Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Trăn trở cùng Dốc Mây

  • 07:07 | Thứ Bảy, 13/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dốc Mây là một bản của đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã miền núi Trường Sơn (Quảng Ninh) nằm sát biên giới Việt-Lào. Năm 2005, tôi có chuyến công tác đầu tiên đến Dốc Mây, sau đó thêm nhiều lần ghé thăm vào các năm 2009, 2017 và mới đây nhất, tháng 4/2023. Tính từ lần đầu tới hiện tại, thời gian gần 20 năm, đủ cho một thế hệ người Dốc Mây trưởng thành, tạo ra những đổi thay. Thế nhưng, thực tế đời sống dân sinh của bản vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn: Nghèo! Ai từng đặt chân đến Dốc Mây, khi xuôi về đồng bằng, tâm tư chất chứa đầy nỗi niềm.
 
Vòng luẩn quẩn
 
Xã Trường Sơn có diện tích trên 783km2, dân cư sinh sống tại 19 thôn bản, trong đó 15 bản dân tộc Bru-Vân Kiều. So với các bản khác, Dốc Mây biệt lập hơn. Các cốt vật chất giúp đời sống đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi như đường giao thông, điện sáng, sóng điện thoại, nước sạch... Dốc Mây chưa có.
 
Năm 2017, khi trò chuyện với già làng Hồ Hưng, ông khẳng định với tôi, bản Dốc Mây hình thành từ năm 1969, ban đầu chỉ có 4 hộ gia đình. Đến năm 1986, Dốc Mây mới chính thức trở thành đơn vị hành chính thuộc xã Trường Sơn. Hiện tại, bản là nơi sinh sống của 25 hộ dân, khoảng 150 nhân khẩu.
 
Để đến được Dốc Mây phải theo hai cách. Thứ nhất, vào bản Trung Sơn, đi bộ vượt qua bản L.A, bám lối mòn xuyên giữa rừng, qua các địa danh: Dốc Biệt Kích, Cổng Trời, ngã ba Tự Do, dốc Táu, dốc Sơn Gù... Đồng bào bản địa xuyên rừng mất khoảng 5 giờ đồng hồ, những ai lần đầu tiên đi Dốc Mây, chí ít cũng cần từ 6-7 giờ.
 
Thứ hai, từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, ngồi phương tiện cơ giới đến bản Rìn Rìn, sau đó qua Cổng Trời, đến ngã ba Tự Do rồi nhập vào lối đi chung. Mùa hè, lối mòn độc đạo từ bản Rìn Rìn vào Dốc Mây có thể cơ động bằng xe máy, ai rành lộ trình mất 1 giờ đồng hồ, ai chưa quen mất khoảng 2 giờ.
Để có gạo ăn, đồng bào phải mất thời gian gần một ngày đi “cõng” gạo.
Để có gạo ăn, đồng bào phải mất thời gian gần một ngày đi “cõng” gạo.
 
Sở dĩ tôi nhắc lại từng con đường vào bản Dốc Mây để bạn đọc hình dung hết sự khó khăn, xa xôi, cách trở mà đồng bào Bru-Vân Kiều nơi đây đối mặt, không phải ngày một, ngày hai mà dài... hơn 50 năm kể từ ngày hình thành bản. Chính sự cách trở về địa lý, giao thông khiến các thế hệ đồng bào nối tiếp nhau vẫn không thoát khỏi vòng luẩn quẩn, nghèo vẫn hoàn nghèo.
 
Đi từ đầu bản đến cuối bản Dốc Mây, trong từng ngôi nhà sàn cũ kỹ là những gương mặt đồng bào nhàu nhàu, khó lột tả nhưng chung một đặc điểm... ngồi nơi bậc cầu thang, day mặt ra khoảng sân rộng lô nhô đá giữa bản. Hỏi đồng bào: “Còn gạo để ăn không?”. Tất cả đều chung câu trả lời: “Ơ... hết rồi!”. Hỏi: “Vì răng lại hết gạo ăn?”.
 
Hồ Văn Dụng bảo: “Mấy năm trước bà con còn làm rẫy được, bảo đảm lương thực vài tháng, thêm gạo Nhà nước hỗ trợ, cái bụng đồng bào không đói. Khi Nhà nước có chủ trương đóng cửa rừng, bà con không có đất làm rẫy, thiếu ăn là tất nhiên thôi”. Già làng Hồ Lay buồn buồn cho hay: “Bà con hết cái ăn rồi. Chẳng biết làm chi để đủ ăn ngoài trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Lo cái ăn hàng ngày chưa xong, nói chi đến thoát nghèo. Bản Dốc Mây vì thế không mấy thay đổi so với trước”.
 
Hồ Thị Bưởi, Trưởng ban công tác Mặt trận bản Dốc Mây lo âu: “Bà con thiếu nhiều lắm, trước mắt là gạo, nước sinh hoạt, tiền hỗ trợ sửa chữa nhà cửa. Về lâu dài là đường giao thông vào bản”. “Người Bru-Vân Kiều ở Dốc Mây bám bản hơn năm chục năm rồi, không ai muốn bỏ bản mà đi. Nên mong Đảng, Nhà nước quan tâm giúp bà con có một con đường. Có đường, chắc chắn Dốc Mây sẽ dần ổn định”, già làng Hồ Lay khẳng định.
 
Làm gì cho Dốc Mây?
 
Hôm tôi lên bản, UBND xã Trường Sơn phối hợp với một số nhà hảo tâm hỗ trợ cho đồng bào Bru-Vân Kiều ở Dốc Mây mỗi hộ 40kg gạo. Để hạt gạo đến được bản Dốc Mây, bà con dân bản phải cắt rừng ra bản Trung Sơn để nhận. Hành trình gùi gạo tính cả đi và về mất gần trọn ngày. Mỗi lần gùi, người khỏe “cõng” được 30kg, người yếu “cõng” chỉ 10kg.
 
Có thể khẳng định rằng, gạo hỗ trợ cho 150 nhân khẩu bản Dốc Mây không bao giờ thiếu, nhưng hành trình “cõng” gạo quá gian nan, vất vả. Đây cũng chính là vòng luẩn quẩn mà đồng bào chưa thể thoát ra... vì công việc chính quanh năm chỉ mỗi việc đi gùi gạo.
Tài sản quý giá nhất của bản Dốc Mây là đàn bò khoảng 50 con.
Tài sản quý giá nhất của bản Dốc Mây là đàn bò khoảng 50 con.

Trưởng bản Đinh Xi khẳng định: “Gùi gạo, dù gian nan, vất vả, nhưng bà con ưng cái bụng. Còn việc tự nguyện ra định cư ở bản mới gần trung tâm xã hơn, đồng bào không muốn”.

Bí thư Đảng ủy xã Trường Sơn Nguyễn Văn Nhì cho biết: “Trong quy hoạch tổng thể của xã và chủ trương của Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQVN xã đều thống nhất vận động đồng bào bản Dốc Mây di dời. Xã Trường Sơn đã khảo sát khu vực giáp bản Rìn Rìn để làm khu tái định cư cho bà con nhưng bà con không chịu rời bản. Còn để đầu tư làm một con đường nối từ bản Rìn Rìn đến Dốc Mây thì vượt quá tầm của xã”.

Không thể vận động đồng bào Bru-Vân Kiều Dốc Mây di dời ra nơi ở mới, thiếu nguồn đầu tư làm đường giao thông, giải pháp trước mắt UBND xã Trường Sơn lựa chọn giúp đồng bào là cân đối nguồn ngân sách xã, vận động thêm nguồn lực xã hội hóa bảo đảm lương thực cho bà con, kiên quyết không để bất kỳ một hộ dân Dốc Mây nào bị hết gạo ăn.
 
Về hỗ trợ sinh kế lâu dài và giảm dần tâm lý trông chờ, ỷ lại của đồng bào Bru-Vân Kiều ở Dốc Mây, UBND xã Trường Sơn xúc tiến làm việc với Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại khảo sát, bóc tách khoảng 95ha đất rừng khu vực xung quanh bản Dốc Mây giao cho bà con làm lúa rẫy.
 
“Chủ trương này được lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại rất đồng thuận, tuy nhiên quy trình, thủ tục phải qua nhiều bước nên trong năm 2023 này vẫn chưa thể có đất sản xuất giao cho bà con”, Bí thư Đảng ủy xã Trường Sơn Nguyễn Văn Nhì nhận định.
 
Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Phạm Trung Đông chia sẻ: Chúng tôi trăn trở rất nhiều đối với cuộc sống khó khăn hiện tại của đồng bào Bru-Vân Kiều ở Dốc Mây. Ngoài hỗ trợ từ xã Trường Sơn, UBND huyện bảo đảm thêm từ 20-25 triệu đồng/tháng mua gạo giúp bà con, kiên quyết không để một hộ dân nào thiếu ăn. Riêng đầu tư đường giao thông vào Dốc Mây từ bản Rìn Rìn, qua khảo sát chiều dài toàn tuyến khoảng 10km, kinh phí trên 40 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí lớn như vậy, rất khó có thể thực hiện ngày một, ngày hai.
                                                                                                                    Ngô Thanh Long

tin liên quan