Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Gặp nhau ở vùng biên

  • 15:22 | Thứ Bảy, 17/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày tôi lên biên giới, trời đẹp bất ngờ. Các chiến sĩ biên phòng đi cùng bảo rằng, do ảnh hưởng thời tiết Lào nên thỉnh thoảng bên ta vẫn có ngày nắng. Những bản làng của đồng bào Ma Coong ở xã Thượng Trạch (Bố Trạch) mỗi ngày mỗi khác, sạch đẹp ngăn nắp và đủ đầy hơn. Tôi đã gặp ở đây những con người lặng lẽ mà ăm ắp tình yêu thương và trách nhiệm. Họ đang góp phần thắp sáng vùng biên.
 
Cô giáo Đặng Thị Thúy hiện đang dạy học tại điểm trường bản Coóc, xã Thượng Trạch. Quê Thúy ở TP. Đồng Hới nhưng em đã lên cắm bản dạy học ở vùng biên gần 5 năm. Điểm trường bản Coóc vừa được xây dựng nằm bên con đường ra biên giới, các điều kiện cho dạy và học cơ bản được đáp ứng: 5 phòng học khang trang, phòng nội trú cho giáo viên, công trình phụ, giếng nước, hệ thống điện năng lượng mặt trời.
 
Vấn đề khó khăn nhất hiện nay vẫn là nhận thức của đồng bào đối với việc học chữ. Cả điểm trường hơn 30 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 nhưng không phải bao giờ các em cũng đến lớp đầy đủ, do ngủ quên, do ham chơi hoặc đến trường rồi mà vẫn trốn vào đâu đó. Hầu như ngày nào 5 thầy cô giáo ở đây cũng phải thay phiên nhau đi gọi học trò. Giờ học không phải bao giờ cũng bắt đầu đúng quy định nhưng số tiết học thì luôn luôn bảo đảm.
 
Tôi đến điểm trường bản Coóc vừa khi một thầy giáo đang dẫn đoàn học trò từ suối lên. Nghe bảo các cháu rủ nhau đi trốn để không phải vào lớp. Vốn quen chạy nhảy nay phải giam chân trong phòng học quả là rất khó chịu, tuy nhiên, bị thầy bắt được thì ngoan ngoãn nghe lời, vòng tay cúi đầu chào rất lễ phép rồi cả bọn lúc cúc vào lớp.
 
Thuý nói rằng: "Không kể giờ giấc hay mưa nắng, học trò đến lớp đầy đủ là thành công của chúng em rồi nên dù các cháu trốn ở đâu thì các thầy vẫn cố gắng tìm. Yêu thương thật nhiều và kiên nhẫn thật cao là phẩm chất rất quan trọng ở mỗi giáo viên cắm bản."
 
Thúy kể với tôi những tháng ngày cắm bản của em và các đồng nghiệp, không phải bằng lời thở than vì gian khổ và thiếu thốn mà bằng sự cảm thông và tình yêu thương dành cho lũ học trò nhỏ của mình. Rằng, ở đây đồng bào rất quý các thầy các cô. Đồng bào quan tâm thầy cô giáo cắm bản khi có điều kiện, búp măng, bắp chuối, chút rau quả kiếm được hay ít lon gạo mới vừa giã xong đồng bào đều đem cho. Đội ngũ giáo viên cắm bản cũng thường xuyên được ngành Giáo dục, chính quyền địa phương, các đồn biên phòng đóng trên địa bàn động viên, giúp đỡ. Việc của cô trò là dạy tốt, học tốt.
 
Thúy và các giáo viên ở điểm trường bản Coóc không mong muốn điều gì cho bản thân, chỉ ước là làm sao có điều kiện để dẫn học sinh của mình về TP. Đồng Hới, thăm Quảng trường Hồ Chí Minh, thăm Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho các cháu được đặt bàn chân bé nhỏ của mình đến một nơi mới lạ, từ đó tạo tình cảm để kéo các cháu đến gần hơn với trường, với lớp và các thầy các cô, để các cháu có động lực mà chăm học thêm chút nữa. Một chút thôi cũng được! Thúy nói vậy.  
Thiếu tá Trương Tấn Hợp giúp đồng bào Ma Coong phơi lúa.
Thiếu tá Trương Tấn Hợp giúp đồng bào Ma Coong phơi lúa.

Bản Cu Tồn, xã Thượng Trạch hiện có 57 hộ gia đình với dân số 169 người. Với sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Cồn Roàng, mọi mặt đời sống ở bản Cu Tồn đã được đổi thay đáng kể. Tôi gặp Đinh Chiến, Bí thư Chi bộ bản khi anh vừa tham gia học nghị quyết ở trung tâm xã về.

Trong câu chuyện, Chiến luôn nhắc đến thiếu tá Trương Tấn Hợp, Phó Bí thư Chi bộ bản. Chiến nói rằng, các công trình phục vụ đồng bào rất quan trọng nhưng mình đếm được mấy giếng nước, mấy cái cột đèn, còn thay đổi trong suy nghĩ, trong lối sống của đồng bào thì không đếm nổi. Chỉ thiếu tá Hợp và mấy anh biên phòng mới làm được thôi.

Thiếu tá Trương Tấn Hợp vẫn nhớ những ngày đầu tiên anh về bản. Đồng bào Ma Coong vốn dân trí thấp, tập quán sản xuất tự cấp tự túc, quanh năm quanh quẩn với mảnh nương, vạt rẫy nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhân dân trong bản rất nghèo, con em đến tuổi đi học vẫn không đến trường, nhiều hủ tục lạc hậu còn tồn tại. Tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của bản luôn ở mức rất thấp. Mặc dù hàng năm, đồng bào Ma Coong ở bản Cu Tồn thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, của các cấp, các ngành và Bộ đội Biên phòng, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu vật chất. Nếu không nâng cao nhận thức về mọi mặt cho đồng bào như phải làm kinh tế thế nào để giảm nghèo, phải cho con em học tập ra sao để thay đổi cuộc đời, phải thay đổi tập quán lạc hậu để xây dựng đời sống văn minh… thì tình hình vẫn không thể thay đổi.

Vốn là cán bộ làm công tác vận động quần chúng có kinh nghiệm, nhiều năm bám xã, bám bản, cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc, thiếu tá Hợp dễ dàng gần gũi với đồng bào. Trên cương vị Phó Bí thư Chi bộ bản, anh bắt đầu thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình từ công tác củng cố chi bộ, tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống của đảng viên, góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của chi bộ, tạo niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với tổ chức đảng.
 
Anh cùng đảng viên trong chi bộ đến tận từng hộ gia đình giúp đỡ đồng bào trồng trọt, chăn nuôi; cùng các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tuyên truyền vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, bài trừ tệ nạn, hủ tục lạc hậu, tích cực tham gia bảo vệ biên giới, bảo vệ rừng.
 
Với khẩu hiệu “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nhận thức về vai trò trách nhiệm, tiên phong gương mẫu của mỗi đảng viên tại Chi bộ bản Cu Tồn được đánh thức. Cuộc sống ở bản Cu Tồn dần dần thoát khỏi cảnh trì trệ, luẩn quẩn. Thiếu tá Trương Tấn Hợp đã mang về cho bản làng người Ma Coong nơi vùng biên giới một làn gió mới từ tình yêu người lính.
 
Cuối tháng 10, đồng bào Ma Coong ở xã Thượng Trạch đã tuốt xong lúa rẫy. Tôi cùng thiếu tá Hợp dạo quanh bản. Tất cả phong quang, sạch sẽ. Công trình phục vụ dân sinh: Nhà sinh hoạt cộng đồng, điện mặt trời, giếng nước sạch. Những vuông lúa vàng óng, chắc mẩy phơi dài theo con đường giữa bản. Nhiều vườn rau đang độ lên xanh. Tiếng giã gạo đều đều vang lên từ nhà Y Cước. Những thiếu nữ Ma Coong gương mặt tròn căng. Và lũ trẻ rất xinh lon ton chạy quẩn theo chân thiếu tá Hợp… cho tôi biết cuộc sống của người Ma Coong ở đây chưa thể nói là sung túc nhưng đã có phần đủ. Điều mà những năm trước là một xa lạ.
 
Thiếu tá Trương Tấn Hợp chia sẻ, công tác vận động quần chúng của các anh là một quá trình đồng hành cùng đời sống đồng bào, không kể nắng mưa, không kể ngày đêm và bất kỳ nơi đâu. Ba bám, bốn cùng, mưa dầm thấm lâu, thủ thỉ tâm tình mà dứt khoát cứng rắn, cầm tay chỉ việc nhưng phải tạo thói quen chủ động cho đồng bào, mở lối chỉ đường nhưng để đồng bào tự bước đi trên đôi chân của mình, bằng lý trí của mình. Có như thế thì mọi sự thay đổi nơi vùng biên giới mới ổn định và bền vững.
 
Tại bản Cu Tồn, thiếu tá Trương Tấn Hợp gần như không có thời gian nghỉ ngơi, miệng nói, tay làm, chân đi. Kiểm tra giếng nước biên phòng, nhắc nhở đồng bào dọn vệ sinh sạch sẽ. Gặp những cô gái vừa tốt nghiệp Trường PTDT nội trú huyện, dặn dò: “ Chuẩn bị đi học nghề nữa nhé! Đừng lấy chồng sớm để lời ru thêm buồn nhé!”.
 
Thăm vườn rau nhà Y Thân. Phơi lúa cùng nhà Đinh Lê. Thăm cụ Đinh Lụn đau ốm mấy hôm nay thế nào… Xong đâu đấy lại vội vàng trở về tổ công tác nấu cơm để mấy đứa nhỏ con nuôi của đồn ăn cho kịp giờ đến trường.
 
Thiếu tá Trương Tấn Hợp, Phó bí thư Chi bộ bản Cu Tồn, xã Thượng Trạch đang thực hiện rất nhiều nhiệm vụ dưới một màu áo-màu áo biên phòng. Tại Đồn Biên phòng Cồn Roàng có 6 phó bí thư chi bộ mang quân hàm xanh như thế, họ làm tất cả mọi việc vì sự đổi thay của những bản làng, vì sự bình yên của biên cương Tổ quốc.
 
Trương Thu Hiền

tin liên quan

Mùa sim chín

(QBĐT) - Trong ký ức của nhiều thế hệ, hình ảnh những đồi sim, hoa nở tím hồng đã gắn bó với biết bao kỷ niệm tuổi thơ. Cứ mỗi dịp hè về, lũ trẻ con lại hẹn hò nhau lên đồi hái sim, thưởng thức những quả sim chín đen mọng, ngọt lành mang hương vị của núi rừng. Những cánh rừng sim tuổi thơ ấy giờ không còn là rừng hoa dại để ngắm chơi, cây sim đang giúp người dân mang lại nguồn thu nhập mới, đầy triển vọng.

Hơn 30 năm say mê với những đôi giày cũ

(QBĐT) - "Có những đôi giày khách đưa quá cũ, tôi sẽ không nhận vì biết rằng dù có sửa được thì thời gian sử dụng cũng chẳng được bao lâu, gây lãng phí. Nhưng đôi khi, người ta muốn sửa cho bằng được vì muốn lưu giữ như món quà kỉ niệm của họ, vì thế tôi cũng cố gắng hết sức mình. Đôi giày khi đó không phải để đi mà để lưu giữ những ký ức", ông Lợi chia sẻ.

Làng lặn Vịnh Sơn

(QBĐT) - Sống cạnh biển nhưng nguồn thu từ nghề chài lưới không đủ để nuôi sống gia đình, phần lớn thanh niên trai tráng ở làng Vịnh Sơn (xã Quảng Đông, Quảng Trạch) đã chọn con đường mưu sinh bằng nghề lặn bắt hải sản dưới đáy đại dương.