Các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp: Nâng cao hiệu quả hoạt động

  • 07:58 | Thứ Bảy, 27/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khắc phục khó khăn, nhiều hợp tác xã (HTX) tiểu thủ công nghiệp (TTCN) trên địa bàn tỉnh đã đầu tư máy móc thiết bị và dây chuyền sản xuất hiện đại, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đáp ứng thị hiếu khách hàng. Nhiều HTX sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động (LĐ) địa phương. 
 
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, hiện toàn tỉnh có 42 HTX TTCN với 339 thành viên, tổng nguồn vốn hoạt động gần 50 tỷ đồng, tổng doanh thu khoảng 42 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người LĐ 5 triệu đồng/tháng. Các HTX TTCN hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: Chế biến nông-lâm sản, may mặc, mây tre đan... tạo việc làm thường xuyên cho hơn 2.000 LĐ khu vực nông thôn.
 
Trong đó, có nhiều HTX đã phát huy được nội lực, tiềm năng, thế mạnh sẵn có về đất đai, tài nguyên, ngành nghề truyền thống của địa phương để phát triển sản xuất, kinh doanh; năng động trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, mua sắm thiết bị, mở rộng nhà xưởng. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới của thị trường, giúp nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho các thành viên, tận dụng được tối đa nguồn LĐ nhàn rỗi của địa phương, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng nông thôn.
 
Đơn cử như HTX Trầm hương Hưng Phát, xã Trường Thủy (Lệ Thủy). Dù mới được thành lập từ  năm 2020, nhưng HTX hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều LĐ nhàn rỗi tại các địa phương. Từ chỗ có 5 thành viên lúc mới thành lập, đến nay, HTX đã có 11 thành viên, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 LĐ và 15 LĐ thời vụ.
 
Ngoài sản xuất mặt hàng chính là hương trầm, HTX đã tận dụng nguồn nguyên liệu để sản xuất thêm các loại, như: Bột trầm khâm lượm, rượu trầm, tro bỏ lư hương, chân nhang… Năm 2022, doanh thu của HTX đạt khoảng hơn 3 tỷ đồng, trừ chi phí thu về gần 1 tỷ đồng.
Các hợp tác xã phát huy hiệu quả hoạt động, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Các hợp tác xã phát huy hiệu quả hoạt động, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Anh Châu Ngọc Hải, thành viên Ban Quản trị HTX cho biết: "Lúc mới thành lập, HTX gặp rất nhiều khó khăn: Đầu ra chậm do người tiêu dùng chưa biết đến, thiếu nguồn vốn đầu tư vùng trầm gió làm nguyên liệu... Tuy nhiên, sau 1 năm đi vào sản xuất thì sản phẩm tiêu thụ tăng lên rất nhiều vì hương trầm của HTX cháy lâu, mùi thơm thư thái, dễ chịu, không có mùi hóa chất nên nhiều người yêu thích. Đặc biệt, nhờ đầu tư các thiết bị hiện đại trong sản xuất, sản phẩm đạt chất lượng cao nên năm 2022, sản phẩm hương trầm của HTX đạt chuẩn 4 sao OCOP cấp tỉnh”.
 
Xã Quảng Văn (TX. Ba Đồn) có nghề mây đan truyền thống, tạo việc làm cho khoảng gần 400 LĐ địa phương, trong đó, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ mây tre đan, nón lá Quảng Văn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 300 LĐ, góp phần tăng việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương. 
 
Giám đốc HTX Trần Văn Hiếu cho biết: Nghề mây đan ở xã Quảng Văn không gia công thành các sản phẩm gia dụng mà đan thành tấm dài khoảng 15m, rộng từ 0,4-0,9m, tùy theo đơn đặt hàng. Các tấm mây đan thường được dùng để làm bàn ghế, trang trí nội thất..., rất được thị trường nước ngoài ưa chuộng. Những năm gần đây, HTX cũng đã đầu tư các máy móc, thiết bị phục vụ cho việc chẻ mây, vót mây… nên năng suất LĐ, chất lượng sản phẩm hiệu quả hơn rất nhiều.
 
"Để nâng cao hiệu quả hoạt động, bản thân các HTX cũng phải xác định được ngành nghề có thế mạnh, có nguồn nguyên liệu tại chỗ, phù hợp với trình độ LĐ của địa phương. Đồng thời, chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, làm tốt công tác tiếp thị, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của HTX để có sức cạnh tranh trên thị trường", Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ngô Gia Thởi cho biết thêm.
Mặc dù các HTX TTCN trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực song vẫn còn nhiều khó khăn cản trở sự phát triển. Cụ thể, đa phần các HTX TTCN trên địa bàn tỉnh đều có quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ nên khó tiếp cận với các nguồn vốn vay; doanh thu, lợi nhuận sau thuế còn thấp; cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhiều HTX còn lạc hậu; mẫu mã sản phẩm đơn điệu, nhiều HTX chưa xây dựng được thương hiệu nên đầu ra sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn…
 
Đặc biệt hiện nay, do tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng ở các nước giảm mạnh nên nhiều HTX TTCN có hàng hóa xuất khẩu, như: Mây đan, nón lá, một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ… gặp khó khăn do hàng hóa không tiêu thụ được, ảnh hưởng lớn đến việc làm và thu nhập của người LĐ nông thôn.
 
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ngô Gia Thởi cho biết: Để phát huy tối đa vai trò của các HTX TTCN trong việc nâng cao năng lực phát triển kinh tế, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể; khuyến khích các HTX mở rộng SXKD các ngành, nghề mới để tìm kiếm thị trường và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn; tăng cường công tác cơ sở, kết hợp kiểm tra giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong SXKD...
 
Thanh Hoa

tin liên quan

Hơn 700 đại biểu sẽ tham dự hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh

Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư với chủ đề "Hà Tĩnh - Hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng" sẽ chính thức diễn ra vào ngày 28/5 với sự tham gia của hơn 700 đại biểu.
 

Tuyên Hóa: Trồng thêm 45ha rừng bằng cây bản địa

(QBĐT) - Ông Nguyễn Văn Huệ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện đã trồng thêm 45ha rừng bằng cây bản địa.

"Mùa vàng" trên đồng đất Bố Trạch

(QBĐT) - ST25 là loại gạo ngon nhất nhì thế giới. Với những ưu điểm vượt trội của giống lúa ST25, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Bố Trạch nói riêng đã đưa vào cơ cấu giống lúa mới cho các vụ mùa. Nhờ thời tiết thuận lợi và được chăm sóc tốt nên vụ đông-xuân này đã có một "mùa vàng" từ giống lúa ST25 trên đất Bố Trạch.