Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923-1/3/2023)

Nhớ một lần được gặp Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

  • 06:59 | Thứ Tư, 01/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên ở vùng Nam TX. Ba Đồn luôn tự hào về quê hương-nơi sinh thành Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Vào đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước, khi chúng tôi đang theo học trường làng đã được nghe ba tôi kể chuyện bác Đồng Sỹ Nguyên với bao niềm kính trọng, ngưỡng mộ, trong đó ấn tượng nhất là những câu chuyện về tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Ước mơ của tôi khi làm phóng viên Báo Quảng Bình là có dịp được gặp bác Đồng Sỹ Nguyên để nghe bác kể chuyện về tuyến đường lịch sử này.
 
Niềm mong ước đã được toại nguyện. Đó là ngày 24/4/2005, tôi được Ban Biên tập Báo Quảng Bình tạo điều kiện ra Thủ đô Hà Nội gặp Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Khi biết tôi là phóng viên Báo Quảng Bình, bác Nguyên vui vẻ, ân cần như gặp người thân của gia đình. Sự ân cần của bác đã xóa đi mọi khoảng cách, tạo sự gần gũi. Bác nói: "Phóng viên quê mình cứ xưng hô là bác-cháu nhé!". Giọng Quảng Bình của bác thật ấm áp! 
 
Nhà của bác Nguyên có khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, xung quanh được trồng nhiều loài cây, hoa mang từ quê hương. Tại phòng khách, bức ảnh treo ở nơi trang trọng nhất là ảnh Bác Hồ, bên cạnh đó là ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bác Nguyên, đại gia đình của bác. Đặc biệt còn có bằng Tổ quốc ghi công người con liệt sỹ của bác đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
 
Khi được biết tôi muốn tìm hiểu về đường Hồ Chí Minh, tất cả mọi câu chuyện của bác Nguyên đều cho tôi những thông tin quý. Bác Nguyên chia sẻ: Trong công cuộc chi viện của miền Bắc XHCN, Quảng Bình được vinh dự là tâm điểm của các đường ngang nối Đông-Tây Trường Sơn. Có 5 trục đường ngang gồm: Đường 12, đường 20, đường 10, đường 16, đường 18. Quảng Bình cũng là tâm điểm của trục dọc đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn...
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong cuộc gặp gỡ với phóng viên Báo Quảng Bình năm 2005.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong cuộc gặp gỡ với phóng viên Báo Quảng Bình năm 2005.
Nói đến đây, tôi xin thưa với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: “Thưa bác, tại sao những con đường này lại bắt đầu từ Quảng Bình?”. Bác Nguyên giải thích ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu. Tất cả như có sẵn trong đầu của vị tướng gắn liền với bao chiến công hiển hách trên tuyến đường huyền thoại. Bác Nguyên tiếp tục câu chuyện: Vì tỉnh Quảng Bình có chiều ngang rất hẹp như hình cán xoong, như đòn gánh nối hai đầu đất nước, nơi tuyến đầu của miền Bắc XHCN, đó cũng là nơi bắt nguồn nối Đông-Tây Trường Sơn. Do vị trí đó nên tất cả đường Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn đều tập trung ở Quảng Bình. Quảng Bình đồng thời là tâm điểm căn cứ dự trữ vật chất để chi viện cho miền Nam, căn cứ tập kết binh lực trước khi đi vào miền Nam.
 
Trong những năm tháng chiến tranh, nhân dân Quảng Bình vô cùng anh dũng, vũ khí đạn dược, lương thực thuốc men đều tập trung ở đó. Thời kỳ dân ta còn thiếu ăn nhưng hàng hóa chi viện cho chiến trường gửi nhà dân luôn nguyên vẹn.
 
Trò chuyện về tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, bác Nguyên mong muốn tương lai để phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình nên có dự án xây dựng bảo tàng đường Hồ Chí Minh ngoài trời để thu hút khách du lịch. Bác gợi ý, nếu xây bảo tàng đường Hồ Chí Minh ngoài trời nên xây ở phà Xuân Sơn; trong đó cần tái hiện các hố bom, trận địa tên lửa, sân bay dã chiến, chỉ huy sở, nơi tập kết quân ở Khe Gát, hệ thống đường giao liên, lấy tâm điểm đường 20-Quyết Thắng…
 
Sau lần được vinh dự gặp Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, cảm nhận của chúng tôi về ông là một con người tài năng xuất chúng về nhiều lĩnh vực: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa và trong trái tim ông luôn có một tình yêu quê hương, yêu thương nhân dân sâu sắc.
 
Vào những năm tháng sau chiến tranh khoảng 10 năm, khi về thăm quê, đứng bên bến phà Phú Trịch, bác từng nói: “Quê tôi ở bên kia sông, tôi ra đi làm cách mạng trên một con đò, sáu mươi năm sau, với cương vị là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về quê cũng trên một con đò". Và bác có một niềm mong muốn cháy bỏng: Ở đây phải có cầu, có đường cho dân đi lại. Giờ đây, mỗi lần qua vùng Nam TX. Ba Đồn, trước khung cảnh đổi mới của quê hương với hệ thống giao thông đã hiện đại hóa, không còn những con đò cách trở, tôi càng bùi ngùi nhớ đến bác…
 
                                                                               Phan Hòa

tin liên quan

Về Ba Đồn xem hội vật đầu xuân

(QBĐT) - Diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm, hội vật TX. Ba Đồn độc đáo với những giá trị truyền thống và nhân văn đặc sắc, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân địa phương. 

Hơn 30 năm say mê với những đôi giày cũ

(QBĐT) - "Có những đôi giày khách đưa quá cũ, tôi sẽ không nhận vì biết rằng dù có sửa được thì thời gian sử dụng cũng chẳng được bao lâu, gây lãng phí. Nhưng đôi khi, người ta muốn sửa cho bằng được vì muốn lưu giữ như món quà kỉ niệm của họ, vì thế tôi cũng cố gắng hết sức mình. Đôi giày khi đó không phải để đi mà để lưu giữ những ký ức", ông Lợi chia sẻ.

Xuân về nơi biên cương

(QBĐT) - Khi những nhánh cây rừng đâm chồi, nảy lộc cũng là lúc báo hiệu Tết đến, xuân về.