(QBĐT)- Sông Long Đại còn có tên khác là Đại Giang, khởi nguồn từ dãy Trường Sơn. Trên hành trình về biển Đông, qua hàng trăm con thác lớn nhỏ, sông nhận thêm nhiều nhánh khe, con suối hợp thành. Bén duyên với Đại Giang hơn hai chục năm trước, nhưng mãi cho đến một ngày gần đây, ngược dòng sông lên phía thượng nguồn, tôi mới ngộ ra một điều, từ non nước mát lành trong trẻo này, nhiều chàng trai, cô gái bên ni, bên tê “nên đôi, nên đũa”. Chất phù sa đại ngàn qua từng mùa lũ tràn bồi lắng đôi bờ làm ngọt ngon củ sắn, củ khoai, hạt ngô, hạt lạc... cho người dân cưu mang nhau qua thời gian khổ mà dệt nên no ấm, đủ đầy!
Dòng sông yêu thương
Từ ngã ba Trần Xá, nơi dòng Đại Giang hợp lưu với dòng Kiến Giang thành sông Nhật Lệ trước khi ra cửa biển, tôi xin quá giang con đò dọc lên xã Trường Sơn.
Nếu ai từng gắn bó với Đại Giang mới hiểu hết giá trị chiều sâu của dòng sông, sự thủy chung, cộng đồng giữa người Kinh, người Bru-Vân Kiều sinh sống dọc đôi bờ. Từ ngã ba Trần Xá, con đò nhỏ đưa chúng tôi lần lượt qua các xã Hiền Ninh, Xuân Ninh, Trường Xuân, Trường Sơn với những địa danh lịch sử, văn hóa: Chợ Cổ Hiền, bến phà Long Đại, đường Hồ Chí Minh, núi Thần Đinh, bến Tiêm... và từng bản làng trù phú: Long Đại, Bắc Kim Sen, Nam Kim Sen, Lâm Ninh, Nước Đắng, Hôi Rấy, Cây Sú, Long Sơn, Tân Sơn, Thượng Sơn...
Trong các bản làng đồng bào Kinh, Bru-Vân Kiều sinh sống đôi bờ Đại Giang, khi dòng sông mất đi vị trí “độc tôn” là tuyến đường huyết mạch lên xã biên giới Trường Sơn, hai bản Nước Đắng, Hôi Rấy thành “cách sông, trở đò”. Ấy vậy, mỗi lần tôi trở lại thăm bản, đồng bào Vân Kiều dọc sông Long Đại vẫn mãi nhớ tên, nồng nàn mến khách. Đơn sơ vậy thôi, thấy ấm lòng. Là già làng Hồ Thao ở Lâm Ninh; là Hồ Hơn, trưởng bản Nước Đắng; Hồ Ba, trưởng bản Hôi Rấy, mế Hồ Thị Bông, già làng uy tín nơi bản Cây Sú...
Tôi kể về Đại Giang, dòng sông thủy chung, điều này thì đã rõ mười mươi. Từ khởi thủy của dòng sông đến hiện tại, chẳng ai thống kê được “trai thanh, nữ tú” dọc đôi bờ yêu nhau, “nên đôi, nên đũa” về chung một nhà?
Nhưng thế hệ của chúng tôi, khoảng chừng gần 20 năm về trước, chỉ trong một lần đoàn thanh niên tình nguyện theo đò dọc ngược lên xã Trường Sơn ra quân “Hè tình nguyện”, dòng Đại Giang đã “se duyên” thành công cho 5 cặp đôi viên mãn. Những người trong số đó có Bùi Thị Thu Thắm, hiện tại là Phó Chủ tịch HĐND thị trấn Quán Hàu (Quảng Ninh); một đôi, nữ tên Thu, cô giáo, nam tên Tri, Đội trưởng Đội trinh sát, Đồn Biên phòng Làng Mô; hai đôi tiếp theo tôi quên mất tên. Nhưng cặp đôi cuối cùng thì không lẩn đâu được là Trần Thị Hải Lâm, cán bộ Tư pháp xã Hiền Ninh và Trần Ngọc Hải, phóng viên Báo Quảng Bình.
Đôi bờ trái ngọt
Dòng sông yêu thương, dòng sông thủy chung đã đành, Đại Giang dâng hiến cho những vùng đất nơi mình qua những bãi bồi phù sa trù phú. Mỗi mùa mưa lũ, phù sa từ đại ngàn Trường Sơn được dòng Đại Giang nâng niu trong lòng đưa về xuôi tựa dòng sữa mẹ cho cây trái đôi bờ “bú mớm” mà vươn hình hài tốt tươi, mùa vụ bội thu.
Mùa gieo hạt ven sông Long Đại bắt đầu vào cuối tháng mười một, đầu tháng chạp (âm lịch). Dịp này, ai đến Đại Giang, thấy người đi gieo hạt, làm đồng vui như trẩy hội.
Ở phía đầu nguồn xã Trường Sơn, các thôn Thượng Sơn, Tân Sơn, Long Sơn, Cây Sú, Nước Đắng, Hôi Rấy; xuôi thêm chút là bản Lâm Ninh, thôn Bắc Kim Sen, Nam Kim Sen (Trường Xuân) và phía đồng bằng là thôn Long Đại, Đồng Tư, Cổ Hiền... người Kinh, người Bru-Vân Kiều chạy đua cùng thời gian để kịp thời vụ. Mùa gieo hạt chỉ kéo dài khoảng một tuần đến mười ngày, khi đất phù sa đang tơi xốp, hạt ngô, hạt lạc rơi xuống lòng đất, gặp đất ngọt lành, chỉ vài ba ngày sau cảm giác muốn bung lớp phù sa mà vươn lên hít thở khí trời.
Đó là mùa gieo hạt... Bây giờ tôi chạm dòng Đại Giang, cây lạc đang tốt bời bời và ngô thì đã vào vụ thu hoạch. Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Nguyễn Văn Nhì phấn khởi: “Năm nay, bà con trong xã đột phá về diện tích lạc, 160ha; riêng cây ngô cơ bản trồng xen trên đất lạc. Thời tiết, khí hậu thuận lợi, đất đai tươi tốt, hy vọng sẽ được mùa”.
“Ngô xã Hiền Ninh vốn tạo được “thương hiệu” trên thị trường ở Quảng Bình”- Phó Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh Lê Hoài Vũ khoe với tôi như thế- “Từ 20 tháng chạp đến hết tháng giêng, ngô Hiền Ninh theo bà con cung cấp đến các chợ đầu mối ở TP. Đồng Hới, ra Bố Trạch, vô Lệ Thủy và đặc biệt là bán dọc đường Hồ Chí Minh cho cánh lái xe đường dài Bắc-Nam. Năm nay, giống ngô nếp chủ lực H886 được người dân trồng dọc bãi bồi ven sông Đại Giang thuộc các HTX Cổ Hiền, Long Đại, Trường Dục, Đồng Tư, diện tích 50ha, trong đó nhiều nhất là HTX Long Đại 25ha, HTX Cổ Hiền 16ha. Năng suất ngô khoảng 35 tạ/ha. Tuy nhiên, người dân chủ yếu bán ngô non. Ngô non được mùa, được giá, bình quân 3 nghìn đồng đến 5 nghìn đồng/bắp”.
Ông Trần Ngọc Sỹ, Chủ nhiệm HTX Long Đại cho biết: “Đến nay, bà con nông dân đã thu hoạch hơn ¾ diện tích rồi. Cứ thu hoạch được bao nhiêu, lên dựng lán bên đường Hồ Chí Minh, đem nồi, mang củi theo đốt nấu bán cho khách vãng lai. Rứa mà thu nhập lại cao, nhiều gia đình thu từ 50-80 triệu đồng nhờ bán ngô”.
Trên cánh đồng ngô ở Bắc Cổ Hiền nằm sát bờ sông Long Đại, những diện tích ngô chưa thu hoạch bạt ngàn màu xanh, cao quá đầu người, bắp trĩu hạt. Ông Nguyễn Viết Sửu tay hái ngô, miệng vui chuyện: “Nơi Bắc Cổ Hiền ni, lắm nhà trồng 0,5ha đến 1ha ngô, thu nhập đến chừ bình quân từ 80-100 triệu đồng nhờ bán ngô non. Đơn cử như gia đình tôi, trồng gần 1ha ngô, mới thu hoạch 0,5ha, bán hơn 90 triệu đồng. Năm ni ngô được mùa, được giá, nông dân phấn khởi lắm! Cũng nhờ sông Long Đại bồi lắng phù sa nên đất đai ngày càng màu mỡ. Hết ngô sẽ đến lạc, hết lạc thì trồng khoai, kê, rau màu... luân chuyển. Giúp cuộc sống nông nghiệp, nông thôn ngày càng no ấm hơn”.
(QBĐT) - Nằm đối diện với khu Di tích lịch sử Cổng Trời trên tuyến Quốc lộ 12A, khu tái định cư mới của bản Cha Lo (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) vừa hoàn thành đưa vào sử dụng. Mặc dù vẫn còn những lo toan, bỡ ngỡ ban đầu, nhưng từ bây giờ, khi mùa mưa lũ về, 34 hộ người Mày nơi đây đã không còn phải thấp thỏm lo âu vì sạt lở đe dọa như ở bản cũ, khi được sống an toàn trong những ngôi nhà mới đẹp đẽ, khang trang…
(QBĐT) - Đường 10 nối từ xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) vào bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) đã được rải nhựa, xe có thể chạy bon bon vào đến bản. Mùa mưa này, giữa bốn bề núi rừng, con đường như vắng người qua lại hơn. Khe Giữa cách trung tâm xã Ngân Thủy hơn 10km, ấy vậy mà rất xa ngái. Đến đây, mới biết dân bản còn bộn bề khó khăn, lo toan trong cuộc mưu sinh hàng ngày. Và, để kéo Khe Giữa lại gần hơn, vẫn còn đó những trăn trở…
(QBĐT) - Nhiều người gọi công việc của cán bộ, nhân viên dự án rà phá bom mìn là nghề đi săn "tử thần". Hàng ngày, họ phải khảo sát, tìm kiếm, xử lý nhiều bom mìn, vật liệu nổ (VLN) còn sót lại sau chiến tranh, đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm.