Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Vùng đất giáp ranh

  • 07:33 | Chủ Nhật, 20/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mệ ngồi trong ngôi nhà nhỏ trở mặt ra con đường thiên lý Bắc Nam lất phất mưa bụi. Khách ghé thăm, hỏi chuyện về những ngày người dân vùng đất giáp ranh cùng với các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình tổ chức đón, giúp đỡ đồng bào từ các tỉnh, thành phố phía Nam hồi hương về quê tránh dịch Covid-19, ánh mắt người già vụt sáng lên: “Ui chao... quên răng được. Trong khó khăn vẫn ấm tình đồng bào, như truyền thống xưa nay bà con Quảng Bình, Quảng Trị sống ân nghĩa nơi “ngọn khoai lang bò ngang hai tỉnh”".
 
Ký ức không quên
 
Mệ tên Lê Thị Mân (SN 1947), nhà sát Quốc lộ 1 thuộc thôn Sen Bình, ngay kế bên Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 xã Sen Thủy (Lệ Thủy) trước đây. Từ nhà mệ Mân, sải trăm bước chân là đến cụm dân cư Khe Lấu, thôn Chấp Bắc, xã Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh, Quảng Trị).
 
“Trong ký ức người cùng thời với mệ, vẫn không thể nào quên những lần di dân của đồng bào Vĩnh Linh, Quảng Trị, Quảng Bình năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đó là hai cuộc di dân K8, K10. Đến năm 1972, sau khi Quảng Trị giải phóng, tiếp tục thêm một cuộc di dân thứ ba với tên gọi K15, đưa nhân dân hai huyện Hải Lăng, Triệu Phong sơ tán ra hậu phương lớn miền Bắc”, mệ Mân bắt đầu câu chuyện quá khứ.
 
Nhân dân Triệu Phong thực hiện sơ tán trong chiến dịch K15, vượt sông Bến Hải, một bộ phận “neo” lại Đặc khu Vĩnh Linh, phần còn lại ra Quảng Bình. Các địa phương Ngư Thủy, Sen Thủy, Cam Thủy, Hưng Thủy, Tân Thủy, Hồng Thủy... và vùng đất giáp ranh bây chừ dang rộng vòng tay, thực hiện “4 chia” (chia nhà, chia cửa, chia lửa, chia máu), cứ mỗi hộ gia đình nhận kết nghĩa, chăm nuôi một gia đình Triệu Phong, Quảng Trị sơ tán, “thương nhau chia củ sắn lùi, bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”. Mệnh lệnh từ trái tim là không để một người dân Quảng Trị nào bị đói cơm, thiếu áo.
 
“Ở thôn Sen Bình ni, nhà mô cũng có bà con Quảng Trị trong chiến dịch K15 ở. Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, đồng bào Triệu Phong lần lượt hồi hương. Nhưng nhiều gia đình vẫn ở lại vùng đất giáp ranh, “đất lành chim đậu”, trở thành quê hương thứ hai như gia đình ông bà Nguyễn Văn Yển, Lê Thị Thiếp người xã Triệu Độ, Triệu Phong.
Nơi vùng đất giáp ranh.
Nơi vùng đất giáp ranh.

Nhưng đời mệ vẫn không thể nào quên lần di dân lớn nhất diễn ra trong tháng 7/2021, hàng nghìn đồng bào mình từ các tỉnh, thành phố phía Nam hồi hương về quê tránh dịch Covid-19. Một buổi sáng tháng 7 như mọi ngày, mệ và bà con Sen Bình, Khe Lấu thức dậy, thấy dòng người mệt mỏi, lấm bụi đường đi trên xe máy kéo dài như sợi chỉ mỏng dọc Quốc lộ 1. Họ dừng lại phía Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 nghỉ ngơi, thực hiện khai báo y tế. Nhiều người trong số đó kèm theo trẻ em, cụ già... Họ tấp vào nhà dân dọc hai bên quốc lộ xin tá túc trước khi tiếp tục hành trình dài về với gia đình”, mệ Mân chia sẻ.

Đồng bào từ miền Nam hồi hương dừng tại Sen Bình, Khe Lấu ngày càng đông, không ai bảo ai, bà con tự động viên nhau đón người vào nhà nghỉ ngơi, ưu tiên trẻ em, phụ nữ, người già... Cùng với các cấp, các ngành, tổ chức thiện nguyện trong toàn tỉnh Quảng Bình, một cuộc vận động “nhường cơm, sẻ áo” nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng dân cư ở vùng đất giáp ranh. Những gói mì tôm, chai nước, lốc sữa cho trẻ nhỏ, chén cơm, bát cháo thảo thơm... ấm lòng người trên đường xa vạn dặm tránh dịch Covid-19.
 
Không ai phân công, trong tháng 7-8/2021, cứ sáng sáng, mệ Lê Thị Mân qua Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 quét dọn vệ sinh, thu gom rác, giúp các thành viên trong chốt trao quà cho đồng bào. Tôi hỏi: “Tuổi cao, ngày mô cũng tiếp xúc gần với người dân về từ vùng dịch, mệ không sợ bị lây nhiễm à?”. Mệ Mân cười: “Sợ... sợ lắm là đằng khác, nhưng đồng bào gặp khó khăn, hoạn nạn, mệ cũng phải xung phong chơ. Nghĩ trong bụng, ai cũng một lần chết, chiến tranh trên bom dưới đạn không chết. Chừ tuổi cao, có chết vì nghĩa, vì tình vẫn ấm lòng, cũng cam!”.
 
Chị Đinh Thị Như Phương (SN 1996) ở sát gần nhà mệ Lê Thị Mân, thấy mệ Mân tuổi cao vẫn không quản nguy cơ dịch bệnh đe dọa, tiên phong giúp đồng bào trên bước đường hồi hương, chị nhường nhà mình đón người dân vào nghỉ ngơi. Cứ thế, dân Sen Bình, Khe Lấu theo nhau mở cửa nhà, mở rộng tấm lòng với đồng bào. “Rứa đó anh! Người ở đất giáp ranh là vậy”, chị Phương chân tình.
 
Thủy chung vùng đất giáp ranh
 
Ngày trên vùng đất giáp ranh, tôi gặp lại những người “muôn năm cũ”. Là Bí thư Chi bộ Lê Thanh Vượng, Trưởng thôn Đinh Đức Chương phía Sen Bình; là Trần Đức Đông, Cụm trưởng cụm dân cư Khe Lấu, thôn Chấp Bắc phía Quảng Trị. Bí thư Vượng đảm đương chức vụ đã 4 nhiệm kỳ; Trưởng thôn Chương “vác tù và hàng tổng” 20 năm tròn, còn ở Khe Lấu, Cụm trưởng Đông cũng công tác ngót nghét chừng ấy năm.
Mệ Lê Thị Mân với những ký ức không thể nào quên.
Mệ Lê Thị Mân với những ký ức không thể nào quên.

Trưởng thôn Sen Bình Đinh Đức Chương chân tình: “Qua rồi những ngày người dân vùng giáp ranh thức cùng thức, ăn cùng ăn, vui cùng vui, buồn cùng buồn, cùng san sẻ yêu thương, nghĩa đồng bào với người dân từ các tỉnh, thành phố phía Nam hồi hương về quê tránh dịch Covid-19. Nhưng qua đó mới thấy hết tình cảm trân quý của bà con ở vùng đất giáp ranh, của nhân dân Quảng Bình. Không chờ lãnh đạo thôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” mô, nhà nhà đều nêu cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, vừa giúp đỡ đồng bào trong điều kiện có thể. Bây giờ, cuộc sống đã trở lại bình thường nơi Sen Bình, Khe Lấu”.

Thôn Sen Bình có 172 hộ, 665 nhân khẩu, kinh tế rừng giữ vai trò chủ đạo, một bộ phận kinh doanh, buôn bán với thương hiệu “cơm gà, cá hồ Sen” ngon nức tiếng trong cánh lái xe đường dài Bắc-Nam. Người dân thôn Sen Bình trồng keo, tràm, thông, khai thác thông nhựa cho Lâm trường Bến Hải. Tuy là đất Quảng Bình nhưng đời sống hàng ngày lại “hướng về Nam”, buôn bán, chợ búa đều vào chợ Hồ Xá cách khoảng 6km, nếu ngược ra chợ Tréo phải mất chừng 20km. Thêm nữa, con em Sen Bình học lên cao, lại vào thị trấn Hồ Xá “học nhờ” THPT. Với Khe Lấu, Chấp Bắc và nhân dân 5 xã phía bắc huyện Vĩnh Linh hiện tại vẫn đang dùng nguồn nước sạch hồ Bàu Dum, xã Sen Thủy.
 
Bí thư Chi bộ thôn Sen Bình Lê Thanh Vượng bảo: “Cái ranh giới của vùng đất “ngọn khoai lang bò ngang hai tỉnh” ni thực ra chỉ phân định rạch ròi trên bản đồ hành chính thôi, chứ trên thực tế đố hòng anh tìm ra. Mà trong cuộc sống, bà con có ai bận tâm chi mô. Sen Bình, Khe Lấu chúng tôi đều người một nhà”.
 
"Sen Bắc, Khe Lấu thủy chung, bền chặt khi có thêm cái “tình Bắc, duyên Nam". Con gấy (gái) Sen Bình vô làm dâu Quảng Trị, ngược lại, trai Quảng Trị lại ra làm rể Sen Bình. Nhà mệ có 5 người con, 4 gấy, 1 trai thì mệ gả 3 con gấy làm dâu Quảng Trị. Cho nên ngoài “nghĩa cận lân” thì bà con hai tỉnh còn thêm “tình sui gia” nữa đó con à!” mệ Lê Thị Mân tự hào khoe.
 
Ngô Thanh Long

tin liên quan

Lý Hoà... dòng sông hoài niệm

(QBĐT) - Chị họ Phan, giới thiệu với tôi chị là người Lý Hòa, nụ cười chị cứ nhè nhẹ trong cái hanh hao gió Lào, át mất vì gió hun hút, vì biển mặn mòi, vì cát trắng quê … trắng đến chênh chao. Và rồi tôi quên. Thời gian sau mười năm, người con gái họ Phan làng Lý Hòa xưa ấy nhắn: "Chị bị K, cậu vẫn nhớ con sông quê chị không? Nhờ sông quê đó, chị vẫn tồn tại, sống tốt cho đến chừ!". Chạnh lòng với chị, tôi lặn lội ngược đường, ngược nắng, ngược quá khứ về với sông, về với đất Lý Hòa.

Mùa xuân bản Hà

(QBĐT) - Hòa cùng niềm vui hân hoan mừng xuân Nhâm Dần 2022, người dân bản Hà (xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa) càng phấn khởi, tự hào khi cuộc sống của bà con được ấm no, đủ đầy hơn, là bản duy nhất đạt danh hiệu bản văn hóa ở huyện miền núi Tuyên Hóa.
 

Đặc sắc lễ cầu an của đồng bào Rục

(QBĐT) - Khoảng chục năm trở lại đây, cứ đúng vào ngày 15/1 âm lịch (tức rằm tháng giêng), đồng bào Rục ở các bản Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp, Ón (xã Thượng Hóa, Minh Hóa) lần lượt luân phiên tổ chức lễ cầu an, nhằm xua đuổi những điều rủi ro, xui xẻo, dịch bệnh và cầu mong may mắn, tốt lành. Năm nay, bản Ón là nơi diễn ra lễ cầu an...