Kỳ vọng OCOP

Bài 3: Để OCOP đứng vững trên thị trường

  • 05:54 | Thứ Năm, 01/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với hàng chục sản phẩm (SP) được công nhận qua hàng năm, trong đó có nhiều SP đạt 4 sao, các SP OCOP trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao chất lượng, có chỗ đứng trên thị trường. Chương trình OCOP đã mở ra một hướng đi đúng trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Tuy nhiên, để khẳng định được thương hiệu SP và "hút" khách, OCOP của Quảng Bình còn nhiều điều phải làm.
 
 
OCOP ngày càng nhiều
 
OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực của từng địa phương, qua đó không chỉ góp phần quảng bá SP mà còn bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong từng nhóm SP đặc thù.
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm cho biết, với mục tiêu tạo đột phá trong chương trình OCOP, những năm qua, các cấp, ngành liên quan đã tích cực khơi dậy sự sáng tạo của người dân trong phát triển SP, từ đó ngày càng có nhiều SP thế mạnh của địa phương tham gia OCOP. Mặt khác, các ban, ngành, địa phương đã tiếp tục xây dựng hệ thống hỗ trợ phát triển và thương mại hóa SP OCOP bảo đảm đồng bộ, hiện đại và hoạt động bài bản. Mục tiêu cụ thể là nâng tầm giá trị cho SP OCOP tại thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng bền vững.
 
Mới đây, ngày 9/5, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận kết quả đánh giá, phân hạng SP OCOP cấp tỉnh thuộc chương trình "mỗi xã một sản phẩm" năm 2022. Theo đó, có 15 SP của các địa phương trong tỉnh được công nhận OCOP 4 sao; trong đó, Lệ Thủy có 4 SP, Quảng Ninh 3 SP, Bố Trạch 3 SP, Quảng Trạch 3 SP và TP. Đồng Hới 2 SP. Phân theo nhóm SP, có 12 SP thuộc nhóm thực phẩm (chiếm 80%); 1 SP nhóm đồ uống (chiếm 6,7%); 1 SP nhóm thủ công mỹ nghệ (chiếm 6,7%) và 1 SP nhóm thảo dược.
 
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Mai Xuân Hạp cho biết: Để có 15 SP OCOP 4 sao được công nhận đợt này là cả một sự nỗ lực lớn của các tổ chức, cá nhân liên quan, tuy nhiên, đây chưa phải là đại diện cho SP OCOP của Quảng Bình. Trong thời gian tới, với sự đầu tư của các tổ chức, cá nhân, sự hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan, chắc chắn tỉnh sẽ có thêm nhiều SP OCOP đặc sắc khác được thị trường ưa chuộng.
Sản phẩm cà gai leo của HTX Sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm (Bố Trạch) vừa được công nhận đạt OCOP 4 sao.
Sản phẩm cà gai leo của HTX Sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm (Bố Trạch) vừa được công nhận đạt OCOP 4 sao.
Đa dạng sản phẩm
 
Thông tin từ Sở NN-PTNT cho hay, nếu như năm 2022 toàn tỉnh có 94 SP OCOP thì hiện tại con số này đã lên đến trên 150 SP, trong đó có 20 SP đạt 4 sao. Trừ huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa, hầu hết các huyện đều có SP đạt 4 sao, trong đó, dẫn đầu là huyện Bố Trạch với 6 SP, Lệ Thủy và Quảng Ninh đều có 4 SP.
 
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục PTNT cho hay, mục tiêu của tỉnh đề ra là phấn đấu đến năm 2025 tổ chức đánh giá, phân hạng thêm 65-70 SP, trong đó phấn đấu từ 1-3 SP đạt 5 sao, 3-5 SP đạt 4 sao, 45-50 SP đạt 3 sao; phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 20% là các doanh nghiệp; toàn tỉnh có 1 điểm bán hàng, giới thiệu SP OCOP cấp tỉnh và mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 điểm bán hàng, giới thiệu SP OCOP cấp huyện.
 
"Đến thời điểm này, trừ chỉ tiêu SP OCOP 5 sao là chưa đạt được, còn các chỉ tiêu khác thì tỉnh đã đạt và vượt. Từ nay đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có được ít nhất 1 SP đạt OCOP 5 sao-đây là tiêu chuẩn rất khó bởi SP đạt tiêu chuẩn 5 sao phải có hợp đồng xuất khẩu ra nước ngoài theo đường chính ngạch", ông Tuấn cho biết.
 
Một trong những hướng đi hiện nay của các tổ chức, cá nhân khi xây dựng SP OCOP là chọn các SP truyền thống của các vùng quê để phát triển lên. Nhờ đó mà ngay thời gian đầu thực hiện chương trình OCOP, các địa phương đã nhanh chóng "trình làng" các SP, như: Khoai deo, nước mắm, mật ong, bánh tráng... Bên cạnh đó, hàng chục SP OCOP mới đã được phát triển trên cơ sở các nghề mới được các tổ chức, cá nhân du nhập từ các nơi về địa phương, như: Chả lụa đà điểu, gà ủ muối thuốc bắc, sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ dừa...
 
Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn Đoàn Minh Thọ chia sẻ, SP từ các ngành nghề mới cùng với những SP của các nghề, làng nghề truyền thống, đặc sản vùng miền được đánh thức đã góp phần tạo ra sự đa dạng, phong phú cho OCOP, tạo thêm được việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Mặt khác, đã tích cực góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
 
Để OCOP đứng vững
 
Có thể nhận thấy rằng, các SP OCOP của Quảng Bình hầu hết là những SP nông nghiệp, được người nông dân trực tiếp sản xuất, tự tìm tòi, nâng cấp và phát triển thành SP OCOP với mong muốn SP có chỗ đứng trên thị trường, tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn.
 
Giám đốc Sở NN-PTNT Mai Văn Minh cho biết: Nói về số lượng thì hiện tại SP OCOP của Quảng Bình đã có khá nhiều nhưng để đứng vững trên thị trường thì vẫn phải tiếp tục cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, đồng thời chọn ra SP chủ lực để tăng quy mô và có chiến lược quảng bá phù hợp.
"Cần phải chú ý xây dựng vùng nguyên liệu để mở rộng quy mô sản xuất, nhất là đối với các mặt hàng chủ lực. Chất lượng SP OCOP của Quảng Bình không hề thua kém các địa phương trong cả nước, nhưng sản lượng thường ít, mẫu mã, bao bì còn thiếu hấp dẫn nên phải đặc biệt quan tâm vấn đề này", Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Nam Long cho biết thêm.

Đồng quan điểm này, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Ngọc Quý cho biết: Hiện nay, số lượng SP OCOP của tỉnh đã đăng ký và được công nhận đạt 3 sao, 4 sao rất nhiều. Trên 150 SP chất lượng, giá cả rất tốt và được đánh giá cao, tuy nhiên sản lượng chưa được nhiều, đôi khi quảng cáo nhưng thiếu hàng để bán. Một yếu tố nữa cũng cần điều chỉnh là về thiết kế bao bì, mẫu mã sao cho phù hợp với mục tiêu phục vụ du lịch bởi đây là thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng cho các SP OCOP.

"Để phục vụ khách du lịch, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất SP OCOP cần điều chỉnh mẫu mã, làm theo set có túi, hộp để dễ xách, gửi đi mọi phương tiện. Về vấn đề này, các ngành, địa phương thời gian qua đã có sự quan tâm nhưng vẫn cần quan tâm hỗ trợ hơn nữa", ông Nguyễn Ngọc Quý chia sẻ.
 
Cùng trăn trở với việc tìm chỗ đứng cho SP OCOP của Quảng Bình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Nam Long cho rằng: Bên cạnh các SP là thực phẩm, cần quan tâm phát triển các SP là quà lưu niệm. Du khách, mà nhất là khách nước ngoài rất ưa chuộng các SP là quà lưu niệm mang đậm bản sắc, dấu ấn nơi họ đã đi qua.
 
Rõ ràng, để SP OCOP Quảng Bình tìm được thị trường và đứng vững trên thị trường trong thời gian tới, các chủ thể cần phải tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện SP, đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, nâng cao sản lượng và chất lượng SP. Bên cạnh đó, cần bố trí nguồn lực cho công tác tiếp thị, quảng bá SP, đặc biệt là các hoạt động kết nối, tiêu thụ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bán hàng qua mạng… để nâng cao khả năng tiếp thị SP thông qua các hoạt động tìm kiếm, mở rộng thị trường.
 
Đồng thời, tập trung đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết phát triển vùng nguyên liệu, tạo thành các chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Nghiên cứu hoàn thiện bao bì, nhãn mác SP, quan tâm, xây dựng và hoàn thiện các chứng nhận chỉ tiêu liên quan đáp ứng cho thị trường xuất khẩu, hướng đến các tiêu chí cao hơn để SP đạt OCOP 5 sao.
Nhóm P.V Kinh tế

tin liên quan

Minh Hóa: Giữ rừng mùa nắng gắt

(QBĐT) - Liên tiếp các đợt nắng gắt, kéo dài của mùa khô năm 2023 đã và đang diễn ra tại địa bàn toàn tỉnh nói chung, huyện Minh Hóa nói riêng khiến cho nhiều diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng kinh tế đứng trước nguy cơ bị cháy, rất đáng lo ngại. 
 

Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

(QBĐT) - Sau khi rời quân ngũ, những cựu chiến binh đã mạnh dạn chinh phục, biến những vùng đất hoang hóa, khô cằn sỏi đá... thành những mô hình kinh tế hiệu quả.

15 sản phẩm OCOP hết hạn công nhận

(QBĐT) - Hiện nay, toàn tỉnh có 15 sản phẩm OCOP 3 sao bị rút sao, nguyên nhân là do đã hết hạn công nhận.