Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Mùa mưa ở Khe Giữa

  • 14:29 | Thứ Sáu, 26/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đường 10 nối từ xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) vào bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) đã được rải nhựa, xe có thể chạy bon bon vào đến bản. Mùa mưa này, giữa bốn bề núi rừng, con đường như vắng người qua lại hơn. Khe Giữa cách trung tâm xã Ngân Thủy hơn 10km, ấy vậy mà rất xa ngái. Đến đây, mới biết dân bản còn bộn bề khó khăn, lo toan trong cuộc mưu sinh hàng ngày. Và, để kéo Khe Giữa lại gần hơn, vẫn còn đó những trăn trở…
 
Bộn bề lo toan mưu sinh
 
Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm tới nhà Trưởng bản Khe Giữa Hồ Văn Hiền. Ngôi nhà sàn nằm lưng chừng bản, khá ấm cúng, trong nhà, đang rộn rã tiếng người nói chuyện. Gặp chúng tôi ở bậc cầu thang dẫn lên nhà, Trưởng bản Hiền niềm nở: “Lâu rồi bản miềng mới đón khách vào mùa mưa này, mùa nắng, ai cũng biết đến Khe Giữa với cánh đồng lúa vàng nặng trĩu. Đợi miềng tí nhé, miềng đang lập danh sách cho bà con trong bản đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, dạo này mưa nhiều, lại ảnh hưởng của dịch bệnh nên đời sống của bà con dân bản cũng vất vả hơn…!”.
 
Một góc bản Khe Giữa.
Một góc bản Khe Giữa.
Ngồi giữa nhà tiếp khách, câu chuyện lập bản và phát triển kinh tế của Khe Giữa bao đời nay được ông Hiền kể một cách say sưa, sôi nổi. Theo trưởng bản Hiền, dân Khe Giữa định canh ở đây từ trước những năm 70 của thế kỷ trước. Gốc gác ở tận Quảng Trị, buổi đầu lập bản, chỉ có vài hộ dân chạy bom đạn chiến tranh ra đây sinh sống, rồi dần phát triển cho đến nay. Lúc mới định canh, định cư, cuộc sống chủ yếu dựa vào “chặt, đốt, cốt, trỉa”, vào con chim, con thú trong rừng.
 
“Thay đổi lớn nhất của bản Khe Giữa miềng là từ năm 2003, khi Nhà nước đầu tư xây dựng một công trình thủy lợi cho bản phát triển kinh tế, nhằm tự cung, tự cấp lương thực. Nhờ công trình thủy lợi này, lại được cán bộ dưới xuôi lên bắt tay chỉ việc trồng lúa nước, nên bà con mạnh dạn khai khẩn đất đai. Nay, bản cũng đã có 11ha lúa 2 vụ...”, ông Hiền cho biết.
 
Dẫn chúng tôi “mục sở thị” một vòng quanh bản, ông Hiền bảo: “Mấy năm nay, do dịch, mưa lũ, đời sống của bà con dân bản miềng nhiều khó khăn lắm! Nhất là đụng vào mấy tháng mùa mưa, dân bản không ai thuê chặt keo, trồng rừng, chỉ ngồi nhà bó gối, làm bạn với rượu. Rồi lại, thiếu đất sản xuất, đất ở, vậy là càng khó khăn hơn…!”.
 
Chúng tôi hỏi trưởng bản Khe Giữa, ở đây ai giàu nhất bản, ông Hiền cười bảo rằng, dân đủ ăn, khỏi chạy bữa là may rồi, làm gì có giàu. Nói rồi, theo chân ông Hiền, chúng tôi tìm về gia đình vợ chồng Hồ Ngưn và Hồ Thị Dung. Hôm ấy, Hồ Ngưn không có ở nhà, vì đang mải miết lội rừng kiếm măng về nhập dưới xuôi bán đổi gạo, đắp đổi mưu sinh. Vợ Ngưn, chị Dung thấy có khách thì chộn rộn, lùi xuống bậu cửa.
 
Được sự động viên của trưởng bản, chị Dung bắt đầu thong thả kể về cuộc sống của gia đình: “Gia đình miềng có chi mô, được dân bản biết tới vì nhà có cái máy bừa đất cũ mua thanh lý của bản từ năm 2004 để làm dịch vụ nông nghiệp giúp bà con. Vào các vụ lúa, gia đình miềng cũng có đồng ra, đồng vào nhưng cũng chỉ đủ ăn mà thôi. Chồng miềng mấy ngày ni bám rừng đã về mô, dân bản miềng còn quá vất vả, lúa thì làm không đủ ăn, nhiều gia đình trong bản còn nợ miềng tiền dịch vụ nông nghiệp, 2, 3 năm chưa có tiền trả, đòi thì ai cũng bảo chưa có…”.
 
Trong câu chuyện với chị Dung, Trưởng bản Khe Giữa giãi bày thêm, bản cũng trồng được lúa để bảo đảm lương thực, năng suất lúa 2 vụ không thua kém gì dưới xuôi, nhưng mùa mưa đến, nhiều nhà lại lấy thóc giống ra để ăn. Bà con Khe Giữa có nuôi trâu, bò, trồng các cây màu, nhưng cây, con giống chủ yếu là từ hỗ trợ của các dự án. Vậy, cứ vào mùa mưa, dân lại bao bộn bề khó khăn mưu sinh …
 
Sinh kế cho Khe Giữa
 
Câu hỏi này chúng tôi đã đặt cho Trưởng bản Khe Giữa Hồ Văn Hiền, ông suy nghĩ khá lâu rồi chia sẻ, sinh kế cho dân bản Khe Giữa giờ rất khó, nhưng nếu giải quyết được bài toán đất sản xuất, đất ở thì cuộc sống chắc tốt hơn.
 
Ông Hiền dẫn chứng, hơn 15 năm trước, khi Khe Giữa tiên phong làm lúa nước, lúc bấy giờ với 11ha lúa nước, bản chỉ có khoảng 50 hộ, chia ra bình quân mỗi khẩu có được khoảng 300m2 đất sản xuất, vậy là đủ sống. Giờ, số hộ dân tăng lên gần gấp hai lần, vậy dân lại thiếu đất sản xuất. Đất sản xuất ở Khe Giữa, chủ yếu do Lâm trường Khe Giữa quản lý. Cái tiếng là sinh sống ở rừng, nhưng mỗi hộ dân ở bản chỉ có từ 0,7-0,8ha đất lâm nghiệp; diện tích trồng cây màu chỉ có 8ha lại cho năng suất không cao.
 
Tuyên truyền, vận động người dân bản Khe Giữa vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tuyên truyền, vận động người dân bản Khe Giữa vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
“Khe Giữa miềng hiện có 141 hộ với 575 khẩu, 97% là người Bru-Vân Kiều, hộ nghèo chiếm hơn 60%, 42 hộ dân vẫn chưa có đất ở, bài toán sinh kế, phát triển kinh tế dài lâu ở bản miềng cứ treo lủng lẳng, rồi lũ lụt, dịch Covid-19, việc làm cho người dân khiến Khe Giữa thiếu thốn đủ đường. Rất cần sự quan tâm của Đảng, Nhà nước…”, Trưởng bản Khe Giữa chia sẻ.
 
Đem những băn khoăn về sinh kế cho người dân bản Khe Giữa trao đổi với Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy Hồ Văn Núi, được biết, mấy năm gần đây, đời sống của dân bản Khe Giữa đã có đổi thay hơn so với trước, nhưng vẫn đang còn bộn bề bao khó khăn, lo toan, nhất là địa phương chưa tìm được hướng đi phát triển kinh tế ổn định, căn nguyên cũng do thiếu đất sản xuất.
 
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy, không có đất sản xuất, nhiều lao động ở Khe Giữa phải đi làm thuê, trồng keo, tràm thuê và dựa vào rừng. Mới đây, địa phương tiến hành tổng điều tra về hộ nghèo toàn xã giai đoạn 2022-2025, Khe Giữa có 94 hộ nghèo chiếm hơn 30% hộ nghèo toàn xã. Để tháo gỡ khó khăn cho bà con, chính quyền đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành bóc tách 70ha đất cho bà con sản xuất để trồng keo, tràm. Hiện, nhu cầu đất sản xuất của bà con là rất lớn, nhưng việc bóc tách đất từ lâm trường chưa thực hiện được vì một số vướng mắc về thủ tục, nên đang phải tạm dừng…
 
"Vậy làm gì cho Khe Giữa thoát nghèo?", chúng tôi hỏi, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy cho rằng: “Nếu giải quyết tốt vấn đề đất sản xuất thì bà con mới tiến lên được, còn chỉ dựa vào mấy ha lúa nước cũng chỉ bảo đảm lương thực trong vài tháng. Hiện, chính quyền đang phối hợp với Đoàn Kinh tế Quốc phòng 79 tạo điều kiện để tuyển dụng lao động trong độ tuổi ở bản Khe Giữa làm công nhân khai thác mủ cao su cho đơn vị với thu nhập khá ổn định...".
 
Ông Phạm Đức Hóa, Trưởng phòng Dân tộc huyện Lệ Thủy cho rằng: “Những thay đổi của bà con bản Khe Giữa bao năm qua là đáng mừng. Mừng hơn là bà con đã làm được lúa nước với năng suất, sản lượng cao. Nhưng, nhiều năm qua, việc dân bản Khe Giữa thiếu đất sản xuất đã phần nào ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế ổn định, dài lâu, do vậy, rất mong các cấp ngành tháo gỡ cho dân bản Khe Giữa trong thời gian sớm nhất…”.
 
Ngọc Hải

tin liên quan

Làng mới bên "Cổng Trời"

(QBĐT) - Nằm đối diện với khu Di tích lịch sử Cổng Trời trên tuyến Quốc lộ 12A, khu tái định cư mới của bản Cha Lo (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) vừa hoàn thành đưa vào sử dụng. Mặc dù vẫn còn những lo toan, bỡ ngỡ ban đầu, nhưng từ bây giờ, khi mùa mưa lũ về, 34 hộ người Mày nơi đây đã không còn phải thấp thỏm lo âu vì sạt lở đe dọa như ở bản cũ, khi được sống an toàn trong những ngôi nhà mới đẹp đẽ, khang trang…

Xuyên đêm săn "đặc sản" nơi thượng nguồn sông Gianh

(QBĐT) - Dãy Giăng Màn sừng sững ôm trọn 27km đường biên giới Việt-Lào, nơi nổi tiếng với những cánh rừng nguyên sinh rộng hàng chục nghìn héc ta, quanh năm mây mù bao phủ. Đây là nơi khởi nguồn của những dòng suối mát lành, len lỏi qua từng ghềnh đá mà hợp thành dòng sông Gianh lịch sử và cũng là nơi sinh sống của các loài cá mát, cá chình, cá leo, ếch núi, cua đá…

Làng nơi chân sóng

(QBĐT) - Không còn cảnh vắng lặng do phong tỏa, những ngày này, người dân những làng biển bãi ngang đã dần quay lại với nhịp sống vốn có. Họ cần mẫn, miệt mài cho một mùa biển mới, với những niềm hy vọng mới, cho dù dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp ở ngoài kia.