Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Nhà báo Nguyễn Hồng Lam:

"Người của giang hồ"... đầy trách nhiệm

  • 11:59 | Thứ Bảy, 16/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một ngày cuối tháng ba, biết tôi vừa “rớt” xuống TP. Hồ Chí Minh, nhà báo Nguyễn Hồng Lam nhắn: “Mai qua đường sách Nguyễn Văn Bình, gần Dinh Thống Nhất ấy, anh có buổi giao lưu với độc giả nhân dịp ra mắt cuốn sách “Bản tình ca khúc khuỷu”, nhớ nghe!”.
 
1. Nhà báo Nguyễn Hồng Lam gốc người Hà Tĩnh nhưng lại lắm duyên nợ với đất Quảng Bình. Anh gắn bó với nhiều thế hệ phóng viên Báo Quảng Bình như Nguyễn Tâm Phùng, Nguyễn Hương Giang, Phan Anh Tuấn, Trần Minh Văn, Ngô Thanh Long, Nguyễn Huy Hoàng... từ cách đây gần ¼ thế kỷ. Thêm nữa, người bạn đời của anh cũng là gái Quảng Bình. Hồi cô bé mới “chân ướt, chân ráo” tập tễnh vào nghề báo, gặp Nguyễn Hồng Lam, anh “cà khịa”: “Bỏ nghề báo đi, lấy anh!”. Nửa đùa, nửa thật thế mà thành duyên. Về cùng gia đình, cô phóng viên tập sự ngày xưa ở Báo Quảng Bình hiện tại đã là nữ tiến sỹ nhân chủng học, công tác tại Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh.
 
Năm 2004, tập truyện ký “Người của giang hồ” của Nguyễn Hồng Lam được NXB Công an Nhân dân xuất bản, kể từ đó Nguyễn Hồng Lam được anh em, bằng hữu, đồng nghiệp thân tình gọi “chết danh”- “Người của giang hồ”.
Nhà báo Nguyễn Hồng Lam (bên phải) cùng các phóng viên Tâm Phùng, Minh Văn trong một chuyến công tác đến với đồng bào Rục, xã Thượng Hóa (Minh Hóa).
Nhà báo Nguyễn Hồng Lam (bên phải) cùng các phóng viên Tâm Phùng, Minh Văn trong một chuyến công tác đến với đồng bào Rục, xã Thượng Hóa (Minh Hóa).
Những năm trước khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19, Nguyễn Hồng Lam hay ghé thăm Quảng Bình, anh thường đi một mình, xách ba lô lên, ra quốc lộ 1 bám xe tốc hành Nam-Bắc mà về. Đến Quảng Bình, anh nhắn Nguyễn Tâm Phùng làm “triệu tập viên” gọi mấy chiến hữu thân tình chúng tôi, để tao ngộ, để hàn huyên, để “ôn cố tri tân”... Lần nào cũng vậy, trong chút say say men rượu nút lá chuối khô của làng cát Gia Ninh, quê hương Nguyễn Tâm Phùng, Nguyễn Hồng Lam chân chất: “Quảng Bình hơn cả nhà mình, nên cần phải về!”. Chúng tôi thấu hiểu gan ruột anh, “Người của giang hồ”... đầy trách nhiệm.
 
Ngược lại quá khứ, ai ở Quảng Bình dù ít, dù nhiều đều biết đến câu chuyện ông Nguyễn Hồng Công và hành trình 31 năm (1982-2013) bạt rừng tìm kiếm kho báu vua Hàm Nghi dưới chân núi Mã Cú, xã Hóa Sơn (Minh Hóa). Trong khoảng thời gian hơn 30 năm đó, Nguyễn Hồng Lam từng nhiều lần cắt rừng “diện kiến” ông Nguyễn Hồng Công tại rừng thẳm “Hóa Sơn tứ hải cuộc mưu sinh” và một cuộc săn tìm kho báu điên rồ, vô vọng bằng niềm tin sắt đá “Hóa Sơn ghìm bước quân vương tới/Mã Cú lưu gìn báu vật xưa”. Sau hàng loạt chuyến đi đó, một thiên phóng sự dài kỳ về người săn tìm kho báu vua Hàm Nghi được Nguyễn Hồng Lam đăng trên Báo An ninh thế giới (ANTG).
 
Thượng tá, nhà báo, nhà văn Nguyễn Hồng Lam, tên thật Nguyễn Đức Vinh (SN 1972) hiện tại là Phó Trưởng Cơ quan đại diện Cục truyền thông CAND tại TP. Hồ Chí Minh.

Ngày 7/10/2013, người dân Hóa Sơn phát hiện ông Nguyễn Hồng Công chết lặng lẽ trong ngôi lán nhỏ cô độc ở chân núi Mã Cú. Nguyễn Hồng Lam kể: “Một cái chết không áo mão cân đai, không bạc vàng châu báu mở ra từ rực rỡ vàng son. Huyền thoại về kho báu vua Hàm Nghi khép lại trong hiu quạnh. Lạ, người dân bản địa không biết một chút gì về gia đình người đã khuất, chỉ nhớ ra tác giả từng viết bài về Nguyễn Hồng Công nên gọi điện cho tôi. Khó khăn lắm, tôi mới có thể thông báo hung tin cho bác sỹ Nguyễn Thị Phương Thảo ở Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh cùng bà Phạm Thị Hà là con gái và vợ ông Công”.

Năm 2001, Báo ANTG đăng loạt phóng sự về “Ngôi nhà có 6 người điên” ở xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch (nay là TX. Ba Đồn) của hai tác giả Hồng Lam-Tâm Phùng. Gia đình ông Nguyễn Ngọc Phúc có 10 thành viên gồm ba thế hệ thì hết 6 người bị tâm thần nặng. Ông Phúc tuổi cao, sức yếu, đắng lòng, đứt ruột tự tay đóng 3 cái cũi gỗ nhốt 3 người con vì “bọn ni phá quá, chịu không nỗi”. Báo chí đăng, nhưng nỗi ám ảnh thân phận những người điên thì không thể nào rũ bỏ được.
“Người của giang hồ”-Nguyễn Hồng Lam giao lưu cùng độc giả nhân dịp ra mắt cuốn sách “Bản tình ca khúc khuỷu”.
“Người của giang hồ”-Nguyễn Hồng Lam giao lưu cùng độc giả nhân dịp ra mắt cuốn sách “Bản tình ca khúc khuỷu”.

Nguyễn Hồng Lam chốt câu xót xa: “Cách có một con sông, một quãng đồng mà cuộc đời đã so le kinh khủng”. Trở lại TP. Hồ Chí Minh, “Người của giang hồ” tìm gặp bạn nhậu Lâm Tấn Lợi, chủ cơ sở Võng xếp Duy Lợi. Ông Lợi hỏi: “Xây một căn nhà đàng hoàng ở quê hết bao nhiêu?”. Đáp: “Tùy, khoảng 20 triệu là được”. Ông Lợi đưa Nguyễn Hồng Lam 30 triệu đồng: “Tôi gửi xây nhà cho 6 người điên. Thiếu, nói, tôi đưa thêm”.

Ngôi nhà tình nghĩa xây trong 2 tháng, đến tháng 9/2001 thì hoàn thành, dự toán 30 triệu đồng, làm hết 40 triệu; gửi thêm 30 triệu vào ngân hàng lo cơm áo, gạo mắm cho đại gia đình 6 người điên; thêm kinh phí đưa 3 người con “điên dở” ra Hà Nội chữa trị..., ông chủ Võng xếp Duy Lợi tất toán. Số tiền bạn đọc ủng hộ dịp này Báo ANTG xây 19 căn nhà, tặng sổ tiết kiệm cho 19 gia đình hoàn cảnh tương tự, có từ 1 đến 3 người bị tâm thần. Riêng xã Quảng Hòa thêm 6 nhà...
 
2. Kỷ niệm với nhà báo Nguyễn Hồng Lam, “Người của giang hồ”... đầy trách nhiệm ở Quảng Bình thì nhiều vô kể, anh tự sự cùng chúng tôi mà như dặn mình: “Đó là trách nhiệm trước bản thân, trách nhiệm người cầm bút, trách nhiệm với xã hội. Làm gì, làm như thế nào cho cuộc đời đẹp lên, tốt ra thì người làm báo nên làm!”.
 
Trở lại với đường sách Nguyễn Văn Bình đúng vào dịp sinh nhật Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 26/3/2022. Đang giao lưu cùng bạn đọc, thấy tôi, “Người của giang hồ” bỏ lửng câu chuyện đang cao trào... Anh ôm lấy tôi trìu mến: “Cảm ơn Long nhé! Em đến, anh vui!”. Không vui sao được, cái ngày Nguyễn Hồng Lam giao lưu ra mắt tập sách “Bản tình ca khúc khuỷu”, lại có một “fan cứng” lặn lội hơn ngàn mốt cây số từ quê hương Quảng Bình “hậu phương” vào dự.
Cuốn sách “Bản tình ca khúc khuỷu”, tác giả Nguyễn Hồng Lam.
Cuốn sách “Bản tình ca khúc khuỷu”, tác giả Nguyễn Hồng Lam.

Nguyễn Hồng Lam chia sẻ, từ năm 2005, đúng 17 năm trôi qua, anh không xuất bản thêm một cuốn sách nào. Không in sách, không phải là lặng yên. Từng ấy thời gian để “xê dịch”, để “hành khất cuộc đời”, để “ngậm ngải... tìm trầm”... Và “Bản tình ca khúc khuỷu” là tập truyện ký của “người thư ký cuộc đời” đúng như Nguyễn Hồng Lam tự nhận, trải dài trong suốt 17 năm qua trao gửi nhẹ nhàng đến độc giả.

Tất cả những nhân vật trong cuốn “Bản tình ca khúc khuỷu” đều không nổi tiếng, nhưng với Nguyễn Hồng Lam, họ trở thành những cuộc đời kỳ vỹ. Họ sống như đã sống, sống xứng đáng, sống đến kiệt cùng đời họ, đi đến nấc giản dị cuối cùng mà thiên chức buộc họ trót phải mang. Thiên chức ấy có tên chung: Ngõ đàn bà! Ở đó, niềm vui thường thoáng qua, nỗi buồn thì đọng mãi.
 
Số phận của những thân phận phụ nữ trong Ngõ đàn bà-“Bản tình ca khúc khuỷu”  được “người thư ký cuộc đời” Nguyễn Hồng Lam ghé lại, ngồi xuống, im lặng lắng nghe, tỉ mẩn ghi chép. Anh chép đúng người thật, việc thật, được cuộc đời khắc dấu. Trong lời tựa cuốn sách, Nguyễn Hồng Lam thủ thỉ: “Tôi không viết, tôi sống với nhân vật của mình, đồng hành trong hữu hạn với những thân phận vô danh mà tôi may mắn gặp. Nếu không chuyển được những rung động về nhân vật đến cho người đọc... chẳng qua đó chỉ là sự kém cỏi của tôi, một người cầm bút”.
 
                                                                                                              Ngô Thanh Long

tin liên quan

Thần tốc trồng cây, xây nhà chờ..."bắt vạ"?

(QBĐT) - Mặc dù đã được cảnh báo nhưng nhiều hộ dân ở huyện Quảng Trạch vẫn ồ ạt xây dựng nhà cửa, tường rào, trồng cây... chờ đền bù Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. 
 

Mùa mưa ở Khe Giữa

(QBĐT) - Đường 10 nối từ xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) vào bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) đã được rải nhựa, xe có thể chạy bon bon vào đến bản. Mùa mưa này, giữa bốn bề núi rừng, con đường như vắng người qua lại hơn. Khe Giữa cách trung tâm xã Ngân Thủy hơn 10km, ấy vậy mà rất xa ngái. Đến đây, mới biết dân bản còn bộn bề khó khăn, lo toan trong cuộc mưu sinh hàng ngày. Và, để kéo Khe Giữa lại gần hơn, vẫn còn đó những trăn trở…

Đất lành

(QBĐT) - Nhiều người gọi công việc của cán bộ, nhân viên dự án rà phá bom mìn là nghề đi săn "tử thần". Hàng ngày, họ phải khảo sát, tìm kiếm, xử lý nhiều bom mìn, vật liệu nổ (VLN) còn sót lại sau chiến tranh, đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm.