Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nén tâm nhang gửi liệt sỹ nơi đảo xa

  • 13:54 | Thứ Sáu, 18/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 14/3/1988, 64 chiến sĩ công binh của Hải quân Việt Nam đã hy sinh khi đang lên xây dựng đảo Gạc Ma. Ngày 14/3 của 34 năm sau, 27 cựu chiến binh là đồng đội cùng 13 gia đình thân nhân của những liệt sỹ đang nằm lại giữa biển khơi đã tụ họp về biển Thiên Cầm (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).
 
Tại đây, 64 ngọn nến và những nén tâm nhang đã được thắp lên để tưởng nhớ những anh hùng liệt sỹ đang nằm lại giữa khơi xa.
 
Ấm lòng người nằm lại biển xa
 
Trong số 64 liệt sỹ Gạc Ma thì Quảng Bình là tỉnh có nhiều người hy sinh nhất với 14 người. Về Hà Tĩnh dự lễ tưởng niệm 64 liệt sỹ Gạc Ma lần này có thân nhân của 4 trong số những liệt sỹ ấy.
 
Anh Hoàng Văn Vũ là em trai của liệt sỹ Gạc Ma Hoàng Văn Túy, quê tại xã Hải Ninh (Quảng Ninh). Mấy năm trước, anh Vũ cùng cha mình là cụ Hoàng Nhỏ đã từng gây xúc động khi những ngày giỗ của liệt sỹ. Túy, hai cha con anh đều làm một mâm cúng đơn sơ trên bãi biển trước nhà. Trên mâm cúng này luôn có 64 cái bát, 64 đôi đũa. Nhưng năm nay, anh và vợ quyết định đi về buổi giỗ chung tại Hà Tĩnh. Anh Vũ cho biết ngày nhận được tin về việc tổ chức buổi giỗ chung của Ban liên lạc cựu chiến binh Gạc Ma, ông Hoàng Nhỏ, cha anh cũng muốn đi. Nhưng cụ Nhỏ năm nay đã 94 tuổi. Sức của ông đã không còn đủ cho một hành trình dài.
 
Về tới biển Thiên Cầm, Ban Tổ chức đã chuẩn bị sẵn một hội trường khá lớn sát bãi biển cho buổi tưởng niệm. Ngay trước lối vào hội trường là một tấm bảng lớn ghi tên tuổi của 64 liệt sỹ đang nằm lại ở Gạc Ma. “Dù đã đủ lâu để quen với mất mát đau thương, nhưng nhìn những cái tên nằm san sát nhau trên tấm bảng tôi lại hình dung ra cảnh anh mình cùng đồng đội đang cùng siết chặt tay nhau đứng trước làn đạn tàu chiến Trung Quốc để bảo vệ lãnh thổ đất nước”, anh Vũ xúc động.
Những cựu chiến binh trở về từ trận hải chiến Gạc Ma 1988 quê Quảng Bình xúc động đứng trước tấm bảng ghi tên tuổi của 64 liệt sỹ tại lễ tưởng niệm
Những cựu chiến binh trở về từ trận hải chiến Gạc Ma 1988 quê Quảng Bình xúc động đứng trước tấm bảng ghi tên tuổi của 64 liệt sỹ tại lễ tưởng niệm.

Ngoài thân nhân 4 gia đình liệt sỹ, trên chuyến xe chở đoàn Quảng Bình về Hà Tĩnh dịp này còn có gần 20 người khác. Một nửa trong số đó là những cựu chiến binh từng có mặt trong trận hải chiến Gạc Ma. Đây là những người đã may mắn thoát khỏi làn đạn sinh tử. Trong đó có 3 người từng bị bắt sau trận chiến không cân sức.

Ông Nguyễn Văn Thống là một trong số những cựu chiến binh Gạc Ma cùng về Hà Tĩnh dự lễ giỗ chung. Những cựu chiến binh Gạc Ma như ông Thống đã có mặt ở các buổi giỗ chung 64 liệt sỹ nhiều lần. Có những lần Ban liên lạc cựu chiến binh Gạc Ma tổ chức tận Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Bình. Nhưng lần nào ông Thống cùng những đồng đội năm xưa cũng dành ra một chút thời gian đi ra mép biển.
 
Về Hà Tĩnh lần này, ông cũng cùng những đồng đội ra sát mép nước cắm một nén hương rồi cúi đầu trong giây lát như để gửi đến những đồng đội đang nằm lại giữa biển một lời tâm niệm. Mắt những người cựu chiến binh đỏ hoe trong làn khói hương nghi ngút nhưng không thôi hướng về phía biển xa. Ông Thống cho hay dù sau trận hải chiến ông bị bắt giam suốt gần 3 năm nhưng mình may mắn hơn những người khác khi còn sống sót trở về. Ông “khoe” cánh tay và khuôn mặt chi chít những vết sẹo như là dấu tích của trận chiến. Nhưng ông cũng rươm rướm khi nhắc đến những người đồng đội đã mãi mãi nằm lại giữa biển khơi.
 
“Chúng tôi đã từng chung chiếu, chung mâm và cùng nhau đối diện với súng đạn khi giữ đảo. Nhưng 64 đồng đội đã không may hy sinh và nằm lại trên biển. Chúng tôi về đây để cùng gửi chút hơi ấm ra biển xa cho những người đồng đội”, ông Thống tâm tình.
 
Nghĩa tình người trở về
 
Tối trước ngày diễn ra lễ tưởng niệm chính, thân nhân liệt sỹ, các cựu chiến binh Gạc Ma cũng đã tổ chức thả hoa đăng tại bãi biển xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên.
 
Hàng trăm ngọn đèn đã được thả xuống biển để mang nỗi nhớ niềm thương của người còn sống gửi đến người đang nằm lại giữa biển khơi. Ông Lê Hữu Thảo, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Gạc Ma nói, đây đã là năm thứ 9 những cựu chiến binh Gạc Ma ở khắp các tỉnh, thành cùng tụ hội để tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sỹ trong trận hải chiến Gạc Ma. Cũng không phải ngẫu nhiên mà lễ “giỗ” chung của 64 liệt sỹ Gạc Ma hằng năm được tổ chức ở vùng biển. “Những người đồng đội đang nằm lại giữa biển. Thân xác họ đã tan vào trong sóng nước. Chúng tôi chọn tổ chức giỗ ở vùng biển để được gần đồng đội hơn”, ông Thảo chia sẻ.
Hoa đăng đã được người thân, đồng đội của những liệt sỹ Gạc ma thả xuống biển để tưởng nhớ trong đêm trước lễ tưởng niệm
Hoa đăng đã được người thân, đồng đội của những liệt sỹ Gạc ma thả xuống biển để tưởng nhớ trong đêm trước lễ tưởng niệm.

Ông Thảo cho biết, dự kiến ban đầu còn có thêm một số cựu chiến binh nữa cũng về tham gia. Nhưng đến những ngày cuối cùng, các anh đã không may bị nhiễm Covid-19. Cũng đã có lúc dịch bệnh với mức độ tăng dần khiến ông Thảo nghĩ đến chuyện phải tạm dừng việc tưởng niệm. Tuy nhiên, đến cuối cùng, buổi lễ vẫn thực hiện được dù ít người hơn.

Hải chiến Gạc Ma đã lùi xa cách đây 34 năm. Những người lính trở về từ trận chiến không cân sức này cũng mới tìm thấy nhau được gần 10 năm nay. Những người về Hà Tĩnh lần này cũng đã gặp nhau vài lần trong những ngày giỗ chung các năm trước. Nhưng vừa nhìn thấy nhau, họ đã ôm chầm lấy nhau, siết chặt tay nhau như những người thân trong một nhà.
 
Ông Thảo cho hay, trong những cựu chiến binh sau chiến trận Gạc Ma trở về, có nhiều người vẫn đang phải lao vào một “cuộc chiến” khác cũng cam go không kém. Đó là cuộc chiến "áo cơm". Nhưng chỉ cần một dòng tin nhắn hẹn địa điểm là họ gác lại tất cả để cùng về tưởng niệm đồng đội. Cũng từ khi bắt đầu ngày “giỗ chung”, những cựu chiến binh Gạc Ma đã cùng nhau chia sẻ khó khăn trong cuộc sống thường ngày.
 
Nghe tin cựu chiến binh nào gặp khó khăn hoạn nạn hoặc đau ốm là những người đồng đội lại cùng góp tay chia sẻ hỗ trợ. Mới đây, qua kết nối của Ban liên lạc cựu chiến binh Gạc Ma, chiếc áo truyền thống có chữ ký của tất cả những cựu chiến binh Gạc Ma đã được đưa ra bán đấu giá. Trong cuộc đấu giá tối 14-3-2022, chiếc áo này đã có một người mua với giá 128 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này đã được người đại diện là ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP. Hồ Chí Minh) chuyển ra cho Ban liên lạc cựu chiến binh Gạc Ma để trao 64 phần quà cho 64 gia đình liệt sỹ Gạc Ma trên khắp cả nước, mỗi phần quà là 2 triệu đồng tiền mặt. Đây như một chút tấm lòng của những người lính may mắn trở về gửi đến những gia đình có người nằm lại.
 
“Chúng tôi đã từng cùng ở ranh giới sống chết để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Giờ khi tìm được nhau rồi, chúng tôi lại tiếp tục kề vai sát cánh vượt qua khó khăn”, ông Thảo cho biết thêm.
 
Nam Phong

tin liên quan

Làng mới bên "Cổng Trời"

(QBĐT) - Nằm đối diện với khu Di tích lịch sử Cổng Trời trên tuyến Quốc lộ 12A, khu tái định cư mới của bản Cha Lo (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) vừa hoàn thành đưa vào sử dụng. Mặc dù vẫn còn những lo toan, bỡ ngỡ ban đầu, nhưng từ bây giờ, khi mùa mưa lũ về, 34 hộ người Mày nơi đây đã không còn phải thấp thỏm lo âu vì sạt lở đe dọa như ở bản cũ, khi được sống an toàn trong những ngôi nhà mới đẹp đẽ, khang trang…

Mùa mưa ở Khe Giữa

(QBĐT) - Đường 10 nối từ xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) vào bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) đã được rải nhựa, xe có thể chạy bon bon vào đến bản. Mùa mưa này, giữa bốn bề núi rừng, con đường như vắng người qua lại hơn. Khe Giữa cách trung tâm xã Ngân Thủy hơn 10km, ấy vậy mà rất xa ngái. Đến đây, mới biết dân bản còn bộn bề khó khăn, lo toan trong cuộc mưu sinh hàng ngày. Và, để kéo Khe Giữa lại gần hơn, vẫn còn đó những trăn trở…

Đất lành

(QBĐT) - Nhiều người gọi công việc của cán bộ, nhân viên dự án rà phá bom mìn là nghề đi săn "tử thần". Hàng ngày, họ phải khảo sát, tìm kiếm, xử lý nhiều bom mìn, vật liệu nổ (VLN) còn sót lại sau chiến tranh, đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm.