Mùa lúa mới ở Rục Làn

  • 06:04 | Thứ Ba, 06/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thêm một mùa lúa mới đang về trên cánh đồng Rục Làn của xã Thượng Hóa (Minh Hóa) trong những ngày nắng gắt đầu tháng 6/2023 trong niềm vui khó tả của tình quân dân mật thiết nơi miền biên viễn.
 
Và cứ hễ có thêm một mùa lúa mới, đồng bào Rục nói chung và tại bản Mò O Ồ Ồ của xã Thượng Hóa nói riêng lại tích lũy thêm được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm bổ ích trong lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Đồng bào Rục ở bản Mò O Ồ Ồ thu hoạch lúa vụ đông-xuân.
Đồng bào Rục ở bản Mò O Ồ Ồ thu hoạch lúa vụ đông-xuân.
Trên cánh đồng lúa Rục Làn, trung tá Phạm Xuân Ninh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cà Xèng nhớ lại: "Nhằm giúp người Rục ổn định sinh kế, giảm bớt sự phụ thuộc vào sản vật tự nhiên của núi rừng, sự hỗ trợ của Nhà nước và các đơn vị, cá nhân hảo tâm, năm 2010, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh quyết định hỗ trợ đồng bào Rục tại 3 bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ của xã Thượng Hóa xây dựng mô hình lúa nước với tổng diện tích 10ha. Từ một vùng đất nhấp nhô lắm sỏi đá, nhiều dây leo, cây bụi, nguồn nước khan hiếm... các cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đã "biến" khu đất hoang hóa, nghèo kiệt này thành cánh đồng Rục Làn bằng phẳng, phì nhiêu, có hệ thống kênh mương tưới tiêu chủ động để có thể sản xuất 2 vụ lúa nước/năm. Ngay từ mùa vụ đầu tiên, mình vinh dự được BĐBP tỉnh và Đồn BP Cà Xèng tin tưởng giao trách nhiệm giúp đỡ, hướng dẫn đồng bào Rục cách canh tác lúa nước. Trong 13 năm (bắt đầu từ năm 2010) chính thức đưa cánh đồng Rục Làn vào sử dụng, riêng bản thân tôi đã có 7 năm gắn bó với cánh đồng này...".
 
Trung tá Phạm Xuân Ninh cho biết thêm: Thời điểm mới đưa cánh đồng Rục Làn vào sử dụng, BĐBP tỉnh đã tổ chức cho 300 nhân khẩu tại 3 bản nói trên tiến hành bốc thăm vị trí ruộng để canh tác, bình quân mỗi nhân khẩu đều được chia từ 160-170 mét vuông đất ruộng.
 
Ở những vụ mùa đầu tiên, do chưa có kiến thức về canh tác lúa nước nên hầu như toàn bộ các hộ có ruộng đều đứng trên bờ, chăm chăm nhìn bộ đội làm giúp tất tần tật các khâu từ làm đất, ngâm ủ giống, gieo sạ, chăm sóc, tưới tiêu, thu hoạch... Diện tích lớn, bà con người Rục đông, nhưng hầu như chỉ có bộ đội tự tay làm hết, còn đồng bào thì... đứng nhìn vì chưa biết làm.
Niềm vui từ những hạt gạo do chính tay người Rục ở bản Mò O Ồ Ồ làm nên.
Niềm vui từ những hạt gạo do chính tay người Rục ở bản Mò O Ồ Ồ làm nên.
Bước sang vụ mùa thứ hai, gần 1/2 diện tích ruộng lúa nước ở Rục làn buộc phải chuyển sang trồng cây ngô vì không thể bảo đảm được nguồn nước tưới chủ động. Điều này khiến cho đồng bào càng thêm "nghi ngờ" về tính hiệu quả của mô hình. Nhưng với quyết tâm cao của lực lượng BP, vừa làm vừa chú trọng "cầm tay chỉ việc", chúng tôi đã thành công trong việc chuyển giao các kiến thức canh tác lúa nước cho người Rục nơi đây.
 
Hiện nay, trình độ sản xuất lúa nước của bà con cơ bản đã sánh kịp với một số địa phương khác trong tỉnh...
 
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Mò O Ồ Ồ Cao Xuân Long phấn khởi: Nhờ sự giúp đỡ tận tình của các cấp chính quyền và trực tiếp là Đồn BP Cà Xèng nên cứ hễ có thêm một mùa lúa mới là người dân trong bản lại tích lũy được thêm nhiều kiến thức quý báu trong lao động sản xuất, đặc biệt là canh tác lúa nước. Bằng chứng là trong những mùa vụ gần đây, người dân bản Mò O Ồ Ồ đã học được cách điều khiển máy cày nhằm phục vụ khâu làm đất thay cho sức kéo của trâu, bò. Ngoài ra, dân bản còn học được cách vận hành máy bơm để tưới nước cho cây lúa và điều khiển được máy tuốt lúa.
 
Nét mới hiện nay là đồng bào bản Mò O Ồ Ồ đã biết tự ngâm ủ giống lúa, triển khai gieo trồng đúng lịch thời vụ; tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại cho lúa theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn; chú trọng làm cỏ cho đồng ruộng để lúa sinh trưởng tốt; luân phiên trao đổi ngày công với nhau trong canh tác mùa vụ lúa nước nhằm bảo đảm có được kết quả tốt nhất.
Đồng bào Rục ở bản Mò O Ồ Ồ thu hoạch lúa vụ đông-xuân.
Đồng bào Rục ở bản Mò O Ồ Ồ thu hoạch lúa vụ đông-xuân.
Ở những vụ lúa nước gần đây, bà con bản Mò O Ồ Ồ còn biết tận dụng các loại phân chuồng từ lợn, trâu, bò... để bón cho đồng ruộng, giúp cây lúa nước phát triển tốt hơn, hạn chế sử dụng các loại hóa chất độc hại, giảm bớt tình trạng gia súc phóng uế bừa bãi xung quanh khu vực bản.
 
Từ việc trồng lúa nước, bà con nơi đây còn biết tận dụng nguồn rơm rạ để làm thức ăn bổ sung, dự trữ cho trâu, bò thời điểm mưa to, giá rét. Một số hộ còn biết tận dụng số lúa dư thừa để nuôi gà, ngan nhằm cải thiện đời sống...
 
Từ chỗ thiếu ăn nhiều tháng trong năm, nhờ học tập được cách thức canh tác lúa nước 2 vụ/năm, đến nay, đồng bào bản Mò O Ồ Ồ cơ bản đã tự túc được nguồn lương thực ổn định khoảng 10 tháng/năm, từ bỏ dần thói quen trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước.
 
Vụ đông-xuân năm 2022-2023, đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa (chủ yếu là người dân của bản Mò O Ồ Ồ) đã làm 5,2ha lúa nước. Nguồn giống được bố trí ở vụ mùa này là LTH 31 nhằm thay thế giống PC6 được sử dụng ổn định trước đây.
 
Đại diện Đồn BP Cà Xèng cho biết, nguyên do của việc chuyển đổi từ bộ giống lúa PC6 sang LTH 31 là vì loại giống này cho năng suất, chất lượng gạo ngon, thơm hơn, có khả năng chống chịu được thời tiết khắc nghiệt, ít bị sâu bệnh... Với sự hỗ trợ đắc lực của Đồn BP Cà Xèng, đầu tháng 6/2023, toàn bộ 5,2ha lúa nước ở cánh đồng Rục làn cơ bản được bà con người Rục thu hoạch xong, năng suất đạt khoảng 45-50 tạ/ha.
Đồng bào Rục ở bản Mò O Ồ Ồ thu hoạch lúa vụ đông-xuân.
Đồng bào Rục ở bản Mò O Ồ Ồ thu hoạch lúa vụ đông-xuân.
Có thể khẳng định, sau hơn 60 năm rời hang đá, từ bỏ lối sống du cư để định cư ổn định nơi dãy núi Trường Sơn, tròn 13 năm gần như "đoạn tuyệt" với thói quen du canh đốt rừng làm lúa rẫy, đến nay, đồng bào Rục ở bản Mò O Ồ Ồ đã thực sự từ bỏ nhiều thói quen, phong tục, tập quán lạc hậu trong lao động sản xuất nhằm chuyển sang chuyên canh trồng lúa nước mỗi năm 2 vụ ổn định như bà con ở miền xuôi. Tin tưởng rằng, khi an ninh lương thực được bảo đảm, người Rục ở bản Mò O Ồ Ồ sẽ sớm hiện thực hóa được "giấc mơ" trở thành bản nông thôn mới trong giai đoạn 2020-2025, đúng như kỳ vọng của UBND huyện Minh Hóa đã tin tưởng, lựa chọn.
Văn Minh
 

tin liên quan

Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

(QBĐT) - Sau khi rời quân ngũ, những cựu chiến binh đã mạnh dạn chinh phục, biến những vùng đất hoang hóa, khô cằn sỏi đá... thành những mô hình kinh tế hiệu quả.

Minh Hóa: Giữ rừng mùa nắng gắt

(QBĐT) - Liên tiếp các đợt nắng gắt, kéo dài của mùa khô năm 2023 đã và đang diễn ra tại địa bàn toàn tỉnh nói chung, huyện Minh Hóa nói riêng khiến cho nhiều diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng kinh tế đứng trước nguy cơ bị cháy, rất đáng lo ngại. 
 

Kỳ vọng OCOP - Bài 2: Gập ghềnh giữ sao và nâng sao OCOP

(QBĐT)  - Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" được triển khai đã tạo ra những sản phẩm đặc trưng cho nhiều địa phương. Để chứng minh chất lượng, các SP OCOP đã không ngừng được cải tiến trong khâu sản xuất, chế biến, đóng gói nhằm tạo sức hút, để không phải đối mặt với nguy cơ "tụt hạng" và đích đến là nâng tầm chất lượng SP với người tiêu dùng.