Cảnh Hóa nỗ lực cán đích nông thôn mới

  • 14:03 | Thứ Hai, 29/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch), điều kiện kinh tế-xã hội (KT-XH) còn nhiều khó khăn, nguồn vốn đầu tư và đóng góp của nhân dân còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ, đầu tư của cấp trên, cấp ủy, chính quyền và người dân Cảnh Hóa đang đồng sức, đồng lòng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu về đích nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2023 theo đúng lộ trình.
 
“Chạy đua” với các tiêu chí khó
 
Cảnh Hóa là một trong những xã điều kiện KT-XH khó khăn nhất huyện Quảng Trạch, đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông-lâm nghiệp. Hiện, toàn xã có 1.274 hộ dân với hơn 4.974 nhân khẩu, phân bổ ở 6 thôn, trong đó có 4 thôn năm nào cũng bị ngập lụt, là: Vĩnh Thọ, Thượng Thọ, Cấp Sơn, Kinh Nhuận.
 
Thời điểm bắt đầu xây dựng NTM, Cảnh Hóa là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, do đó, chương trình xây dựng NTM của xã khó "chồng" khó.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Hóa Nguyễn Văn Thực cho biết, khi bắt tay thực hiện chương trình NTM, xã mới chỉ đạt 2/19 tiêu chí. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Cảnh Hóa đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao từ cấp ủy, chính quyền đến mỗi người dân tại các thôn trong xã. Xã đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng đến người dân về các nội dung mục tiêu, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM đối với cuộc sống của bà con, nhờ đó mà người dân luôn đồng tình ủng hộ. Đến thời điểm hiện tại, xã Cảnh Hóa đã có 17/19 tiêu chí đạt chuẩn NTM (2 tiêu chí chưa đạt là tiêu chí trường học và hệ thống chính trị). Một số tiêu chí tuy đạt nhưng chưa vững chắc, đặc biệt là tiêu chí thu nhập.
 
Theo ông Thực, đối với các tiêu chí thiên về “đầu tư”, nếu có sự hỗ trợ vốn của các cấp cũng như sự chung tay góp sức của nhân dân, thì từ nay đến cuối năm cũng sẽ hoàn thành. Việc mà xã Cảnh Hóa lo lắng nhất đó là tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo, đây là những tiêu chí cam go nhất trong xây dựng NTM.
 
Hiện nay, cùng với việc “chạy đua” với các tiêu chí khó về đầu tư hạ tầng, xã Cảnh Hóa đặc biệt vận động bà con phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Trong đó, xã khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Điển hình có hộ anh Phạm Thế Hùng (SN 1979), ở thôn Tân Thị đã chuyển đổi hơn 3ha đất rừng sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và chăn nuôi, bước đầu đã mang lại hiệu quả cao.
 
Đặc biệt, xã Cảnh Hóa tập trung hỗ trợ người dân đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài. Đây được xem là một hướng đi có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân. Năm 2022, xã Cảnh Hóa có 31 lao động đi lao động ở nước ngoài; 5 tháng đầu năm 2023 cũng đã có 10 người xuất cảnh.
 
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,21%, hộ cận nghèo 3,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 40,3 triệu đồng, phấn đấu cuối năm 2023 tăng lên 42 triệu đồng/người/năm.
Nhiều tuyến đường giao thông ở xã Cảnh Hóa được mở rộng, cứng hóa.
Nhiều tuyến đường giao thông ở xã Cảnh Hóa được mở rộng, cứng hóa.
Tập trung nguồn lực để "cán đích" đúng hẹn
 
Từ năm 2022, để chương trình xây dựng NTM đạt chất lượng, bền vững, huyện Quảng Trạch có chủ trương không đầu tư dàn trải mà thống nhất tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ từ 1-2 xã cán đích NTM. Theo đó, năm 2023, huyện đang dồn lực cho Cảnh Hóa để cán đích NTM vào cuối năm.
 
Thực hiện chủ trương này, thời gian qua, huyện Quảng Trạch đã tập trung hỗ trợ nguồn vốn để xã Cảnh Hóa hoàn thành nhiều công trình giao thông, thủy lợi thiết yếu phục vụ dân sinh. Hiện, nhiều công trình dân sinh đang chuẩn bị đầu tư, như: Cứng hóa đường nội đồng thôn Vĩnh Thọ, Thượng Thọ; nhà văn hóa xã Cảnh Hóa, thôn Tân Thị; nhà lớp học 2 tầng của Trường tiểu học xã Cảnh Hóa, duy tu nhà lớp học Trường mầm non xã Cảnh Hóa… với tổng số vốn đầu tư 28 tỷ đồng.
 
Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, người dân ở xã Cảnh Hóa cũng đã nỗ lực, đồng sức đồng lòng, tự nguyện hiến đất, hiến tài sản chung tay xây dựng NTM. Thời gian qua, toàn xã Cảnh Hóa đã có 20 hộ hiến đất, hiến tài sản với tổng giá trị hàng tỷ đồng.
 
Ông Hoàng Văn Thảo (thôn Tân Thị) bày tỏ: “Đường bê tông đến tận nhà, tận ngõ thì thuận tiện cho việc đi lại, sản xuất của bà con. Vì vậy gia đình tôi đã quyết định hiến một ít diện tích đất cùng hàng rào để con đường rộng hơn, đẹp hơn. Nhờ sự vận động của các cấp, tinh thần tự nguyện, sự đồng lòng của nhân dân mà đến nay nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, đường nội đồng ở Cảnh Hóa rộng rãi, thoáng mát, ai nấy đều vui mừng”.
 
Với những kế hoạch, mục tiêu cụ thể, cùng với sự quyết tâm của Đảng bộ và sự đồng thuận của nhân dân, tin tưởng rằng xã Cảnh Hóa sẽ thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM theo đúng lộ trình đã đề ra, góp phần vào sự phát triển KT-XH chung của huyện.
 
"Với sự hỗ trợ của cấp trên, Cảnh Hóa sẽ tiếp tục nỗ lực để cán đích NTM đúng hẹn vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn xác định, xây dựng NTM luôn có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc. Trong quá trình xây dựng NTM, chúng tôi vẫn phải tiếp tục chú trọng đến công tác giảm nghèo, lấy mục tiêu nâng cao thu nhập cho nhân dân làm nòng cốt. Bởi suy cho cùng, xây dựng NTM cũng chính là để nâng cao đời sống cho nhân dân”, Chủ tịch UBND xã Cảnh Hóa Nguyễn Thị Tỉnh cho biết.
Phan Phương

tin liên quan

Doanh nghiệp trong cơn "bĩ cực"

QBĐT) - Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Hoài Nam thì hầu hết doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn, nhất là DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, may mặc… Trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp thì nhu cầu lớn nhất của DN là hỗ trợ vốn vay để duy trì hoạt động. 

"Hạt ngọc" của đất trời…

(QBĐT) - Cánh đồng lạc xanh mát trải dài từ chân cầu treo Vĩnh Xuân đến gần phía cuối làng Vĩnh Xuân, xã Cao Quảng (Tuyên Hóa) đang vào vụ thu hoạch nên rộn rã tiếng cười. Được ví như "hạt ngọc" của đất trời Cao Quảng, cây lạc đang trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho người dân của vùng khó nơi đây.

"Lênh đênh" những con tàu 67

(QBĐT) - Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67) được xem là bước đột phá đối với ngành thủy sản, hướng đến mục tiêu hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đội tàu 67 (cách gọi những tàu cá đóng theo chính sách hỗ trợ của Nghị định 67) cả nước nói chung cũng như trên địa bàn huyện Bố Trạch nói riêng hiện đang gặp nhiều khó khăn.