Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chuông chùa An Lang

  • 07:20 | Thứ Ba, 28/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dù ngôi chùa làng đã hoang tàn, đổ nát nhưng người dân thôn Lâm Lang, xã Châu Hóa (Tuyên Hóa) vẫn còn lưu giữ được cổ vật quý giá, đó chính là “An Lang tự chung”.
 
Đại hồng chung chùa An Lang còn khá nguyên vẹn. Chuông cao 100cm, vành rộng 48cm, thân chuông chỗ rộng nhất 34cm. Thân chuông hình trụ đứng, trên nhỏ, dưới to, vai vuông, vành loe. Phía trên thân chuông, 4 chữ “An Lang tự chung”, nghĩa là chuông chùa An Lang, được khắc nổi, bố trí đối xứng nhau.
Đại hồng chung “An Lang tự chung”.
Đại hồng chung “An Lang tự chung”.
 
Mỗi chữ lồng trong cuốn thư, phía dưới là vân mây. Trên thân chuông khắc chìm dòng chữ “Thành Thái tứ niên thất nguyệt thập ngũ nhật tạo chú”, nghĩa là chuông được chú đúc vào ngày 15 tháng 7 năm Thành Thái thứ tư (năm 1892), phía dưới là dòng chữ “Ấm sinh Cao Duy Dương phụng ban”, nghĩa là Ấm sinh Cao Duy Dương cúng tế. Cao Duy Dương là người quê ở thôn Lâm Lang, cha làm quan có nhiều công lao cho triều Nguyễn, trong thời gian là học trò ông đã phúng tiến đại hồng chung cho chùa.
 
Trang trí trên chuông chùa An Lang hết sức độc đáo, sắc sảo, thực sự là khí nhạc giàu tính thẩm mỹ, thể hiện trình độ, kỹ nghệ đúc đồng rất cao. Đỉnh chuông là 2 con rồng châu đuôi lại với nhau xoắn vào vân mây hình khánh, mỗi con có 2 chân, thân rồng có nhiều vảy, móng sắc nhọn. Chuông được chia thành 4 mặt bằng các đường chỉ nổi. Ở mỗi góc là hoa văn vân mây theo kiểu hồi văn chữ S.
 
Chuông có 4 núm chuông bố trí đối xứng nhau, được liên kết bằng đường đai đúc nổi chạy ngang thân chuông. Trên và dưới đai nổi trang trí bằng hoa văn hoa chanh. Loài cây gắn liền với phong cảnh thôn quê, tượng trưng cho sự đơn giản, mộc mạc, dân dã mà lại rất thanh cao. Phía dưới thân chuông là các hình ảnh hoa lá, vân mây. Phần sát thân chuông khắc chữ hồi văn, còn vành chuông hình lá bồ đề.
 
Theo quan niệm của Phật giáo, ý nghĩa của tiếng chuông nhằm đánh thức tính thiện, từ bi hỉ xả, vô ngã vị tha trong mỗi con người. Mà đôi khi chúng ta lãng quên đi thì tiếng chuông chùa ngân lên như thức tỉnh những điều tốt đẹp đó để quy hướng, nhắc nhở mỗi người nên làm các điều thiện lành cho bản thân, gia đình và xã hội ngày một tốt đẹp lên.
 
Theo ông Cao Ngọc Đản (66 tuổi, ở thôn Lâm Lang), trước đây chùa xây ở phía đầu làng, sát với tuyến đường sắt Bắc-Nam. Chùa được làm bằng gỗ, thiết kế 3 gian, 2 chái, tường xây gạch, mái ngói âm dương. Trong chùa có khá nhiều tượng Phật, trong đó tượng Phật 6 tay 6 mắt nằm ở trung tâm là lớn nhất. Chùa quay về hướng Đông-Nam. Chuông chùa được treo trên cổng tam quan. Mỗi lần thỉnh chuông sẽ bố trí một người đứng ở phía dưới dùng dây giật dùi chuông đánh vào thân chuông.
 
Trải qua biến thiên dâu bể, hiện ngôi chùa đã đổ nát, chỉ còn dấu tích móng đá cổng tam quan. Cùng với đại hồng chung chùa Phúc Tự (xã Văn Hóa), chùa Yên Quốc (xã Mai Hóa)…, đại hồng chung chùa An Lang là những cổ vật có giá trị, minh chứng sống động về lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo dọc lưu vực dòng Gianh.
                                                                   Khánh Linh

tin liên quan

Tọa đàm, giao lưu vinh danh Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên

Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo đức độ và tài năng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động cách mạng, dù trên cương vị, lĩnh vực nào, đồng chí luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đem hết sức lực, trí tuệ của mình cống hiến cho Đảng, cho nhân dân và suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
 

Học tập tấm gương Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh

(QBĐT) - Quảng Bình, mảnh đất kiên trung và hào hùng đã sản sinh, nuôi dưỡng và tôi luyện nhiều bậc danh nhân, hào kiệt, trí dũng song toàn làm rạng danh non sông gấm vóc, trong đó có đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo đức độ và tài năng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Bảo tàng "đặc biệt"

(QBĐT) - Cho đến hôm nay, người dân Hiền Ninh vẫn lưu giữ trọn vẹn những hiện vật "một thời khói lửa" theo cách riêng có của mình tại một bảo tàng "đặc biệt"-"Bảo tàng cách mạng trong lòng dân".