Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Khi rừng dẻ vào mùa...

  • 08:00 | Thứ Bảy, 12/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cứ đến tháng 10 và 11 dương lịch hàng năm, người dân ở các xã Quảng Lưu, Quảng Tiến, Quảng Thạch (Quảng Trạch) lại vào rừng nhặt hạt dẻ. Năm nay dẻ được mùa nên từ đầu vụ đến giờ, người dân nơi đây đã thu về hơn 5 tỷ đồng!
 
“Lộc rừng”
 
Những ngày tháng 10 và 11/2022, cánh rừng dẻ rộng hơn 2.000ha ở xã Quảng Lưu (Quảng Trạch) luôn nhộn nhịp người ra vào. Đang vào mùa hạt dẻ chín rộ, nên người dân quanh vùng tranh thủ vào rừng “ăn lộc” dẻ.
 
Sau một ngày luồn rừng nhặt hạt dẻ, chị Nguyễn Thị Liên ở thôn Hải Lưu, xã Quảng Lưu trở về với một bao hạt dẻ nặng trĩu trên vai. Chị Liên cho biết: “Mùa dẻ rụng trúng vào những ngày nông nhàn nên năm nào tôi cũng vào rừng nhặt hạt về bán. Năm nay, dẻ được mùa, hạt dẻ rụng dày, nên trung bình mỗi ngày tôi cũng nhặt được khoảng 20kg hạt dẻ. Với giá bán từ 20-30 nghìn đồng/kg, mỗi ngày tôi có thu nhập từ 400-600 nghìn đồng”. 
Chị Nguyễn Thị Liên ở thôn Hải Lưu, xã Quảng Lưu cho biết, mỗi ngày chị nhặt được khoảng 20kg hạt dẻ.
Chị Nguyễn Thị Liên ở thôn Hải Lưu, xã Quảng Lưu cho biết, mỗi ngày chị nhặt được khoảng 20kg hạt dẻ.
Nhặt hạt dẻ là công việc cần sự kiên trì, cần mẫn, phù hợp với phụ nữ hơn, nhưng không vì thế mà rừng dẻ vắng tiếng đàn ông. Ông Lê Văn Lực ở thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu cho biết, vào mùa hạt dẻ rụng, ông thường gác lại những công việc không quan trọng để cùng vợ vào rừng nhặt hạt dẻ cho kịp thời vụ. Nếu chịu khó, mỗi mùa hạt dẻ, vợ chồng ông cũng kiếm được hơn 30 triệu đồng.
 
“Số tiền này rất lớn đối với nông dân như chúng tôi, không chỉ giúp trang trải sinh hoạt mà còn để dành nuôi con ăn học", ông Lực chia sẻ.
Người dân miệt mài nhặt hạt dẻ dưới tán rừng dẻ Quảng Lưu.
Người dân miệt mài nhặt hạt dẻ dưới tán rừng dẻ Quảng Lưu.
Hiện đang giữa mùa hạt dẻ chín rộ, mỗi ngày có khoảng 500 lượt người ở các xã Quảng Lưu, Quảng Thạch, Quảng Tiến đi nhặt hạt dẻ. Ông Trần Văn Thắng, ở xã Quảng Lưu, một đại lý thu gom hạt dẻ của bà con để xuất đi các tỉnh phía Nam cho biết, trung bình mỗi ngày ông thu mua khoảng 1,5 tấn hạt dẻ của bà con. Ở xã Quảng Lưu có 3 đại lý thu gom như của ông Thắng nên bà con nhặt hạt dẻ từ rừng ra đều đưa đến các nơi này để nhập, thu được “tiền tươi” nên ai cũng phấn khởi.
 
Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu Phạm Văn Huýnh cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu mùa dẻ đến nay, chỉ tính riêng người dân Quảng Lưu đã “nhặt” hơn 200 tấn hạt dẻ, thu về khoảng 5 tỷ đồng.
 
Quyết tâm bảo vệ rừng dẻ
 
Cũng theo ông Phạm Văn Huýnh, rừng dẻ Quảng Lưu rộng hơn 2.000ha đã tồn tại từ xa xưa. Thời đó, người dân đã biết nhặt hạt dẻ về phơi khô, tích trữ vào chum để ăn thay cơm mỗi khi đói kém, mất mùa hay lụt bão.
 
Tuy nhiên, những năm 80-90 của thế kỷ trước, vì thiếu đất sản xuất, người dân trong xã chặt phá rừng dẻ, lấy gỗ để bán, lấy đất để sản xuất. Rừng dẻ Quảng Lưu, thời điểm đó chỉ còn lại những quả đồi trọc lóc. Cũng từ đó, thiên tai, hạn hán bám riết lấy người dân nơi đây. Cuộc sống của người dân vốn khó khăn lại càng khó khăn bội phần.  
 
Với quyết tâm “tái sinh” rừng dẻ, những năm sau đó, chính quyền xã Quảng Lưu ra quyết sách cấm cửa rừng, không cho người dân chặt phá rừng làm nương rẫy. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, chính quyền xã cũng phạt những ai vi phạm.
Ông Trần Văn Thắng, ở xã Quảng Lưu, một đại lý thu gom hạt dẻ cho biết, trung bình mỗi ngày ông thu mua khoảng 1,5 tấn hạt dẻ cho của bà con.
Các đại lý thu gom hạt dẻ cho bà con.
Ông Biền Ngân, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu nhớ lại: “Thời điểm đó, nhiều người phản ứng rất quyết liệt, kéo đến nhà lãnh đạo xã chửi bới, nói xấu vì đã "cướp" mất miếng cơm của họ. Xã phải lập một tổ bảo vệ rừng thường xuyên túc trực, tuyên truyền cho người dân hiểu được những lợi ích lâu dài mà rừng mang lại. Nhờ đó, rừng dẻ cũng dần hồi sinh.”
 
Người dân Quảng Lưu bây giờ đã nhận thức rõ ràng những nguồn lợi từ rừng dẻ mang lại, không chỉ là số tiền tỷ thu được từ hạt dẻ, mà lớn hơn là khu rừng đã chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, nên đã quyết tâm cùng chính quyền địa phương ra sức bảo vệ.
 
Hơn 2.000ha rừng dẻ ở Quảng Lưu vì vậy ngày càng ken dày, xanh tốt, nở hoa trắng muốt từ độ tháng 12 âm lịch và nuôi trái để 9 tháng sau mang đến vụ “lộc rừng” mới cho hàng nghìn người dân quanh vùng…
 
Phan Phương

tin liên quan

Mùa sim chín

(QBĐT) - Trong ký ức của nhiều thế hệ, hình ảnh những đồi sim, hoa nở tím hồng đã gắn bó với biết bao kỷ niệm tuổi thơ. Cứ mỗi dịp hè về, lũ trẻ con lại hẹn hò nhau lên đồi hái sim, thưởng thức những quả sim chín đen mọng, ngọt lành mang hương vị của núi rừng. Những cánh rừng sim tuổi thơ ấy giờ không còn là rừng hoa dại để ngắm chơi, cây sim đang giúp người dân mang lại nguồn thu nhập mới, đầy triển vọng.

Hơn 30 năm say mê với những đôi giày cũ

(QBĐT) - "Có những đôi giày khách đưa quá cũ, tôi sẽ không nhận vì biết rằng dù có sửa được thì thời gian sử dụng cũng chẳng được bao lâu, gây lãng phí. Nhưng đôi khi, người ta muốn sửa cho bằng được vì muốn lưu giữ như món quà kỉ niệm của họ, vì thế tôi cũng cố gắng hết sức mình. Đôi giày khi đó không phải để đi mà để lưu giữ những ký ức", ông Lợi chia sẻ.

Làng lặn Vịnh Sơn

(QBĐT) - Sống cạnh biển nhưng nguồn thu từ nghề chài lưới không đủ để nuôi sống gia đình, phần lớn thanh niên trai tráng ở làng Vịnh Sơn (xã Quảng Đông, Quảng Trạch) đã chọn con đường mưu sinh bằng nghề lặn bắt hải sản dưới đáy đại dương.