Kỳ vọng OCOP

  • 06:40 | Thứ Ba, 30/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Mỗi xã một sản phẩm”(OCOP) là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm (SP) hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có, nhiều SP nông nghiệp đã khẳng định được thương hiệu, uy tín trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế nông thôn.
 
Bài 1: Loay hoay “tìm” OCOP
 
Sau gần 5 năm triển khai chương trình OCOP, đến nay trên địa bàn tỉnh có 150 SP đạt OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên. Bên cạnh những địa phương đã xây dựng thành công SP OCOP, vẫn còn nhiều nơi đang loay hoay tìm và xây dựng SP riêng.
 
Nhiều khó khăn
 
Chủ tịch UBND xã Tân Ninh (Quảng Ninh) Nguyễn Văn Hoan cho biết, là xã thuần nông nên nhiều năm qua, Tân Ninh không có SP gì thật sự nổi trội để hướng tới xây dựng thương hiệu “đặc sản” địa phương. Quá trình xây dựng SP OCOP ở Tân Ninh gặp nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, địa phương thường xuyên bị ngập lụt nên người dân không “mặn mà” đầu tư trang trại, gia trại để chăn nuôi, phát triển sản xuất (SX). SP nông nghiệp trên địa bàn chủ yếu là do các hộ gia đình tự SX, mang hình thức nhỏ lẻ chứ chưa có doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn như các địa phương khác. Vì vậy, xã không có SP chủ lực, đạt chất lượng để dự thi OCOP.
 
“Nhiều năm trước, xã Tân Ninh dự định chọn gạo sạch để xây dựng SP OCOP nhưng gặp khá nhiều khó khăn. Đa số các hộ trồng lúa trên địa bàn đều là những cá nhân SX nhỏ lẻ, manh mún, chưa có thương hiệu, rất khó để mở rộng quy mô, nên cuối cùng ý định xây dựng SP OCOP đành phải gác lại”, ông Nguyễn Văn Hoan cho hay.
 
Không chỉ Tân Ninh đang phải đối diện với muôn vàn khó khăn trong hành trình tìm kiếm SP OCOP, mà xã Duy Ninh (Quảng Ninh) cũng đang gặp phải hoàn cảnh tương tự. Chủ tịch UBND xã Duy Ninh Phạm Minh Cảnh cho biết: Duy Ninh là xã thuần nông, chủ yếu SX lúa và một số ngành nghề nông nghiệp khác, rất khó để chọn ra SP đặc trưng tham gia OCOP. Năm 2020, xã dự định chọn SP sắn dây để xây dựng OCOP nhưng do lũ lụt, diện tích cây trồng bị “xoá sổ” nên không thực hiện được. Đến năm 2021, Duy Ninh hướng đến chọn cá chẽm-“đặc sản” ở địa phương thành SP OCOP. Tuy nhiên, đa số các hộ nuôi cá chẽm trên địa bàn đều theo hình thức nuôi cá tươi sống chưa qua chế biến nên không đủ điều kiện để dự thi.
Năm 2023, xã Duy Ninh (Quảng Ninh) dự định chọn trầm hương dự thi OCOP.
Năm 2023, xã Duy Ninh (Quảng Ninh) dự định chọn trầm hương dự thi OCOP.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Quảng Ninh Trần Đức Thuận, toàn huyện có 5 địa phương chưa có SP OCOP, gồm: An Ninh, Duy Ninh, Xuân Ninh, Tân Ninh và Gia Ninh. Phần lớn các xã chưa có SP OCOP đều là xã thuần nông, chủ yếu SX nông nghiệp. Nhiều địa phương dù có SP nhưng đều trong tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, mang tính thời vụ, SX không tập trung, thiếu liên kết trong SX và tiêu thụ SP, dẫn đến không đạt các tiêu chí SP OCOP.
 
Nhằm phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, thời gian qua, huyện Minh Hóa đã tích cực triển khai chương trình OCOP, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Tuy nhiên, đến nay, Minh Hoá mới chỉ có 4 SP OCOP được công nhận 3 sao và còn 12 xã chưa có SP OCOP.
 
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Minh Hóa Trương Thị Thanh Bê cho biết, là huyện miền núi nên quá trình xây dựng và phát triển SP OCOP trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Tư tưởng và nhận thức của người SX về chương trình OCOP vẫn chưa đầy đủ, còn ỷ lại, thiếu sự chủ động. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong SX còn thấp, năng suất, chất lượng không cao, số lượng cung ứng cho thị trường còn thiếu tính ổn định, bền vững.
 
“Các SP của địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp. Người dân chưa chú trọng đến việc xây dựng mẫu mã, bao bì SP, chưa có sự liên kết để tạo nên chuỗi giá trị gia tăng dẫn đến hạn chế trong việc tạo vùng nguyên liệu”, bà Trương Thị Thanh Bê chia sẻ thêm.
 
Nỗ lực xây dựng SP OCOP
 
Theo Phó chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở NN-PTNT) Nguyễn Quốc Tuấn, để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng cho chủ thể và người dân hiểu được vai trò của chương trình, từ đó cùng với chính quyền các xã chung tay xây dựng các mô hình SX nông nghiệp có thế mạnh, tạo nên SP OCOP.
Dù là khó khăn, nhưng để có thể hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao, xã Tân Ninh (Quảng Ninh) đang nỗ lực tìm kiếm, hỗ trợ người dân xây dựng SP “đặc sản” địa phương. Hiện, xã dự định chọn SP trứng vịt, thịt vịt của các gia trại chăn nuôi trên địa bàn để tham gia dự thi SP OCOP.
 
Chủ tịch UBND xã Tân Ninh Nguyễn Văn Hoan cho biết, trên địa bàn hiện có 10 trang trại chăn nuôi vịt với số lượng hơn 5.000 con vịt đẻ và 30-35 nghìn con vịt thịt. Xã dự định sẽ liên kết các hộ chăn nuôi vịt trên địa bàn, thành lập tổ hợp tác để nâng cao chất lượng trứng vịt, thịt vịt, từ đó tiến tới xây dựng thành SP OCOP của địa phương.
 
Ông Trần Thanh Tuấn, thôn Hoà Bình, xã Tân Ninh đã có thâm niên 20 năm nuôi vịt. Hiện, gia đình ông đang duy trì nuôi 600 con vịt đẻ trứng, mỗi năm ông xuất bán ra thị trường hơn 165.000 trứng vịt, cho thu nhập hơn 450 triệu đồng/năm.
 
“Khi nghe chính quyền xã tuyên truyền, vận động tham gia tổ hợp tác để xây dựng trứng vịt thành SP OCOP của địa phương, tôi rất đồng tình và sẵn sàng tham gia. Để có thể xây dựng được SP OCOP, ngoài SP chất lượng thì còn rất nhiều tiêu chí khác, chúng tôi rất cần sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cấp, ngành chức năng”, ông Tuấn cho hay.
Tân Ninh gặp khó trong xây dựng sản phẩm OCOP vì các gia trại trên địa bàn sản xuất theo hình thức nhỏ lẻ, thiếu liên kết.
Tân Ninh gặp khó trong xây dựng sản phẩm OCOP vì các gia trại trên địa bàn sản xuất theo hình thức nhỏ lẻ, thiếu liên kết.
“Hiện, trên địa bàn huyện Quảng Ninh có 18 SP đã được công nhận đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Thời gian tới, Phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, chủ thể kinh tế về tầm quan trọng và ý nghĩa của chương trình OCOP; đồng hành cùng các địa phương trong quá trình khảo sát, định hướng xây dựng SP chủ lực. Để khuyến khích phát triển SP OCOP trên địa bàn, huyện đã có chính sách hỗ trợ sau đầu tư 10 triệu đồng/SP đạt 3 sao và 20 triệu đồng/SP đạt 4 sao. Mục tiêu trong năm 2023, huyện xây dựng thành công 5 SP OCOP đạt 3 sao trở lên”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh Trần Đức Thuận cho hay.
 
Theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Minh Hóa Trương Thị Thanh Bê, với quyết tâm đưa các SP đặc trưng, có thế mạnh của địa phương đến với chương trình OCOP, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở trên địa bàn tham gia chương trình OCOP, ứng dụng khoa họccông nghệ vào SX, chế biến nguyên liệu và quản lý chất lượng SP; kêu gọi đầu tư, lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án xây dựng chuỗi SP, tập huấn kỹ năng về tổ chức SX, đăng ký mẫu mã SP, truy suất nguồn gốc theo chuỗi giá trị…
 
Nhóm P.V Kinh tế
 
                                                               Bài 2: Gập ghềnh giữ sao và nâng sao OCOP

tin liên quan

Cảnh Hóa nỗ lực cán đích nông thôn mới

(QBĐT) - Được sự hỗ trợ, đầu tư của cấp trên, cấp ủy, chính quyền và người dân Xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch) đang đồng sức, đồng lòng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2023 theo đúng lộ trình.
 

Doanh nghiệp trong cơn "bĩ cực"

QBĐT) - Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Hoài Nam thì hầu hết doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn, nhất là DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, may mặc… Trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp thì nhu cầu lớn nhất của DN là hỗ trợ vốn vay để duy trì hoạt động. 

"Hạt ngọc" của đất trời…

(QBĐT) - Cánh đồng lạc xanh mát trải dài từ chân cầu treo Vĩnh Xuân đến gần phía cuối làng Vĩnh Xuân, xã Cao Quảng (Tuyên Hóa) đang vào vụ thu hoạch nên rộn rã tiếng cười. Được ví như "hạt ngọc" của đất trời Cao Quảng, cây lạc đang trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho người dân của vùng khó nơi đây.