Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình...

  • 06:30 | Chủ Nhật, 17/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Giữa bộn bề đời thường đầy âu lo, toan tính, họ chọn sống bình tâm, lặng lẽ với những việc làm tốt đẹp bằng tấm lòng bao dung rộng mở. Chúng tôi đang nói đến vợ chồng anh Nguyễn Đức Anh (SN 1980) và chị Ngô Thị Hồng (SN 1983), thôn Phúc Tự Đông, xã Đại Trạch (Bố Trạch). Nhiều năm nay, ngôi nhà nhỏ của anh chị là mái ấm nuôi dưỡng những "mầm xanh" người Bru-Vân Kiều ở bản Rào Con (thị trấn Phong Nha, Bố Trạch).
 
Lặng lẽ "tỏa hương"
 
Nhiều năm nay, căn nhà nhỏ của vợ chồng chị Hồng nằm khuất sau xóm dân cư mới ở thôn Phúc Tự Đông luôn ngập tràn tiếng cười của con trẻ. Ngôi nhà là tổ ấm yêu thương của 7 đứa trẻ, trong đó có 2 con ruột và 5 đứa khác là trẻ Vân Kiều ở bản Rào Con được anh chị nhận chăm nuôi, tạo điều kiện học hành.
 
Chúng tôi biết đến anh chị qua một độc giả. Tuy nhiên, khi liên hệ tìm hiểu, chúng tôi chỉ nhận lại những cái lắc đầu, thậm chí rất nhiều người địa phương cũng không hề biết việc làm nhân văn bao năm nay của anh chị. Bởi với anh chị, sống đơn giản là cho đi đâu chỉ nhận riêng mình. Khi chúng tôi tìm về tận nhà, thuyết phục mãi, anh chị mới chia sẻ câu chuyện của mình với hy vọng những đứa con Vân Kiều nhận được nhiều cơ hội hơn từ xã hội sau khi học hết THPT.
 
Chị Hồng chia sẻ, thời gian đầu về công tác ở UBND xã Sơn Trạch (nay là thị trấn Phong Nha), cùng với đội ngũ giáo viên ở đây, chị thường xuyên ra vào bản Rào Con để vận động học sinh đến trường.
 
Độ chục năm về trước, Rào Con tuy "gần mà xa" bởi con đường độc đạo vào bản rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Cuộc sống bà con nơi đây gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Trong bản chưa có điểm trường, nên đều đặn hàng tuần, các thầy, cô cùng chính quyền địa phương lại vào bản vận động con em ra trường sau thời gian nghỉ "quá hạn".
Mâm cơm của đại gia đình 9 người.
Mâm cơm của đại gia đình 9 người.
Nhiều lần vào bản, thương cảm những đứa trẻ Vân Kiều có nguy cơ thất học, lặp lại vòng tuần hoàn đói nghèo của bố mẹ, chị Hồng nghĩ mình phải làm cái gì đó. Vậy là chị thuyết phục bố mẹ 2 anh em Nguyễn Văn Lửa (SN 2000), Nguyễn Văn Long (SN 2004) cho đón các em ra chăm nuôi tại nhà ngoại ở trung tâm xã để có cơ hội học hành. Hai năm sau đó, điểm trường được thành lập ở Rào Con, các em vào lại bản. Học hết lớp 9, đa phần các em học sinh như Lửa, Long đều bỏ học. Chị Hồng về bàn với chồng, bỏ qua nhiều lời dị nghị, tiếp tục cưu mang những con em bản Rào Con về ăn ở tại nhà và xin cho học ở trường THPT huyện.
 
Chồng chị Hồng là anh Nguyễn Đức Anh, một kỹ sư xây dựng, sau nhiều năm lăn lộn rồi tự mở một doanh nghiệp "sau lũy tre làng", cũng chỉ đủ lo cho cuộc sống gia đình 4 người. Ngày chị Hồng đưa thêm mấy "đứa con" về nhà, ban đầu anh hơi ái ngại nhưng dần dần rồi cũng quen, đặc biệt sau khi được vợ dẫn đi thực địa một chuyến ở Rào Con, thấy được vòng luẩn quẩn khó khăn của bà con. Vậy là đứa sau tiếp đứa trước, hiện tại, gia đình anh chị có thêm 5 "đứa con", 4 trai, 1 gái. Trong đó, cháu Long, cháu Thừa học lớp 12, cháu Hận lớp 11 và Việt, Trường đang theo học lớp 10.
 
Ngày đi làm (cách nhà 30km), tối về kèm cặp các con học bài là công việc lặp đi lặp lại nhiều năm nay của chị Hồng, một cán bộ văn hóa ở thị trấn Phong Nha. Chị Hồng cũng không nhớ rõ là đã bao năm, nhưng có em vợ chồng chị nhận nuôi dưỡng từ năm lớp 6 thì nay đã bước vào cuối cấp 3, có em hết học và đã tham gia nghĩa vụ quân sự.
 
Vất vả hòa nhập
 
Giữa lo toan cuộc sống đời thường, để lo chuyện ăn, chuyện học cho các con không phải đơn giản, càng vất vả hơn là 5 "đứa con" mới của anh chị thua thiệt nhiều về mọi mặt so với bạn trang lứa miền xuôi.
 
Hôm chúng tôi đến, mấy mẹ con chị Hồng đang tất bật chuẩn bị cơm tối. Người nấu cơm, người nhặt rau, người giặt đồ..., không khí chan hòa đầy thương yêu. Nhưng để có được như hôm nay, là cả một quá trình "cười ra nước mắt".
 
Chị Hồng bộc bạch, những ngày đầu, vất vả nhất là việc giúp các cháu hòa đồng với nhịp sống miền xuôi. Vợ chồng anh chị bắt tay chỉ dạy từ nấu cơm, giặt đồ, gấp chăn màn, thậm chí cả cách dùng nhà vệ sinh... Người thân, xóm giềng biết chuyện ai cũng lắc đầu.
 
"Tổng kết năm đầu tiên, nhà có 5 nồi cơm điện bị cháy, xem như "học phí" để các cháu hoàn thành khóa học nấu cơm bằng nồi điện. Đó là chưa kể các đồ dùng khác. Nhưng khó khăn nhất là để các cháu hòa đồng với nhau. Hai đứa con trai của chúng tôi, thời gian đầu nhất quyết không chịu đến lớp vì bị bàn bè trêu là ở cùng nhà với "tộc". Phải mất một thời gian dài, với nỗ lực của ba mẹ ,các cháu mới hiểu chuyện, biết cách sẻ chia, yêu thương, bao dung hơn. Bây giờ, sau giờ học chúng chơi đùa cùng nhau vui vẻ và không có khoảng cách nữa", chị Hồng tâm sự.
 
Đón các cháu về, mọi chi phí sinh hoạt trong nhà, sắm sửa quần áo, sách vở, xe đạp..., anh chị đều chu toàn và đối xử như con cháu trong nhà. Từ việc ăn uống hàng ngày, xin đi học cho các cháu và cam kết không bỏ học rồi đi họp phụ huynh hay cả việc đi du lịch hàng năm, cả nhà đều cùng đi với nhau.Cảm nhận được yêu thương đủ đầy, nên các em luôn nghe lời vợ chồng anh chị, chưa bao giờ có chuyện bỏ ngang việc học về nhà như ở các trường nội trú. Mỗi lần các con làm sai điều gì, vợ chồng chị Hồng không bao giờ nói nặng lời. Hình phạt phổ biến nhất được anh chị thực hiện là phạt chép nghị quyết.
 
Chị Hồng cho hay, có khi chép lại văn bản, có khi chị ghi âm lại các buổi học nghị quyết rồi để các cháu chép ra. Việc làm này vừa để giáo dục vừa rèn luyện thêm khả năng nghe, viết, tính kiên trì cho các cháu. Chị cũng không cấm sử dụng điện thoại ngoài giờ học, nhưng cứ đến 10 tối, trước khi đi ngủ, các cháu đều tự giác nộp lại điện thoại.
 
Mong ước các con được thành nghề
 
Trong số 5 "đứa con" nhận nuôi, cháu Nguyễn Văn Long và Nguyễn Thị Thừa năm nay đang học lớp 12. Ở miền xuôi, các em tốt nghiệp THPT nếu không học lên thì cũng chọn cho mình một nghề, hay đơn giản ra "trường đời" lăn lộn, nhưng với con em đồng bào dân tộc thiểu số như ở bản Rào Con thì khác. Chỉ cần về với núi rừng là quên hết con chữ. Đây cũng là nỗi lo canh cánh của vợ chồng chị Hồng.
 Cả nhà tổ chức sinh nhật cho anh cả Nguyễn Văn Long.
Cả nhà tổ chức sinh nhật cho anh cả Nguyễn Văn Long.
Chị Hồng chia sẻ, trong thời gian chăm sóc, kèm cặp học tập, chị nhận ra học lực các cháu không thể bằng các bạn cùng lớp, nhất là các môn lý thuyết cơ bản. Tuy nhiên, với các môn thực hành nghề thì rất nhanh nhẹn, sáng tạo. Vợ chồng anh chị cũng định hướng cho các cháu học nghề theo sở thích.
 
Như cháu Long, dưới sự hướng dẫn của anh Anh, hiện tại gần như có thể sửa chữa được các thiết bị điện trong gia đình. Long tâm sự: "Học hết THPT em sẽ cố gắng theo học nghề điện lạnh, học thật giỏi để thành nghề, kiếm được tiền nuôi sống gia đình và không phụ lòng kỳ vọng của chú Anh, dì Hồng".
 
Còn Nguyễn Thị Thừa là người sáng dạ nhất, cháu mong muốn học tiếp nghề giáo viên để về dạy lại con chữ cho con em ở bản Rào Con. "Nghề gì cũng được, miễn là tử tế. Quan trọng nhất là các cháu thay đổi được tư duy, sống có ích", anh Nguyễn Đức Anh bộc bạch. Nhưng để các em thực sự thay đổi được tư duy, hòa nhập với nhịp sống hiện đại thì rất cần sự chung tay của toàn xã hội.
 
Chiều muộn, chia tay mái ấm với 7 người con của vợ chồng chị Hồng, tôi chợt nhớ mấy câu thơ trong bài "Một khúc xa xuân" của nhà thơ Tố Hữu trong sự khâm phục, trân trọng: “... Nếu là con chim chiếc lá/Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh/Lẽ nào vay mà không có trả/Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình...”.
 
                                                                                                                                  X.Phú

tin liên quan

Thần tốc trồng cây, xây nhà chờ..."bắt vạ"?

(QBĐT) - Mặc dù đã được cảnh báo nhưng nhiều hộ dân ở huyện Quảng Trạch vẫn ồ ạt xây dựng nhà cửa, tường rào, trồng cây... chờ đền bù Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. 
 

Đất lành

(QBĐT) - Nhiều người gọi công việc của cán bộ, nhân viên dự án rà phá bom mìn là nghề đi săn "tử thần". Hàng ngày, họ phải khảo sát, tìm kiếm, xử lý nhiều bom mìn, vật liệu nổ (VLN) còn sót lại sau chiến tranh, đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm.

"Đại thủy nông" Rào Nan - Hành trình nửa thế kỷ

(QBĐT) - Đập thủy lợi Rào Nan được xây dựng hơn nửa thế kỷ trước bằng sức người giữa khốc liệt đạn bom chiến tranh. Công trình tiêu biểu cho sức mạnh đoàn kết của quân dân đất lửa Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ và không thể không kể đến những dấu ấn quyết đoán của cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan. Trải qua hơn nửa thế kỷ, công trình được nâng cấp, xây dựng bằng công nghệ hiện đại, tiếp tục sứ mệnh trong hành trình đổi mới của đất và người vùng Nam Ba Đồn.