Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Những "bảo mẫu" đặc biệt

  • 07:29 | Thứ Năm, 19/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một ngày như mọi ngày, thạc sĩ thú y Nguyễn Tất Thắng (SN 1993) cùng các cán bộ Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) dậy thật sớm chuẩn bị bữa ăn thường nhật cho các loại thú quý hiếm đang được chăm sóc, bảo tồn tại đây. Tháng 3/2022, 7 cá thể hổ chuyển từ VQG Pù Mát (Nghệ An) về trung tâm và cũng từ đó... họ trở thành những “bảo mẫu” của những thú nuôi đặc biệt này.
 
Những thú nuôi đặc biệt
 
Nằm dưới tán rừng quanh năm phủ bóng cây xanh ngay cạnh tuyến đường 20-Quyết Thắng huyền thoại trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật là nơi cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loại động, thực vật quý hiếm tại Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB trước nguy cơ nạn săn bắt.
Những “cư dân” đặc biệt của Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
Những “cư dân” đặc biệt của Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý VQG PN-KB vẫn nhớ như in thời điểm 7 cá thể hổ trở thành “cư dân” vườn: “Tháng 8/2021, 7 cá thể hổ con chỉ mới khoảng 40 ngày tuổi, do Công an tỉnh Nghệ An tịch thu trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã. Công an tỉnh Nghệ An bàn giao cho VQG Pù Mát nuôi dưỡng. Sau 8 tháng sinh sống tại đây, trọng lượng bình quân của 7 cá thể hổ đạt từ 55-60kg/con. Vì khó đủ điều kiện chăm sóc toàn diện cho hổ khi chúng mỗi ngày một lớn nên VQG Pù Mát đề xuất chuyển giao về VQG PN-KB. Được sự nhất trí giữa lãnh đạo hai tỉnh và các ngành chức năng, tháng 3/2022, 7 cá thể hổ “di cư” đến VQG PN-KB. Chúng trở thành những “cư dân” đặc biệt của vườn vì từ trước đến nay, chúng tôi chưa từng chăm sóc, nuôi dưỡng hổ... lại nuôi với số lượng lớn như vậy”.
 
Trở thành bạn từ những ngày đầu tiên của 7 cá thể hổ, thạc sĩ Nguyễn Tất Thắng chia sẻ: “Do lạ nước, lạ cái, khác điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, môi trường chăm sóc, nuôi dưỡng...nên giai đoạn đầu, cả 7 cá thể hổ đều có dấu hiệu stress, cảm giác buồn rõ rệt, xuất hiện triệu chứng biếng ăn. Vậy là chúng tôi tập trung toàn lực để làm quen, trò chuyện cùng hổ bất kể thời gian. Cứ thế, hổ quen dần... chấp nhận chúng tôi như người nhà”. 
Chuẩn bị bữa ăn cho 7 cá thể hổ.
Chuẩn bị bữa ăn cho 7 cá thể hổ.
7 cá thể hổ, theo sự khuyến cáo của Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation-AAF) không đặt tên riêng mà gọi số thứ tự từ 1-7 theo vị trí chuồng nuôi dưỡng. Từ chuồng số 1-5 là “lãnh địa” của 5 hổ cái; số 6 và 7 thuộc về 2 hổ đực.
 
Mặc dù là anh chị em cùng nguồn gốc, được thuần dưỡng cùng thời điểm nhưng tính tình những “cư dân” đặc biệt này hoàn toàn không giống nhau. Số 1, số 2 bản tính hoang dã, phản ứng khá dữ dằn khi người lạ đến gần. Số 3, 5, 6, 7 trái lại rất thân thiện, ưa vuốt ve, vỗ về, âu yếm. Số 4 bản tính rụt rè, ít tiếp xúc, thường lánh mặt khi có người đến gần. Để tạo ra một môi trường nuôi dưỡng an toàn, thân thiện, người chăm sóc phải hiểu hết tính tình từng cá thể hổ.
 
Và những “bảo mẫu” đặc biệt
 
“Khi các “cư dân” đặc biệt này ngày một trưởng thành, chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng rất lớn. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn sẽ có một nguồn kinh phí bảo đảm bền vững hơn”, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý VQG PN-KB chia sẻ.
Chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho 7 cá thể hổ là trách nhiệm của 4 cán bộ Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật.
 
Ngoài Nguyễn Tất Thắng còn có thêm Trần Thị Lê (SN 1985), chuyên môn chăm sóc thú y; Hoàng Mạnh Hùng (SN 1986), phụ trách Phòng cứu hộ và Võ Bá Hoàng Quý (SN 1995), bác sĩ thú y. Những “bảo mẫu” đặc biệt này được đánh giá là người vững về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực cứu hộ, bảo tồn, chăm sóc động vật hoang dã quý hiếm.
“Bảo mẫu” đặc biệt Nguyễn Tất Thắng và sự thân thiện của chú hổ số 7.
“Bảo mẫu” đặc biệt Nguyễn Tất Thắng và sự thân thiện của chú hổ số 7.
 
Hoàng Mạnh Hùng chia sẻ: “Từ khi trung tâm có thêm 7 cá thể hổ, công việc hàng ngày trở nên tất bật hơn. Hổ quý cũng giống như con người, mình thương yêu, gần gũi chúng hàng ngày thì chúng sống tình cảm với mình hơn. Điều quan trọng nhất là phải hiểu bản tính riêng biệt từng cá thể hổ”.
 
Theo lời Hoàng Mạnh Hùng, số 1, số 2 tính tình còn hoang dã nên cần tạo thời gian gần gũi chúng hơn. Số 4 hơi rụt rè, cần tiếp xúc, động viên thường xuyên. Hai chú hổ đực số 6, số 7 thân thiện, thích vuốt ve, âu yếm, nên càng thu hẹp khoảng cách chừng nào hay chừng đó...
 
Đã thành thói quen, mỗi ngày 7 cá thể hổ được ăn hai bữa sáng chiều. Buổi sáng dùng bữa đúng 10 giờ 30 phút và buổi chiều vào lúc 15 giờ 30 phút. Khẩu phần ăn từ 1,5-2kg thịt sống, chủ yếu là thịt bò, gà, thỏ, lợn... Trước và sau ăn, chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ. Thức ăn cho hổ thay đổi hàng ngày và quan trọng nhất là bảo đảm độ tươi ngon, tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định về an toàn thực phẩm.
 
Chúng tôi may mắn chứng kiến bữa ăn sáng của 7 cá thể hổ do những “bảo mẫu” đặc biệt phục vụ. Sáng nay, thức ăn cho hổ là thịt gà. Hoàng Mạnh Hùng cẩn thận lấy thịt ra khỏi tủ đông. Gà nguyên con, làm sạch nội tạng, loại bỏ đầu, cổ, cánh, sau đó chặt làm hai (các “bảo mẫu” giải thích là để vừa miếng hổ ăn-PV) đưa lên bàn cân. Suất ăn chính xác khối lượng, không thừa, không thiếu. Sau khi xong công đoạn chuẩn bị, thức ăn lần lượt được đưa vào từng chuồng, bắt đầu từ số 1 và kết thúc tại số 7.
 
Một hình ảnh thú vị chúng tôi kịp ghi lại trước chuồng số 7. Sau khi dùng xong bữa trưa, chú hổ áp đầu vào sát hàng rào sắt, ánh mắt lim dim, hiền từ ngước nhìn “bảo mẫu” Nguyễn Tất Thắng.
 
Biết ý, Nguyễn Tất Thắng nhẹ nhàng dùng tay xoa đầu số 7, bàn tay Thắng vuốt dần xuống phần cổ rồi di chuyển lên xuống nhiều lần như thế. Số 7 tỏ ra thích thú, toàn bộ phần đầu và cổ dựa hẳn vào tay Thắng. Lúc này, trông số 7 tựa như một chú mèo to xác thích vỗ về, âu yếm, yêu thương..., hiền, thật hiền!
 
“Với sự giúp đỡ từ Tổ chức AAF và sự đồng thuận của UBND tỉnh Quảng Bình, sắp tới một khu chăm sóc, nuôi dưỡng 7 cá thể hổ mới được xây dựng với diện tích 3.000m2, cấu trúc đạt chuẩn gồm: Nơi ăn ở của hổ, sân chơi, bể bơi, nơi leo trèo, bục nằm sưởi nắng, khu can thiệp thú y... Các quần thể thiết kế hài hòa, gần gũi với tự nhiên”, Phùng Thu Cúc cho biết.
Phùng Thu Cúc (SN 1993) đến từ huyện Chương Mỹ (TP. Hà Nội), chuyên gia của Tổ chức AAF. Từ năm 2021, Cúc “bén duyên” với VQG PN-KB và quyết định ở lại hỗ trợ cho vườn. Cụ thể ở đây là Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật về chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm... chỉ mới tròn 7 tháng, khi 7 cá thể hổ “di cư” đến vườn.
 
“Sau một thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng, các cá thể hổ xuất hiện một số biểu hiện như cơ bắp, hệ móng, răng phát triển chưa đạt yêu cầu vì môi trường nuôi nhốt còn khá chật hẹp, chỉ được 12m2/chuồng. Tuy nhiên AAF đánh giá thể trạng 7 cá thể hổ rất ổn định, chưa có biểu hiện béo phì hoặc thiếu cân, trọng lượng hiện tại đạt từ 95-100kg.” - Phùng Thu Cúc cho biết- “Trong điều kiện có thể, AAF cùng với VQG PN-KB sẽ cố gắng tạo môi trường sống tích cực, gần gũi tự nhiên để hổ phát triển bền vững, an toàn”.
 
                                                                                                                              Hồ An

tin liên quan

Mùa sim chín

(QBĐT) - Trong ký ức của nhiều thế hệ, hình ảnh những đồi sim, hoa nở tím hồng đã gắn bó với biết bao kỷ niệm tuổi thơ. Cứ mỗi dịp hè về, lũ trẻ con lại hẹn hò nhau lên đồi hái sim, thưởng thức những quả sim chín đen mọng, ngọt lành mang hương vị của núi rừng. Những cánh rừng sim tuổi thơ ấy giờ không còn là rừng hoa dại để ngắm chơi, cây sim đang giúp người dân mang lại nguồn thu nhập mới, đầy triển vọng.

Hơn 30 năm say mê với những đôi giày cũ

(QBĐT) - "Có những đôi giày khách đưa quá cũ, tôi sẽ không nhận vì biết rằng dù có sửa được thì thời gian sử dụng cũng chẳng được bao lâu, gây lãng phí. Nhưng đôi khi, người ta muốn sửa cho bằng được vì muốn lưu giữ như món quà kỉ niệm của họ, vì thế tôi cũng cố gắng hết sức mình. Đôi giày khi đó không phải để đi mà để lưu giữ những ký ức", ông Lợi chia sẻ.

Làng lặn Vịnh Sơn

(QBĐT) - Sống cạnh biển nhưng nguồn thu từ nghề chài lưới không đủ để nuôi sống gia đình, phần lớn thanh niên trai tráng ở làng Vịnh Sơn (xã Quảng Đông, Quảng Trạch) đã chọn con đường mưu sinh bằng nghề lặn bắt hải sản dưới đáy đại dương.