Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Mai này ai nhớ... nghề rèn đúc Nhân Hòa!

  • 07:06 | Thứ Năm, 25/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trời tờ mờ sáng, ông vội giục bà dậy. Hai người già lục cục nhóm lò, canh lửa. Thoáng cái, lửa lò rèn đã nổ tanh tách, hoa lửa tung lên lộ rõ mặt người đầy nếp nhăn chồng dấu thời gian. Như thành lệ... một góc thôn bỗng rộn ràng tiếng búa, tiếng máy dồn dập, lanh canh tạo nên thứ “nhạc hiệu” đặc trưng của làng rèn đúc nằm bên bờ Nam sông Gianh.
 
“Nỏ ham ao cá, gỗ bè. Chỉ ham cái búa, cái đe thợ rèn”
 
Ấy là ấn tượng đầu tiên của buổi sáng tháng 5 tôi bắt gặp tại thôn Nhân Hòa, cái nôi làng rèn đúc Hòa Ninh xưa thuộc xã Quảng Hòa (TX. Ba Đồn). Hai người già một đời trung trinh với nghề rèn gia truyền tôi vừa đề cập ở trên là ông Đoàn Văn Minh (SN 1961) và bà Mai Thị Quynh (SN 1965).
 
Khách đến thăm, ông bà vẫn nhịp nhàng tay đe, tay búa. Lửa lò rèn rưng rức đỏ. Tiếng ông to, tròn, át hẳn cái thứ “nhạc hiệu” chan chát, bùm bụp kia: “Mười sáu tuổi, tui đã theo cái nghề rèn ni rồi. Học nghề từ ông nội, từ bố mà thành. Cũng chẳng biết gia đình truyền cho nhau bao nhiêu đời. Nhưng chắc chắn đến đời tui là chấm dứt. Con cái trưởng thành, thoát ly khỏi làng, không có đứa mô theo nghiệp”.
 
Lò rèn của ông Đoàn Văn Minh chủ yếu làm ra các công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp: Con dao, cái liềm, cuốc, cào... hoàn toàn bằng thủ công. Chính xác là bằng tay đe, tay búa và sức lực ông Minh, bà Quynh. Thu nhập từ nghề rèn rất bấp bênh, bà Mai Thị Quynh tính đi tính lại rồi cho tôi biết: “Chỉ chừng 50-100 nghìn đồng/ngày thôi. Không nhiều mô”-bà Quynh cười hiền hiền-“Thời đại lên vũ trụ, mặt trăng, sao Hỏa; dao Thái, dao Tàu tràn ngập thị trường, mấy ai còn để mắt tới sản phẩm rèn đúc thôn Nhân Hòa chúng tôi”. 
Vợ chồng lão thợ rèn Đoàn Văn Minh, Mai Thị Quynh.
Vợ chồng lão thợ rèn Đoàn Văn Minh, Mai Thị Quynh.
Ông Đoàn Văn Minh tâm sự: “Bỏ thì thương, tiếc cho sự mai một của nghề truyền thống. Giữ lại thì không còn sức. Vài năm nữa thôi, tuổi cao, tay không quay búa nổi. Biết vậy, mà thèm! Thèm mùi than, thèm cái nóng hầm hập lò rèn, thèm tiếng búa, tiếng đe... rứa là động viên bà ấy cứ sáng sáng thức dậy đốt lò”.
 
Cách lò rèn ông Đoàn Văn Minh chừng 200m là cơ sở của ông Nguyễn Minh Sơn (SN 1960). Lò rèn ông Sơn cũng chỉ “một ông, một bà”. Ông Nguyễn Minh Sơn bảo bản thân sống với nghề rèn đúc gia truyền đến thời điểm này đã 45 năm. “Muốn giữ nghề truyền thống của cha ông lắm chứ! Nên gia đình đầu tư mua sắm búa máy, máy mài dự tính mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, lao động không có, con cái chẳng ai theo nghiệp cha mẹ, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ... vợ chồng chỉ biết hỗ trợ nhau sống trọn với nghề”, ông Nguyễn Minh Sơn chia sẻ.
 
Người thợ “trẻ nhất” làng rèn đúc
 
Thợ rèn kỳ cựu Đoàn Văn Minh trước khi tôi rời đi, nhấn nhá câu ca truyền đời làng rèn Hòa Ninh một thời vang danh: “Nỏ ham ao cá, gỗ bè. Chỉ ham cái búa, cái đe thợ rèn” rồi bộc bạch thêm “Giờ thì lớp trẻ chẳng mấy ai ham cái búa, cái đe. May còn sót lại nhà anh Dương, thợ rèn trẻ nhất làng”.
 
Theo lời ông Minh, tôi đến gia đình anh Nguyễn Văn Dương, chị Đoàn Thị Vân, chủ cơ sở rèn và cửa hàng Vân Dương chuyên bán sĩ, lẻ: Dao, kéo, cuốc, xẻng, đinh đóng thuyền, búa, nồi đúc... ở ngay trung tâm xã Quảng Hòa. Hóa ra, lời giới thiệu của ông Minh có pha chút hài hước, chứ anh Nguyễn Văn Dương năm nay đã 49 tuổi, chị Vân vợ anh tuổi 48. “Nhưng vẫn là thợ rèn trẻ nhất, vì sau sáp tôi, không còn ai kế thừa nghề rèn đúc”, anh Nguyễn Văn Dương khẳng định.
 
Lớn lên trong gia đình có ông nội và bố làm thợ rèn, anh Dương tiếp nối nghề đến nay hơn 25 năm, riêng cửa hàng Vân Dương thì mới có khoảng 6 năm. Để sống được với nghề khi thị trường dần thu hẹp lại, gia đình anh Nguyễn Văn Dương đầu tư mua sắm thêm máy móc, thiết bị hiện đại như búa máy, máy mài... Sản phẩm từ cơ sở anh thời điểm hoàng kim nhất phục vụ cho nhu cầu người dân các xã vùng Nam, nhập về chợ Ba Đồn, vào Đồng Hới, lên chợ Đồng Lê và phân phối ra một số tỉnh thành khác trong nước.
Các sản phẩm truyền thống của làng rèn đúc Nhân Hòa tại cửa hàng Vân Dương.
Các sản phẩm truyền thống của làng rèn đúc Nhân Hòa tại cửa hàng Vân Dương.
“Bây giờ thì khác trước, nhu cầu thị trường hẹp dần. Đơn cử, mỗi cây rựa, con dao làm ra chất lượng cực tốt phải bán từ 120-150 nghìn đồng mới có lãi. Nhưng ngoài thị trường, hàng Thái Lan, Trung Quốc với mức giá ấy, người dân có thể mua được hai sản phẩm tương tự. Thêm nữa, nông nghiệp dần cơ giới hóa, hiện đại hóa, bây giờ gặt hái, thu hoạch đều dùng máy móc, ai còn làm thủ công... nhu cầu nông cụ vì thế mà giảm dần. Hiện tại, cơ sở rèn cộng với cửa hàng gia đình cho thu nhập bình quân mỗi ngày khoảng 300 nghìn đồng là may mắn lắm rồi!”, chị Đoàn Thị Vân tâm sự.
 
Nghề rèn đúc lắm gian truân, cực khổ, quần quật từ sáng sớm đến chiều tối làm bạn với lò lửa, tiếng búa, tiếng đe, khói bụi... nhưng anh thợ rèn “trẻ nhất” làng rèn đúc Nhân Hòa Nguyễn Văn Dương vẫn quyết tâm giữ lấy nghề. “Vì nghề rèn đúc là cái đức, cái tâm của thợ rèn chất chứa vào từng sản phẩm. Để người dân bất kỳ nơi đâu, mỗi khi sử dụng sản phẩm vẫn nhớ đến làng rèn đúc Nhân Hòa”, anh Nguyễn Văn Dương chân tình.
 
Mai này ai còn nhớ!
 
Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa Đặng Văn Luận cho biết: “Toàn thôn Nhân Hòa trước đây có 100 hộ dân theo nghề rèn đúc truyền thống. Năm 2008, thôn được UBND tỉnh công nhận là làng nghề rèn đúc, sản xuất mộc mỹ nghệ. Đây chính là cơ hội giúp xã Quảng Hòa phục hồi, phát triển các ngành nghề truyền thống. Tuy nhiên dù cố gắng nhiều nhưng quy mô làng nghề, trong đó có nghề rèn đúc dần dần bị thu hẹp do ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Thứ nhất, sản phẩm rèn đúc làm ra dù chất lượng bảo đảm vẫn khó cạnh tranh trên thị trường; thứ hai, lớp trẻ trong làng không còn mặn mà với nghề truyền thống cha ông để lại; thứ ba, các cơ sở rèn đúc thiếu sự hỗ trợ về vốn, máy móc, trang thiết bị mở rộng quy mô sản xuất. Bây giờ thôn Nhân Hòa chỉ còn lại khoảng 10 hộ gia đình theo nghề, trong đó 7 hộ làm nghề rèn, 3 hộ làm nghề đúc”.
 
Thực tế qua tìm hiểu tại các cơ sở rèn đúc Nhân Hòa cho thấy, lớp “lão làng” như các ông Đoàn Văn Minh, Nguyễn Minh Sơn “đếm trên đầu ngón tay”, cố gắng duy trì nghề vì không còn ai kế thừa. Thợ rèn “trẻ nhất” Nguyễn Văn Dương lại càng hiếm, muốn mở rộng quy mô sản xuất lại gặp khó vì thị trường đầu ra, sản phẩm truyền thống không cạnh tranh nổi với xu thế hiện đại. Nghề rèn đúc Nhân Hòa đang mai một dần...
 
Ngô Thanh Long

tin liên quan

Bài 2: Để các di tích phát huy giá trị

(QBĐT) - Những năm qua, huyện Quảng Ninh đã có nhiều chính sách, tập trung nguồn lực để làm tốt việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Hội làng truyền thống dịp Giỗ Tổ Hùng Vương

(QBĐT) - Trong 2 ngày 28-29/4 (tức mồng 9 và 10/3 âm lịch), làng Thổ Ngọa và Thuận Bài, phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn tổ chức lễ hội làng truyền thống nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương của dân tộc.

Bài 1: Khó khăn trong quản lý, bảo tồn di tích

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn được huyện Quảng Ninh quan tâm thực hiện.