Làng nơi chân sóng

  • 07:33 | Chủ Nhật, 26/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Không còn cảnh vắng lặng do phong tỏa, những ngày này, người dân những làng biển bãi ngang đã dần quay lại với nhịp sống vốn có. Họ cần mẫn, miệt mài cho một mùa biển mới, với những niềm hy vọng mới, cho dù dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp ở ngoài kia.
 
Lao xao làng biển
 
Hơn 1 tuần sau khi xã biển Hải Ninh (Quảng Ninh) được dỡ bỏ phong tỏa, nhiều ngư dân nơi đây đã trở lại với biển. Cho dù những làng biển ấy vẫn chưa thực sự nhộn nhịp với cảnh trên bến dưới thuyền như thường thấy, song nhịp sống bình thường mới nơi đây đã dần bắt đầu.
 
Ông Nguyễn Văn Tân ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh vừa dọn dẹp ngư lưới cụ sau chuyến biển đêm về, vừa nói: “Hai ngày ni, biển không động, nước đục, nên cá ít. Mấy ngày trước, cá nhiều hơn. Mỗi chuyến cũng được trên dưới 1 tạ. 3 cha con đi từ lúc 3 giờ sáng mà chỉ có chưa tới 15 cân. Bấy nhiêu đó, chỉ đủ cơm nước, dầu đèn thôi, nhưng không đi không được. Ở nhà thấy người ta đi nóng ruột. Vả lại, đang vào vụ cá Đông nên ai cũng tranh thủ lúc trời yên biển lặng. Chứ giông bão, biển động mạnh thì chỉ nằm nhà ăn rỗi”.
 
Nói rồi ông nghiêng mặt về phía biển, nơi những chiếc bơ nan đang xuôi ngược sục sạo náo động cả một khoảng biển ven bờ. “Họ đang đánh ruốc. 2 ngày ni con ruốc nhiều. Có nhà thu được 4-5 tạ. Lúc bình thường, giá mỗi kg 10.000 đồng, giờ chỉ có 4.000-5.000 đồng. Dịch bệnh mà kiếm được chừng đó là được rồi”.
Ngư dân đẩy thuyển lên bờ, sau chuyến biển đêm.
Ngư dân đẩy thuyển lên bờ, sau chuyến biển đêm.
Trên bờ, những người phụ nữ miền biển ngồi cần mẫn làm sạch từng mẻ ruốc. Mẻ này vừa cho vào thùng xốp, lại đến mẻ khác. Nhịp sống làng biển bên chân sóng này cứ như vậy, lặng lẽ suốt cả một buổi sáng.
 
Rời bãi biển Tân Định, chúng tôi sang bãi biển làng Cừa Thôn bên cạnh. Hôm nay, anh Mai Thanh Phương không đi biển, nhưng đến giờ thuyền cập bến, anh cũng ra biển ngóng thuyền bạn và để xem cá.
 
Anh cho biết: “2 ngày trước, thuyền của tôi cũng đi lưới được hơn 30kg cá, nhưng chỉ bán được hơn 10kg cá chỉ vàng (giá 50.000 đồng/kg, giảm 20.000-30.000 đồng so với lúc bình thường). Số cá tạp còn lại 3 anh em bạn thuyền chia nhau đem về nhà. Giá cá rẻ nên nhiều người vẫn chưa đi biển hết công suất, mà cứ 2,3 nhà ghép lại đi một chuyến để kiếm thức ăn và tiền chi tiêu trong gia đình”.
 
Không quen mà thân, anh Phương tếu táo vừa cười vừa kể, mấy ngày xã Hải Ninh bị phong tỏa, không đi biển được nên ai cũng trắng đến... bạc cả ra. Anh bảo: “Không dầm mưa dãi nắng thì da trắng sẽ trắng hơn, chơ còn chi nữa. Nhưng nếu dịch bệnh dài dài nữa, thì không chỉ da trắng, mà nhiều thứ cũng sẽ trắng đến... “nhức óc”. Người dân bãi ngang thường nói rằng, người đi biển xa (tàu đi đánh bắt cá xa bờ) sống bằng tháng, người bãi ngang chỉ sống bằng ngày. Bởi một ngày không đi biển là một ngày họ không có thu nhập”.
 
Chỉ mong hết dịch
 
Với ngư dân vùng bãi ngang, biển không chỉ là nguồn sống, mà giờ đây, biển còn bao bọc, chở che họ vượt qua và vượt lên khó khăn do dịch bệnh. Cuối tháng 8 vừa qua, xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) cũng bị phong tỏa do có ca dương tính.
 
Ông Trần Quang Thắng ở thôn Tân Hải (xã Ngư Thủy Bắc) kể, 14 ngày sống trong vùng phong tỏa, chưa lúc nào ông thấy quẫn chân đến thế. Dịch bệnh mới “quét qua”, mà tất tật cuộc sống thường nhật đã bị đảo lộn. Những điều tưởng chừng rất đỗi bình dị bấy lâu, bỗng nhiên trở nên rất quý giá, ví như việc đi biển với người dân biển.
 
Từ lúc lên 10 cho đến nay đã gần 60 tuổi, gần như chưa có ngày nào ông nghỉ đi biển, trừ những lúc giông bão. Vậy mà giờ đây, gần nửa tháng, ông không được nhìn thấy biển. Ông bảo, suýt chút nữa thì ông hết chịu nổi, trong khi “túi lương thực” của gia đình đang dần cạn. Bởinguồn sống của gia đình ông đều trông cậy hết vào biển. May mà con vi-rút nhanh chóng được "đẩy" ra khỏi địa bàn.  
Niềm vui người dân làng biển sau chuyến biển thành công.
Niềm vui người dân làng biển sau chuyến biển thành công.
Ngày 11-8-2021, xã Ngư Thủy Bắc được dỡ bỏ phong tỏa. Kể từ đó, ông là một trong số ít người ở vùng biển bãi ngang này vẫn miệt mài đi biển. Cứ vào độ chiều tà, một mình ông cùng với chiếc bơ nan (công suất 10CV) ngược sóng ra biển.
 
Ông chia sẻ: “Mùa nào thức nấy thôi. Nếu đi lưới thì cần 2, 3 người. Nhưng đi câu mực thì chỉ một mình là đủ, lại nhẹ nhàng, thảnh thơi. Chứ ở tuổi U60 này, đi lưới thì không còn đủ sức nữa. Đến tuổi này mà vẫn còn vật lộn được với sóng biển là tốt lắm rồi. Chuyến nào được nhiều thì bán cho bà con trong xóm, kiếm thêm tiền đong gạo, đổi vị”. Giờ đây, ông chỉ lo cho gia đình người con trai cả đang “kẹt” lại trong vùng dịch tỉnh Bình Dương. Kể từ khi dịch bệnh hoành hành ở các tỉnh, thành phố phía Nam, lúc nào ông Thắng cũng lo lắng thấp thỏm như “ngồi trên đống lửa”.
 
Ông kể: “2 vợ chồng nó làm công nhân. Đứa con đầu mới 2 tuổi. Vợ nó chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến kỳ sinh nở. Nhưng đã hơn 3 tháng nay, công ty nơi chúng làm việc phải ngừng hoạt động. Chúng cũng chỉ đóng cửa nhốt mình trong phòng trọ. Cuối tháng 7, chúng định bắt xe về quê, nhưng xóm trọ có người dương tính, thế là bị phong tỏa từ đó cho đến nay. Ngày nào tôi và mẹ nó cũng gọi điện thoại vào động viên, hỏi thăm. Biết là chúng khó khăn lắm, nhưng chỉ cần chúng an toàn là tốt rồi. Giờ, tôi chỉ mong sao đất nước mình mau chóng qua cơn đại dịch này thôi!”.
 
Vâng, trong những ngày này, cũng như nhiều địa phương khác, người dân các xã biển bãi ngang đã phải gồng mình để "sống chung" với những khó khăn do dịch bệnh gây ra. Nhưng tin rằng, với sự can trường, bản lĩnh của người dân miền biển, luôn đứng "nơi đầu sóng ngọn gió", họ sẽ đứng vững, vượt lên và vượt qua những thử thách của "cơn bão" dịch bệnh nguy hiểm này.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Hải Ninh Phan Quốc Khánh cho biết: “Sau khi địa phương được dỡ bỏ phong tỏa, bà con đã đi biển trở lại. Hải sản bà con đánh bắt được vẫn có cơ sở tiêu thụ trên địa bàn thu mua, tuy nhiên, giá cả vẫn còn khá thấp”.
 
Còn Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) Trần Kim Trung thì cho hay: “Bà con đi biển chủ yếu để kiếm thực phẩm hàng ngày và tiêu thụ trên địa bàn xã. Vấn đề người dân lo lắng hiện nay là việc tổ chức cho bà con tiêu thụ hải sản, vì thị trường tiêu thụ bấy lâu nay của bà con chủ yếu là các chợ truyền thống trên địa bàn huyện và trong tỉnh”.
Dương Công Hợp
 
 
 

tin liên quan

Chi mạnh quỹ bình ổn giá, xăng vẫn tăng hơn 500 đồng/lít

Chiều 25-9, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần, theo đó xăng, dầu tăng giá, xăng E5RON92 không cao hơn 20.716 đồng/lít, xăng RON95-III không cao hơn 21.945 đồng/lít.

Công điện khẩn xử lý ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm dịch

Bộ Giao thông vận tải vừa có Công điện số 18/CĐ-GTVT ngày 24-9-2021 về việc kiểm tra, xử lý vướng mắc trong tổ chức giao thông nhằm tạo thuận lợi cho công tác vận chuyển hàng hóa, nhu cầu đi lại của người dân thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 trong giai đoạn mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.