Tưởng niệm 50 năm Ngày hy sinh của 13 cán bộ, chiến sĩ Trạm thông tin A69 (2/7/1972 - 2/7/2022)
Những ước mơ còn dang dở
(QBĐT) - Trong số 13 cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) Trạm thông tin A69 hy sinh trong ngày 2/7/1972 tại hang Lèn Hà (xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa) có liệt sỹ Hoàng Thị Liên, Chu Thị Mạnh cùng ở TX. Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ và cùng sinh năm 1956. Các chị hy sinh khi vừa bước qua tuổi 16, lứa tuổi trăng tròn, với nhiều dự định còn dang dở. Và cả những ước mơ tuổi mười bảy, đôi mươi của chị Nguyễn Thị Anh, chị Vũ Thị Lan...
Đồng đội của chị Chu Thị Mạnh ở TX. Phú Thọ vẫn còn kể lại câu chuyện “cứng đầu” của cô gái trẻ này. Năm đó, chị Mạnh mới 15 tuổi, vì muốn gia đình đồng ý cho vào bộ đội, chị đã trèo lên cây dọa tự tử. Tháng 12/1971, chị nhập ngũ và được điều về Trạm thông tin A69. Trong trận bom của kẻ thù dội xuống hang Lèn Hà buổi trưa hè năm ấy, cả chị Mạnh và chị Liên đều hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trên vọng gác. Các chị ngã xuống khi vừa bước sang tuổi 16 trăng tròn.
Đó là câu chuyện xảy ra tại ga Hàng Cỏ của liệt sỹ Nguyễn Thị Anh (SN 1955, ở xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ). Ngày chị khoác ba lô lên tàu vào “tuyến lửa” Quảng Bình, không hiểu sao, khi tàu vừa lăn bánh rời ga, thì bỗng nhiên chị nhìn thấy bố mình cũng đang khoác ba lô đứng trên sân ga.
Thời điểm này, bố chị Anh đang chiến đấu ở Khu 4. Chị nhoài người ra ngoài cửa sổ gọi bố nhưng không còn kịp nữa. Sau này qua thư, chị biết được rằng, nghe tin con gái “đi Bê”, bố chị nghĩ chị sẽ vào sâu trong chiến trường miền Nam, nên đã xin phép đơn vị ra gặp con gái. Thế nhưng, ông không ngờ chuyến tàu đưa ông vừa đến ga Hàng Cỏ, thì cũng là lúc, chuyến tàu đưa cô con gái lăn bánh vào Nam. “Cuộc chia tay” trên sân ga Hàng Cỏ năm đó, cũng là lần cuối chị được nhìn thấy bố mình.
Và còn nhiều câu chuyện, cuộc đời dang dở đằng sau trận bom của ngày hè năm đó. Đó còn là câu chuyện của chị Vũ Thị Lan ở huyện Kiến Xương (Thái Bình) đã ngã xuống trên vùng đất Lèn Hà, khi chưa kịp khoác lên mình chiếc áo cô dâu. Chị Lan hy sinh khi 22 tuổi, sau 4 năm công tác tại trạm. Trước đó, chị đã được đơn vị đồng ý cho về quê tổ chức đám cưới với một chiến sĩ tên Hưng cũng đang chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn. Cảm động hơn, ngày chiến sĩ Hưng nhận được tin người yêu hy sinh, anh cũng đã xung phong ở lại trạm thay chị Lan tiếp tục nhiệm vụ.
Trong số 13 liệt sỹ hy sinh tại Trạm thông tin A69 chỉ duy nhất liệt sỹ Trần Văn Xây (SN 1946, ở TX. Phú Thọ, Phú Thọ) là đã có gia đình. Trước ngày hy sinh, anh Xây vừa nhận được tin vợ ở quê nhà sinh được con trai. Ngày nhận được tin, anh đã hét vang núi rừng, vì có “thằng cu chống gậy”. Nhưng rồi trận bom hủy diệt của kẻ thù đã khiến anh mãi mãi ra đi, mà chưa một lần cha con gặp mặt.
“Quảng Bình ơi, ta đã về đây vui Tết/Tết năm nay, ôi cái Tết xa nhà/Tết năm nay sao lại nhớ quê ta/Khi Đảng gọi, đoàn ta đi chống Mỹ”. Đó là những câu thơ do chính chiến sĩ Vũ Thị Lan đọc cho bà Ngô Thị Trương (SN 1949, ở thôn 4 Thanh Lạng, xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa) nghe vào dịp Tết năm 1969. Dù đã hơn 50 năm trôi qua, nhưng bà Trương vẫn nhớ mãi. Lúc đó, bà đang là Đảng ủy viên, Ủy viên Thư ký, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh Hóa. Mỗi dịp lễ, Tết, bà vẫn cùng cán bộ địa phương tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ với các CB, CS của trạm.
Bà Trương kể: “Tết năm đó cũng là cái Tết đầu tiên chị Lan xa nhà, nên cũng khó tránh được nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhất là khi các chị còn quá trẻ. Còn chúng tôi thì may mắn hơn, vì được sống, chiến đấu trên chính mảnh đất quê hương mình. Nhưng, vì cùng lứa tuổi lại là con gái với nhau, nên chị em chúng tôi rất đồng cảm và thấu hiểu. Lần nào gặp mặt, các anh chị đều rất vui vẻ, yêu đời, và đặc biệt một lòng, một dạ, chung ý chí chiến đấu với kẻ thù, bảo vệ quê hương, đất nước. Vì vậy, thời gian trạm đóng quân ở đây, người dân xã Thanh Hóa có khoai, sắn, chè tươi, đặc biệt là bồ kết gội đầu thường để dành tặng cho CB, CS của trạm. Ngược lại, các chị ở trạm dành dụm được mảnh vải, áo quần tư trang được cấp lại đem tặng cho nhân dân”.
"Sự hy sinh anh dũng của 13 CB, CS Trạm thông tin A69 thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, tất cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Năm tháng qua đi, thời gian cũng đã dần xóa đi những dấu vết khốc liệt của một thời chiến tranh, nhưng những chiến công và sự hy sinh anh dũng của 13 liệt sỹ ở hang Lèn Hà vẫn còn đọng mãi trong tâm khảm của cấp ủy, chính quyền, nhân dân xã Thanh Hóa và huyện Tuyên Hóa. Ngày 7/5/2009, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng hang Lèn Hà là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày 5/5/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu Di tích lịch sử cấp quốc gia hang Lèn Hà, với diện tích 12ha. Để phát huy giá trị của di tích và tri ân sự hy sinh của các liệt sỹ, UBND huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cũng đã đầu tư đường vào khu di tích, với chiều dài 2,6km, chiều rộng 10,5m (tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng). Qua đó, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ về những đóng góp, cống hiến to lớn của các anh hùng, liệt sỹ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Lê Nam Giang cho biết.
|
D.C.H
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.