Đánh thức miền cát

  • 07:01 | Chủ Nhật, 13/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Lệ Thủy lâu nay được mệnh danh là vùng lúa lớn nhất của tỉnh với những cánh đồng “thẳng cánh cò bay” trải dài từ phía Hạc Hải, lên vùng phía tây, kéo xuống vùng giữa, rồi chạm đến những địa phương ven Quốc lộ 1. Ít ai biết rằng, vùng cát phía đông vẫn có rất nhiều tiềm năng lớn để phát triển kinh tế…
 
Vùng cát chuyển mình
 
“Gia đình tôi đã đầu tư vào vùng đất cát phía đông rất nhiều nguồn lực. Tuy nhiên, hiện nay, chúng tôi không muốn mở rộng đầu tư vì vướng chuyện đất đai. Mặc dù, đất đai đã được gia đình khai hoang từ lâu, nhưng nay lại không được cấp hay cho thuê đất. Mở hướng quy hoạch phát triển kinh tế về vùng đất mới ở phía nam thì không phù hợp lắm vì đó là vùng đất lụt lội, người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn…”, ông Hoàng Minh Trung, thôn Tân Phong, xã Cam Thủy cho biết.
Nhiều lần ngược xuôi qua xã Cam Thủy, những triền cát, động cát bỏng cháy với khí hậu khắc nghiệt đã ám ảnh chúng tôi. Nhìn màu trắng xóa của cát, chợt giật mình băn khoăn, nơi đây, người dân tìm hướng phát triển kinh tế như thế nào?
 
Câu hỏi đó vẫn luẩn quẩn theo chúng tôi trong một quãng thời gian khá dài. Giờ thì, những động cát, triền cát ấy nay đã xanh lên, bởi những vườn rau, cánh rừng… và ấm no đang dần hiện hữu.
 
Từ Quốc lộ 1, men theo con đường đất đỏ len giữa những triền cát, chúng tôi đến trang trại của anh Hoàng Minh Trung (SN 1975) thôn Tân Phong. Anh Trung là người tiên phong bám vùng cát trắng đất Dầm gần một thập kỷ nay. Trang trại của anh giờ bề thế và to nhất nhì ở vùng cát này.
 
Đang cho mấy con lợn rừng uống nước ở phía xa trang trại, thấy có khách, anh vội niềm nở ra đón.“Gần tròn một thập kỷ, bắt đầu bằng những dấu chân in hằn trên cát bỏng, gánh từng gánh nước, gánh phân để chăm những vườn khoai lang chống đói cho gia đình, giờ tôi mới có cơ ngơi bề thế này…”, anh Trung hoài niệm về một thời gian khó.
 
Năm 2014, anh Trung bắt đầu xóa bỏ những luống khoai lang đã nuôi sống gia đình bao năm qua để đầu tư làm trang trại chăn nuôi. Xoay xở đủ đường, anh Trung tiến hành làm đường, kéo điện, xây chuồng trại với số vốn hơn 3 tỷ đồng. Nay, trang trại của gia đình anh có hơn 100 con lợn rừng, 2 sào diện tích mặt nước nuôi hơn 12.000 con ốc bươu đen, mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng…
 
Rảo chân trên những đôộng cát cùng Chủ tịch UBND xã Cam Thủy Nguyễn Đình Châu, chúng tôi được nghe ông khái quát rằng, trong quá khứ, ở vùng cát Cam Thủy này, người dân muốn làm gì để thay đổi cuộc sống cũng khó, bởi, sự khắc nghiệt của thời tiết, mùa nắng thì rát bỏng chân, gió thổi rát mặt, rồi nạn cát bay, cát chảy; mùa mưa, lũ lụt luôn đeo bám...
 
Chủ tịch UBND xã Cam Thủy cho biết, địa phương có vùng rau chuyên canh với gần 90ha, cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/hộ/năm. Vùng cát phía đông, Cam Thủy có hơn 220ha với trên 70 hộ tham gia phát triển kinh tế gia trại, như: Chăn nuôi gà, lợn, trồng hoa màu…cho thu nhập khá. 
Mô hình chăn nuôi góp phần thay đổi diện mạo vùng đất cát.
Mô hình chăn nuôi góp phần thay đổi diện mạo vùng đất cát.
Rời Cam Thủy, chúng tôi theo Quốc lộ 1 ngược vào xã Hưng Thủy để tìm hiểu thêm về tiềm năng và thế mạnh của những vùng đất cát phía đông trên địa bàn. Chủ tịch UBND xã Hưng Thủy Võ Doanh Thuấn cho biết, vùng cát của địa phương có diện tích khoảng 145ha. Lâu nay, người dân địa phương đã chú trọng phát triển kinh tế cho vùng cát, tiến hành chăn nuôi, trồng các loại cây, như: Kiệu, mướp, nén… cho thu nhập khá tốt.
 
“Tiềm năng, lợi thế vùng cát là hiện hữu, những năm qua, địa phương đã vận động các hộ dân tiến về vùng “đất trắng, đồi trọc” để phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập. Toàn xã hiện có 11 trang trại, 80 gia trại chăn nuôi, mỗi mô hình cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm…”, Chủ tịch UBND xã Hưng Thủy chia sẻ.  
 
Vướng cho vùng cát…
 
Chú trọng phát triển kinh tế vùng cát ở phía đông, nhưng trên thực tế, các địa phương như Cam Thủy, Hưng Thủy... vẫn còn gặp phải không ít khó khăn, thách thức.
 
Chủ tịch UBND xã Cam Thủy Nguyễn Đình Châu cho hay, địa phương vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế, nhất là làm thế nào để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng cát.
 
“Trước đây, Cam Thủy có chủ trương phát triển kinh tế hướng ra vùng phía đông, nhưng nay lại gặp rất nhiều khó khăn bởi vướng phải quy hoạch đất của thị trấn Kiến Giang mở rộng. Hơn 220ha đất cát lại do Ban Quản lý khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong quản lý. Bởi vậy, để tháo gỡ khó khăn, địa phương đã chuyển hướng phát triển kinh tế ra vùng phía nam, nhưng gặp phải thách thức là diện tích đất được quy hoạch ít, hay ngập lụt, vì thế rất khó khăn cho người dân phát triển kinh tế…”, ông Nguyễn Đình Châu cho biết.
Vùng cát phía đông huyện Lệ Thủy có nhiều tiềm năng để phát triển điện gió. Ảnh: Phú Sơn
Vùng cát phía đông huyện Lệ Thủy có nhiều tiềm năng để phát triển điện gió. Ảnh: Phú Sơn
Gia đình bà Ngô Thị Lan (SN 1970), thôn Hòa Tân, xã Cam Thủy đã về vùng quy hoạch phát triển kinh tế phía nam của xã Cam Thủy mấy năm gần đây. Gia trại của bà rộng hơn 1,2ha, hiện đang nuôi 125 con lợn thịt, nái và hơn 8.000 con gà, mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. “Do gia trại nằm trong vùng quy hoạch phát triển kinh tế mới của địa phương nên gia đình đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất để phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, đợt lũ lịch sử năm 2020, gia đình tôi mất trắng gần 500 triệu đồng. Bởi đây là vùng dễ bị ngập lụt nên hiện tại chúng tôi đang phân vân việc đầu tư mở rộng gia trại vì sợ thiên tai gây thiệt hại…”, bà Lan chia sẻ.
 
Chủ tịch UBND xã Hưng Thủy Võ Danh Thuấn cho biết, Hưng Thủy là xã thuần nông. Những năm qua, địa phương đã nỗ lực giải quyết "bài toán" phát triển kinh tế cho người dân, trong đó, đã chú trọng chăn nuôi, trồng cây màu. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương giảm qua hàng năm, đến nay, chỉ còn 4% hộ nghèo.
 
“Phát triển kinh tế vùng cát phía đông ở Hưng Thủy hiện rất nan giải, vì đất cát hầu hết được cấp cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Số còn lại dính phải rừng phòng hộ. Hơn nữa, đây là vùng đất đầu nguồn của nguồn nước sạch tại địa phương nên chính quyền không biết xoay xở thế nào…”, ông Thuấn chia sẻ.
 
“Vùng cát phía đông huyện Lệ Thủy kéo dài từ xã Hồng Thủy vào tận giáp tỉnh Quảng Trị có diện tích hơn 1.000ha. Trên vùng cát này, hiện dự án Cụm trang trại điện gió B&T đã lắp đặt 34 tuabin với công suất 142,8MW tại các địa phương, như: Hồng Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy, Ngư Thủy Bắc… Ngoài ra, vùng cát này cũng đã được quy hoạch KCN Cam Liên có diện tích hơn 450ha và một số dự án sẽ được tiến hành đầu tư xây dựng trong tương lai…”, ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy chia sẻ.
 
Ngọc Hải

 

tin liên quan

Tăng cường quản lý thuế xây dựng cơ bản tư nhân

(QBĐT) - Thời gian qua, Chi cục Thuế khu vực Quảng Trạch-Ba Đồn đã triển khai nhiều biện pháp quản lý thu thuế đối với hoạt động xây dựng cơ bản tư nhân (XDCBTN).

Thu thuế hộ kinh doanh: Còn nhiều khó khăn

(QBĐT) - Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ kinh doanh (HKD) phải tạm dừng, nghỉ kinh doanh khiến công tác quản lý thu thuế gặp nhiều khó khăn. Để quản lý thuế HKD hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, ngành Thuế tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Làm thế nào để OCOP Quảng Bình tiếp cận sàn thương mại điện tử?

(QBĐT) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thương mại điện tử được xác định là một trong những kênh tiêu thụ sản phẩm quan trọng và hiệu quả hàng đầu.