Kỳ vọng OCOP - Bài 2: Gập ghềnh giữ sao và nâng sao OCOP

  • 06:38 | Thứ Tư, 31/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT)  - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được triển khai đã tạo ra những sản phẩm (SP) đặc trưng cho nhiều địa phương. Để chứng minh chất lượng, các SP OCOP đã không ngừng được cải tiến trong khâu sản xuất, chế biến, đóng gói nhằm tạo sức hút, để không phải đối mặt với nguy cơ “tụt hạng” và đích đến là nâng tầm chất lượng SP với người tiêu dùng.
 
Nâng sao rất khó...
 
Năm 2019, khi chương trình OCOP bắt đầu được thực hiện, trên cơ sở thế mạnh của vùng, các địa phương đã nhanh chóng tìm những SP đặc trưng để định hướng, xây dựng thành SP OCOP. Sự ra đời của SP gắn sao OCOP như luồng gió mới làm thay đổi bộ mặt kinh tế vùng nông thôn. Từ đây, người nông dân đã tiếp cận với hình thức sản xuất chuỗi liên kết, khép kín, hiện đại để tạo ra những SP hoàn thiện, chất lượng có thể cạnh tranh với thị trường-điều mà trước đây, các SP truyền thống chưa làm được. Trước giá trị, lợi ích mà chương trình OCOP mang lại, nhiều SP đã có những đổi mới, bứt phá để tìm cách nâng sao.
 
Được công nhận SP OCOP 3 sao từ đầu năm 2020, SP dầu lạc Trường Thủy của Hợp tác xã (HTX) Nông sản Trường Thủy đã trở thành SP tiêu biểu không chỉ của xã Liên Trường (Quảng Trạch) mà còn với đông đảo người tiêu dùng. Nếu như trước đây, khi chưa được công nhận SP OCOP, đầu ra của dầu lạc Trường Thủy là ở các chợ truyền thống hoặc đi ra các tỉnh thành nhờ các mối quen biết giới thiệu, thì nay, sau khi trở thành SP OCOP 3 sao, dầu lạc Trường Thủy nhanh chóng phủ rộng và “đặt chân” vào các siêu thị trong cả nước. 
 
“Có nhiều người bạn sống ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh khi được dùng thử SP đã hỏi tôi rằng, dầu lạc Trường Thủy ngon, chất lượng vậy mà không được bán rộng rãi để người tiêu dùng biết đến và sử dụng. Đó cũng là lý do, động lực để chúng tôi xây dựng SP đạt OCOP 3 sao-điều kiện cần để SP của HTX có mặt ở các siêu thị. Từ khi được công nhận SP OCOP 3 sao, SP của chúng tôi đã được vào các hệ thống siêu thị Co.opmart và một số cửa hàng, siêu thị khác. Số lượng SP dầu lạc Trường Thủy bán ra thị trường tăng hơn 20%. Trung bình mỗi năm chúng tôi bán được 15.000 lít dầu”, chị Đinh Thị Mai Hoa, Giám đốc HTX Nông sản Trường Thủy vui mừng tâm sự.
Đạt tiêu chuẩn OCOP được xem là
Đạt tiêu chuẩn OCOP được xem là "tấm vé thông hành" giúp các sản phẩm có mặt ở những thị trường tiềm năng.
Với nhiều SP nông nghiệp nông thôn đạt OCOP 3 sao, được có mặt ở những siêu thị lớn, cửa hàng nông sản sạch với doanh số hàng năm bán ra lớn được xem là một thành công mà không cần kỳ vọng gì thêm. Tuy nhiên, với dầu lạc Trường Thủy, đích đến chưa dừng ở tiêu chuẩn 3 sao mà cao hơn là 4 sao.
 
Niềm vui sau bao cố gắng đã có kết quả khi SP đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, chị Hoa cho biết: “Khi đã được OCOP 3 sao rồi tôi lại nghĩ, hiện nay ở các tỉnh thành, SP OCOP chủ yếu ở 3 sao chiếm phần nhiều, trong khi 4 sao vẫn còn tương đối ít. Vì vậy mà tôi đã bắt đầu nghĩ cách nâng sao cho SP dầu lạc của mình để người tiêu dùng càng tin tưởng, đánh giá cao về chất lượng. Cái khó nhất trong xây dựng SP 4 sao là phải có chứng nhận ISO. Ngoài ra, bao bì phải được nâng cấp thêm các thông tin về xuất xứ, nhà xưởng được xây dựng hoàn thiện... Những tiêu chí này đã được chúng tôi nỗ lực hoàn thiện và đủ điều kiện nâng hạng 4 sao. Đây cũng là động lực để SP phấn đấu xây dựng thành 5 sao trong tương lai”.
 
... và giữ sao không dễ
 
Trong khi các SP tiềm năng đang tìm mọi cách để nâng sao OCOP của mình thì ở không ít địa phương, nhiều SP cũng đang chật vật duy trì các tiêu chí OCOP để không bị tụt hạng. Không ít SP đang tự thấy hài lòng với số sao mình đạt được và không có ý định, động lực để tăng sao OCOP. Cũng không ít SP xem việc đánh giá SP OCOP chỉ là hình thức, phong trào và không mấy mặn mà với việc giữ sao hay nâng sao.
 
Sau hơn 3 năm được công nhận OCOP 3 sao, điều mà SP khoai deo Như Mận (Công ty TNHH Như Mận) nhận được có lẽ không như kỳ vọng với chủ cơ sở. Cũng bởi vậy mà khi SP đã hết hạn công nhận OCOP 3 sao, chủ cơ sở vẫn không làm hồ sơ tiếp tục công nhận.
 
Giám đốc công ty Nguyễn Thị Như Mận cho biết, khi có chương trình OCOP, được xã động viên, khuyến khích, đơn vị đã hoàn thiện khâu chế biến, đóng gói và thủ tục để tham gia; mất khá nhiều công sức và chi phí. Tuy nhiên, qua hơn 3 năm được công nhận OCOP 3 sao, sự khác biệt, đột phá mà nó mang lại cho SP là không nhiều. Đó là lý do mà chủ công ty chưa mặn mà làm hồ sơ để tiếp tục được công nhận OCOP. 
 
Cũng hết hạn công nhận OCOP 3 sao từ cuối năm 2022, nhưng SP bánh tráng Tân An (HTX Làng nghề bánh mè xát Tân An) cũng không mặn mà nộp hồ sơ xin tiếp tục công nhận. Lý do mà chủ cơ sở đưa ra là do bận công việc gia đình và chi phí bỏ ra để hoàn thiện các thủ tục công nhận như an toàn thực phẩm là rất khó và mất thời gian, tiền bạc, trong khi SP được công nhận OCOP cũng không có vai trò, tác dụng gì nhiều đối với đầu ra SP.
 
Có thể thấy, nhiều chủ cơ sở từ chối việc tiếp tục tham gia chương trình OCOP vì họ tự tin SP đủ chất lượng và sẽ bán được ra thị trường, điều mà trước đây họ đã làm được từ khi thành lập. Tuy nhiên đối với người tiêu dùng, việc khẳng định SP chất lượng, an toàn thực phẩm cần có sự chứng nhận của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền. Nếu một SP không có được điều này thì dù chất lượng ngon đến đâu cũng khó lòng thuyết phục được khách hàng.   
Tạo ra những SP chất lượng
 
Năm 2023, qua đánh giá, toàn tỉnh đã có thêm 15 SP đủ tiêu chuẩn đạt OCOP 4 sao, nâng tổng số SP OCOP 4 sao toàn tỉnh lên 20 SP. Sau một chặng đường 4 năm tham gia OCOP, nhiều SP đã nhận ra giá trị mà chương trình mang lại. Minh chứng là có ngày càng nhiều SP tự hoàn thiện để đạt OCOP 4 sao và mục tiêu xa hơn là 5 sao.
SP OCOP không đơn giản chỉ việc gắn sao theo phong trào hay thành tích mà mục đích cuối cùng là tạo ra những SP thật sự chất lượng, mang đặc trưng của mỗi vùng địa phương. Nếu các SP vẫn mang trong mình tư duy cũ, không đổi mới, không thay đổi để có chiến lược phát triển dài hơi thì SP đó tự khắc bị “tụt hạng” và bị “đào thải”, đồng nghĩa với việc tự đánh mất niềm tin với người tiêu dùng. 
 
Từ năm 2019-2021, trên địa bàn tỉnh chỉ có 5 SP được UBND tỉnh công nhận đạt chất lượng OCOP 4 sao. Con số này còn khá khiêm tốn với tiềm năng các SP nông nghiệp địa phương. Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, sau 3 năm được công nhận, Hội đồng đánh giá, phân hạng SP OCOP sẽ tổ chức đánh giá lại các SP. Nếu SP nào không bảo đảm chất lượng sẽ bị hạ sao, SP tăng điểm sẽ được nâng sao. Việc đánh giá là cơ sở để phân loại, phân hạng chất lượng các SP OCOP. Đầu năm 2023, qua các đợt khảo sát, đánh giá của chúng tôi, có rất nhiều SP tiềm năng đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao trong năm 2022. Điều đáng mừng là ngoài những SP đã được công nhận 4 sao từ trước thì rất nhiều SP, dù đánh giá lần đầu nhưng đã đủ tiêu chuẩn để công nhận OCOP 4 sao. 
 
Có thể khẳng định rằng, việc đánh giá, công nhận và gắn sao cho các SP OCOP nhằm giúp các SP nông nghiệp nông thôn không ngừng nâng cao giá trị và hoàn thiện. Đây được xem như “tấm vé thông hành”, giúp các SP nông nghiệp nông thôn tự tin “bước chân” vào những thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng. 
 
Nhóm P.V Kinh tế
 
Bài 3: Để OCOP đứng vững trên thị trường
>> Kỳ vọng OCOP - Bài 1

 

tin liên quan

Tăng cường công tác thanh tra, phòng chống khai thác IUU

(QBĐT) - Thời gian qua, lực lượng thanh tra chuyên ngành của Chi cục Thủy sản đã phối hợp cùng lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phòng chống khai thác IUU.

Điểm tựa giúp phụ nữ phát triển kinh tế

(QBĐT) - Vốn vay tín dụng chính sách xã hội được xem là một kênh vốn ưu đãi, lãi suất thấp, hỗ trợ thiết thực cho các hội viên, phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế. Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quảng Trạch đã làm tốt công tác ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Từ nguồn vốn vay ưu đãi này, nhiều hội viên trên địa bàn đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất và vươn lên làm giàu chính đáng.

Kỳ vọng OCOP

(QBĐT) - "Mỗi xã một sản phẩm" là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có, nhiều SP nông nghiệp đã khẳng định được thương hiệu, uy tín trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế nông thôn.