biết, ngày mai, dù nắng hay mưa, những cán bộ, nhân viên dự án NPA, PTVN vẫn sẽ miệt mài rà phá bom mìn, VLN trên từng mảnh đất quê hương, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, trả lại “đất lành” cho người dân.     
 
“Bà Nguyễn Thị Hương Giang, Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết, tổ chức NPA đang thực hiện hai dự án CMRS và DBCU, tổ chức PTVN đang thực hiện dự án “Dò tìm và xử lý bom mìn vật nổ tại tỉnh Quảng Bình”. Đây là các dự án nằm trong dự án “Hợp tác khảo sát và rà phá bom chùm và các loại vật nổ khác tại tỉnh Quảng Bình” do Sở Ngoại vụ phối hợp với các tổ chức thực hiện. Các dự án đã khảo sát, rà phá hàng chục triệu m2 đất, phát hiện và tiêu hủy nhiều bom mìn, VLN còn sót lại sau chiến tranh, góp phần giảm thiểu nguy cơ về tai nạn bom mìn cho người dân, làm sạch diện tích đất để phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, xây dựng các cơ sở hạ tầng và người dân sinh sống, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Các dự án cũng đã giúp tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, hình thành quy trình đánh giá ưu tiên, phân công nhiệm vụ, theo dõi hoạt động, theo dõi tiến độ, từ đó giúp UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ điều phối hiệu quả hơn hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn trên địa bàn.
 
Lê Mai

tin liên quan

Làng mới bên "Cổng Trời"

(QBĐT) - Nằm đối diện với khu Di tích lịch sử Cổng Trời trên tuyến Quốc lộ 12A, khu tái định cư mới của bản Cha Lo (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) vừa hoàn thành đưa vào sử dụng. Mặc dù vẫn còn những lo toan, bỡ ngỡ ban đầu, nhưng từ bây giờ, khi mùa mưa lũ về, 34 hộ người Mày nơi đây đã không còn phải thấp thỏm lo âu vì sạt lở đe dọa như ở bản cũ, khi được sống an toàn trong những ngôi nhà mới đẹp đẽ, khang trang…

Mùa mưa ở Khe Giữa

(QBĐT) - Đường 10 nối từ xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) vào bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) đã được rải nhựa, xe có thể chạy bon bon vào đến bản. Mùa mưa này, giữa bốn bề núi rừng, con đường như vắng người qua lại hơn. Khe Giữa cách trung tâm xã Ngân Thủy hơn 10km, ấy vậy mà rất xa ngái. Đến đây, mới biết dân bản còn bộn bề khó khăn, lo toan trong cuộc mưu sinh hàng ngày. Và, để kéo Khe Giữa lại gần hơn, vẫn còn đó những trăn trở…

Làng nơi chân sóng

(QBĐT) - Không còn cảnh vắng lặng do phong tỏa, những ngày này, người dân những làng biển bãi ngang đã dần quay lại với nhịp sống vốn có. Họ cần mẫn, miệt mài cho một mùa biển mới, với những niềm hy vọng mới, cho dù dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp ở ngoài kia.