Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Duyên lúa trong lòng phá Hạc Hải

  • 07:37 | Chủ Nhật, 06/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Người dân hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy thuộc nằm lòng câu thành ngữ “Đầu Mâu vi bút/Hạc Hải vi nghiên/Trường Sa vi bản” để tự hào về vùng đất sơn thủy hữu tình của mình. Núi Đầu Mâu tựa như một cây bút, chấm phá mực từ Hạc Hải rồi phóng khoáng viết lên dãy cát dài phía biển Đông. Ngày nay, ấp ủ trong lòng Hạc Hải là những chân ruộng lúa kéo dài “thẳng cánh cò bay”. Nông dân sinh sống ở các xã Võ Ninh, Gia Ninh, Vạn Ninh (Quảng Ninh), Hoa Thủy, Hồng Thủy (Lệ Thủy) bén duyên với cây lúa để tiếp tục làm đẹp thêm câu ca “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện”.
 
“Lúa níu anh trật dép”
 
Lão nông Trương Văn Lê hóa ra không khô cứng như vẻ khắc khổ bên ngoài. Tôi bảo với ông suy nghĩ này của mình khiến ông phì cười. Buổi sáng trên phá Hạc Hải, sương như khói lãng đãng sà xuống là đà trên mặt nước, trên mênh mông lúa “cò bay thẳng cánh”. “Chú coi dép giày cẩn thận, chơ lúa níu chân trật dép đó”, ông Lê nửa đùa, nửa thật.
 
Rồi bằng chất giọng rù rì, chậm rãi, tâm tình, ông kể về vùng đất nơi một đời mình gắn bó, trăn trở: “Sách sử ghi chép về phá Hạc Hải rằng, ở cách huyện Lệ Thủy 14 dặm về phía bắc, có tên gọi khác là Thiển Hải hay Bình Hồ… nơi trăm sông tụ hội, mọi nhánh đổ về tạo thành Hạc Hải. Phá Hạc Hải rộng cả ngàn ha, hơn 12 cây số vuông, trở thành hệ sinh thái của muôn loài thủy sản, nơi lưu trú của các loại chim di cư, mùa nào thức nấy không thiếu thứ gì. Người làm nghề đánh bắt trên phá Hạc Hải luôn sống no ấm nhờ sản vật phong phú. Khách đến thăm nhà chỉ mất vài chục phút thả tay lưới, quăng tấm chài cũng đủ một bữa cơm đầy cá tôm đãi khách. Từ khi có đập ngăn mặn Mỹ Trung phục vụ trồng lúa, phá Hạc Hải bị “ngọt hóa”, cạn dần nước. Tốc độ đắp đê, lấn phá, khai hoang trồng lúa tăng qua hàng năm cũng khiến phá Hạc Hải bị thu hẹp đáng kể”.
Phá Hạc Hải. CTV Đức Thành
Phá Hạc Hải. CTV Đức Thành
Ông Trương Văn Lê làm Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Minh Trung, xã Gia Ninh, một HTX thuần nông được đánh giá “ăn nên làm ra” ở huyện Quảng Ninh với tổng số vốn lên đến 10.450 triệu đồng, thu hút 17 xã viên chính thức và 7 hộ gia đình liên kết cùng tham gia.
 
Từ khi đại công trình thủy nông Mỹ Trung hình thành, ông Lê cùng với nhiều người dân khác trong xã thuộc các thôn Bắc Ngũ, Trường An, Bình An, Đắc Thắng lên khai phá Hạc Hải thuộc vùng ông Đồng tạo nên cánh đồng mẫu lớn trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản.
 
“Hiện tại diện tích lúa HTX Nông nghiệp Minh Trung quản lý ở vùng ông Đồng cũ là 120ha, tại vùng ông Đồng mở rộng thêm gần 200ha. Nhiều gia đình sở hữu diện tích canh tác rất lớn như Trương Quang Huy 3,5ha; Trương Văn Quân 7ha; Hoàng Văn Thi 1,5ha... Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, thâm canh vào sản xuất, năng suất lúa tăng dần qua hàng năm. Đến năm 2021, năng suất bình quân đạt 70,2 tạ/ha; nhiều chân ruộng năng suất vượt trội, cao ngất ngưỡng, đến 80 tạ/ha”.
 
Từ mạn ông Đồng phía Đông, nhìn sang hướng Tây là vùng Vời thuộc xã Vạn Ninh. Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Thế Lâm bảo: “Xưa những người tiên phong lấn phá Hạc Hải ra đây thấy mênh mông sóng nước, xa xôi vời vợi nên đặt tên vùng Vời. Hiện tại, diện tích do xã quản lý trên 100ha, giao cho 18 hộ dân canh tác, chủ yếu sản xuất lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, thủy cầm”.
Một đoạn sông Kiến Giang qua phá Hạc Hải
Một đoạn sông Kiến Giang qua phá Hạc Hải
Ở vùng Vời, tôi gặp anh Trần Văn Hiếu đang bón phân thúc lúa, anh kể chuyện: “Ra Tết, lúa gặp rét đậm, rét hại, co mình lại không phát triển được. Tranh thủ thời tiết đang ấm dần, bón phân “động viên” cho cây lúa trở mình sinh sôi. Chộ ri đây, chơ vào vụ gặt, nhằm năm được mùa, ra vùng Vời chỉ thấy lúa, không thấy người. Vì lúa tốt, bông trĩu nặng che hết người”.
 
Trần Văn Hiếu tiếp nhận diện tích 3ha ở vùng Vời từ bố là ông Trần Văn Hỹ. Ngoài trồng lúa, anh Hiếu kết hợp thả cá, mỗi vụ cá lãi từ 25-30 triệu đồng. Từ năm 2021, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học-Công nghệ, Trần Văn Hiếu đưa vào thí điểm mô hình “Nuôi cá trắm đen trên chân ruộng lúa”. Kết quả mô hình trình diễn thả 500 cá giống tại diện tích 2ha lúa thu về 6,5 tạ cá thương phẩm, bán được hơn 35 triệu đồng.
 
Những công trình hoài cổ
 
Từ công trình đập thủy lợi Mỹ Trung, theo tuyến đê bao dọc sông Kiến Giang đi sâu vào phá Hạc Hải mới hay không như những gì mà chúng ta thấy khi di chuyển dọc Quốc lộ 1 qua đất “hai huyện”.
 
Trong nội tại phá Hạc Hải, sự vận động cứ diễn ra liên tục, rộng khắp, tiếp nối giữa hiện tại và quá khứ. Tôi thấy rõ những dấu ấn này qua hàng loạt công trình cầu cống, đập thủy lợi, trạm bơm, đường giao thông nội đồng... phục vụ sản xuất nông nghiệp.
 
Đó là những địa danh gắn với tên người tiên phong khai phá Hạc Hải hình thành nên cánh đồng lúa vô tận như bây giờ như ông Đồng; gắn với sự xa xôi như vùng Vời; gắn với tên gọi dân dã, bình dị, “rặt” phương ngữ Quảng Ninh, Lệ Thủy, như: Hói Choọc, hói Sỏi, hói Đò, hói Đại, hói An Sơn...
Những cánh đồng lúa “thẳng cánh cò bay” trong lòng phá Hạc Hải
Những cánh đồng lúa “thẳng cánh cò bay” trong lòng phá Hạc Hải
Đáng kể nhất, ghi đậm dấu ấn thời gian nhất là hệ thống cống tưới tiêu, ngăn mặn và các trạm bơm trong lòng Hạc Hải. Bám theo hệ thống đường giao thông nội đồng kẻ vuông vắn như ô bàn cờ là hệ thống cống, cứ vài trăm mét lại thấy cống. Hết cống, lại gặp trạm bơm. Dự án Thượng Mỹ Trung tiến hành sửa chữa, làm mới đến 40 trạm bơm (15 trạm xây mới, 25 trạm nâng cấp), 94 cống dưới đê và 3 cống lớn Hói Đại, Hạc Hải 1, Hạc Hải 2 kết hợp với hệ thống thủy lợi cũ trước đây tạo nên một thể hoàn chỉnh trong tưới tiêu phục vụ trồng lúa giữa lòng phá Hạc Hải.
 
Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Minh Trung Trương Văn Lê dẫn tôi đến bên một trạm bơm lớn giữa vùng ông Đồng, lão nông chia sẻ: “Chộ ri đây chơ... tuổi đời 20 năm rồi. Trên diện tích HTX quản lý có 5 trạm bơm, 3 trạm xây dựng hơn 10 năm và 2 trạm còn lại có từ 20 năm trước. Nhờ hệ thống trạm bơm này mà cây lúa ở phá Hạc Hải an toàn trước chua phèn, nhiễm mặn lợ và lũ lụt, luôn cho những mùa vàng ấm no”.
 
Sống cả đời duyên nợ với cây lúa trong lòng phá Hạc Hải, lão nông Trương Văn Lê cũng như những người dân Quảng Ninh, Lệ Thủy vẫn đau đáu nỗi niềm là khi đập thủy lợi Mỹ Trung hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình thì nên để phá Hạc Hải phục hồi lại nguyên thủy như xưa. Cho câu thành ngữ “Đầu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên, Trường Sa vi bản” vẫn mãi là niềm tự hào của người dân “hai huyện”.
Ngô Thanh Long

tin liên quan

Làng mới bên "Cổng Trời"

(QBĐT) - Nằm đối diện với khu Di tích lịch sử Cổng Trời trên tuyến Quốc lộ 12A, khu tái định cư mới của bản Cha Lo (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) vừa hoàn thành đưa vào sử dụng. Mặc dù vẫn còn những lo toan, bỡ ngỡ ban đầu, nhưng từ bây giờ, khi mùa mưa lũ về, 34 hộ người Mày nơi đây đã không còn phải thấp thỏm lo âu vì sạt lở đe dọa như ở bản cũ, khi được sống an toàn trong những ngôi nhà mới đẹp đẽ, khang trang…

Mùa mưa ở Khe Giữa

(QBĐT) - Đường 10 nối từ xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) vào bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) đã được rải nhựa, xe có thể chạy bon bon vào đến bản. Mùa mưa này, giữa bốn bề núi rừng, con đường như vắng người qua lại hơn. Khe Giữa cách trung tâm xã Ngân Thủy hơn 10km, ấy vậy mà rất xa ngái. Đến đây, mới biết dân bản còn bộn bề khó khăn, lo toan trong cuộc mưu sinh hàng ngày. Và, để kéo Khe Giữa lại gần hơn, vẫn còn đó những trăn trở…

Làng nơi chân sóng

(QBĐT) - Không còn cảnh vắng lặng do phong tỏa, những ngày này, người dân những làng biển bãi ngang đã dần quay lại với nhịp sống vốn có. Họ cần mẫn, miệt mài cho một mùa biển mới, với những niềm hy vọng mới, cho dù dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp ở ngoài kia.