Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Có một người Quảng Bình ở Đà Nẵng

  • 10:22 | Thứ Tư, 02/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Có rất nhiều người Quảng Bình lập nghiệp và trở thành doanh nhân thành công ở Đà Nẵng. Trong bài viết này, xin chỉ nhắc đến một người, không phải chuyện làm ăn mà tấm lòng thiện nguyện.
 
Vương "Khùng"
 
Gọi Trần Hoàng Vương là Vương “khùng” là cách gọi yêu. Thực ra, Vương là một doanh nhân thành công khi chưa đầy 40 tuổi. Biệt danh “khùng” có từ khi dịch giã xảy ra, Vương huy động cả đội xe và nhân viên của mình đi làm thiện nguyện giúp bà con trên đường hồi hương tránh dịch. Anh về số 44 đường 3-2 Đà Nẵng, một cơ sở kinh doanh của mình lập “đại bản doanh”, nhận hàng từ thiện rồi tổ chức đưa lên chốt giúp bà con. Miệt mài như thế hơn 100 ngày.
 
Nhiều đêm thức trắng nhưng có người bị tai nạn hoặc gặp khó khăn, Vương tự lái xe đưa họ về nhà, lúc Tuyên Hóa (Quảng Bình), lúc Bệnh viện Quảng Trị, lúc thì ở Huế… Chở người đến nơi thì quay lại ngay, nên gọi “khùng” là thế.
 
Vương sinh ra ở Bố Trạch. Mỗi lần ngồi lại nói chuyện, hai vợ chồng hay kể chuyện cũ, khi mới lấy nhau, là “bạn thân của tiệm cầm đồ”. Cái laptop và chiếc xe máy cầm rồi chuộc không biết bao nhiêu lần. Thuở chưa có tiền, mỗi lần gặp bạn bè, trong túi không còn một xu nhưng vẫn rổn rảng, hào phóng như trong ví có tiền triệu. Rút ví nhanh hơn cowboy rút súng.
 
Vương bắt đầu thành công từ việc kinh doanh ngành Điện. Điện chiếu sáng, dây cáp điện… Khi mọi người “nhảy” vào lĩnh vực này nhiều thì anh thu gọn lại cho nhân viên làm và mở ra ngành nghề mới: Thang máy. Anh là Tổng giám đốc Công ty thang máy Phúc Thịnh, ngoài ra còn có chuỗi dịch vụ, làm cái gì cũng đến nơi đến chốn.
 
Làm ra bao nhiêu tiền là anh nghĩ đến chuyện giúp người nghèo. Người dân các huyện miền núi Quảng Bình đã quá quen với Vương. Vương làm nước sạch, mua trâu bò, lợn, xây chuồng hướng dẫn bà con phát triển kinh tế. Lúc nào cũng đau đáu với quê hương.
 
Thấy xe anh Vương là vui!
 
Khi dịch giã xảy ra, nhiều lao động ở các tỉnh, thành phố phía Nam về quê tránh dịch, ngang qua Đà Nẵng, dù doanh nghiệp cũng đang gặp khó như nhiều doanh nghiệp khác, nhưng Vương vẫn huy động đội xe, đội ngũ nhân viên, đăng ký với thành phố làm thiện nguyện để được cấp giấy đi đường.
 
Trong thời gian “ai đâu ngồi đó”, Vương vẫn liên hệ nguồn hàng rau, củ, quả, thịt, cá… có đơn vị thì tặng, có đơn vị thì bán. Hàng ngày, anh em trong “Đội tình nguyện 44” (là gọi theo tên số nhà 44, nơi tập kết hàng) chở đi đến các khu phố tặng bà con. Ở đâu, khi thấy xe bán tải của Vương đến đều rất vui. Vào thời điểm đó, rau xanh còn quý hơn thịt.
Trần Hoàng Vương (áo quần bảo hộ trắng) tặng xe cho bà con
Trần Hoàng Vương (áo quần bảo hộ trắng) tặng xe cho bà con

Thoạt đầu, người viết bài này được cô giáo Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Trường đại học Đông Á nhờ hỗ trợ Đội SOS sinh viên Đông Á tình nguyện sửa xe nên đã kết nối với Vương. Sau đó, do mối quan hệ cá nhân, nhiều người ủng hộ hàng hóa phải tập kết ở 44 đường 3-2 nên cũng trở thành thành viên “Đội 44”. Hàng hóa không phải ai có gì thì chở đến nấy mà đều liên hệ trước. Có khi kho chất đầy hàng. Mới biết tấm lòng bà con đối với người về quê ấm áp thế nào.

Trưa đi, sáng mai về!
 
Thoạt đầu, anh em chỉ đón bà con tại chốt Hòa Phước (Đà Nẵng giáp Quảng Nam) rồi dẫn ra chốt Hải Vân. Cứ nhận được tin báo có đoàn thì chuẩn bị hàng hóa và nhân lực lên chốt. Người phát thức ăn, nước uống, người sửa xe, thay phụ tùng, thay dầu máy, đổ xăng…
 
Bắt đầu từ đầu tháng 10, người lao động về đông, có ngày lên đến 6 nghìn người. Bà con đi theo đường Bình Phước ra Kon Tum, đổ đèo Lò Xo về Phước Sơn (Quảng Nam). Thấy lực lượng tình nguyện ở đèo Lò Xo mỏng nên Vương quyết định hàng ngày chở hàng, đưa người sửa xe lên chốt Lò Xo hỗ trợ. Cứ như thế, trưa đội lên chốt (cách trung tâm Đà Nẵng 180km) dọn dẹp vệ sinh, căng lều bạt, bày biện hàng hóa… Khi bà con đến thì phát thức ăn, sửa xe… Xe nào không sửa kịp thì cho lên xe tải, xe bán tải… chở về Hải Vân sửa.
 
Không những thế, anh em trong đội cùng các đội tình nguyện khác đi theo đoàn để dẫn đường. Cắt đội hình cả nghìn xe ra để chèn ô tô đi vào giữa chiếu sáng (vì đa phần đến địa bàn này ban đêm, nhiều lúc trời mưa gió, nước ngập). Đến Hải Vân, bà con được ăn uống, nghỉ ngơi chờ bố trí qua đèo (sau mở hầm thì qua hầm). Đoàn thường rời Hải Vân vào buổi sáng. Lúc đó, anh em mới về nhà nghỉ ngơi, chợp mắt một lúc để trưa lại lên đèo. Miệt mài như thế.
 
Tặng xe máy
 
Câu chuyện bắt đầu từ khi vợ chồng Xồng Bá Xò (quê Tương Dương, Nghệ An) địu đứa bé mới sinh, ra đến Đà Nẵng là 13 ngày tuổi. Xe của Xò sửa kiểu nào cũng không xong, lúc đó Minh Việt (trong đội thiện nguyện PDC) cùng Trần Hoàng Vương quyết định Xò bỏ xe lại, sửa xong sẽ gửi ra. Vương thuê xe chở cả nhà ra Nghệ An. Nhưng xe đã rạc, không thể nào sửa được, hai người mới góp tiền mua tặng vợ chồng Xò một chiếc xe mới.
 
Một hôm, hai vợ chồng Thục (Đà Nẵng) kêu cửa nhà tôi. Chỉ vào hai chiếc Wave Alpha rất đẹp, bảo: “Xe vợ chồng em đang đi, còn tốt đó anh. Em nhờ anh tặng lại cho bà con”. Một cô ở Hà Tĩnh nhắn: “Em có chiếc xe, nếu bà con đi ngang Hà Tĩnh lúc nào anh nhắn số điện thoại họ để em mang tặng”. Bắt đầu từ đó, đã có nhiều người mang xe nhà đang đi để tặng bà con.
 
Không chỉ xe cũ, doanh nhân Hứa Phương thông qua BMW Motorroad và các đơn vị khác tặng 10 chiếc xe mới, mỗi chiếc 18 triệu, kèm 2 triệu đồng làm giấy tờ.
 
Cô Nguyễn Tường Vi, một doanh nhân trẻ, ngoài việc thông qua các đội, nhóm tình nguyện giúp bà con hơn 1 tỷ đồng (từ thuê xe chở bà con về đến tiền mua các thứ) còn tặng hai đợt tổng cộng 12 xe Wave. Trần Hoàng Vương cũng mua tặng 2 chiếc...
 
Khi nào dân hết về mới thôi
 
Vào giữa tháng 10, bà con về quê đã giảm. Các đoàn còn lại chỉ vài chục cho đến 100 người. Lúc đó, các nhóm tình nguyện bắt đầu ngưng hoạt động. Vương bảo tôi: “Mình cứ làm đi anh. Không có ai giúp, bà con biết làm sao?”.
 
Trưa ngày 20-10, Vương điện thoại, tôi hỏi: “Gì nữa đây?”. Vương cười: “Em đang chở vợ con đi cà phê mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam, nhưng mà có hơn 100 người đến trước hầm đèo Hải Vân, hôm nay không có ai hỗ trợ. Em chở anh lên nhé?”. “Rồi, nhanh kẻo họ đi”. Đó là hôm anh em đã quyết định dừng công việc thiện nguyện để chuẩn bị vận hành lại công ty.
 
Khi Vương đến thì trên xe còn có cả vợ con. Ghé nhà cho vợ con xuống là đi. Rất nhanh chóng, chúng tôi mời chị em phụ nữ xếp hàng theo giãn cách, 45 người, phát mỗi người 1 món quà (500 nghìn tiền mặt), nói là quà nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (Hầu hết đi theo gia đình nên mỗi chị em là một gia đình. Quà do một người bạn nhờ giúp bà con).
Đó là lần đầu tiên họ có “ngày kỷ niệm”. Nhìn từng ánh mắt, biết mọi người xúc động vô cùng.
 
Khi mọi việc đã ổn, tôi nói với Vương: “Mình có nguồn để mua tặng học sinh nghèo 200 chiếc xe đạp. Trước mắt, tặng cho học sinh các huyện Lệ Thủy, Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch 130 chiếc”. Vương hồ hởi: “Làm thôi anh, tính chi nữa?”. Thế là Vương đánh xe ra chở tôi đi Quảng Bình.
 
Vương là thế, anh cuốn mọi người theo với một năng lượng khó cưỡng.
 
 Nguyễn Thế Thịnh
 

tin liên quan

Xứng danh "làng quê đáng sống"

(QBĐT) - Đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương giàu mạnh, giữ vững danh hiệu khu dân cư (KDC) tiêu biểu đã trở thành mục tiêu của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Thanh Hải, xã Thanh Trạch (Bố Trạch).
 

Biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam-Cuba

(QBĐT) - Trong những ngày khói lửa của cuộc chiến vệ quốc ở Việt Nam, tuy còn khá nghèo, nhưng Đảng, Nhà nước, nhân dân Cuba đã viện trợ không hoàn lại cho nhân dân Việt Nam nhiều hạng mục công trình có giá trị kinh tế trước mắt và dài lâu. Một trong những công trình đó là Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH), trực thuộc Bộ Y tế, đứng chân trên mảnh đất Quảng Bình.  

"Giữ lửa" nghề truyền thống

(QBĐT) - Cơ chế thị trường hiện đang đặt ra cho các làng nghề truyền thống không ít khó khăn, thách thức nhưng nhiều làng nghề ở Quảng Bình vẫn được lưu giữ, kế thừa và phát triển. Góp phần quan trọng trong nỗ lực này chắc chắn không thể thiếu bàn tay khéo léo của những người thợ cần mẫn, tâm huyết, ngày ngày "giữ lửa" truyền nghề cho thế hệ mai sau.