Mùa lúa rẫy lại về bên mái Giăng Màn

  • 09:46 | Thứ Sáu, 19/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày này, đồng bào người Khùa, người Mày ở các xã biên giới Dân Hóa, Trọng Hóa (Minh Hóa) bắt đầu cúng rẫy để bước vào vụ thu hoạch lúa mới. Bên mái Giăng Màn, giữa màu xanh trùng điệp của cây rừng, màu tím của những bông lau đầu mùa là màu vàng óng ả của những rẫy lúa đang chín rộ. Năm nay, thời tiết thuận lợi, cây lúa rẫy lại được mùa, nên đồng bào rất vui mừng, phấn khởi…
 
Rộn ràng mùa lúa mới
 
Tháng 10 âm lịch hàng năm, khi tiết trời bắt đầu se lạnh, cũng là lúc cây lúa rẫy qua thời gian hội tụ đủ linh khí trời đất, đã “cúi đầu” dâng cho đời những hạt vàng chắc mẩy, tỏa hương thơm lành. Thời gian này, trên những triền đồi bên mái Giăng Màn, đồng bào người Khùa, người Mày đang rộn ràng thu hoạch, gùi lúa về nhà. Lần theo giọng nói vang vọng từ một cánh đồng lúa rẫy ở bản La Trọng 2, xã Trọng Hóa (Minh Hóa), sau khi vượt một mái đồi cao, chúng tôi đã tìm đến được nơi bà con đang thu hoạch.
 
Tỉ mẩn dùng tay tuốt từng bông lúa bỏ vào gùi, chị Hồ Thị Hạnh cho hay, từ sáng sớm chị và những người thân trong gia đình đã ra đồng thu hoạch lúa. Nhờ có nhiều người giúp, chỉ trong một buổi sáng, rẫy lúa của chị Hạnh đã thu hoạch gần xong.
 
“Mảnh đất này trước đây trồng keo, nhưng năm vừa rồi mới thu hoạch xong nên gia đình tận dụng gieo lúa rẫy. Thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, mưa nhiều nên lúa rẫy được mùa, bà con ai cũng vui cái bụng. Rẫy lúa này vợ chồng miềng gieo hơn một gùi giống nay cũng tuốt được 5 bao lúa rồi, phấn khởi lắm!”, chị Hạnh vui vẻ nói.
Những ngày này đồng bào người Khùa, người Mày bên Mái Giăng Màn đã bắt đầy lên nương thu hoạch lúa rẫy.
Những ngày này đồng bào người Khùa, người Mày bên Mái Giăng Màn đã bắt đầy lên nương thu hoạch lúa rẫy.
Từ bản La Trọng 2, chúng tôi ngược đường lên các bản vùng trong như: Ra Mai, Sy, Cha Cáp, Dộ-Tà Vờng, Lòm…Trên con đường quanh co bên sườn núi, giữa màu xanh trùng điệp của cây rừng, màu tím của những bông lau đầu màu là những rẫy lúa chín vàng, hòa quyện vào nhau, đẹp như một bức tranh phong cảnh.
 
Theo chân bà Hồ Thị Khăm ở bản Sy, chúng tôi đi bộ chừng 30 phút đến rẫy lúa của gia đình bà nằm ở ngọn đồi sau nhà. Đập vào mắt chúng tôi là ruộng lúa rẫy cao đến khuất đầu người đã ngả màu vàng óng, những bông lúa trĩu hạt, no tròn đong đưa theo gió.
 
Không giấu được niềm vui, bà Khăm khoe: “Năm nay, nhà miềng phát 2 rẫy lúa. Cũng đã mấy năm rồi cây lúa rẫy mới lại được mùa như năm nay. Hôm trước, gia đình miềng đã tuốt xong một rẫy, được hơn 20 gùi rồi. Cái rẫy này lúa tốt hơn, hạt lúa chắc hơn, chắc chắn được nhiều hơn, năm nay cả nhà miềng no cái bụng rồi!”.
 
Cùng đồng hành với chúng tôi, bà Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa cho biết, thời điểm này, người dân trên địa bàn xã Trọng Hóa đã rộn ràng mùa thu hoạch lúa rẫy. Năm nay, toàn xã Trọng Hóa trồng gần 100ha lúa rẫy. Nhờ thời tiết thuận lợi nên lúa rẫy được mùa, năng suất dự kiến đạt trên 30 tạ/ha.
 
“Cây lúa rẫy vẫn là cây lương thực chủ đạo của bà con người Khùa, người Mày ở xã Trọng Hóa. Những năm 2019, 2020, do thời tiết không thuận lợi, nên cây lúa rẫy liên tiếp mất mùa. Năm nay, nhờ mưa thuận gió hòa nên cây lúa rẫy được mùa. Nhìn những rẫy lúa trĩu vàng, chắc hạt như thế này, mừng cho bà con lắm!”, bà Thoi chia sẻ.
 
Nét đẹp văn hóa của đồng bào
 
Từ xa xưa, đồng bào người Khùa, người Mày đã có truyền thống sản xuất lúa rẫy. Đối với họ, lúa rẫy không chỉ đơn thuần là cây lương thực để duy trì cuộc sống, nó còn ẩn chứa một nét đẹp văn hóa cần phải giữ gìn.
 
Với người Khùa, người Mày, trong các dịp đặc biệt như lễ hội, cúng tế, cơm lúa rẫy, đặc biệt là nếp rẫy, hay các loại bánh truyền thống làm từ nguyên liệu này là món ẩm thực dâng cúng không thể thiếu. Đồng bào cho rằng, mâm cơm cúng dâng trời đất, thần linh, ông bà tổ tiên sẽ mất đi sự linh thiêng nếu không có sự hiện diện của xôi và các sản vật được làm từ lúa rẫy.
Mâm cơm của đồng bào người Khùa, người Mày trong các dịp lễ trọng không thể thiếu món xôi nấu từ lúa nếp rẫy.
Mâm cơm của đồng bào người Khùa, người Mày trong các dịp lễ trọng không thể thiếu món xôi nấu từ lúa nếp rẫy.
Hay trong các dịp tiếp khách quý, trong mâm cơm bao giờ cũng có nếp rẫy, để thể hiện sự trân trọng, hiếu khách của đồng bào. Chính từ những giá trị truyền thống và sự cần thiết trong đời sống sinh hoạt văn hóa hằng ngày mà bao đời nay, người Khùa, người Mày sống bên mái Giăng Màn, dù ít nhiều, hộ nào cũng có trồng lúa rẫy.
 
Hàng năm, vào độ tháng 3 âm lịch, người Khùa, người Mày bắt đầu lên nương phát rẫy. Trước đây, chỗ nào thích là đồng bào cứ phát, nhưng những năm gần đây, nhận thức việc phát rừng làm nương rẫy bừa bãi sẽ ảnh hưởng đến rừng, vì vậy, họ chỉ phát ở vùng đất đã được chính quyền và cơ quan chức năng quy hoạch, cho phép.
 
Đồng bào cứ luân phiên nhau 3 năm phát một rẫy để tạo độ mùn, có chất dinh dưỡng cho cây lúa rẫy. Đến cuối tháng 4, đầu tháng 5, khi rẫy đã được đốt xong, dọn sạch để lại trên mặt đất một lớp tàn tro và bên dưới là phần đất khá màu mỡ. Lúc này, người Khùa, người Mày mới bắt đầu trỉa hạt.
 
Những hạt lúa đã gửi vào lòng đất sẽ nhờ sương trời gió núi để vươn mình nảy mầm xanh. Từ lúc trỉa hạt cho đến khi thu hoạch, bà con chỉ tốn công làm cỏ, còn sự sống thì "phó mặc" cho cây tự sinh, tự dưỡng theo quy luật tự nhiên. Sau 4-6 tháng trồng (tùy loại giống), nếu thời tiết thuận lợi, cây lúa rẫy sẽ đơm bông, kết thành những hạt lúa to, chắc nịch, tỏa hương thơm ngát. Vậy nhưng, cũng có nhiều năm, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán kéo dài, cây lúa rẫy không sinh trưởng được, công phát rẫy, trỉa hạt của bà con coi như “công dã tràng”.
 
Theo ông Hồ Mi, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa thì những năm gần đây cây lúa rẫy không còn được khuyến khích trồng nhiều ở xã Trọng Hóa. Việc người dân đốt rừng trồng lúa rẫy một phần nào đó đã gây tổn hại đến rừng, xói mòn, gây sạt lở đất. Tuy nhiên, chính quyền xã vẫn cho phép bà con trồng lúa rẫy trên những diện tích rẫy đã quy hoạch. Đặc biệt, nhiều hộ dân tận dụng phần diện tích đất trống sau khi thu hoạch keo để trồng lúa rẫy, nhằm có thêm nguồn lương thực, bảo đảm cuộc sống…
 
Lúa rẫy được trồng hoàn toàn tự nhiên theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Hạt gạo được giã thủ công nên giữ được hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Lúc nấu chín, hạt cơm lúa rẫy có vị ngọt, bùi rất riêng biệt. Chính vì thế, dù năng suất thấp hơn nhưng giá của lúa rẫy thì luôn cao hơn so với lúa nước. Hiện ở xã Trọng Hóa, chính quyền địa phương chỉ cho phép bà con trồng lúa rẫy ở những nơi được quy hoạch, những khoảng đất sau khi thu hoạch keo hoặc trồng xen kẽ trên diện tích cây rừng bản địa (rừng dổi)…
 
Phan Phương

tin liên quan

Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

(QBĐT) - Với mục tiêu đồng hành cùng xã miền núi Kim Thủy (Lệ Thủy) xóa đói, giảm nghèo, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số có việc làm, tăng thu nhập.

Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

(QBĐT) - Những năm qua, TX. Ba Đồn đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng của từng địa phương. Việc mạnh dạn chuyển đổi này đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên từng đơn vị diện tích, tăng năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thay đổi cách tiếp cận, vận hành, phát huy hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp

(QBĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại buổi làm việc với Ban Quản lý Khu Kinh tế (KKT) tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch xây dựng KKT Hòn La đến năm 2040 vào chiều nay, 18-11.