Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Xuân về nơi biên cương

  • 07:09 | Thứ Hai, 30/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khi những nhánh cây rừng đâm chồi, nảy lộc cũng là lúc báo hiệu Tết đến, xuân về. Trong không khí rộn ràng của đất trời sang xuân, người dân bản văn hóa Dộ-Tà Vờng (xã Trọng Hóa, Minh Hóa) cũng hân hoan đón Tết cổ truyền của dân tộc...
 
Từ trung tâm xã Trọng Hóa, vượt qua hơn 30km đường núi quanh co và những con dốc cao, chúng tôi mới đến được bản Dộ-Tà Vờng, thuộc vùng Lòm của xã Trọng Hóa, sát biên giới Việt-Lào.
 
Đứng trên ngọn núi cao, phóng tầm mắt về phía trước, bản Dộ-Tà Vờng đẹp như một bức tranh với màu xanh bạt ngàn của núi rừng, cây cối. Bản nép mình bên những dãy núi cao đồ sộ, hùng vĩ. Những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây ẩn hiện trong làn sương mờ buổi sớm.
 
Tên gọi bản Dộ-Tà Vờng có từ năm 2019 khi bản Tà Vờng được sáp nhập với bản Dộ. Bản hiện có 78 hộ với 232 nhân khẩu là người Mày (thuộc dân tộc Chứt). Trước đây, đời sống của bà con rất khó khăn nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cộng với sự nỗ lực của người dân nên bản đã có nhiều thay đổi.
 
Thông qua các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, bản Dộ-Tà Vờng đã được đầu tư đường giao thông, trạm xá, trường học, nhà văn hóa, điện đường thắp sáng từ mô hình “Ánh sáng vùng biên” của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ra Mai... Mùa xuân này, những đứa trẻ ở bản dường như vui hơn khi được học ở ngôi trường mới-điểm trường mầm non bản Dộ-Tà Vờng với đầy đủ trang thiết bị dạy học, khu vui chơi đã hoàn thành, đưa vào sử dụng đầu năm 2023.
Bản Dộ-Tà Vờng nép mình bên những dãy núi cao hùng vĩ.
Bản Dộ-Tà Vờng nép mình bên những dãy núi cao hùng vĩ.

Điều đáng phấn khởi nữa là đời sống của người dân dần ổn định. Nếu như trước đây, bà con trong bản chỉ biết sống phụ thuộc vào rừng, trồng lúa rẫy thì nay họ đã biết trồng rừng, trồng sắn, cây ăn quả, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà... Nhiều hộ đã biết tập trung làm kinh tế gia đình, như: Hồ Phoong, Hồ Xoi, Hồ Liên... Đặc biệt, được sự giúp đỡ, hỗ trợ của cán bộ xã, một số hộ dân ở bản Dộ-Tà Vờng đã biết trồng lúa nước trên ruộng bậc thang.

Từ năm 2020, huyện Minh Hóa đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện thí điểm mô hình “bản nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số” và Dộ-Tà Vờng là một trong 4 bản của huyện được chọn để xây dựng bản nông thôn mới. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng người dân trong bản luôn nêu cao ý thức, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng bản làng no ấm. Tình hình an ninh trật tự ở bản luôn được giữ vững; các hủ tục, tập quán lạc hậu được đẩy lùi; 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường...

Bên bếp lửa bập bùng, Trưởng bản Hồ Khiên hồ hởi nói: "Trước đây, đời sống của người dân bản Dộ, bản Tà Vờng rất khó khăn. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của cán bộ mà đời sống bà con bản đã khá hơn. Bà con đã có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng, không còn họp ở nhà trưởng bản như trước nữa. Con cháu thì được đến trường học cái chữ. Bà con ai cũng phấn khởi, ấm cái bụng. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, cán bộ nhiều lắm".
 
Để góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hàng năm, bà con nơi đây vẫn tổ chức các lễ hội đặc sắc, như: Lễ cúng giang sơn, lễ buộc chỉ cổ tay, lễ dập hố, lễ mừng cơm mới... Trong văn hóa người Mày, lễ cúng giang sơn (hay còn gọi là lễ mở sẻ rậy) được tổ chức vào ngày mồng 1 Tết. Vào sáng mồng 1 Tết, người dân trong bản tập trung ở nhà già làng để tổ chức lễ. Mâm cúng giang sơn có nhiều lễ vật, như: Bánh chưng, rượu cần, cơm, canh, gà... Lễ cúng giang sơn là nghi thức tâm linh để tạ ơn trời đất, thần linh; cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà được bình yên.
 
Ngoài ra, trong tháng giêng (khoảng ngày mồng 10) các dòng họ người Mày lại thực hiện nghi lễ buộc chỉ cổ tay để cầu may, cầu sức khỏe cho người thân trong gia đình, dòng họ. Theo phong tục nơi đây, lễ buộc chỉ cổ tay của người Mày được tổ chức 3 năm 1 lần, ở nhà trưởng họ và trong mâm cúng lễ ngoài 1 con lợn, 2 con gà, cơm, canh... thì không thể thiếu bánh chưng, rượu cần. Thông qua việc tổ chức các lễ hội văn hóa đặc sắc, riêng có của người Mày sẽ giúp người dân địa phương phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để đưa vào khai thác, phát triển du lịch.
 
Thực hiện Chương trình hành động số 03-CTr/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch huyện Minh Hóa giai đoạn 2020-2025, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện, trong đó huyện sẽ xây dựng, hình thành điểm du lịch văn hóa tộc người ở bản Dộ-Tà Vờng. Kỳ vọng với định hướng và những tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này, cộng với sự thật thà, chân tình, cởi mở của người dân bản địa, trong tương lai không xa, bản Dộ-Tà Vờng sẽ là điểm đến đặc sắc, níu chân du khách khi đến với huyện Minh Hóa.
 
Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa Hồ Phin cho biết: Trọng Hóa là xã miền núi rẻo cao. Hiện nay, xã có 17 bản, trong đó bản Dộ-Tà Vờng là một trong những bản văn hóa nhiều năm liền. Năm 2022, bản có 83% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa và bản đạt bản văn hóa từ năm 2019 đến nay. Trong những năm qua, bản Dộ-Tà Vờng đã có nhiều đổi mới. Người dân đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và các giá trị văn hóa truyền thống luôn được người dân bảo tồn, gìn giữ.
 
Một năm mới lại về trên bản văn hóa nơi biên cương. Người Mày nơi đây sẽ có thêm một cái Tết ấm no, đủ đầy hơn và với khí thế của năm mới, tin tưởng rằng, bản Dộ-Tà Vờng sẽ phát triển hơn nữa, xứng đáng là bản văn hóa tiêu biểu của huyện miền núi Minh Hóa.
                                                                            Cát Tường

tin liên quan

Hơn 30 năm say mê với những đôi giày cũ

(QBĐT) - "Có những đôi giày khách đưa quá cũ, tôi sẽ không nhận vì biết rằng dù có sửa được thì thời gian sử dụng cũng chẳng được bao lâu, gây lãng phí. Nhưng đôi khi, người ta muốn sửa cho bằng được vì muốn lưu giữ như món quà kỉ niệm của họ, vì thế tôi cũng cố gắng hết sức mình. Đôi giày khi đó không phải để đi mà để lưu giữ những ký ức", ông Lợi chia sẻ.

Làng lặn Vịnh Sơn

(QBĐT) - Sống cạnh biển nhưng nguồn thu từ nghề chài lưới không đủ để nuôi sống gia đình, phần lớn thanh niên trai tráng ở làng Vịnh Sơn (xã Quảng Đông, Quảng Trạch) đã chọn con đường mưu sinh bằng nghề lặn bắt hải sản dưới đáy đại dương.

Giấc mơ nón lá... xuất ngoại

(QBĐT) - Cải tiến quy trình làm nón lá để tăng năng suất, sản lượng-đây có lẽ là điều không ít người nghĩ đến, nhưng thành công nhất chính là sáng kiến của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Tuấn Anh (SN 1989) và Phan Thị Hiền (SN 1994), thôn Tân Đức, xã Quảng Tân (TX. Ba Đồn). Với bằng độc quyền sáng chế khung nhựa cho nón lá, năng suất làm nón tăng cả trăm lần so với cách làm truyền thống, thành công của đôi vợ chồng trẻ là "quả ngọt" của tri thức, sự kiên trì trong quá trình lao động sáng tạo...