Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

PGS.TS. Lý Hoài Thu và hành trình đồng sáng tạo

  • 07:00 | Chủ Nhật, 21/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Biết tôi cùng quê hương và có “chút xíu” quan hệ gia tiên, nội tộc với nhà thơ Xuân Diệu, nhà văn, PGS.TS.Lý Hoài Thu sôi nổi hẳn lên. Bà kể từng gặp tôi tại Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu (1916-2016).
 
PGS.TS. Lý Hoài Thu sinh ra ở xã Vạn Ninh, Quảng Ninh. Đây chính là quê hương của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, một danh tướng dưới thời nhà Nguyễn đã có công khai phá vùng đất phương Nam của Tổ quốc.
 
Cho đến bây giờ, bà vẫn tiếc không được sống ở quê nhiều hơn. “Với vùng đất ấy, với quê hương ấy, nếu được lăn lộn nhiều ở đó, chắc chắn tôi sẽ có thêm những gia tài tinh thần”, bà nói chân tình. Bà ít được sống ở xã Vạn Ninh, vì từ thơ bé đã theo cha đi hoạt động và học tập ở nhiều nơi. Ông cụ thân sinh PGS.TS. Lý Hoài Thu vốn là một cán bộ thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình.
 
Do sớm bộc lộ năng khiếu văn chương và thiên hướng cá nhân, bà trở thành sinh viên Khoa Ngữ văn của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1975, bà tốt nghiệp và từ đó đến nay gắn bó với công tác giảng dạy và nghiên cứu tại ngôi trường danh giá này. Trước khi trở thành nhà lý luận-phê bình văn học chuyên nghiệp, bà là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Bà là giảng viên bộ môn Lý luận văn học. Năm 1995, bà trở thành tiến sĩ tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 2002, được phong hàm Phó Giáo sư.
 
Hành trình giảng dạy và nghiên cứu văn học của PGS.TS. Lý Hoài Thu tròn 47 năm. Đó là gần nửa thế kỷ lao động, học tập và phấn đấu gian khổ để trở thành chuyên gia nghiên cứu và phê bình văn học Việt Nam. 
PGS.TS. Lý Hoài Thu.
PGS.TS. Lý Hoài Thu.
Suy nghĩ về nghề văn-một nghề yêu cầu sự mẫn cảm của lý trí và đồng cảm của tâm hồn, PGS.TS. Lý Hoài Thu đã tâm sự: “Văn chương là một nghề đòi hỏi người viết phải có nhiều năng lực sáng tạo, hết sức hao tâm tổn trí nhưng không dễ dàng dứt bỏ. Thời nào và ở đâu cũng vậy, muốn thành danh, người cầm bút, trước hết, phải có tài. Nhưng không thể thiếu tâm...” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010). Đó chính là tâm huyết của một người đã trót dấn thân vào nghiệp bút như một duyên nợ thủy chung.
 
PGS.TS. Lý Hoài Thu là người lao động cần mẫn. Các tác phẩm chính của bà phải kể đến: Thơ Xuân Diệu trước cách mạng tháng Tám-1945 (Thơ thơ và Gửi hương cho gió), NXB Giáo dục, 1997; Đồng cảm và sáng tạo (Phê bình-Tiểu luận), NXB Văn học, 2006; Văn nhân Quân đội (Tiểu luận-Phê bình-Đối thoại), NXB Văn học, 2015; Những sinh thể văn chương Việt (Tiểu luận-Phê bình), NXB Văn học, 2018.
 
Bà được độc giả và giới văn chương quan tâm, ghi nhận thành tựu qua việc tham gia các công trình được công bố; tiêu biểu là: Lý luận văn học (giáo trình dành cho bậc đại học và sau đại học, in lần đầu 1993, tái bản lần thứ 5).... Ngoài ra, bà còn tham gia viết chung và chủ biên, đồng chủ biên hàng chục công trình lớn nhỏ các cấp được công bố trong cả nước; nghiên cứu và có các công trình về các tác giả: Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Hữu Thỉnh, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật....
 
Với “Ông hoàng thơ tình”, bà là người có nhiều bài báo, công trình nghiên cứu về Xuân Diệu. Chắc chắn, nếu liệt kê những nhà nghiên cứu văn học về Xuân Diệu, không thể thiếu tên PGS.TS. Lý Hoài Thu.
 
Theo nhà văn, PGS.TS. Hồ Thế Hà, “Đối với bà, chất lượng và chân thành trong đồng cảm và sáng tạo mới là mục đích theo đuổi của công việc không dễ dàng và có phần hệ lụy này”, “Lý Hoài Thu dạy lý luận văn học. Vì vậy, chị muốn vận dụng và phóng chiếu những lý thuyết văn học hiện đại trên thế giới vào việc nghiên cứu cấu trúc văn học hiện đại Việt Nam trên các cấp độ và bình diện của chỉnh thể nghệ thuật một cách có hệ thống và mang tính quan niệm riêng”.
 
Phần lớn thành tựu nghiên cứu văn học Việt Nam của PGS.TS. Lý Hoài Thu đều tập trung vào hướng thi pháp thể loại và thi pháp tác giả, tác phẩm tiêu biểu cũng như các hiện tượng văn học nổi bật thời hiện đại và đương đại. Đáng chú ý ở mảng đối tượng nghiên cứu này là Lý Hoài Thu luôn nhìn nhận, đánh giá từng "thế giới nghệ thuật" từ góc nhìn thi pháp học, có đối chiếu với các yếu tố liên quan khả thi, như: Cuộc đời nhà văn, môi trường, các bước ngoặt chuyển mình của đời sống và văn học cùng với ý thức đổi mới, hội nhập của chủ thể sáng tạo, qua đó, biến mình thành chủ thể đồng sáng tạo luôn vận động, luôn soi rọi từ hiện thực chỉnh thể của tác phẩm để bình giá thuyết phục. (Hồ Thế Hà: Lý Hoài Thu-Nhà nghiên cứu phê bình văn học luôn trên hành trình tìm tòi và sáng tạo).
 
Đi xa hơn những nghiên cứu, phê bình cụ thể, PGS.TS. Lý Hoài Thu còn đặt vấn đề có tính lâu dài và thực tiễn về mối quan hệ giữa sáng tạo và tiếp nhận. Đó là sự đồng cảm thế hệ giữa nhà phê bình và nhà sáng tác. Vấn đề “đồng sáng tạo” không mới, nhưng rõ ràng với trình độ và sự hội nhập, tích hợp nghệ thuật hiện đại trong tác phẩm văn học, nhà phê bình phải tự nâng mình lên một cách quá ngưỡng của tri thức văn học nói chung từ lý luận, phương pháp phê bình đến vốn sống và cảm thụ thì mới mong có được tiếng nói đồng cảm-đồng cảm không chỉ ở nhà văn, nhà thơ cùng thế hệ mình mà phải đồng cảm với nhiều thế hệ tác giả đã qua và tác giả sắp đến.
 
Có ai đó đã nói, hành trình sáng tạo văn học đã khổ ải, hành trình của nhà lý luận phê bình văn học còn khổ ải hơn. Thật vậy, đó là những người có số phận “phu chữ” cực nhọc.
 
“Đọc nghiên cứu phê bình của PGS. TS. Lý Hoài Thu khá thú vị bởi ngòi bút linh hoạt và tinh nhạy. Tác giả coi văn chương Việt như những sinh thể sống, vì vậy cái người đọc cảm nhận được là sự gần gũi, đồng cảm trong từng bài viết, chứ không phải kiểu áp đặt, khiên cưỡng quan điểm của người đọc theo một lý thuyết nào đó”, (Phạm Chinh: Lý Hoài Thu & Những sinh thể văn chương).
 
Tôi cho rằng, để có được điều đó, ngoài tài năng, phương pháp nghiên cứu khoa học, PGS.TS. Lý Hoài Thu có một trái tim nhạy bén, mẫn cảm trong hành trình sáng tạo.
 
Ngô Đức Hành

 

tin liên quan

Bài 2: Để các di tích phát huy giá trị

(QBĐT) - Những năm qua, huyện Quảng Ninh đã có nhiều chính sách, tập trung nguồn lực để làm tốt việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Hội làng truyền thống dịp Giỗ Tổ Hùng Vương

(QBĐT) - Trong 2 ngày 28-29/4 (tức mồng 9 và 10/3 âm lịch), làng Thổ Ngọa và Thuận Bài, phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn tổ chức lễ hội làng truyền thống nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương của dân tộc.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(QBĐT) - Nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Minh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.