Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923-1/3/2023)
Vị Tư lệnh trong lòng những người lính Trường Sơn
(QBĐT) - Với những người lính Quảng Bình từng tham gia chiến đấu trên con đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên không chỉ là một vị Tư lệnh tài năng lỗi lạc mà ông như một người cha, người anh thân thương, hết lòng quan tâm đến chiến sĩ.
Ký ức bên bến phà Xuân Sơn
Năm nay đã 80 tuổi nhưng cựu chiến binh (CCB) Võ Thế Chơn (ở xã Hải Phú, Bố Trạch) vẫn rất minh mẫn. Ông Chơn nguyên là chiến sĩ lái ca nô của đại đội 16 (Binh trạm 14, Đoàn 559) chiến đấu ở bến phà Xuân Sơn (xã Sơn Trạch nay là thị trấn Phong Nha, Bố Trạch), một “tọa độ lửa” trong kháng chiến chống Mỹ.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Chơn nhớ như in những năm tháng sống, chiến đấu ở “túi bom” này. Đó là lần được đồng đội làm lễ “truy điệu sống” khi ông xung phong “mở đường máu” lái ca nô để kích nổ bom từ trường, bảo đảm an toàn cho những đoàn xe qua phà, kịp thời chi viện cho mặt trận phía Nam.
Một trong những “chiến công” mà ông Chơn cùng đồng đội lập được ở bến phà Xuân Sơn mà ít người biết đến, đó là lần đơn vị C16 của ông nhận nhiệm vụ đặc biệt đưa đoàn công tác của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên vượt “tọa độ lửa” trở về Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 (đóng tại xã Hương Đô, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) an toàn.
Ông Chơn kể: Đó là một đêm đầu năm 1967, đơn vị nhận điện báo của Bộ Tư lệnh Đoàn 559, yêu cầu bố trí lực lượng đưa “đoàn khách Z” trở về tuyến sau. Ở lần điện báo đầu, sở chỉ huy không nói rõ “đoàn khách Z” là ai nhưng lần điện báo thứ 2, cấp trên đã nói rõ trong đoàn có Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên sau khi kiểm tra việc mở đường 20-Quyết Thắng trở ra.
“Khi biết trong đoàn có vị tướng của bộ đội Trường Sơn mà mình rất ngưỡng mộ, tôi đã rất xúc động. Đặc biệt khi đó đơn vị đã giao nhiệm vụ cho bản thân tôi xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng đưa đoàn vượt “tọa độ lửa” bảo đảm bí mật, an toàn nhất.
Sau nhiều lần bàn bạc, cẩn trọng tính toán các phương án, chúng tôi quyết định đưa đoàn trở ra bằng đường sông (từ sông Son qua sông Gianh). Bởi thời điểm đó trên các dòng sông chưa bị giặc Mỹ thả bom từ trường; trong khi đó nếu đi bằng đường bộ, các trọng điểm như đèo Đá Đẽo, ngầm Khe Rinh, ngã ba Khe Ve… đang bị không quân Mỹ điên cuồng bắn phá.
Những chiến sĩ tinh nhuệ, dũng cảm nhất đã được đơn vị cử đưa đoàn vượt tuyến an toàn. Tuy không được trực tiếp “tháp tùng” đoàn nhưng những đồng đội được cử đi sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về kể rằng, trong suốt chuyến hành trình, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thường xuyên hỏi han, quan tâm đến anh em. Tình cảm đó làm họ cảm nhận ông không chỉ là một vị tướng Tư lệnh mà như một người cha, người anh thân thương, hết lòng quan tâm đến chiến sĩ”, ông Chơn bồi hồi nhớ lại.
"Mấy đứa bây có đói bụng không?”
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng CCB Lê Mậu Ba (thôn Lương Yến, xã Lương Ninh, Quảng Ninh), nguyên chiến sĩ C34 thông tin, trực thuộc Sư đoàn 473, Đoàn 559 vẫn nhớ từng chi tiết nhỏ trong một lần ông được gặp Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trên rừng Trường Sơn. Từng lời thăm hỏi ân cần của vị Tư lệnh bộ đội Trường Sơn ngày đó như truyền cho ông và đồng đội ngọn lửa nhiệt huyết, là động lực để ông quyết tâm hoàn thành tốt nhất những nhiệm vụ được giao…
Ông Ba kể: “Đầu năm 1972, tôi cùng 3 đồng đội khác nhận nhiệm vụ “tối mật” tiến hành kéo đường dây, lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc cho một binh trạm của Đoàn 559 đóng phía trong đèo Bò Lệch (nằm sát biên giới Việt-Lào, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế). Chúng tôi làm việc từ sáng đến chiều tối thì công việc mới hoàn thành. Khi chúng tôi đang chuẩn bị thu dọn đồ nghề để lui quân thì gặp một tốp người từ trong “doanh trại” đi ra liền chào.
Nghe chúng tôi cất tiếng “chào các thủ trưởng”, một người có dáng vóc cao lớn, mái tóc cắt ngắn, bước đi nhanh nhẹn (sau này chúng tôi mới biết đó là Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên) liền hỏi: “Mấy đứa bây người ở mô mà nghe giọng quen rứa?”. “Báo cáo thủ trưởng, chúng cháu người Quảng Bình ạ!”. Nghe chúng tôi trả lời, ông lại nói: “Nếu là người Quảng Bình thì phải “Hai giỏi” nghe”. “Rứa mấy đứa bây có đói bụng không?”, ông tiếp tục hỏi. “Dạ báo cáo thủ trưởng, vì phải cố gắng làm cho xong việc nên quá buổi, bọn cháu cũng đói bụng lắm rồi”.
Nghe chúng tôi trả lời, ông nở nụ cười hiền rồi quay sang nói nhỏ điều gì đó với một người bên cạnh. Người này đi vào trong và lát sau thì trở ra, mang theo một thùng lương khô BB 70 (loại dùng cho cán bộ cao cấp) đưa cho chúng tôi. Ông bảo chúng tôi ăn kẻo đói bụng và không quên hỏi thăm sức khỏe, động viên chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”.
Theo lời ông Ba, đó là lần duy nhất mà ông được gặp vị Tư lệnh của mình ngay giữa chiến trường. Tuy vậy, ông và đồng đội vẫn cảm nhận được những tình cảm chân thành, giản dị mà vị Tư lệnh đã dành cho những người lính của mình. Đó cũng là động lực để ông Ba luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong suốt cuộc đời binh nghiệp và kể cả khi rời quân ngũ, trở về cuộc sống đời thường…
“Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Bình hiện có 5.811 người. Chúng tôi luôn tự hào được sống, chiến đấu, làm việc trên con đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh huyền thoại, dưới quyền chỉ huy của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, một vị tướng tài năng lỗi lạc, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.
Năm tháng sẽ đi qua, nhưng tên tuổi và sự nghiệp của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sẽ sống mãi với đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh huyền thoại, sống mãi trong tình cảm của những người lính, những nam nữ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… đã một thời cùng cả dân tộc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ông Nguyễn Quốc Trưởng, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Bình cho biết.
|
Phan Phương
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.