icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nỗ lực chuyển đổi số: Vì một tương lai minh bạch, tiện lợi và thịnh vượng

  • 11:02 | Thứ Tư, 07/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chuyển đổi số (CĐS) là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Đây là quá trình đa dạng, không có con đường và hình mẫu chung cho tất cả. Vì vậy để thực hiện thành công CĐS đối với một địa phương còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, Quảng Bình đã nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ, áp dụng từ công tác lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, công tác điều hành, quản lý của chính quyền các cấp, thực hiện CĐS vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tập trung nâng cao nhận thức, ứng dụng công nghệ số cho mọi tầng lớp nhân dân để theo kịp xu hướng CĐS toàn cầu.
 
Với mục tiêu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung bộ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 31/3/2022 về CĐS tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột chính là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Theo đó, UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) cùng các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã triển khai cụ thể hóa các mục tiêu của nghị quyết vào chương trình hành động CĐS của mỗi địa phương, đơn vị.
 
Đến nay, 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố đã kiện toàn ban/tổ chỉ đạo CĐS do thủ trưởng cơ quan, đơn vị làm trưởng ban, 100% UBND cấp xã thành lập ban chỉ đạo, tổ triển khai CĐS; thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 4.067 thành viên tham gia để triển khai CĐS đến tận người dân.
 
Với quyết tâm thay đổi nhận thức, hành động từ người đứng đầu, các thành phần chủ chốt để thay đổi cách thức chỉ đạo, điều hành, làm việc trên môi trường số, tập trung phát triển nhân lực số nên “cuộc cách mạng CĐS” trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự đồng lòng, hưởng ứng mạnh mẽ với sự tham gia của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và người dân. Kết quả đạt được từ CĐS đã thực sự mang lại những lợi ích to lớn và rút ngắn khoảng cách, giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, tiếp cận toàn bộ thị trường kinh doanh, mua bán một cách nhanh chóng, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
Đối với phát triển chính quyền số phục vụ người dân, đến nay, Quảng Bình đã công khai 1.873 thủ tục hành chính với 811 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đạt tỷ lệ 99%. Trong đó tích hợp thành công 681 dịch vụ do tỉnh xây dựng lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 90%. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến của người dân đạt trên 55% và được cập nhật vào kho quản lý dữ liệu điện tử trên Cổng Dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh.
 
Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh liên thông 3 cấp chính quyền địa phương với bộ, ngành Trung ương, các địa phương khác và được tích hợp hệ thống theo dõi thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh. Tỷ lệ kết nối, gửi nhận văn bản điện tử 4 cấp chính quyền đạt 100%. Hồ sơ công việc xử lý trên môi trường mạng tại cơ quan cấp tỉnh đạt 95%, cấp huyện 88%, cấp xã 65%.
Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Quảng Bình
Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Quảng Bình
Bên cạnh đó, để phục vụ người dân tốt nhất, ngày 1/11/2022, Hệ thống phần mềm tiếp nhận và xử lý phản ánh hiện trường của tỉnh được triển khai thí điểm trên địa bàn TP. Đồng Hới để tiếp nhận phản ánh của người dân về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh trật tự, an toàn giao thông, xây dựng, dịch vụ, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh… đã góp phần đưa chính quyền xích lại với người dân hơn.
 
Nếu như trước đây người dân rất “ngại” phản ánh các vấn đề gặp phải trong cuộc sống vì không biết phải gửi đến ai, bằng cách nào, thì nay khi gặp vấn đề cần phản ánh, các tổ chức, cá nhân chỉ cần gửi đến Trung tâm Điều hành thông minh bằng nhiều hình thức khác nhau qua Cổng thông tin tương tác: https://tuongtac.quangbinh.gov.vn; ứng dụng di động (Android và IOS):  App QUANG BINH-S; hệ thống tổng đài: 0824561022.
 
Đặc biệt, thông qua ứng dụng di dộng phản ánh hiện trường (QUANG BINH-S), người dân có thể gửi các phản ánh về Trung tâm Điều hành thông minh kèm theo hình ảnh chụp và quay phim tại hiện trường. Ngay lập tức toàn bộ thông tin hình ảnh, nội dung, địa điểm phản ánh sẽ được trung tâm tiếp nhận, phân loại nội dung và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xử lý. Toàn bộ công tác xử lý phản ánh đều được công khai, qua đó người dân có thể giám sát, tương tác và đánh giá mức độ hài lòng đối với kết quả xử lý phản ánh của từng cơ quan, đơn vị.
 
Song song với phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số được tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai đến từng cơ quan chuyên ngành, lĩnh vực. Với mục tiêu tăng năng suất lao động hàng năm tối thiểu 6,5%; kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh với tỷ trọng kinh tế số các ngành trọng điểm, mũi nhọn đạt trên 25%, tỉnh đã tập trung chỉ đạo khảo sát hỗ trợ CĐS cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
 
Trong đó tập trung đẩy mạnh hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế; đẩy mạnh thực hiện Đề án “hỗ trợ truy xuất nguồn gốc xuất xứ đối với các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh Quảng Bình”; xúc tiến hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu trên môi trường internet thông qua kênh truyền thông marketing trên nền tảng số; triển khai dự án “Nâng cấp tính năng sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Bình”.
 
Đến nay đã có trên 130 doanh nghiệp thành viên đăng ký tham gia và được niêm yết trên sàn thương mại điện tử tỉnh quangbinhtrade.vn, với số lượng sản phẩm được chào bán trên sàn là 265 sản phẩm. Tất cả các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế trên địa bàn tỉnh đều thực hiện nộp thuế điện tử: 4.896/4.935 đạt 99.2%.
 
Trong thời gian tới, ngoài việc nâng cao trách nhiệm, vai trò, tạo lập niềm tin, sứ mệnh cho mỗi cơ quan, tổ chức tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số,tỉnh tập trung triển khai CĐS theo hướng toàn diện, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội gắn với khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, con người Quảng Bình.
 
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm giải bài toán CĐS một cách hiệu quả nhất để phục vụ người dân. Tập trung trang bị kỹ năng ứng dụng công nghệ số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng cho học sinh để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số. Chú trọng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh trên công nghệ số, internet và không gian mạng.
 
Với những nỗ lực trên cơ sở nghiên cứu quan điểm, định hướng, nội dung nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS chuyên ngành, lĩnh vực của bộ, ngành Trung ương và yêu cầu thực tiễn tại địa phương, tin rằng Quảng Bình sẽ sớm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ CĐS đặt ra trong nghị quyết của tỉnh, xây dựng chính quyền phục vụ người dân một cách minh bạch, tiện lợi và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong thời đại số và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
 
Thu Lan
(Sở Thông tin và Truyền thông)

tin liên quan

Trung Quốc phóng tàu Thần Châu-15, kết nối thành công với Thiên Cung

Đúng 23h08 theo giờ địa phương, tàu Thần Châu-15 đã được phóng từ trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở Tây Bắc Trung Quốc bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-2F.

Phát hiện mới về hệ thống hang động núi lửa Krông Nô ở Đắk Nông

Trong quá trình khảo sát hang C7, thuộc hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á, các chuyên gia đã phát hiện thêm một số nhánh mới khiến chiều dài hang C7 tăng lên đến hơn 1.240m.

Thuốc giảm đau có thể làm bệnh viêm khớp gối nặng thêm

Những bệnh nhân sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) trong 4 năm có tình trạng bệnh viêm màng hoạt dịch khớp nặng hơn, cũng như sụn yếu hơn so với nhóm "đối chứng" không dùng NSAID.