Nếu ai hỏi vì sao?

  • 21:32 | Thứ Ba, 01/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Tuyệt diệu”, “còn mãi mãi”, “vĩnh cửu”, “xuất thần” là một vài tính từ khi người Quảng Bình và người hâm mộ nhạc sỹ Hoàng Vân thốt ra khi nói tới bài Quảng Bình quê ta ơi. Tại sao bài hát lại có sức lan tỏa rộng đến như vậy? Quảng Bình quê ta ơi là một tác phẩm không dễ phân tích vì nó tích tụ rất nhiều yếu tố.
 
Ca từ và giai điệu, “rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi”
 
Yếu tố đầu tiên hay được nói tới là hiệu quả “giọng Quảng Bình”, mặc dù từ vựng đặc biệt của tiếng Quảng Bình thật ra không nhiều, cả bài chỉ có hai chữ “chừ” và chữ “vô”. Vậy điều gì đã giúp cho các ca sỹ không cần phải nhấn nhá đã ra “hơi hướng”? Câu trả lời có ở ngay trên bản nhạc, ta thấy đa phần các từ đều được hát bằng luyến ít nhất hai nốt nhạc ngay từ đầu bài hát.
 
Một số từ không có dấu cũng được hát trên hai nốt: Cơ cực, cơ (la-sol hay sib-sol tùy bản nhạc và tùy ca sĩ), tối tăm, tăm (la-sol). Có những dấu sắc và dấu hỏi được hát như nhau, chẳng hạn như trong câu “Quảng Bình, bao mến thương”, từ mến dấu sắc, được hát như từ Quảng, dấu hỏi (đô-sol, quãng 5). Và thậm chí trong câu “Rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi”, từ chừ, dấu huyền (re-do) được hát bằng hai nốt cao hơn từ mới (sol-do), dấu sắc.
 
Nhạc sỹ đã giai điệu hóa, thậm chí mã hóa ngôn ngữ đặc trưng của xứ Quảng bằng kỹ thuật âm nhạc, bằng những quãng luyến láy khéo léo. Kỹ thuật này không chỉ để nhấn mạnh giọng nói đặc biệt địa phương, đó cũng chính là chìa khóa phát triển giai điệu của bài. Sự nhấn nhá của mỗi từ được hát trên hai nốt làm cho câu hát trở nên uyển chuyển, đằm thắm, tạo nên một dòng chảy miên man, được hát trên một âm vực rất rộng (gần hai quãng tám). 
Biểu diễn bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” (nhạc sĩ Hoàng Vân là người đánh trống).
Biểu diễn bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” (nhạc sĩ Hoàng Vân là người đánh trống).
Nguồn xúc cảm dâng trào của nhạc sỹ trước bao nhiêu điều muốn nói về mảnh đất này buộc ông phải làm tới ba lời. Với mỗi từ được hát trên hai nốt trong “Quảng Bình quê ta ơi”, đây là một thử thách lớn. Bởi vì ở cả ba lời đều phải có ca từ cùng một dấu mà lại phải tuân theo vần và ý nghĩa của từng lời.
 
Cấu trúc tùy hứng nhưng khuôn phép của “Quảng Bình quê ta ơi” có thể lấy làm chủ đề một bài phân tích riêng. Chúng tôi chỉ nêu ở đây vai trò của câu “Quảng Bình quê ta ơi”. Được nhắc lại hai lần mỗi lời ở cả ba lời, câu hát vừa tạo một leitmotiv (nhắc lại để gây nhịp điệu), vừa đóng vai trò kết của một mạch giai điệu sau đoạn điệp khúc “khoan khoan hò khoan”, nhưng cũng là một câu bắt đầu của phần tiếp. Những đặc điểm về cấu trúc kết hợp với kỹ thuật chuyển điệu đã góp phần lớn tạo nên sức mạnh và hiệu quả tha thiết trong giai điệu.
 
Âm hưởng dân ca-Nếu như không chỉ là hò khoan Lệ Thủy?
 
Nhiều ý kiến cho rằng “Quảng Bình quê ta ơi” mang đậm âm hưởng dân ca Quảng Bình với phong cách của hò khoan Lệ Thủy. Sau chuyến đi công tác đáng nhớ ở Quảng Bình, chắc chắn là giọng hò Lệ Thủy đã để lại ấn tượng sâu sắc và gây cảm hứng cho nhạc sỹ, tuy nhiên, tôi muốn đi sâu vào hai điểm.
 
Trước hết, câu “khoan khoan hò khoan” có gì khác biệt với khổ xô của hò Lệ Thủy (là hò hò khoan)? Luôn được hát trên một cao độ, khổ xô này có vai trò tiết tấu rõ rệt trong khi câu “khoan khoan hò khoan” trong “Quảng Bình quê ta ơi” được hát trên nhiều độ cao khác nhau, tương tự như đoạn hát chèo thuyền trong giá cô Bơ Thoải của hát chầu văn.
 
Thứ hai là về phần nhạc đệm. Bản phối của nhạc sỹ Hoàng Vân trong bản thu đầu tiên năm 1966 với ca sỹ Kim Oanh đã gợi lại cách đệm đàn nguyệt kết hợp với phách, hai nhạc cụ đặc trưng của hát văn cổ. Năm 2019, khi về Lệ Thủy, tôi được nghe các nghệ nhân hát cùng phách và nguyệt, nhưng tôi chưa biết được là hò khoan Lệ Thủy cổ có nhạc cụ đệm khi hát hay không.
 
Qua chi tiết này, chúng ta thấy rằng tên điệu hò khoan Lệ Thủy được hát lên trong bài để trở thành bất hủ, nhưng nhạc sỹ Hoàng Vân không đi theo con đường dễ dàng là lấy nguyên bản của hò khoan Lệ Thủy để đưa vào “Quảng Bình quê ta ơi” và đây cũng chính là phong cách riêng của ông, không bao giờ tái hiện và trích dẫn làn điệu dân ca một cách thô thiển. Ông sử dụng dân ca tựa như con tằm ăn dâu rồi nhả ra tơ, muốn khẳng định Hoàng Vân sử dụng yếu tố nào của dân ca, cần cẩn trọng tách lớp, phân tích từng câu từng nhịp.
 
“Quảng Bình quê ta ơi” và sự lan tỏa
 
 Bút tích của nhạc sỹ Hoàng Vân (chép lại tại Paris, năm 1994).
Bút tích của nhạc sỹ Hoàng Vân (chép lại tại Paris, năm 1994).
Câu hò Lệ Thủy ấy đã trở thành quen thuộc với tất cả người Việt Nam từ câu ca năm ấy. Kiến Giang, Bến Tiến, Đại Phong… trên cánh đồng lúa trĩu hạt của vụ mùa rộn rã người nông dân đi gặt, đi chở rơm, chở lúa, từng tên địa danh về theo từng câu hát thấm đẫm tâm hồn đất Quảng. Lý Hòa và Chày Lập không được nêu tên, nhưng hình ảnh của “chị dân quân canh gác trên biển” và “anh chiến sĩ canh gác bầu trời” không thể không gợi nên hình ảnh những cồn cát ở Quang Phú.
 
Từ rừng xuống biển, từ đồng bằng qua cồn cát, từ làn gió mát trước cơn giông với bầu trời mây đen vần vũ tương phản với cánh đồng lúa chín ngút ngàn mất vào chân núi phía xa tới TP. Đồng Hới bình yên trên bờ Nhật Lệ. Quảng Bình mở ra từng cảnh, từng câu trong bài hát, tựa như một bức tranh quê hương được hát lên bằng nốt nhạc, làm sao người Quảng Bình không rung động tận đáy lòng.
 
Thế nhưng không chỉ có “Quảng Bình, bao mến thương”, trong bài hát, ta còn gặp những chân lý bất di bất dịch có tính chất bao quát, chẳng hạn như mối quan hệ quá khứ-hiện tại “rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi”.
 
Chúng ta gặp những con người bình dị gắn bó với quê hương: Chị dân quân, anh chiến sỹ, anh công nhân, anh thanh niên, lứa tuổi thanh xuân, các mẹ, các chị… Chúng ta có sự lạc quan trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt “hẹn ngày chiến thắng ta sẽ về trong một nhà”. Chúng ta có những lời nhắn nhủ cho nhiều thế hệ mai sau “giữ lấy đất trời của quê hương ta, giữ lấy những gì mà ta yêu quý”.
 
Đó là những điều gần gũi và thân thuộc với bất cứ người Việt Nam nào. Riêng mà chung, chung mà riêng, yêu Quảng Bình là yêu đất nước, hình ảnh đất nước lồng vào khung cảnh Quảng Bình, đó chính là điều làm cho bài hát này không chỉ được yêu quý ở Quảng Bình mà đã trở thành tài sản chung của tất cả những người con đất Việt.
 
Và đây cũng là một trong những tác phẩm của nhạc sỹ Hoàng Vân được hát, được xuất bản ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong những năm khó khăn nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, “Quảng Bình quê ta ơi” không những được biểu diễn và xuất bản ở các nước anh em, mà còn ở các nước phương Tây, ở Mỹ.
 
Hình ảnh của thiên nhiên và con người Quảng Bình đã đại diện và được hát lên trong những buổi biểu diễn ở khắp nơi trên thế giới, thức tỉnh lương tâm của xã hội đứng lên cùng Việt Nam phản đối cuộc chiến tranh chống Mỹ. Các bạn năm châu được nghe “Quảng Bình quê ta ơi” trong một số đĩa hát như: Vietnam Chante (Việt Nam hát), do Tổng hội sinh viên Việt Nam tại Pháp xuất bản cuối những năm 1960 hay như trong đĩa Vietnam Will Win (Việt Nam sẽ thắng), do NXB Paredon phát hành ở Mỹ năm 1971.
 
Thay lời tạm kết
 
“Quảng Bình quê ta ơi” là một tác phẩm khó phân tích bởi nó tích tụ nhiều ẩn dấu trong ngôn ngữ nghệ thuật: Cách bố trí lớp lang có tính kịch, cách sử dụng tinh tế ngôn ngữ âm nhạc dân gian, kỹ thuật xây dựng giai điệu cao tay, tài năng “đùa nghịch” với dấu giọng và ca từ… Việc tinh kết tài năng sáng tạo trên nền xúc cảm sâu sắc chính là những nhân tố đã làm nên thành công cho phong cách nhạc Hoàng Vân.
 
Bao trùm trên nền kỹ thuật và học thuật mà người ngoại đạo không cần biết đến, những cảm xúc không thể so sánh của nhạc sỹ về Quảng Bình đã tạo nên hồn của tác phẩm này. Ông đã qua nó truyền đạt được tình yêu Quảng Bình của mình đến khán thính giả, dù họ có là người Quảng Bình hay không.  
 
Hy vọng, một vài yếu tố giải mã trên sẽ giúp bạn gần xa hiểu thêm tại sao “Quảng Bình quê ta ơi” lại có sức sống mãnh liệt như vậy và sẽ yêu “Quảng Bình quê ta ơi” hơn bao giờ hết. 
 
Lê Y Linh

tin liên quan

"Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua"

(QBĐT) - Người đang yêu đếm năm tháng đi qua bằng những mùa xuân đầy hương sắc; người sẽ yêu đón tuổi đời bằng hy vọng tràn trề; kẻ yêu xong rồi ngẫm thời gian như mùa thu lá vàng hờ hững rơi...

Dưa hấu Quảng Bình phẩm vật tiến vua

(QBĐT) - Vào các dịp Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc, ngày giỗ chạp…, chúng ta thường thấy trên bàn thờ của nhiều gia đình người Việt dâng cúng tổ tiên quả dưa hấu bên cạnh nhiều loại hoa quả quý khác. Sự lựa chọn này của người dân không phải ngẫu nhiên, mà có nguồn gốc từ giá trị dinh dưỡng mát lành, từ ý nghĩa văn hóa lịch sử lâu đời, từ quan niệm truyền thống của người Việt đối với quả dưa hấu và phong tục theo đó được bền vững trao truyền thế hệ.

Bài ca dâng Đảng

(QBĐT) - Xuân về, con kết vạn đóa hoa
Thành bài ca kính dâng lên Đảng
Là niềm tin luôn luôn tỏa sáng
Là tấm lòng yêu kính sâu xa.