Minh Hóa: Giữ rừng mùa nắng gắt

  • 14:56 | Thứ Tư, 31/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Liên tiếp các đợt nắng gắt, kéo dài của mùa khô năm 2023 đã và đang diễn ra tại địa bàn toàn tỉnh nói chung, huyện Minh Hóa nói riêng khiến cho nhiều diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng kinh tế đứng trước nguy cơ bị cháy, rất đáng lo ngại. Trước nguy cơ đó, chính quyền địa phương, chủ rừng, các ban, ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng Kiểm lâm huyện Minh Hóa đang "căng mình" triển khai nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) để bảo vệ cho các cánh rừng được an toàn, vẹn nguyên trước các đợt nắng gắt...
 
Huyện Minh Hóa hiện có tổng diện tích tự nhiên trên 139.000ha. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp của toàn huyện gần 128.000ha (chiếm 91,61% tổng diện tích tự nhiên); trong đó, diện tích có rừng khoảng 109.172ha, diện tích chưa thành rừng hơn 18.500ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 78,33%.
 
Với đặc điểm có đường biên giới giáp nước bạn Lào trên 84km, địa hình rộng, rừng núi hiểm trở nên công tác PCCCR ở huyện Minh Hóa gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Để khắc phục những khó khăn trong công tác PCCCR, ngay từ đầu mùa khô năm 2023, Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa đã chủ động tham mưu UBND huyện ban hành Công văn số 23/UBND-KL, ngày 11/1/2023 về việc thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy rừng trước mùa khô.
 
Hạt Kiểm lâm huyện cũng chỉ đạo các trạm Kiểm lâm, tổ Kiểm lâm cơ động và PCCCR, Kiểm lâm địa bàn triển khai thực hiện tốt công tác BVR, PCCCR khi bước vào mùa khô; tích cực tham mưu UBND cấp xã hướng dẫn, đôn đốc các chủ rừng tăng cường thực hiện nhiều biện pháp PCCCR trước và trong mùa khô năm 2023... 
Lực lượng Kiểm lâm huyện Minh Hóa tuần tra rừng trong mùa nắng gắt năm 2023.
Lực lượng Kiểm lâm huyện Minh Hóa tuần tra rừng trong mùa nắng gắt năm 2023.
Dưới cái nắng gắt như thiêu đốt của những ngày hè đầu tháng 5/2023, chúng tôi theo đội tuần tra rừng. Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm xã Thượng Hóa Trần An Chung cho biết: Tổng diện tích được quy hoạch lâm nghiệp của xã Thượng Hóa khoảng 34.000ha, trong đó diện tích có rừng là 33.063ha. Độ che phủ rừng trên địa bàn toàn xã đạt 92,8,%. Hiện nay, trên địa bàn xã Thượng Hóa có các chủ quản lý rừng, gồm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Đội sản xuất Minh Hóa, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và UBND xã Thượng Hóa. Toàn xã có 5 thôn, 4 bản với rất nhiều đồng bào dân tộc đang sinh sống. Đời sống của bà con khu vực này còn rất nhiều khó khăn, chủ yếu sống phụ thuộc vào rừng và thói quen làm nương rẫy, đây chính là những thách thức đối với công tác quản lý BVR, PCCCR trên địa bàn xã.
 
Bên cạnh làm tốt chức trách được giao, thời gian qua, trạm chúng tôi đã tích cực tham mưu cho UBND xã Thượng Hóa làm tốt công tác quản lý BVR, phát triển rừng và PCCCR; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng Kiểm lâm địa bàn, dân quân tự vệ và Công an xã; chủ động quán triệt phương châm "4 tại chỗ" và lấy chủ động phòng ngừa là chính, chữa cháy phải kịp thời, có hiệu quả; kiên quyết ngăn chặn tình trạng phát, đốt rừng làm nương rẫy, phá rừng lấy đất sản xuất và trồng rừng sai quy định...
 
"Đến nay, huyện Minh Hóa đã thành lập đoàn kiểm tra về công tác PCCCR cấp huyện nhằm tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn các hành vi gây cháy rừng. Đặc biệt, huyện còn đẩy mạnh tuyên truyền nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của chủ rừng, người dân địa phương trong công tác PCCCR, coi đây là trách nhiệm của mỗi người dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra...", Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa Nguyễn Công Chung cho biết thêm.
Ông Nguyễn Công Chung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa cho biết, căn cứ vào những thông tin dự báo thời tiết, chúng tôi nhận định tình hình mùa khô năm 2023 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp như nắng nóng, hanh khô có thể kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn.
 
Do đó, hạt đã tham mưu UBND huyện xác định được vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao để triển khai các giải pháp ứng phó trong mùa khô hiệu quả. Cụ thể, huyện Minh Hóa xác định vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao là khu vực trồng thông nhựa từ nguồn vốn dự án 661 còn lại tại 2 xã Hồng Hóa, Yên Hóa, với tổng diện tích hơn 50ha. Đây là khu vực có lượng thực bì tương đối lớn, qua nhiều năm chưa được xử lý triệt để nên nguy cơ cháy rừng rất cao.
 
Trên cơ sở xác định được vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, Hạt Kiểm lâm huyện đã hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp, như: Tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCCCR; kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện vệ sinh rừng, phát dọn thực bì, xử lý an toàn vật liệu cháy trong rừng bằng biện pháp đốt trước có điều khiển hoặc di dời vật liệu cháy ra khỏi rừng; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra theo phương châm "4 tại chỗ"; tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác lửa rừng ở vùng trọng điểm, phát hiện sớm điểm cháy để kịp thời dập tắt ngay khi điểm cháy mới phát sinh; duy trì chế độ trực chỉ huy và thường trực PCCCR 24/24 giờ trong những ngày nắng nóng cao điểm dễ xảy ra cháy rừng...
 
Để ngăn chặn hiệu quả nguy cơ cháy rừng, ngay từ đầu năm 2023, huyện Minh Hóa đã đẩy mạnh chỉ đạo các lực lượng chức năng, chủ rừng tăng cường thực hiện công tác vệ sinh rừng, phát dọn và xử lý thực bì dưới tán rừng, dọn các vật liệu cháy trên một số đường băng cản lửa. Nhờ vậy, rất nhiều diện tích rừng trồng kinh tế tại các xã, thị trấn đã được xử lý thực bì, dọn vật liệu cháy dưới tán rừng đạt khoảng 74,4%, nơi cao như Dân Hóa, Trọng Hóa, Xuân Hóa đạt trên 80%. Hiện nay, toàn huyện Minh Hóa xây dựng được 9,3km đường băng cản lửa; lắp đặt 250 bảng tuyên truyền và biển cấm lửa; thành lập, kiện toàn 20 Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững cấp huyện, xã, đơn vị chủ rừng với số lượng 445 người và 148 tổ, đội BVR, xung kích PCCCR với 1.308 lượt người tham gia...
 
Văn Minh

tin liên quan

Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

(QBĐT) - Sau khi rời quân ngũ, những cựu chiến binh đã mạnh dạn chinh phục, biến những vùng đất hoang hóa, khô cằn sỏi đá... thành những mô hình kinh tế hiệu quả.

15 sản phẩm OCOP hết hạn công nhận

(QBĐT) - Hiện nay, toàn tỉnh có 15 sản phẩm OCOP 3 sao bị rút sao, nguyên nhân là do đã hết hạn công nhận.

Kỳ vọng OCOP - Bài 2: Gập ghềnh giữ sao và nâng sao OCOP

(QBĐT)  - Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" được triển khai đã tạo ra những sản phẩm đặc trưng cho nhiều địa phương. Để chứng minh chất lượng, các SP OCOP đã không ngừng được cải tiến trong khâu sản xuất, chế biến, đóng gói nhằm tạo sức hút, để không phải đối mặt với nguy cơ "tụt hạng" và đích đến là nâng tầm chất lượng SP với người tiêu dùng.