TP. Đồng Hới: Chủ động đối phó "giặc lửa"

  • 08:09 | Thứ Ba, 06/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong những ngày hè nắng nóng, rừng trên địa bàn TP. Đồng Hới đang đứng trước nguy cơ cháy cao. Trước tình hình này, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và nhân dân trên địa bàn đã lên phương án, chủ động đối phó với “giặc lửa”.
 
TP. Đồng Hới có tổng diện tích các loại rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp trên 5.897ha, trong đó đất quy hoạch rừng phòng hộ (RPH) 3.709ha, quy hoạch sản xuất trên 1.496ha, diện tích rừng ngoài quy hoạch 691ha, độ che phủ rừng đạt 32,58%. Rừng nơi đây phân bổ tại 6 xã, phường nằm ở phía Tây, tây bắc thành phố và 4 xã phường ở ven biển do địa phương, Ban Quản lý RPH Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình, các lâm trường và người dân quản lý.
 
So với các địa phương khác trong tỉnh, diện tích rừng của TP. Đồng Hới không nhiều. Tuy nhiên, rừng ở đây có giá trị rất lớn trong việc phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, điều hòa khí hậu, chống xói mòn, chống cát bay, giữ gìn cảnh quan du lịch và nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân...
 
Mùa khô ở TP. Đồng Hới từ tháng 4-9 hàng năm. Đây là thời điểm nắng nóng gay gắt và kéo dài, nhiệt độ không khí lên đến 38-400C, kèm theo gió phơn tây nam khô nóng thổi mạnh làm cho nước bốc hơi nhanh, thảm thực bì trong rừng khô kiệt tạo thành nguồn vật liệu cháy rất dễ bắt lửa và nguy cơ cháy lan nhanh. Cùng với đó, TP. Đồng Hới là trung tâm hành chính của tỉnh đang trong quá trình đô thị hóa nên diện tích đất lâm nghiệp và rừng biến động thường xuyên. Trong mùa hè nắng nóng, nơi đây có lượng khách du lịch và người ra vào rừng rất đông nên nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn.
Lực lượng Kiểm lâm TP. Đồng Hới theo dõi rừng tại chòi canh lửa.
Lực lượng Kiểm lâm TP. Đồng Hới theo dõi rừng tại chòi canh lửa.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP. Đồng Hới Mai Song Toàn cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn có nhiều khu vực có nguy cơ cháy cao, như: Khu vực rừng sản xuất thuộc xã Bảo Ninh do Ban Quản lý RPH Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình quản lý, khu vực RPH đầu nguồn hồ Bàu Tró ở phường Hải Thành, Đồng Phú. Trên tuyến gò đồi có khu vực rừng thông của Chi nhánh Lâm trường Vĩnh Long, Chi nhánh Lâm trường Đồng Hới, rừng bạch đàn và cao su xã Lộc Ninh giáp với phường Bắc Lý. Ngoài ra, các khu vực rừng triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đường ven biển tỉnh Quảng Bình cũng đang có nguy cơ cháy cao.
 
Với phương châm “phòng là chính”, Kiểm lâm cùng các chủ rừng đã tập trung lực lượng, phương tiện trực 24/24 giờ, sẵn sàng đối phó khi “giặc lửa” xảy ra. Hiện, các loại phương tiện, dụng cụ phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) đã được Hạt Kiểm lâm TP. Đồng Hới cấp phát cho các trạm Kiểm lâm, cá nhân quản lý, sử dụng để thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, đơn vị sử dụng một xe chữa cháy lưu động, có vòi dài khoảng 300m phục vụ cho công tác CCR. Ngoài ra, 
 
Kiểm lâm TP. Đồng Hới cũng đã chủ động phối hợp với các chủ rừng chuẩn bị lực lượng, phương tiện, tổ chức tuần tra, canh gác lửa rừng để phát hiện, xử lý các điểm phát lửa.
 
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn và các chủ rừng thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm đối với cán bộ, nhân dân về công tác PCCCR. Theo ông Mai Song Toàn, khi phát hiện cháy rừng, các lực lượng tuần tra, kiểm soát rừng sẽ chủ động dập lửa. Nếu đám cháy vượt quá tầm kiểm soát của lực lượng tại chỗ thì phải báo cáo nhanh cho hạt, chủ rừng, UBND xã/phường nơi xảy ra cháy rừng biết để huy động thêm lực lượng chữa cháy. Trường hợp tại các vùng trọng điểm xảy ra nhiều đám cháy cùng một lúc, vượt tầm kiểm soát của lực lượng tại chỗ thì hạt sẽ báo cáo lên ban chỉ đạo, UBND thành phố huy động thêm lực lượng, phương tiện hỗ trợ.
 
Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn T.P Đồng Hới đã xảy ra 12 điểm phát lửa trong rừng. Nhờ chủ động tuần tra, kiểm soát nên các lực lượng PCCCR đã phát hiện, dập tắt kịp thời, không cho đám cháy lan rộng. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường, nguồn tài nguyên rừng quý giá, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng của địa phương.
Để hạn chế cháy rừng, những ngày nắng nóng, lực lượng Kiểm lâm TP. Đồng Hới thường xuyên nhắc nhở chủ rừng, hộ gia đình trồng các loại cây có nguy cơ cháy cao hạn chế sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, tránh việc đốt cỏ, rác, nhóm lửa để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ phát lửa; tăng cường kiểm tra rừng, nhất là với các khu vực có rừng tự nhiên, khu vực giáp ranh với huyện Quảng Ninh, Bố Trạch nhằm ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng.
 
Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Đồng Hới (thuộc Công ty TNHH MTV LCN Long Đại) Đỗ Hữu Việt chia sẻ: “Để PCCCR, ngày từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng và triển khai phương án PCCCR đến các địa bàn; tuyên truyền, vận động các chủ rừng, hộ nhận khoán rừng, hộ liền kề tổ chức xử lý thực bì để giảm vật liệu cháy trong mùa nắng nóng. Đơn vị cũng đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm TP. Đồng Hới xây dựng, tập huấn các tình huống giả định để rút ra bài học kinh nghiệm, ứng dụng vào thực tế khi có cháy rừng xảy ra”.
 
Đến thời điểm này, TP. Đồng Hới cũng đã kiện toàn xong các ban chỉ huy về những vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR từ xã, phường đến các tổ, đội ở thôn, tổ dân phố và các chủ rừng. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm TP. Đồng Hới đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo về những vấn đề cấp bách trong PCCCR thành phố yêu cầu các xã, phường tập trung rà soát, bổ sung và chỉnh lý các phương án PCCCR, tổ chức huy động lực lượng, phương tiện tuần tra, canh gác nhằm phát hiện, dập tắt nhanh các điểm phát lửa rừng.
 Xuân Vương
 

tin liên quan

Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

(QBĐT) - Sau khi rời quân ngũ, những cựu chiến binh đã mạnh dạn chinh phục, biến những vùng đất hoang hóa, khô cằn sỏi đá... thành những mô hình kinh tế hiệu quả.

Minh Hóa: Giữ rừng mùa nắng gắt

(QBĐT) - Liên tiếp các đợt nắng gắt, kéo dài của mùa khô năm 2023 đã và đang diễn ra tại địa bàn toàn tỉnh nói chung, huyện Minh Hóa nói riêng khiến cho nhiều diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng kinh tế đứng trước nguy cơ bị cháy, rất đáng lo ngại. 
 

Kỳ vọng OCOP - Bài 2: Gập ghềnh giữ sao và nâng sao OCOP

(QBĐT)  - Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" được triển khai đã tạo ra những sản phẩm đặc trưng cho nhiều địa phương. Để chứng minh chất lượng, các SP OCOP đã không ngừng được cải tiến trong khâu sản xuất, chế biến, đóng gói nhằm tạo sức hút, để không phải đối mặt với nguy cơ "tụt hạng" và đích đến là nâng tầm chất lượng SP với người tiêu dùng.