Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Có những ngày tháng tư như thế…

  • 06:24 | Thứ Bảy, 30/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày tháng tư lịch sử 47 năm về trước như một cuốn phim tài liệu đặc biệt đang lần lượt quay trong tâm trí hàng triệu người con dân Việt, nhất là những người đã trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến giai đoạn lịch sử có một không hai đó... Và ngày 30/4, tiếng reo vui “Sài Gòn giải phóng rồi!” vỡ òa khắp 3 miền đất nước!
 
Để có ngày vui tháng tư đó, trong suốt 3 thập kỷ (1945-1975) cả dân tộc ta đã trải qua biết bao nhiêu gian khổ hy sinh! Hàng ngàn, hàng vạn trang sách, báo đã viết về điều đó, nhưng nhân loại vẫn luôn cần nhớ lại những bài học xương máu, vì chiến tranh vẫn đang là nguy cơ ở khắp mọi nơi trên trái đất. Và tưởng nhớ đến những người đã hy sinh vì Tổ quốc chính là đạo lý tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
 
Tháng tư này, nhân soạn lại những tư liệu, bản thảo cũ để trao cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 bảo quản lâu dài, tôi không khỏi bồi hồi dừng lại ở những cuốn sổ nhật ký có tuổi thọ nửa thế kỷ, nhất là những trang ghi vào tháng tư… Trước hết, mời các bạn xem vài dòng ghi vào những ngày cuối tháng 4/1975, tại thôn Phú Vinh, nơi Hội Văn nghệ Quảng Bình sơ tán:
 
Ngày 29/4/1975: …2-3 giờ chiều nay, Đài Sài Gòn liên tục đọc những thông cáo… nào là cử người thay Tổng tham mưu trưởng, nào chiêu tập tướng lĩnh về họp lúc 18 giờ… Đài BBC và Mỹ đưa tin quân Mỹ có lệnh rút hết, sau khi Tân Sơn Nhất bị pháo kích… Chao! Thật không ngờ. Có thể là trong đêm nay hoặc đêm mai là ngày kết thúc cuộc chiến tranh…
 
Ngày 30/4/1975: Một ngày lịch sử đón chờ từ mấy chục năm nay… Sáng, Đài Hoa kỳ và BBC tường thuật cảnh Mỹ rút chuyến cuối vào nửa đêm về sáng… Cuộc chiến tranh trên Tổ quốc ta đã vĩnh viễn chấm dứt!...
 
Chiều 1/5/1975: Tại sân vận động Cộn (nơi thị xã sơ tán) chật ních người xem trận bóng đá tranh giải hạng A giữa “Phòng không-không quân” và “Tổng cục Đường sắt”. Bên đường 15, có mấy chiếc xe kéo tên lửa đi qua. Tối, Quảng Bình mít tinh mừng chiến thắng…
cầu Ca Tang
                                                 cầu Ca Tang                                                      Ảnh: T.M.V

Những sự kiện trên mọi người đã biết, chỉ trích vài dòng nhật ký ghi ở Quảng Bình lúc đó để cùng nhớ lại không khí một thời đã xa. Để có ngày vui này, mời bạn xem những trang Nhật ký tháng tư, khi tôi còn là chàng giám sát viên kỹ thuật tại cầu Bãi Dinh, dưới chân đèo Mụ Giạ:

14/4/1965: … Chiều 14, đang đứng đầu mố cầu, theo dõi công nhân đội “Thống nhất”  đắp đất thì nghe tiếng thét “máy bay!” Chúng sà thấp “dưới” núi nên không nghe tiếng. Mấy chiếc T.28 đi trước, lượn một vòng rồi xả một tràng rốc-két. Mình vừa nhào xuống đường thì nghe tiếng nổ, chạy vào gần núi đá thì bom nổ trên đỉnh núi, đá tung xuống rào rào. Một mảnh bom lớn dài hơn một mét rơi đánh thịch bên cạnh. Tiếp đó, bom và rốc-két nổ liên tiếp, xen với vài tiếng súng trường đì đùng của dân quân…
 
Xong trận bom, mình chạy ra, thấy cầu còn nguyên, mừng quá, nhưng phía lán thì khói bốc lên nghi ngút và nghe nói cô Duy và Dinh bị thương khá nặng. Phải chạy vội về lán lấy túi tài liệu ở hầm ra. Toàn bộ khu lán đã cháy trụi, chỉ còn cột và các đà ngang đang tiếp tục bị lửa đốt thành than. Thật tan hoang! Lại chạy trở ra cầu, xem anh chị em thương vong ra sao. Một quả bom nổ dưới suối đã làm cô Duy và Dinh bị thương rất nặng. Nhìn hai bạn máu đầy người, mặt mũi biến dạng hết, cũng thấy hoảng. Sang phía đầu cầu, trên tuyến đá, một cô gái bị thương bỏ lại một cặp tóc và một cái cóc-sê đẫm máu. Mình lại quay về lán rồi lo theo xe chở anh chị em bị thương về xuôi…
 
Hơn 10 anh chị em bị thương nằm chật trên xe, người bê bết máu, mùi tanh đến là khó chịu. Đi chưa được chục km, Duy chết…Một giờ sáng ngày 15 mới được ăn cơm “chiều 14”! Vừa nằm dính lưng, đã bị gọi dậy họp … Hơn 3 giờ sáng, lại lên xe đi Bãi Dinh. Trên xe toàn những thứ “cấp cứu”: chăn, màn, chiếu, xoong nồi… và nhiều thứ vặt mà cần thiết cho sinh hoạt…
 
Đi lên dốc cầu La Trọng, nghe một tin buồn: Hưởng-nhân viên thống kê và một cô gái công trường 12A chết đuối lúc vượt qua suối khi máy bay đang bắn phá! Những cái chết đầu tiên trong chiến tranh mà không phải bom đạn trực tiếp gây ra. Cô gái tên là Chín-một học sinh lớp 8, vừa xin làm công nhân, lao động vất vả nhưng vẫn luôn nghe tiếng hát, tiếng ngâm thơ của cô…
 
16/4/1965: Chiều 16/4, trận đánh khốc liệt nhất đã diễn ra tại trọng điểm hạng nhất trên đường 12A-vùng cầu Ca Tang-Khe Núng. Chúng đã tung gần 200 lượt phản lực, ở Ca Tang, lực lượng pháo phòng không hạn chế, do núi cao vực sâu không có chỗ bố trí trận địa, nên dù tiểu đoàn pháo cao xạ của anh hùng Nguyễn Viết Xuân chiến đấu với tinh thần “Quyết tử”, đã không bảo vệ được chiếc cầu lớn nhất đường 12A. Cầu Ca Tang sập nhịp giữa, cầu Khe Núng bị đánh sập cả trụ, cầu La Khê mất 3 nhịp bê tông. Ở Ca Tang, bộ đội pháo bắn đến đỏ nòng và đạn tiếp không kịp. Ở hạt giao thông, có một cô gái rất dũng cảm, đã được tuyên dương tại trận…
 
Mãi đến ngày 19/4, tôi mới về Ca Tang tìm gặp Đinh Thị Thu Ngà dưới bóng một cây mít hiền lành đầu xóm nhỏ… “Một cô gái miền núi ít nói, hơi chậm chạp, vẻ đẹp và sức mạnh ẩn kín bên trong. Chính vì thế không ai lường trước được sức mạnh và lòng dũng cảm của cô. Ngà chuyển hòm đạn thứ nhất, rồi thứ hai, thứ ba. Bom, rốc-két nổ xung quanh à? Có sao! Khẩu pháo đang chờ đạn kia và những chiếc phản lực của bọn cướp Mỹ đang theo nhau hung hãn lao xuống…
 
Anh Nhiệm bị bom hất ngã rồi. Ngà cúi xuống đỡ anh dậy. Bom lại nổ, anh lại ngất lần nữa rồi. Anh Nhiệm! Anh không tỉnh à? Thế thì Ngà chuyền đạn cho anh Hoàng thay anh. Một chiến sĩ có ý đứng che cho Ngà đỡ nguy hiểm, Ngà nói nhỏ với anh: “Em không sợ đâu! Anh đừng lo.” Và những viên đạn vàng chói cứ đều đặn qua tay Ngà vào nòng pháo. Bắn mạnh đi các anh. Đừng lo gì cho Ngà cả.
 
Trong Hạt 4, đâu chỉ riêng Ngà lập công. Tần, Lan, anh Châu, anh Ninh cũng có kém gì Ngà. Còn các anh bộ đội thì chẳng kể hết. Nhưng đẹp hơn cả là anh Vĩnh. Anh người cao to, lại đứng ở chỗ cao, nhưng mặc máy bay trút bom đạn xối xả xung quanh, anh vẫn không cúi đầu, thỉnh thoảng lại hô lớn: “Noi gương Nguyễn Viết Xuân! Nhằm thẳng quân thù mà bắn!” Và anh đã chiến đấu như anh Xuân. Một loạt rốc-két nổ gần công sự, mảnh đạn cắt đứt cánh tay phải của anh. Anh bị thương nặng rồi, máu chảy đầm đìa...”
 
Những dòng ghi trên đây chỉ là 2 ngày của tháng 4/1965. Có thể nói, trên đường 12A giai đoạn này, 365 ngày của năm đều có bom rơi đạn nổ. Năm 1966, càng ác liệt hơn. Chính vì thế, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã quyết định tổ chức “Đại hội Bảo đảm GTVT, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” toàn miền Bắc. Ngày 9/3/1966, anh Phan Huy Đại, Phó ban Chỉ huy, Bí thư Đảng bộ Công trường 12A (ngày đó, để giữ bí mật, trên báo chí gọi là “Công trường “Thống Nhất”) được thay mặt 1.500 cán bộ, công nhân thanh niên xung phong trên đường 12A, tham gia đoàn Quảng Bình do ông Lại Văn Ly làm trưởng đoàn, lên đường ra Hà Nội dự Đại hội. Sau đây là vài dòng nhật ký liên quan đến đường 12A:
 
“... Mình gặp đoàn đại biểu lúc ở hội trường đi ra. Anh Ly tay cầm lá cờ luân lưu của Chính phủ tặng, vừa nói vừa cười, bộ mặt đỏ ửng lên: “Phấn khởi lắm!  Cờ, Huân chương, nhưng cũng lo đấy!...” Anh Đại, nét mặt thoáng cái gì như ngơ ngác, giọng nhỏ hẳn lại vì đang quá xúc động. Không chỉ vì vừa được gặp Bác Hồ; hơn thế, Bác Hồ đã gọi đại biểu Công trường 12A lên hỏi chuyện. Việc Bác gặp riêng Công trường 12A là một vinh dự thật lớn lao, nhưng cũng nói rõ tầm quan trọng của con đường và báo hiệu cuộc chiến đấu sẽ còn ác liệt hơn...”
 
Điều này bạn sẽ đọc thấy trong những dòng nhật ký sau đây:
 
Tháng 4/1966: Đầu tháng tư, trở về công trường trên chiếc xe mô-nô không mui. Trên xe, đủ các thứ hàng phải giữ gìn. Dân nơi tuyến lửa thiếu thốn mọi thứ, ra Hà Nội mua hàng gần nửa tháng vẫn chưa vừa. Qua Thường Tín (Hà Đông), mua hết cả pin vuông của cửa hàng. Đến Nam Định, mua hết cả vải hoa, vải màn… của một cửa hàng khác. Hàng cứ khuân về xe, chất cao ngồn ngộn…
 
Đêm 4/4, về đến Ca Tang rồi mà còn phải quay lui. Bom nổ chậm nổ lúc 1 giờ sáng hỏng đường. Đến địa phận 12A là là biết liền! Từ La Khê, đã thấy biển báo có bom nổ chậm đoạn qua Xóm Bàu. Qua Tân Ấp một đoạn, hai bên đường, trước đầy cây xanh, nay cháy trụi, bốc mùi khét lẹt…
 
Chỉ mấy ngày sau-ngày 12/4/1966, không quân Mỹ tung “át chủ bài” B.52 đánh đoạn từ Bãi Dinh lên đèo Mụ Giạ. Đây là lần đầu B.52 đánh miền Bắc. Có lẽ vì thế, sau trận này, Bác Hồ liền gọi điện vào Quảng Bình hỏi thăm tình hình…
 
Ngày 27/4, B.52 đánh lần thứ hai đoạn “ruột gà” từ Bãi Dinh lên đèo Mụ Giạ. Chúng thả khoảng 800 quả bom, có hơn 20 quả trúng đường, nhưng không một ai hy sinh!... Có thể nói đây là một “bài học” cho cả thế giới hôm nay: vũ khí hiện đại không thể làm “nên chuyện”, khi quân dân cả nước đồng lòng, không chịu cúi đầu và được thế giới ủng hộ!
 
Những trang viết trên đây chỉ từ góc nhìn một con người bình thường không có chức vụ gì và cũng chỉ “trích yếu” vài sự kiện của tháng tư trong hai năm đầu cuộc chiến tranh phá hoại trên một con đường. Ở Quảng Bình-nhịp cầu nối 2 miền đất nước-còn biết bao chiến tích và hy sinh trên những cung đường bộ, đường sông đường biển. Tháng 4/1967, tháng 4/1968, rồi tháng 4/1972… Nhắc lại những hy sinh không kể xiết ấy để càng thêm quý cuộc sống hòa bình hôm nay, càng góp thêm nhiều công sức vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hùng cường, khiến những kẻ đang dòm ngó biên giới, hải dảo của đất nước ta phải chùn bước…
 
Ghi chép của Nguyễn Khắc Phê

tin liên quan

Thần tốc trồng cây, xây nhà chờ..."bắt vạ"?

(QBĐT) - Mặc dù đã được cảnh báo nhưng nhiều hộ dân ở huyện Quảng Trạch vẫn ồ ạt xây dựng nhà cửa, tường rào, trồng cây... chờ đền bù Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. 
 

Đất lành

(QBĐT) - Nhiều người gọi công việc của cán bộ, nhân viên dự án rà phá bom mìn là nghề đi săn "tử thần". Hàng ngày, họ phải khảo sát, tìm kiếm, xử lý nhiều bom mìn, vật liệu nổ (VLN) còn sót lại sau chiến tranh, đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm.

"Đại thủy nông" Rào Nan - Hành trình nửa thế kỷ

(QBĐT) - Đập thủy lợi Rào Nan được xây dựng hơn nửa thế kỷ trước bằng sức người giữa khốc liệt đạn bom chiến tranh. Công trình tiêu biểu cho sức mạnh đoàn kết của quân dân đất lửa Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ và không thể không kể đến những dấu ấn quyết đoán của cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan. Trải qua hơn nửa thế kỷ, công trình được nâng cấp, xây dựng bằng công nghệ hiện đại, tiếp tục sứ mệnh trong hành trình đổi mới của đất và người vùng Nam Ba Đồn.