"Hạt ngọc" của đất trời…
(QBĐT) - Cánh đồng lạc xanh mát trải dài từ chân cầu treo Vĩnh Xuân đến gần phía cuối làng Vĩnh Xuân, xã Cao Quảng (Tuyên Hóa) đang vào vụ thu hoạch nên rộn rã tiếng cười. Được ví như “hạt ngọc” của đất trời Cao Quảng, cây lạc đang trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho người dân của vùng khó nơi đây.
Rộn rã mùa lạc
Buổi sáng trên cánh đồng lạc ở vùng Bàu, thôn Vĩnh Xuân, không khí lao động trở nên sôi nổi, khẩn trương. Vùng đất này, ngày trước người dân trồng ngô nhưng sau nhiều năm canh tác bà con nhận thấy cây lạc "bén duyên" với đồng đất nơi đây.
Khu ruộng lạc của gia đình chị Nguyễn Thị Huê, thôn Vĩnh Xuân bắt đầu thu hoạch trên diện rộng. Vừa nhổ vài cây lạc lên giới thiệu với chúng tôi, chị Huê vừa chia sẻ: Vụ lạc đông-xuân năm nay gia đình chị canh tác hơn 10 sào, chủ yếu là giống lạc truyền thống (lạc cúc). Trước đây, người dân thôn Vĩnh Xuân gieo trồng lạc nhưng chưa áp dụng khoa học kỹ thuật và chưa được các chương trình hỗ trợ như bây giờ. Bà con trong thôn chỉ trồng và chăm sóc theo thói quen truyền thống, vì thế mà năng suất, sản lượng lạc không cao. Bởi vậy đời sống người dân còn nhiều bấp bênh, khó khăn.
“Vụ trồng lạc năm nay cơ bản được mùa, có khả năng đạt hơn 2 tạ/sào. Đạt được kết quả đó là do vụ mùa này gia đình tôi thực hiện chuyển đổi trồng lạc theo hướng hữu cơ do Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh thực hiện. Được hỗ trợ về kỹ thuật, giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật..., năm nay vụ sản xuất lạc như vui hơn bởi năng suất và sản lượng đạt cao…”, chị Huê cho hay.
Đôi bàn tay thoăn thoắt nhổ từng bụi lạc sai củ-thành quả đạt được của những ngày tháng tần tảo bám đồng, bám đất-chị Trần Thị Đông, thôn Vĩnh Xuân cho hay, xác định cây lạc là cây trồng chủ yếu của vụ đông-xuân nên hàng năm, gia đình tôi đều chủ động về số lượng hạt giống, làm đất, kết hợp với chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật mà cán bộ khuyến nông xã tuyên truyền.
“Gia đình tôi làm 4 sào lạc, ngoài yếu tố thuận lợi từ thời tiết, thổ nhưỡng đến việc áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh cao, người trồng lạc còn nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón từ Trung tâm KN-KN tỉnh nên vụ lạc năng suất đạt từ 1,8-2 tạ/sào. Lạc thu hoạch xong được thương lái đến tận ruộng thu mua, xuất bán đi khắp các tỉnh, thành phố lân cận…”, chị Đông cho biết thêm.
Chủ tịch UBND xã Cao Quảng Nguyễn Thị Phương cho biết, từ nhiều năm nay, lạc trở thành cây trồng chủ lực được nhiều người dân ở địa phương đưa vào sản xuất. Vụ sản xuất này, địa phương gieo trồng hơn 60ha lạc, riêng thôn Vĩnh Xuân chiếm khoảng 50% diện tích toàn xã. Để có một vụ mùa bội thu, địa phương chủ động tổ chức tập huấn cho bà con về kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Vụ lạc này có nhiều tín hiệu khả quan hơn vì trước đây lạc sau thu hoạch chủ yếu dùng để phục vụ đời sống của bà con thì nay đã trở thành sản phẩm hàng hóa bán ra thị trường, tăng thu nhập…
Từng bước xây dựng thương hiệu
Chủ tịch UBND xã Cao Quảng Nguyễn Thị Phương cho hay, trước đây, người dân chủ yếu trồng lạc theo kiểu truyền thống, bởi thế, năng suất và sản lượng lạc không cao. Giống lạc cúc ở Cao Quảng được nhiều người biết đến bởi chất lượng tốt, tỷ lệ tinh dầu cao nhưng ít được thị trường biết đến…
“Những năm trước, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều mô hình trồng lạc nhưng không mấy hiệu quả, bởi nhiều yếu tố khách quan, môi trường. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích, vận động, tuyên truyền bà con nhân dân tập trung xây dựng thương hiệu lạc Cao Quảng, tiến tới xây dựng vùng chuyên canh sản xuất VietGAP và xây dựng sản phẩm lạc OCOP của địa phương…”, Chủ tịch UBND xã Cao Quảng cho hay.
Để khai thác lợi thế vùng miền, lưu giữ, khôi phục và duy trì các giống cây bản địa, tạo ra sản phẩm đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh nhằm nâng cao giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế cho người dân, mới đây, Trung tâm KN-KN tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình trồng lạc cúc theo hướng hữu cơ gắn với xây dựng nhãn mác và tiêu thụ sản phẩm tại xã Cao Quảng.
Phó Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh Lê Thuận Trung cho biết, đơn vị đã xây dựng mô hình với diện tích 7ha, có 35 hộ tham gia. Việc xây dựng mô hình nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế; tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm địa phương, phát huy lợi thế vùng miền và bảo vệ môi trường; chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến, thu hoạch, bảo quản và chế biến giống lạc bản địa để xây dựng thương hiệu; liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân…
“Cần có kế hoạch quy hoạch vùng sản xuất lạc cúc theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng tới đạt chất lượng hữu cơ theo chuỗi liên kết sản xuất để tạo đầu ra ổn định cho nông dân; đồng thời, phối hợp để liên kết phát triển sản xuất, chế biến các sản phẩm từ lạc cúc, như: Dầu lạc, mè lạc… nhằm đa dạng hóa sản phẩm trong thời gian tới…”, Phó Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh Lê Thuận Trung cho biết.
|
“Năng suất bình quân của mô hình trồng lạc cúc theo hướng hữu cơ đạt từ 32-35tạ/ha. Sản xuất 1ha giống lạc cúc, dự kiến với giá bán lạc khô 30.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí sản xuất trực tiếp cho lãi gần 54 triệu đồng (tương đương gần 2,7 triệu đồng/sào), cao hơn so với sản xuất thông thường. Bên cạnh đó, sản xuất lạc cúc theo hướng hữu cơ mang lại sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe của người sản xuất cũng như người tiêu dùng…”, Phó Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh cho biết.
Để "hạt ngọc" Cao Quảng vươn ra thị trường, Trung tâm KN-KN tỉnh đã phối hợp với chính quyền xã, HTX Dịch vụ nông nghiệp và sản xuất kinh doanh tổng hợp Tân Vĩnh Phát thiết kế nhãn mác bao bì, hộp đựng sản phẩm, xây dựng thương hiệu; đồng thời, cùng với các đơn vị liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân; quảng bá qua mạng xã hội, giới thiệu sản phẩm tại các điểm trưng bày hỗ trợ nông sản, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh…
Ngọc Hải