Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Tuần phủ Lê Duy Di

  • 06:59 | Thứ Bảy, 18/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dù chặng đường làm quan ngắn ngủi chỉ 13 năm, bằng tài năng, khí chất cương trực và tấm lòng thương dân, Tuần phủ Lê Duy Di ở làng Lệ Sơn, nay là xã Văn Hóa (Tuyên Hóa) đã lập được nhiều công trạng, xứng đáng là bậc danh nhân kỳ tài trong vương triều Nguyễn.
 
Lê Duy Di (1817-1853), còn có tên khác là Lê Di hay Lê Dần, tự Trọng Cung. Ông sinh ra và lớn lên trong dòng tộc có truyền thống hiếu học. Khoa Đinh Dậu năm Minh Mạng năm thứ 18 (1837), ông đỗ cử nhân tại trường thi Thừa Thiên khi vừa tròn 20 tuổi. Năm 1840, ông được vua Minh Mạng bổ dụng làm Văn Lâm lang, tri huyện huyện Thanh Trì.
 
Từ đây đánh dấu bước đường quan lộ của ông. Là vị quan thanh liêm, chính trực, hết lòng thương dân nên dân chúng ở bất cứ nơi nào ông quản nhiệm đều hết lời ngợi ca. Tài năng và phẩm hạnh của ông khiến cả 3 vị hoàng đế triều Nguyễn là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức đều ban nhiều sắc phong, chỉ dụ khen thưởng và bổ dụng lên những vị trí quan trọng trong bộ máy của triều đình. Hiện nay, trong dòng tộc còn lưu lại 8 sắc phong của các vị hoàng đế dành những lời hay, ý đẹp ca ngợi tài năng và phẩm hạnh của ông.
 
Sắc phong năm Minh Mạng thứ 21 (1840) viết: “Vâng mệnh trời Hoàng đế ban chiếu sắc rằng: Học mà đỗ đạt hạng ưu ắt được bổ làm quan. Đó là tấm lòng của bậc quân tử đối với quan lại; còn với người thì đó là điển lệ thông thường của quốc gia vậy. Ngươi là Lê Duy Di đỗ cử nhân, tài năng đáng trọng, hạnh kiểm đáng khen, lại biết dụng công dốc sức đảm đương phận sự, có ước nguyện phục vụ quan trường. Do vậy, nay đặc ân ban cho chức Văn lâm lang Tri huyện huyện Thanh Trì. Hãy gắng kính cẩn mà phụng mệnh và làm tròn chức phận. Nay giao phó cho ngươi. Hãy kính theo”.
 
Trên cương vị này, ông toàn tâm, mẫn cán với công việc, quan tâm chăm lo đời sống người dân nên được dân chúng tin yêu, mến phục. Chính tài năng và đức độ của ông đã tạo danh tiếng với triều đình nên chỉ mới 2 năm làm quan, ông được vua Thiệu Trị phong chức Cấp sự trung ở Lại khoa. Điều này thể hiện trong sắc phong ngày 13 tháng giêng năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) “Nay thấy nhà ngươi là Lê Duy Di chức cấp sự trung ở Lại khoa là người có học vấn, đầy đủ khí chất có thể đảm đương được việc chính sự, quả như lời khen rằng: Rất thanh tao, lại rất thấu đáo, tận tụy. Việc quan hết sức mẫn cán, có nhiều đóng góp công lao xứng đáng được gia phong chức tước trong triều”.
 
Còn sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép: “Trong năm, Thiệu Trị cất làm giám sát ngự sử, gặp việc là tham hặc không có kiêng nể, thường tâu: đình thần cất nhắc thay đổi quan lại không đúng. Vua khen là thẳng thắn, cứng rắn, sắc bén như sắt”(1).
Sắc phong năm Minh Mạng thứ 21 (1840) phong chức Văn lâm lang Tri huyện huyện Thanh Trì cho Lê Duy Di.
Sắc phong năm Minh Mạng thứ 21 (1840) phong chức Văn lâm lang Tri huyện huyện Thanh Trì cho Lê Duy Di.
Chỉ sau một năm đảm nhận chức Phụng nghị đại phu cấp sự trung ở Lại khoa, ông tiếp tục khẳng định được tài năng, phẩm chất thanh liêm, tận tụy mà lại rất chính trực, khiêm nhường nên được vua Thiệu Trị khen thưởng và sắc phong chuyển lên làm cấp sự trung ở Hộ khoa kiêm Trưởng Đô sát viện.
 
Nhiệm vụ chính của Đô sát viện là phát hiện hành vi sai trái của quan lại trong triều, kể cả hoàng thân, quốc thích trong việc thực thi nhiệm vụ, chấp hành pháp luật nhằm giữ nghiêm kỷ cương, phép nước. Đô sát viện còn có trách nhiệm giám sát việc thi cử, tuyển chọn hiền tài cho triều đình. Việc nhà vua phong cho Lê Duy Di giữ chức cấp sự trung ở Hộ khoa và đứng đầu Viện Đô sát thể hiện sự tin tưởng, tín nhiệm rất lớn của triều đình về năng lực, khả năng và đóng góp của ông đối vào công việc triều chính.
 
Sắc phong ngày 4 tháng 9 năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) đã minh chứng rõ điều đó. Trên cương vị này, ông làm việc một cách tận tụy, mẫn cán, đầy trách nhiệm nên chỉ 2 năm sau, nhân đại lễ tiết mừng thọ tứ tuần (40 tuổi), vua Thiệu Trị tặng thêm cho ông một sắc phong nữa.
 
Ngay trong năm đầu tiên lên ngôi hoàng đế, ngày 7 tháng giêng năm 1848, vua Tự Đức ban sắc phong thăng cho ông lên chức Trung Thuận đại phu Hộ bộ Bắc kỳ Thanh lại ty Lang trung, nắm giữ bộ phận quản lý quan lại toàn bộ các địa phương ở Bắc Kỳ: “Nay thấy nhà ngươi là Lê Di chức Hộ bộ Bắc kỳ Thanh lại ty Lang trung là người có học vấn, đầy đủ khí chất có thể đảm đương được chính sự, quả như lời khen rằng: Rất thanh tao, lại thấu đáo tận tụy. Việc quan hết sức mẫn cán, có nhiều công lao xứng đáng được gia phong chức tước trong triều. Nay đặc ân ban cho chức Trung Thuận đại phu Hộ bộ Bắc kỳ Thanh lại ty lang trung. Ban chiếu mệnh được vẻ vang mà gắng sức hoàn thành bổn phận để lưu danh mãi mãi”.
 
Thể hiện được tài năng và phẩm hạnh của mình, nên ông được triều đình tín nhiệm trao trọng trách cao hơn. Năm 1849, vua Tự Đức bổ dụng ông làm Án sát sứ tỉnh Biên Hòa. Sau đó không lâu, lại chuyển ông sang đảm nhận chức Án sát sứ Gia Định là một địa phương có vị trí quan trọng ở phía nam. Chỉ một thời gian ngắn, nhờ lập nhiều công trạng, ngày 3 tháng 8 Tự Đức năm thứ 3 (1850), ông được ban sắc phong, thăng lên chức Thừa chánh sứ thuộc Thừa chánh sứ ty Quảng Nghĩa. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép: “...đổi Bố chính sứ Quảng Ngãi, đến khi xin hoãn việc gọi lính đóng thuyền và thuế đầu ngoại ngạch cùng thuế vô danh tạp hóa đều tâu xin bãi. Duy Di tính cương trực, biết việc thì nói, thường dâng sớ xin kính tin bậc đại thần, nêu khen các công thần”(2).
 
Điều này chứng tỏ ông rất thấu tỏ bao gian lao, khó nhọc mà dân chúng đang gánh chịu nên đã mạnh dạn đề nghị triều đình giảm bớt một số loại thuế khóa, đồng thời đề xuất thưởng phạt một cách công minh. Chính nhờ thực hành xuất sắc chính sự mà từ Thừa chánh sứ ty, không đầy 3 năm sau, ông được vua Tự Đức thăng lên Bố chính sứ hàm Chánh tam phẩm.
 
Trên cương vị Bố chính sứ Quảng Ngãi, lập được nhiều công trạng, ngày 6 tháng giêng năm Tự Đức thứ 6 (1853), ông được ban sắc phong thăng chức Gia nghị đại phu Thừa chánh sứ ty Thừa chánh sứ các địa phương ở Quảng Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi ngày nay). “…Nay Trẫm ban chiếu chỉ cho ngươi là Lê Di chức Bố chánh sứ Quảng Nghĩa.
 
Vốn là người nho nhã, phong cách hiên ngang, khí chất kiên cường, đức tính khoan dung; am tường điển chương, có tài văn học chính sự. Cần mẫn hoàn thành chức phận, nhiều lần lập công lớn. Nay theo điển lệ, đặc ân gia ban cho chức Gia nghị đại phu Thừa chánh sứ ty Thừa chánh sứ các địa phương ở Quảng Nghĩa. Ban cho cáo mệnh, gắng gỏi tận tâm, tận lực phụng sự để được ân trạch nối dài mãi mãi…”.
 
Được một thời gian, triều đình lại điều ông sang làm Bố chính sứ Quảng Nam. Khi tài năng đang vào độ chín, chẳng may lâm bạo bệnh, ông qua đời khi mới bước sang tuổi 36. Sự ra đi đột ngột của ông để lại bao tiếc thương cho triều đình và dân chúng. Ngày 23 tháng 2 năm 1853, vua Tự Đức gia ân ban sắc phong: “Ban sắc Bố chánh sứ Quảng Nam là Lê Di, người luôn mẫn cán với chính sự, giữ tấm lòng thanh bạch. Nhưng nay bất hạnh bị bệnh mà qua đời. Trẫm vô cùng thương xót mà gia ân truy phong chức Tuần phủ, tỏ lòng tiếc thương chuẩn thị cho ngươi để gia đình thụ hưởng đặc ân. Hãy kính theo !”.
 
Nhờ tài năng nổi bật, nhân cách cao thượng,phong cách hiên ngang, khí chất kiên cường, tấm lòng thanh bạch, luôn yêu thương, chăm lo đời sống chúng sinh, đóng góp nhiều công trạng nên sau khi mất ông đã được triều đình đưa vào danh sách các trung thần thờ tự. Tên tuổi của ông còn được ghi chép trong cả hai cuốn sách Đại Nam chính biên liệt truyện và Đại Nam nhất thống chí; sánh vai với các vị công thần người Quảng Bình dưới triều Nguyễn, như: Hoàng Kim Xán, Nguyễn Đăng Tuân, Hà Văn Quan…
 
Chỉ 13 năm ngắn ngủi ở chốn quan trường, ông đã khẳng định được năng lực, trí tuệ và phẩm hạnh của mình. Tài năng, nhân cách, đạo đức cao đẹp của Tuần phủ Lê Duy Di mãi mãi lưu danh cho hậu thế. Đó không chỉ là niềm tự hào của làng Lệ Sơn mà còn là niềm tự hào của quê hương Quảng Bình.
Khánh Linh
 
1, 2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện, NXB Thuận Hóa, Huế, 2013, tập 3-4, tr.523.

tin liên quan

Tọa đàm, giao lưu vinh danh Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên

Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo đức độ và tài năng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động cách mạng, dù trên cương vị, lĩnh vực nào, đồng chí luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đem hết sức lực, trí tuệ của mình cống hiến cho Đảng, cho nhân dân và suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
 

Vị tướng tài ba của Trường Sơn huyền thoại

(QBĐT) - Trong muôn vàn cống hiến, hy sinh không kể xiết cho đường Hồ Chí Minh, không thể không nhắc đến tên tuổi, công lao của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Vị tướng tài ba này đã có gần 10 năm là Tư lệnh bộ đội Trường Sơn. Đó là giai đoạn gian khó, ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Học tập tấm gương Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh

(QBĐT) - Quảng Bình, mảnh đất kiên trung và hào hùng đã sản sinh, nuôi dưỡng và tôi luyện nhiều bậc danh nhân, hào kiệt, trí dũng song toàn làm rạng danh non sông gấm vóc, trong đó có đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo đức độ và tài năng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.