Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Khi Tổ quốc gọi... chúng tôi lên đường

  • 11:19 | Thứ Tư, 16/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Là một thanh niên trưởng thành trong môi trường XHCN, được Đảng, Nhà nước, Nhân dân và gia đình cho ăn học thành người, vì vậy, tôi làm đơn này kính gửi Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp cho tôi nhập ngũ. Trở thành một quân nhân cách mạng, tôi sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần”...
 
Đó là những lời tâm sự của chàng trai Lê Lương Nguyên (SN 2003, ở thôn Long Đại, xã Hiền Ninh, Quảng Ninh) trong đơn tình nguyện nhập ngũ. Lê Lương Nguyên là một trong 87 công dân ưu tú của huyện Quảng Ninh viết đơn tình nguyện “tòng quân” theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. 
Tân binh Lê Lương Nguyên
Tân binh Lê Lương Nguyên
1. Càng gần đến ngày nhập ngũ, Hồ Văn Mạnh, chàng trai người Bru-Vân Kiều ở bản Km 14, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) càng thấy bồn chồn hơn. Mạnh tranh thủ thời gian ít ỏi còn lại phụ giúp công việc gia đình, chăm hai đứa em học hành.
 
Gia đình Hồ Văn Mạnh thuộc hộ nghèo trong xã. Trở thành anh Bộ đội Cụ Hồ, xa gia đình, Mạnh hỏi mẹ có buồn khi vắng con trai? Bà mế Vân Kiều thật thà: “Buồn, buồn nhiều... nhưng ưng cái bụng lắm. Đi bộ đội, bản làng mình có mấy gia đình được như nhà mình. Cố gắng lên con nhé!”.
 
Trưởng bản Nguyễn Văn Thạch nắm chặt tay Mạnh dặn dò: “Bây ra với biển lớn, sống cùng đồng chí, đồng đội cho xứng đáng con cháu của bản, xứng đáng với họ Hồ của Bác. Hậu phương đây có Đảng, chính quyền, bà con chăm lo chu toàn”.
Cao Minh Lệ (áo vàng) chàng trai người dân tộc Rục, xã Thượng Hóa trước ngày lên đường nhập ngũ
Cao Minh Lệ (áo vàng) chàng trai người dân tộc Rục, xã Thượng Hóa trước ngày lên đường nhập ngũ
Cách bản Km14 nơi gia đình Hồ Văn Mạnh sinh sống gần hai trăm cây số, tại khu vực các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ của đồng bào Rục, Sách xã Thượng Hóa (Minh Hóa) sinh sống, đúng vào dịp Rằm tháng Giêng, đồng bào 3 bản này lại tổ chức lễ cầu an, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ cầu an năm nay đúng dịp trai bản lên đường “tòng quân” nên càng thêm ý nghĩa.
 
Cao Minh Lệ (SN 2003), chàng trai người dân tộc Rục bản Mò O Ồ Ồ vừa học xong lớp 12, tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Trưởng bản Mò O Ồ Ồ Cao Xuân Lâm căn dặn Lệ trong buổi lễ cầu an: “Con đi bộ đội là niềm tự hào của người Rục mình. Môi trường quân đội giúp con trưởng thành, khi trở về kỳ vọng sẽ trở thành cán bộ nguồn phục vụ cho bản làng, cho đồng bào”.
 
Già làng Cao Ngọc Êm, 80 tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng, ông nội Cao Minh Lệ, bàn tay nhăn nheo dấu thời gian, xoa xoa đầu cháu trai dặn dò: “Con đi, chân cứng đá mềm. Noi gương ông, học tập các cán bộ biên phòng Đồn Cà Xèng. Đi mau rồi còn về làm cán bộ bản giúp dân”.
Quang cảnh lễ giao nhận quân tại huyện Quảng Ninh
Quang cảnh lễ giao nhận quân tại huyện Quảng Ninh
2. Cùng với cả nước, sáng 16/2, trong không khí tràn đầy sức xuân, cờ hoa và biểu ngữ, 1.176 công dân ưu tú tỉnh Quảng Bình có mặt đông đủ tại các điểm hội quân ở 8 huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị lên đường theo tiếng gọi non sông. 
 
Từ các huyện miền núi Minh Hóa, Tuyên Hóa xuôi về TX. Ba Đồn, Quảng Trạch vào Bố Trạch, TP. Đồng Hới, Quảng Ninh, Lệ Thủy... chúng tôi cảm nhận được không khí rộn ràng, vui như ngày hội xen lẫn cảm giác lưu luyến, bồi hồi giữa người sắp lên đường và người ở lại. Là tình cảm, niềm tin trao gửi giữa bố mẹ và con, giữa vợ tiễn chồng, người yêu đưa tiễn người yêu... Tất cả gói gọn trong từng câu từ chân chất, bình dị “Đi ráng rèn luyện, phấn đấu, xứng đáng với truyền thống gia đình, quê hương Quảng Bình”.
Tân binh Phạm Xuân Sinh ở xã Quảng Lộc, TX. Ba Đồn
Tân binh Phạm Xuân Sinh ở xã Quảng Lộc, TX. Ba Đồn
Tại điểm giao nhận quân TX. Ba Đồn, trong đội hình 120 thanh niên nhập ngũ đợt một lần này, chúng tôi bắt gặp tân binh Phạm Xuân Sinh ở xã Quảng Lộc, nhập ngũ vào Sư đoàn 324, Quân khu 4.
 
Sinh chia sẻ: “Gia đình em theo công giáo, làm nghề biển. Được sự động viên của gia đình, bạn bè và chính quyền địa phương, em quyết tâm vào quân đội. Khi Tổ quốc cần thì đâu có phân biệt lương, giáo, phải không anh?”, Phạm Xuân Sinh chào chúng tôi, tạm biệt người thân, theo đồng đội hòa vào hàng ngũ.
 
Tại điểm giao, nhận quân TP. Đồng Hới, thay mặt cho 107 tân binh lên đường làm nhiệm vụ, chiến sỹ Đào Duy Long ở xã Nghĩa Ninh tuyên thệ: “Thế hệ trẻ TP. Đồng Hới hôm nay luôn tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc. Để tiếp bước truyền thống quý báu đó, trên tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, chúng tôi sẵn sàng tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần và lực lượng vũ trang giao phó. Chúng tôi xin hứa sẽ phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, tích cực học tập, rèn luyện, phấn đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại, xứng đáng với tên gọi thân thiết “Bộ đội Cụ Hồ”, “Công an nhân dân”.
Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4 chỉnh đốn quân tư trang cho tân binh trước lúc lên đường làm nhiệm vụ
Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4 chỉnh đốn quân tư trang cho tân binh trước lúc lên đường làm nhiệm vụ
Tại điểm giao, nhận quân huyện Lệ Thủy, tân binh Đinh Như Hiếu trong bộ quân phục mới còn nguyên nếp gấp chia sẻ: “Bố em trước đây cũng là bộ đội, đóng quân tại quần đảo Trường Sa. Qua những câu chuyện từ bố, em mong một ngày nào đó cũng trở thành người lính, ra với đầu sóng, ngọn gió Trường Sa, góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Em viết đơn xin nhập ngũ, và hôm nay rất hạnh phúc khi ước mơ đã thành hiện thực”. Vinh dự, tự hào hơn khi Đinh Như Hiếu là một trong hai đảng viên ưu tú của huyện Lệ Thủy nhập ngũ đợt này.
Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng dặn dò tân binh trước lúc lên đường
Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng dặn dò tân binh trước lúc lên đường
Tại điểm giao, nhận quân huyện Quảng Ninh, 145 tân binh có mặt trong đội hình hàng thẳng hàng, ngăn nắp, chỉnh tề như năm xưa lớp lớp cha anh bước vào lễ tuyên thệ trước khi lên đường ra mặt trận.
 
Lễ giao nhận quân ở huyện Quảng Ninh có sự tham dự của Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4; Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, Công an, Quân đội...
Lên đường
Các tân binh sẵn sàng lên đường
Tôi bắt gặp hình ảnh Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đi giữa những hàng quân, ngắm nhìn từng gương mặt trẻ măng giống con cháu mình, từng cái bắt tay thật chặt, gửi trao trọn niềm tin. “Các cháu lên đường mạnh giỏi, chân cứng đá mềm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng, Nhân dân, Quân đội giao phó, xứng đáng với truyền thống quê hương Quảng Bình “Hai giỏi” nhé! Đảng, Nhà nước, gia đình, quê hương tin tưởng vào các cháu”, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng dặn dò các tân binh trước lúc lên đường. 
 

Trong tổng số 1.176 công dân nhập ngũ năm 2022, có 950 tân binh biên chế vào các đơn vị quân đội gồm: Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2; Lữ đoàn 134, Bộ Tư lệnh Thông tin; Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh; Sư đoàn bộ binh 324, Quân khu 4; Trung đoàn bộ binh 996, Bộ CHQS tỉnh.

226 tân binh còn lại biên chế vào lực lượng Công an nhân dân thuộc các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (K02), Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (K01), Cục Cảnh sát quản lý trại giam (C10), Công an tỉnh.

Thanh Long

tin liên quan

Làng mới bên "Cổng Trời"

(QBĐT) - Nằm đối diện với khu Di tích lịch sử Cổng Trời trên tuyến Quốc lộ 12A, khu tái định cư mới của bản Cha Lo (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) vừa hoàn thành đưa vào sử dụng. Mặc dù vẫn còn những lo toan, bỡ ngỡ ban đầu, nhưng từ bây giờ, khi mùa mưa lũ về, 34 hộ người Mày nơi đây đã không còn phải thấp thỏm lo âu vì sạt lở đe dọa như ở bản cũ, khi được sống an toàn trong những ngôi nhà mới đẹp đẽ, khang trang…

Mùa mưa ở Khe Giữa

(QBĐT) - Đường 10 nối từ xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) vào bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) đã được rải nhựa, xe có thể chạy bon bon vào đến bản. Mùa mưa này, giữa bốn bề núi rừng, con đường như vắng người qua lại hơn. Khe Giữa cách trung tâm xã Ngân Thủy hơn 10km, ấy vậy mà rất xa ngái. Đến đây, mới biết dân bản còn bộn bề khó khăn, lo toan trong cuộc mưu sinh hàng ngày. Và, để kéo Khe Giữa lại gần hơn, vẫn còn đó những trăn trở…

Làng nơi chân sóng

(QBĐT) - Không còn cảnh vắng lặng do phong tỏa, những ngày này, người dân những làng biển bãi ngang đã dần quay lại với nhịp sống vốn có. Họ cần mẫn, miệt mài cho một mùa biển mới, với những niềm hy vọng mới, cho dù dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp ở ngoài kia.