Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Lênh đênh" những con tàu 67

  • 10:05 | Chủ Nhật, 28/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67) được xem là bước đột phá đối với ngành thủy sản, hướng đến mục tiêu hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đội tàu 67 (cách gọi những tàu cá đóng theo chính sách hỗ trợ của Nghị định 67) cả nước nói chung cũng như trên địa bàn huyện Bố Trạch nói riêng hiện đang gặp nhiều khó khăn.
 
Khó khăn chồng chất
 
Xã Đức Trạch là địa phương có số tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 nhiều nhất huyện Bố Trạch với 22 tàu. Hiện nay, đội tàu 67 của xã gặp rất nhiều khó khăn, có 2 tàu nằm bờ, 1 tàu bị chìm, 3 tàu hoạt động hiệu quả và 16 tàu còn lại hoạt động nhưng thua lỗ.
 
Để hiểu rõ hơn khó khăn của các chủ tàu 67, chúng tôi đã tìm gặp anh Nguyễn Văn Tiệm (thôn Thượng Đức, xã Đức Trạch), chủ tàu QB-92873-TS. Anh Tiệm cho biết, tàu của anh được đóng mới năm 2016, vỏ gỗ, có công suất 820 CV, với trị giá khoảng 10 tỷ đồng, trong đó số tiền vay ngân hàng là 8,3 tỷ đồng. Tàu hoạt động được khoảng 2 năm thì gặp khó khăn do giá xăng dầu, vật tư tăng cao, tiếp đó là ảnh hưởng của dịch Covid-19. Khai thác hải sản không hiệu quả, càng đi càng lỗ, anh Tiệm không có tiền quay vòng mua vật tư cho những chuyến biển tiếp theo nên tàu phải chấp nhận nằm bờ.
Tàu cá của anh Nguyễn Văn Tiệm, xã Đức Trạch bị xuống cấp, hư hỏng do nằm bờ lâu ngày.
Tàu cá của anh Nguyễn Văn Tiệm, xã Đức Trạch bị xuống cấp, hư hỏng do nằm bờ lâu ngày.
Dẫn chúng tôi đến cảng Thắng Lợi, xã Bắc Trạch, anh Tiệm chỉ tay về chỗ tàu của mình đang neo đậu mà không khỏi xót xa. Anh Tiệm ngậm ngùi: “Tôi sinh ra và lớn lên ở miền biển nên gần như cả cuộc đời đã dành trọn cho biển. Hơn 30 năm qua, tôi đầu tư không biết bao nhiêu tiền của, công sức cho việc đánh bắt, khai thác hải sản. Vì quá khó khăn, tàu của tôi phải nằm bờ từ năm 2019, theo thời gian, tàu đã bị hư hỏng nặng, khó khôi phục để vươn khơi”.
 
Ngay cạnh tàu cá của anh Tiệm là tàu cá của anh Nguyễn Văn Toàn (em trai anh Tiệm), cũng đang nằm bờ. Được biết, cả hai tàu đều đang nợ ngân hàng một số tiền lớn. Hiện, tàu cá của anh Toàn đã bị ngân hàng khởi kiện, tàu cá của anh Tiệm còn nợ khoảng 7 tỷ đồng, đang có nguy cơ bị khởi kiện.
 
“Tôi cũng rất muốn trả nợ đúng hạn, nhưng do nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, bạn thuyền khan hiếm, chi phí cao, tàu ra khơi bị lỗ, giờ chưa biết tính sao. Việc tàu nằm bờ tôi cũng đã báo cáo với chính quyền địa phương, với ngân hàng. Mong muốn của tôi là sớm thanh lý được con tàu để giảm khoản nợ lớn đeo bám lâu nay, vì tàu neo đậu lâu ngày bị xuống cấp, giảm giá trị. Tôi cũng mong nhà nước xem xét, có chính sách để khoanh nợ, giảm lãi, tạo điều kiện giúp ngư dân chúng tôi vượt khó khăn”, anh Tiệm chia sẻ thêm.
 
Mặc dù chưa đến mức phải để tàu nằm bờ như của anh Tiệm, anh Toàn, nhưng tàu cá của anh Hồ Đăng Hiền (thôn Nam Đức, xã Đức Trạch) cũng đang từng ngày cố gắng bám biển, chống chọi với khó khăn. Tàu anh Hiền đóng từ năm 2016, có công suất 811 CV, với tổng trị giá gần 20 tỷ đồng. Sau vài năm, anh Hiền đã trả nợ được khoảng 2 tỷ đồng cho ngân hàng. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, vì nhiều nguyên nhân, tàu 67 của anh Hiền hoạt động hiệu quả thấp, càng đi biển càng thua lỗ.
 
Anh Hiền cho biết: “Tàu cá của tôi có 9-10 lao động; chi phí mỗi chuyến đi biển hết khoảng 500 triệu đồng. Những năm đầu khai thác, tàu cá có lợi nhuận, tôi có tiền trả cho ngân hàng. Nhưng mấy năm trở lại đây, giá xăng dầu tăng, ngư trường khai thác bị thu hẹp, tàu cá của tôi hoạt động chỉ đủ trả tiền lãi vay. Từ mùa biển tháng 7 năm ngoái đến nay thì quá khó khăn, tàu cá đã thua lỗ gần 1 tỷ đồng, tôi cũng không biết bám trụ được với biển đến khi nào”.
 
Chủ tịch UBND xã Đức Trạch Hồ Thị Hoa cho hay: “Hai năm trở lại đây, đánh bắt hải sản gặp nhiều khó khăn, tình trạng mất mùa kéo dài do ngư trường thu hẹp, các ngư trường lớn đang bị cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản. Bên cạnh đó, chi phí bảo dưỡng tàu tương đối nhiều, giá dầu, lương thực, vật tư đi biển tăng cao… Chính quyền xã mong muốn nhà nước sẽ có các chính sách kịp thời để hỗ trợ cho các chủ tàu sớm vượt qua khó khăn”.
 
Đề xuất giải pháp tháo gỡ
 
Theo quy định tại Nghị định 67, chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp. Thời hạn vay là 11 năm (trong đó, năm đầu tiên, chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc, Ngân sách Nhà nước cấp bù số lãi vay của chủ tàu cho các ngân hàng thương mại) và lãi suất chủ tàu phải trả thấp nhất là 1%/năm, cao nhất là 3%/năm. Sau gần 8 năm triển khai, bên cạnh một số tàu cá làm ăn hiệu quả thì đa số các tàu 67 trên địa bàn huyện Bố Trạch hoạt động kém hiệu quả, nợ nần chồng chất, phía ngân hàng ôm khoản nợ xấu khó đòi.
 
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Bố Trạch, toàn huyện có 29 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67, gồm: 23 tàu vỏ gỗ, 1 tàu vỏ composite, 5 tàu vỏ thép. Hiện, 3 tàu cá hoạt động hiệu quả, 1 tàu bị chìm, 2 tàu nằm bờ và 23 tàu hoạt động nhưng không có hiệu quả do thiếu lao động, thua lỗ. 
Một số tàu 67 trên địa bàn huyện Bố Trạch gặp khó khăn, phải nằm bờ.
Một số tàu 67 trên địa bàn huyện Bố Trạch gặp khó khăn, phải nằm bờ.
Trước những khó khăn phải đối mặt, chia sẻ với chúng tôi, anh Hồ Đăng Hiền mong muốn: “Nhà nước và các ngân hàng tạo điều kiện khoanh vốn để chúng tôi được tiếp tục bám biển sản xuất, nuôi sống gia đình. Bên cạnh đó, cần có giải pháp ổn định giá hải sản bán ra cho các tàu cá, bảo đảm quyền lợi của người sản xuất. Các ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện cho vay vốn để các chủ tàu có kinh phí tiếp tục đi biển, vừa duy trì việc khai thác hải sản vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo...”.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Thủy cho biết: “UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền cho các chủ tàu, người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của việc vay hỗ trợ đóng tàu 67, từ đó cố gắng tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, có tiền trả nợ cho ngân hàng. UBND huyện cũng đã kiến nghị với tỉnh, Trung ương xem xét, tăng thời gian cho vay từ 10 năm lên khoảng 20 năm; giảm lãi suất xuống ở mức phù hợp để các chủ tàu có điều kiện làm ăn, trả nợ dần. Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích các chủ tàu, ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển khai thác hải sản, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng, huyện đề nghị tăng mức hỗ trợ tiền dầu đối với tàu 67 từ 4 lên 6 chuyến dầu/năm, tạo điều kiện để các tàu hoạt động...”.
 
Để khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67, Bộ NN-PTNT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung các chính sách mới về phát triển thủy sản, trình Chính phủ. Cụ thể, dự thảo sẽ điều chỉnh thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ… để ngư dân tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro vì nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, nhằm tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp tục hoạt động sản xuất, trả nợ vốn vay. Theo dự thảo, các ngân hàng thương mại xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với số lần không hạn chế nhưng tổng thời gian các lần gia hạn nợ không quá 1/3 thời gian cho vay ban đầu khi ký hợp đồng tín dụng…

Lê Mai

 

tin liên quan

Về Ba Đồn xem hội vật đầu xuân

(QBĐT) - Diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm, hội vật TX. Ba Đồn độc đáo với những giá trị truyền thống và nhân văn đặc sắc, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân địa phương. 

Trong "ánh chớp lửa đạn"

(QBĐT) - "Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn" là cuốn sách ảnh của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng do NXB Thông tấn ấn hành.

Chuyện kể dưới bóng rừng "thường xanh" - Bài 2: "Khu rừng hy vọng"

(QBĐT) - Đó là cái tên trìu mến mà những nhà khoa học gọi Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong. Đến thời điểm này, Động Châu-Khe Nước Trong đã từng bước trở thành địa chỉ du lịch thú vị của nhiều du khách bởi những khám phá, trải nghiệm mới mẻ. Không chỉ thắp lên niềm tin trong hành trình bảo tồn, phát huy bền vững những giá trị của Động Châu-Khe Nước Trong, đây còn là điểm kết nối quan trọng trong "bản đồ" du lịch phía Nam của tỉnh, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế mũi nhọn đồng thời mang lại khởi sắc mới cho đời sống người dân trong khu vực.