Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nén tâm nhang nơi ba ngã xuống

  • 07:55 | Chủ Nhật, 13/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mười năm trước, vào dịp lễ truy niệm các Anh hùng liệt sỹ (AHLS) đường 20-Quyết Thắng nhân 40 năm Ngày hy sinh của các AHLS ở hang Tám Thanh niên xung phong (TNXP), tôi đã gặp chị, người con gái duy nhất của liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ. 40 năm sau ngày cha mình mất, chị mới đặt chân đến nơi đấng sinh thành ngã xuống... Những giọt nước mắt chị thấm ướt trước cửa hang... lặng lẽ, bồi hồi!
 
Người lính ấy... ra đi từ mái tranh nghèo
 
Tham gia xây dựng, sống, chiến đấu và hy sinh trên đường 20-Quyết Thắng là những người lính thuộc nhiều lực lượng: Bộ đội, TNXP, công binh, dân công hỏa tuyến... Các anh chị ngã xuống khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, phần lớn đều chưa có gia đình.
 
Người lính ấy-liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ (SN 1947), một trong tám TNXP hy sinh tại hang Tám TNXP, trước khi vào chiến trường, kịp để lại nơi mái tranh nghèo ở hậu phương xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đứa con gái đầu lòng vừa mới tròn 5 tháng tuổi. Con gái liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ tên Nguyễn Thị Thanh.
 
Liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ là con trai thứ trong gia đình có 5 người con gồm 2 trai, 3 gái. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lớp lớp thanh niên, thanh nữ trong làng đều lên đường ra mặt trận. Chàng trai Nguyễn Mậu Kỷ cũng không nằm ngoài dòng chảy đó, viết tâm thư xin vào Nam chiến đấu. Bố mẹ gật đầu đồng ý cho anh đi với một điều kiện, phải lấy vợ, nhưng anh ngại vì chiến trường bom đạn ác liệt biết sống chết ngày nào, sợ để lại gánh nặng cho người thân nơi quê hương. Chiến trường thôi thúc quá, vậy là anh gật đầu ưng thuận.
 
Bố mẹ vốn đã ngắm cho anh một cô thôn nữ ở cùng làng tên Nguyễn Thị Chờ. Họ nên đôi, nên đũa bằng lễ cưới đơn sơ. Rồi hạnh phúc vỡ òa cho đôi vợ chồng trẻ khi con gái đầu lòng của họ ra đời. Anh đặt tên con là Nguyễn Thị Thanh.
 
Năm 1970, khi con gái Nguyễn Thị Thanh tròn 5 tháng tuổi, anh khoác ba lô, từ biệt gia đình, người vợ trẻ và con gái bé bỏng còn ẵm ngửa lên đường ra mặt trận, phục vụ chiến đấu trên đường 20-Quyết Thắng. Hai năm sau, anh ngã xuống nơi hang Tám TNXP.
 
Ngày tôi gặp chị Nguyễn Thị Thanh lần đầu tiên trên đường 20, chị đã 42 tuổi. Trước cửa hang Tám TNXP, chị bồi hồi: “Ba mất hơn 3 năm, mẹ tái giá. Chị cứ thế lớn lên trong niềm tự hào về ba và sự đùm bọc, yêu thương của người thân hai bên nội ngoại. Thực sự chị không thể nhớ về ba vì lúc đó mới 5 tháng tuổi. Nghe các cô, chú kể lại ba dáng người thấp, gầy và đen. Năm 1990, chị lập gia đình và có hai người con. Nhờ phúc ấm của ba, mà các cháu chăm ngoan, học giỏi”.
Chị Nguyễn Thị Thanh thắp nén tâm nhang tưởng nhớ các liệt sỹ.
Chị Nguyễn Thị Thanh thắp nén tâm nhang tưởng nhớ các liệt sỹ.

Thiêng liêng hang đá ba nằm

40 năm sau ngày liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ mất, nhờ sự kết nối giữa Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa, chị Nguyễn Thị Thanh mới thực hiện được ước nguyện: Thắp một nén tâm nhang nơi cha mình ngã xuống... đúng vào dịp lễ truy niệm các AHLS đường 20-Quyết Thắng nhân 40 năm Ngày hy sinh của các AHLS ở hang Tám TNXP.
 
“Ba có người em tên Nguyễn Mậu Mật, chú Mật từng nhiều lần vào viếng ba. Sau mỗi chuyến đi Quảng Bình về, qua lời kể của chú, chị lại ước được một lần vào. Nhưng gia cảnh nghèo quá, lo cho con cái học hành đã đầu tắt mặt tối, lấy đâu ra tiền chi phí vào Quảng Bình. Vì thế mà lần lữa mãi, thời gian trôi vèo qua 40 năm”.
 
Bẵng thêm 10 năm... những ngày đầu tháng 11/2022, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày hy sinh của các AHLS ở hang Tám TNXP trên đường 20-Quyết Thắng, chúng tôi lại có dịp hội ngộ với gia đình chị Nguyễn Thị Thanh tại quê hương liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ. Không biết duyên nợ thế nào mà khi đoàn công tác từ Quảng Bình ra lại đúng dịp gia đình ông Nguyễn Mậu Mật và chị Nguyễn Thị Thanh tổ chức cúng giỗ cho liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ (tính theo lịch âm-PV).
 
Trước bàn thờ liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ, chị Thanh tâm sự: “Hai cháu ngoại của ông là Lê Thị Tâm, sinh năm 1991 và Lê Quang Tuấn, sinh năm 1997 giờ đã lớn khôn. Tuấn đi lao động ở Đài Loan hơn ba năm nay gửi tiền về cho ba mẹ cất được một ngôi nhà khang trang tại thị trấn Bút Sơn. Gia đình chị bây giờ thực sự đã thoát nghèo, có điều kiện để vào Quảng Bình, đến đường 20-Quyết Thắng viếng ba”.
 
Rời thị trấn Bút Sơn, chị Nguyễn Thị Thanh theo đoàn công tác cùng với một số nhân chứng, đồng đội liệt sỹ Nguyễn Mậu Kỷ từng tham gia chiến đấu trên đường Trường Sơn, trực tiếp chứng kiến sự kiện bi tráng ngày 14/11/1972 trở lại đường 20-Quyết Thắng. Với riêng chị Thanh, cũng đã lâu lắm rồi chưa về thăm hang đá linh thiêng nơi ba nằm...
 
“Trong tâm niệm của chị, từ bao giờ chị đã xem mình như một người con chung của các AHLS đường 20, của các liệt sỹ hy sinh ở hang Tám TNXP này”-thắp hương dâng lên bàn thờ trong lòng hang Tám TNXP, chị Thanh xúc động nói với tôi-“Ba và đồng đội đã hóa thân vào sông núi, vào lòng đất mẹ Việt Nam. Các con cháu và người thân của ba dù ở xa nhưng vẫn luôn luôn nhớ đến hang đá linh thiêng nơi ba ngã xuống”. 
 
Thanh Long

tin liên quan

Mùa sim chín

(QBĐT) - Trong ký ức của nhiều thế hệ, hình ảnh những đồi sim, hoa nở tím hồng đã gắn bó với biết bao kỷ niệm tuổi thơ. Cứ mỗi dịp hè về, lũ trẻ con lại hẹn hò nhau lên đồi hái sim, thưởng thức những quả sim chín đen mọng, ngọt lành mang hương vị của núi rừng. Những cánh rừng sim tuổi thơ ấy giờ không còn là rừng hoa dại để ngắm chơi, cây sim đang giúp người dân mang lại nguồn thu nhập mới, đầy triển vọng.

Hơn 30 năm say mê với những đôi giày cũ

(QBĐT) - "Có những đôi giày khách đưa quá cũ, tôi sẽ không nhận vì biết rằng dù có sửa được thì thời gian sử dụng cũng chẳng được bao lâu, gây lãng phí. Nhưng đôi khi, người ta muốn sửa cho bằng được vì muốn lưu giữ như món quà kỉ niệm của họ, vì thế tôi cũng cố gắng hết sức mình. Đôi giày khi đó không phải để đi mà để lưu giữ những ký ức", ông Lợi chia sẻ.

Làng lặn Vịnh Sơn

(QBĐT) - Sống cạnh biển nhưng nguồn thu từ nghề chài lưới không đủ để nuôi sống gia đình, phần lớn thanh niên trai tráng ở làng Vịnh Sơn (xã Quảng Đông, Quảng Trạch) đã chọn con đường mưu sinh bằng nghề lặn bắt hải sản dưới đáy đại dương.