Vụ sản xuất hè-thu: Tưới, tiêu hợp lý, không để ruộng hoang
(QBĐT) - Đến thời điểm hiện tại, nông dân trong toàn tỉnh đã thu hoạch xong lúa đông-xuân. Vụ mùa năm nay được đánh giá được mùa với năng suất và sản lượng vượt kế hoạch. Hiện, bà con nông dân đã triển khai sản xuất vụ hè-thu theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra…
Vụ đông-xuân cơ bản được mùa
Là địa phương được xem “vựa lúa” của tỉnh, vụ đông-xuân này, huyện Lệ Thủy gieo cấy hơn 10.150ha lúa với các giống chất lượng, như: VNR20, Hà Phát 3, Nhị ưu 838, P6, VN20, PC6… Đến nay, các địa phương trong toàn huyện cơ bản đã thu hoạch xong, năng suất lúa bình quân ước đạt gần 68 tạ/ha, tăng 3,79 tạ/ha so với cùng kỳ. Có 8 xã đạt năng suất từ 70 tạ/ha trở lên, như: Lộc Thủy, An Thủy, Phong Thủy, Hoa Thủy, Dương Thủy, Xuân Thủy, Cam Thủy. Trong đó, có 3 xã đạt năng suất trên 75 tạ/ha là: Lộc Thủy, An Thủy, Phong Thủy.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Lệ Thủy Nguyễn Chí Trãi cho biết, vụ đông-xuân này, các địa phương, hợp tác xã trên địa bàn đã bám sát khung thời vụ hướng dẫn của huyện và theo dõi diễn biến thời tiết để bố trí thời vụ gieo cấy linh hoạt, tập trung và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng; đồng thời, đưa các giống lúa có chất lượng vào sản xuất;tăng cường điều tra phát hiện, dự tính dự báo chính xác về thời điểm phát sinh, mức độ gây hại và hướng dẫn biện pháp phòng trừ hiệu quả các đối tượng sâu bệnh; kiểm tra, rà soát, đề xuất nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi bảo đảm phục vụ sản xuất…
“Vụ đông- xuân này, địa phương gặp một số khó khăn, như: Đầu vụ có mưa rét, cuối vụ có giông, lốc nênnhiều diện tích lúa của bà con bị đổ ngã gây khó khăn cho thu hoạch và giá thuê nhân công gặt tăng; các công trình thủy lợi, hồ đập, kênh mương, trạm bơm ở một số địa phương đã bị xuống cấp, hư hỏng; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đồng ruộng thiếu đồng đều nên việc áp dụng những kỹ thuật mới, cơ giới hóa vào sản xuất gặp khó khăn…”, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lệ Thuỷ cho hay.
Ngành Nông nghiệp khuyến cáo: Các địa phương vận động người dân triển khai sản xuất vụ hè-thu, tránh để ruộng hoang; đối với vùng không đủ nước tưới đề nghị chuyển sang cây trồng cạn; có cơ chế phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn; nâng cao trách nhiệm về quản lý vật tư nông nghiệp, công tác chỉ đạo phòng trừ dịch hại… |
Tại huyện Quảng Trạch, vụ đông-xuân cơ bản được mùa. Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch Trần Văn Định cho biết, hiện các địa phương đã hoàn thành việc thu hoạch lúa đông-xuân và đang bắt tay vào sản xuất vụ hè-thu.
Vụ đông-xuân 2022-2023, huyện Quảng Trạch gieo cấy được 3.467ha lúa với các giống chủ lực, chất lượng cao, chịu hạn hán, như: HN6, HC4, Hà Phát 3, VNR20, KD18, DV108…Năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt hơn 61tạ/ha, sản lượng đạt hơn 21.356 tấn, nhiều xã đạt năng suất lúa trên 62 tạ/ha, như: Quảng Lưu, Quảng Phương, Quảng Thanh…
Ngoài ra, địa phương đã phối hợp với một số đơn vị thực hiện cánh đồng lớn với quy mô 85ha, sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ lúa chất lượng HC4 tại xã Quảng Lưu; liên kết với Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình thực hiện 20ha mô hình sản xuất lúa chất lượng cao HC4 theo hướng hữu cơ gắn với liên kết, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu vụ đông-xuân…
“Ngay từ đầu vụ đông-xuân, căn cứ lịch thời vụ của Sở NN-PTNT, đơn vị đã hướng dẫn cơ cấu giống và lịch thời vụ phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương; tích cực chỉ đạo sản xuất và hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; đặc biệt là sự phối hợp tốt giữa các đơn vị phục vụ nông nghiệp,địa phương trong công tác chỉ đạo sản xuất, chính sách hỗ trợ, khuyến khích kịp thời trong sản xuất nông nghiệp nên đã động viên người dân đẩy mạnh sản xuất, đạt kết quả cao …”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch cho biết thêm.
Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hồ Khắc Minh cho biết, vụ đông-xuân 2022-2023, ngành Nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn do đầu vụ điều kiện thời tiết bất thường, gặp rét hại làm ảnh hưởng đến tiến độ xuống giống; thời tiết giai đoạn cuối vụ diễn biến phức tạp khi có 2 đợt mưa lớn kèm giông, lốc làm đổ ngã 5.893ha lúa (trong đó có 1.118ha mất trắng) ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng lúa vụ đông-xuân; giá cả các loại vật tư nông nghiệp có giảm nhưng vẫn cao nên cũng tác động đến việc đầu tư và chăm sóc của bà con nông dân…
“Ngành Nông nghiệp và các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tiếp tục được thực hiện có hiệu quả; các địa phương, đơn vị đã chủ động chuẩn bị các nguồn lực bảo đảm cho công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; nhận thức của nông dân về ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất ngày càng cao...Nhờ đó, năng suất lúa vụ đông-xuân đạt hơn 60 tạ/ha, đạt 103,8% kế hoạch; sản lượng 176.931 tấn, đạt 103,4% kế hoạch…”, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết thêm.
Triển khai sản xuất hè-thu
Theo kế hoạch, vụ hè-thu năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 14.500ha lúa, thời vụ gieo cấy bắt đầu từ ngày 25/5 và kết thúc vào 5/6, bảo đảm thu hoạch trước 5/9. Các giống lúa cơ cấu chính, gồm: PC6, HN6, SV181, Hà Phát 3, LTh31, ĐB6, ADI168, ADI28, HĐ9, HC4, Dự Hương 8, Hương Bình…
Đối với khung thời vụ gieo cấy lúa, những vùng ruộng chủ động nước tưới, nhất là vùng trũng cần triển khai gieo cấy sớm bảo đảm thu hoạch trước ngày 25/8/2023; vùng ruộng cao, ít bị ngập lụt, lịch gieo sạ có thể bố trí muộn hơn nhưng phải bảo đảm thu hoạch trước ngày 5/9 để tránh ngập úng khi có mưa lớn. Cụ thể: Giống lúa ADI28, ADI168, Hà Phát 3, Dự Hương 8, Hương Bình tiến hành gieo từ ngày 25-30/5, thu hoạch vào ngày 25-30/8; giống lúa PC6, HN6, LTh31, SV181, Hồng Đức, HĐ9, HC4, ĐB6…tiến hành gieo từ ngày 30/5-5/6, thu hoạch vào ngày 25-30/8.
Để bảo đảm cho vụ sản xuất hè-thu thắng lợi, Sở NN-PTNT cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo từng địa phương xây dựng phương án tưới, tiêu hợp lý ngay từ đầu vụ; cân đối lượng nước từng vùng để ưu tiên nước cho nhu cầu sinh hoạt; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, điều kiện thực tế để bảo đảm tưới đủ không để xảy ra hạn cục bộ, tiêu úng kịp thời không để ngập úng ảnh hưởng đến cây trồng; chấp hành nghiêm quy định về giống cây trồng, không đưa vào sản xuất các loại giống có lý lịch, nguồn gốc không rõ ràng; giống không có tên trong danh mục được phép sản xuất của Bộ NN-PTNT; giống chưa được sản xuất trình diễn trên địa bàn tỉnh…
Bên cạnh đó, đối với những diện tích có nguy cơ hạn hán, không đủ nước tưới, ngành Nông nghiệp cũng yêu cầu địa phương chủ động chuyển đổi sang cây trồng cạn có nhu cầu nước thấp, bố trí chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, tập quán canh tác và có thị trường tiêu thụ; quy hoạch vùng sản xuất tập trung, cùng nhóm cây trồng để dễ điều tiết tưới, tiêu…
Ngọc Hải