Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nghề câu cá hố ở làng biển Cảnh Dương

  • 15:02 | Chủ Nhật, 09/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cảnh Dương (Quảng Trạch) là một trong những làng biển có đội tàu đánh bắt hải sản hùng hậu nhất tỉnh. Và có một điều đặc biệt là phần lớn ngư dân ở làng biển này đều gắn liền với nghề câu cá hố ở vùng khơi. Đây là một nghề truyền thống chứa đựng nhiều điều thú vị…
 
Nghề "cha truyền con nối"
 
Nằm bên dòng sông Loan thơ mộng, làng Cảnh Dương tựa như một chiếc thuyền neo bình yên bên bờ biển biếc. Ngôi làng cũng là một trong “Bát danh hương” của vùng đất Quảng Bình.
 
Theo sử sách, làng biển Cảnh Dương được thành lập năm Quý Mùi (1643), tính đến nay vừa tròn 380 năm. Cư dân của làng có nguồn gốc từ Nghệ An, Thanh Hóa, di cư vào đây và bao đời nay gắn liền với nghề đi biển.
 Làng biển Cảnh Dương. Ảnh: Phạm Văn Thức.
Làng biển Cảnh Dương. Ảnh: Phạm Văn Thức.
Mặc dù lấy nghề biển làm nghiệp mưu sinh, nhưng có điều đặc biệt so với các làng biển khác trong vùng đó là ngư dân Cảnh Dương phần lớn đều làm chung một nghề-nghề câu cá hố. Chẳng biết nghề câu cá hố có từ bao giờ, chỉ biết rằng, đó là nghề “cha truyền con nối”, được ngư dân duy trì đến ngày nay.
 
Theo ngư dân Cảnh Dương, cá hố là loài cá đặc biệt, được mệnh danh là cá biển mình rồng bởi vẻ ngoài lấp lánh ánh bạc cùng vây chạy dọc sống lưng. Cá hố trưởng thành có chiều dài trên dưới 1m, nặng từ 0,8-2kg, nhiều con có thể đạt trọng lượng 3kg. Với giá trị dinh dưỡng cao, cá hố được xếp vào loại thực phẩm bổ dưỡng được nhiều người ưa chuộng. Đây là loài cá sống ở tầng đáy, cách mặt nước biển khoảng 150-200m. Chính vì vậy, để đánh bắt cá hố, ngư dân chủ yếu dùng nghề câu khơi, cách bờ biển hàng trăm hải lý.
 
Những ngư dân lớn tuổi ở Cảnh Dương kể rằng, thuở xưa cha ông đi câu trên những con tàu nhỏ và qua kinh nghiệm để nhìn con nước, đoán hướng gió mà tìm luồng cá hố giữa biển cả mênh mông. Dần dần, đến đời con cháu đóng tàu lớn hơn, trang bị các thiết bị hiện đại, như: La bàn, định vị, máy dò... giúp cho việc câu cá hố được thuận tiện hơn.
 
Vậy nhưng, ở thời nào cũng vậy, nghề câu cá hố ở làng biển Cảnh Dương chỉ dùng câu tay (tức cầm trên tay để câu), chứ không bủa cả vàn lưới dài dưới nước như câu các loại hải sản khác. Cá hố sống ở tầng đáy nên để câu cá hố, ngư dân dùng những cần câu bằng tre dài tầm 18m, nối với sợi dây cước dài từ 150-200m gắn với thẻo câu (mỗi thẻo có 2 lưỡi câu) có cục chì nặng hơn 1kg.
 
Mồi để câu cá hố chủ yếu là cá nục, tuy nhiên những thời điểm không đánh bắt được cá nục, ngư dân dùng chính con cá hố cắt nhỏ thành từng miếng dài 15cm, rộng 2cm để làm mồi câu. Trung bình mỗi tàu cá sử dụng cùng một lúc được khoảng 10 cần câu, dàn đều 2 bên mạn tàu và mỗi ngư phủ có thể phụ trách 2 cần câu. Sau khi thả câu, ngư phủ nhìn đầu cần để biết được cá đã cắn câu hay chưa. Khi cá đã cắn câu thì phải dùng tay thu cước để kéo cá lên. Trung bình một lần thu câu bắt cá như vậy, một ngư phủ lành nghề phải mất khoảng 5 phút. 
Thương lái thu mua cá hố câu của ngư dân Cảnh Dương.
Thương lái thu mua cá hố câu của ngư dân Cảnh Dương.
Ông Phạm Văn Trị (65 tuổi), một trong những ngư dân lão luyện ở làng biển Cảnh Dương cho biết, những chuyến ra khơi câu cá hố thường kéo dài khoảng nửa tháng. Khác với các nghề biển khác, mặc dù đi cùng trên một chiếc tàu, nhưng trong phần nghề thì phần ai nấy câu và ăn chia riêng, do đó ngư dân nào có tay nghề cao sẽ có thu nhập cao. Trung bình mỗi chuyến biển, những ngư phủ giỏi nghề câu được từ 4-5 tạ, nhiều người gặp may mắn có thể câu được 1 tấn cá hố. Tuy nhiên, cũng có nhiều người mới vào nghề và không gặp may thì sản lượng cá hố câu được không đủ bù công lao động.
 
Theo lão ngư Phạm Văn Trí, câu cá hố là một nghề vất vả, bởi cá hố là loài ăn đêm nên ngư phủ phải thức trắng đêm để câu. Cùng với đó, ngư phủ phải dùng tay thu cước nên với sức nặng của chì, cá và lực cản của nước có khi lên đến hàng chục kg. Chính vì vậy khi thu câu, ngư phủ mặc dù đã đeo bao tay nhưng cũng không ít lần bị cước cứa đứt tay và bị thương. Nhưng cực nhất vẫn là những lúc trời trở gió, mưa tầm tã. Ở những thời điểm đó, con cá hố thường ăn mồi nhiều nhưng đó cũng là lúc ngư dân phải đối mặt với nhiều hiểm nguy nhất…  
 
Nghề câu cá hố ngày càng khó khăn
 
“Nghề câu cá hố mặc dù vất vả, cực nhọc và thu nhập ngày càng thấp nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm giữ nghề. Đây không chỉ là nghề truyền thống do cha ông để lại mà còn là một nghề thân thiện với môi trường (do chỉ đánh bắt cá lớn), không tận diệt nguồn lợi thủy sản của biển”, ngư dân Nguyễn Ngọc Dũng khẳng định.
Những ngày này, tại bến sông Roòn, hàng chục tàu cá của ngư dân Cảnh Dương nối đuôi nhau cập bờ nghỉ tuần trăng sau chuyến câu cá hố kéo dài gần nửa tháng. Vừa cho tàu cập bến, ngư dân Nguyễn Ngọc Dũng (thôn Tân Cảnh, xã Cảnh Dương) đã lập tức gọi người nhà hỗ trợ, liên hệ với thương lái đến thu mua cá.
 
Ông Dũng cho biết, chuyến biển này, tàu của ông có 6 “bạn”, câu được 1 tấn cá hố. Với sản lượng này nếu ở thời điểm trước năm 2019, khi chưa xảy ra dịch Covid-19, cá hố được thương lái thu mua với giá 150 nghìn đồng/kg để xuất khẩu qua Trung Quốc sẽ cho doanh thu đạt khoảng 200 triệu đồng. Vậy nhưng ở thời điểm hiện tại, thương lái chỉ thu mua cá hố với giá từ 80-90 nghìn đồng/kg, nên doanh thu đã giảm còn khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí chẳng còn lời lãi bao nhiêu. 
Phần lớn ngư dân Cảnh Dương đều hành nghề câu cá hố khơi.
Phần lớn ngư dân Cảnh Dương đều hành nghề câu cá hố khơi.
Ông Dũng chia sẻ, cách đây vài chục năm, khi biển cả còn dồi dào nguồn lợi hải sản, mỗi lần thu câu thường kéo theo 3-4 con cá hố mắc câu cùng một lúc, nên thời gian đánh bắt ngắn hơn, sản lượng thu được nhiều hơn và ngư dân thu nhập cũng cao hơn. Tuy nhiên những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, nguồn lợi thủy sản đang cạn dần, ngư dân hành nghề câu cá hố không còn những chuyến biển bội thu như trước.
 
Điều ông Dũng cũng như nhiều ngư dân làm nghề câu cá hố ở làng biển Cảnh Dương mong mỏi là về lâu dài, việc đánh bắt, khai thác thủy hải sản phải thực hiện theo kế hoạch; không săn bắt theo kiểu tận diệt cá con; môi trường biển phải được bảo vệ, để nguồn lợi thủy sản tiếp tục tái tạo. Có như vậy thì những chuyến tàu của ngư dân sẽ vững tin ra khơi, tiếp tục giữ nghề truyền thống, mang lại no ấm cho gia đình, làm giàu cho quê hương và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Phan Phương

tin liên quan

Về Ba Đồn xem hội vật đầu xuân

(QBĐT) - Diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm, hội vật TX. Ba Đồn độc đáo với những giá trị truyền thống và nhân văn đặc sắc, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân địa phương. 

Xuân về nơi biên cương

(QBĐT) - Khi những nhánh cây rừng đâm chồi, nảy lộc cũng là lúc báo hiệu Tết đến, xuân về. 

Giấc mơ nón lá... xuất ngoại

(QBĐT) - Cải tiến quy trình làm nón lá để tăng năng suất, sản lượng-đây có lẽ là điều không ít người nghĩ đến, nhưng thành công nhất chính là sáng kiến của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Tuấn Anh (SN 1989) và Phan Thị Hiền (SN 1994), thôn Tân Đức, xã Quảng Tân (TX. Ba Đồn). Với bằng độc quyền sáng chế khung nhựa cho nón lá, năng suất làm nón tăng cả trăm lần so với cách làm truyền thống, thành công của đôi vợ chồng trẻ là "quả ngọt" của tri thức, sự kiên trì trong quá trình lao động sáng tạo...