Tuyên Hóa: Sinh kế mới từ trồng hoa Tết

  • 10:19 | Thứ Năm, 18/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tuy không phải là vùng chuyên canh trồng hoa như một số địa phương khác nhưng những ngày này, một số bà con nông dân xã Mai Hóa (Tuyên Hóa) đang tất bật trồng và chăm sóc hoa phục vụ Tết Nguyên đán. Nghề trồng hoa mới chỉ du nhập vào địa phương trong vài năm trở lại đây nhưng đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình.
 
Với hơn 1 sào đất canh tác, năm 2020, chị Trần Thị Hương ở thôn Liên Sơn, xã Mai Hóa trồng 10.000 cây hoa cúc vàng, cho thu nhập 20 triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí. Năm nay, gia đình chị Hương thuê thêm đất để mở rộng diện tích và tăng số lượng cây lên gấp đôi. Chị Hương cho biết: “Năm ngoái, gia đình tôi trồng bằng một nửa diện tích của năm nay nhưng cũng thu được 20 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác, như: Ngô, khoai, đậu, lúa… Vụ Tết này, tôi quyết định mở rộng diện tích, số lượng cây lên gấp đôi, mong thời tiết thuận lợi để có thêm thu nhập”.
 
Gia đình anh Trần Đức Toàn ở thôn Tây Hóa, xã Mai Hóa năm nay cũng trồng 2 sào với hơn 2 vạn cây giống, gồm: Cúc vàng và cúc màu, vạn thọ. Theo anh Toàn, trồng hoa cho hiệu quả kinh tế khá cao so với các cây trồng khác. Tuy nhiên, đây cũng là nghề cần phải đầu tư công chăm sóc, đất trồng phải gần nhà để thuận tiện cho việc kéo điện, nước.
 
Sau khi trồng khoảng 1 tuần, bà con nông dân bắt đầu xới đất, làm cỏ cho hoa.
Sau khi trồng khoảng 1 tuần, bà con nông dân bắt đầu xới đất, làm cỏ cho hoa.
Năm 2018, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ hoa trong dịp Tết hàng năm tăng cao, Hội Nông dân xã Mai Hóa đã liên kết mở lớp đào tạo nghề cho bà con nông dân. Sau học nghề, có trên 10 hộ dân tham gia trồng và duy trì hàng năm. Năm nay, toàn xã trồng 0,5ha với trên 60 nghìn cây giống, chủ yếu là hoa cúc các màu, một số hộ trồng thêm hoa ly, vạn thọ với số lượng ít.
 
Vào đầu tháng 10 âm lịch, người trồng hoa bắt đầu làm đất, xuống giống để kịp thu hoạch vào cuối tháng Chạp phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Giống hoa được bà con đặt mua từ TP. Đà Lạt. Sau khi xuống giống được một tuần, bà con bắt đầu xới đất, làm cỏ, sử dụng bóng điện thắp sáng vào ban đêm để kích thích cây phát triển, điều chỉnh thời gian nở hoa như mong muốn.
 
Đánh giá về mô hình trồng hoa trên địa bàn xã, bà Trần Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mai Hóa cho biết: “Đây là một trong những mô hình mới nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp bà con nông dân tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Qua 4 năm triển khai thực hiện, mô hình trồng hoa rất có hiệu quả, được bà con nông dân duy trì thực hiện tốt. Năm nay, bà con cũng mở rộng thêm diện tích nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp hoa cho người dân trên địa bàn xã và một số xã lân cận”.
 
Ngoài xã Mai Hóa, hiện nông dân một số địa phương khác ở huyện Tuyên Hóa cũng tham gia trồng hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, diện tích trồng hoa còn ít, chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn. Kỳ vọng thời gian tới, chính quyền các địa phương tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích người dân mở rộng diện tích, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
 
Văn Tư

tin liên quan

Đào tạo lại nhân lực du lịch trong tình hình mới

(QBĐT) - Sở Du lịch hiện đang tích cực triển khai các lớp đào tạo, tập huấn cho đội ngũ nhân lực, nhất là đối với những người phục vụ du lịch cộng đồng-vốn được xác định là "mỏ vàng" hậu Covid-19.

Xây dựng thương hiệu nấm sạch Lộc Hạ

(QBĐT) - Chỉ mới thành lập hơn 2 năm nhưng HTX Sản xuất, kinh doanh và nuôi trồng nấm sạch Lộc Hạ (An Thủy, Lệ Thủy) đã nhanh chóng tìm được thị trường và tạo uy tín cho người tiêu dùng. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất bảo đảm an toàn, chất lượng, hàng năm, HTX đã xuất bán hàng chục tạ nấm các loại, thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Quảng Ninh: Chăn nuôi "cầm cự" vượt qua khó khăn

(QBĐT) - Sau ảnh hưởng của trận lũ lịch sử tháng 10-2020, kế tiếp là dịch Covid-19, sản xuất nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng của xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) gặp rất nhiều khó khăn. Các trang trại chăn nuôi lớn thu hẹp quy mô, cố gắng "cầm cự" để vượt khó.